Chi tiết tin tức

Xây dựng hạnh phúc lý tưởng qua bài Kinh Điềm Lành

19:46:00 - 14/12/2023
(PGNĐ) -  Đức Phật đã chỉ dạy mọi người cách tạo ra điềm lành để mang đến một cuộc sống an lạc, hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội, một trong những bài pháp thoại đó là kinh Điềm Lành (Maṅgala sutta).

DẪN NHẬP
Trên thế gian con người thường gặp rất nhiều thống khổ bức bách nên ai cũng mong cầu đTược thoát khổ và hướng đến an vui. Thông thường những mong cầu đều không nằm ngoài việc tìm cầu an lạc ở hiện tại, an lạc ở đời sau và an lạc đưa đến sự thành tựu giải thoát.

Bởi ước muốn có được một cuộc sống bình an, hạnh phúc nên ai cũng mong gặp điềm lành và lo sợ đối diện những điềm dữ. Thông thường, người thế gian thường dựa vào giấc mơ hoặc các hiện tượng lạ xuất hiện xung quanh mình, sau đó, bằng kinh nghiệm, theo niềm tin, họ sẽ tìm cách giải mã, tiên đoán và đưa ra kết luận về điềm lành sắp xảy đến. Tuy nhiên, trên tinh thần nhân quả nghiệp báo, Phật giáo không chấp nhận quan điểm về điềm lành, điềm dữ của thế gian. Đức Phật cũng từng có điều cấm các Tỳ kheo không tham gia giải đoán các điềm lành – dữ giống như người thế tục. Đồng thời, qua những bài thuyết giảng của mình, Đức Phật đã chỉ dạy mọi người cách tạo ra điềm lành để mang đến một cuộc sống an lạc, hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội, một trong những bài pháp thoại đó là kinh Điềm Lành (Maṅgala sutta).

Qua nội dung bài kinh, chúng ta sẽ tìm hiểu về các phương pháp tạo ra điềm lành, cách đạt được sự an lạc, hạnh phúc trong đời sống hiện tại và vị lai, hướng đến một hạnh phúc lý tưởng theo lời Đức Phật dạy.

Bài kinh Điềm Lành như là một cẩm nang tu học, là bí quyết có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc của người Phật tử, từng phương pháp được Đức Phật thứ tự thuyết giảng qua 38 điềm lành trong mười một kệ là lộ trình tiến tu, xây dựng nền móng cho hạnh phúc tối thượng, nhằm xây dựng giới hạnh của con người, sống có phẩm chất đạo đức, có giới hạnh thanh tịnh để trở thành một người thánh thiện giữa cuộc đời.

1. ĐỊNH NGHĨA MANGALA
Maṅgala,  nghĩa là chuyện tốt lành, điều hay lẽ phải [1]. Ngài Sayadaw U Jotika định nghĩa Maṅgala “đó là các nguyên nhân, gốc rễ dẫn đến một cuộc sống thành công, để trở thành một người thành công”[2]. Như vậy, Maṅgala những nguyên tắc thực hành đưa đến sự an lành, hạnh phúc cho mỗi người.

Maṅgala cũng được cố Hòa thượng Thích Minh Châu dịch là điềm lành [3] tức những dấu hiệu của điều tốt đẹp, vui vẻ, hạnh phúc, phước lành. Từ điển tiếng Việt định nghĩa điềm lành là những dấu hiệu báo trước về một sự việc tốt đẹp xảy đến trong tương lai. Người xưa quan niệm “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang” nên nếu có một chú chó lạ chạy vào nhà nhất là vào những ngày đầu năm, đầu tháng thì đó được xem là dấu hiệu của may mắn, điềm lành sẽ mang lại niềm vui, sự phát tài cho gia đình trong thời gian tới. Ngược lại, nếu một con mèo lạ chạy vào nhà, người ta sẽ cho là điều không may, điềm xấu đưa đến sự hao tài, không tốt lành cho gia đình, từ đó gây tâm lý bất an, lo lắng, tạo cơ hội cho những kẻ mê tín dị đoan trục lợi.

Theo nhân sinh quan Phật giáo, khổ đau hay hạnh phúc trong đời đều bắt nguồn từ những suy nghĩ, lời nói, hành động của mỗi người qua thời gian tạo thành nghiệp, đó là nhân để đưa con người đến quả vui hoặc khổ trong tương là: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy, đây là sự kiện cần phải thường xuyên quán sát bởi nữ nhân hay nam nhân, bởi tại gia hay xuất gia”[4].

Từ những lời dạy của Đức Phật, chúng ta có thể rút ra được khái niệm điềm lành theo quan điểm xuất thế gian hoàn toàn dựa trên tinh thần của nhân quả, nghiệp báo. Nếu tạo nhân tốt bằng việc gieo những suy nghĩ, lời nói, hành động thiện lành thì đó chính là điềm lành, là dấu hiệu của y báo, chánh báo tốt đẹp sẽ đến với người hành thiện trong tương lai. Và ngược lại, nếu một người chỉ biết gieo trồng nhân xấu như sát sanh, trộm cướp, tạo các ác bất thiện pháp đó chính là điềm xấu, điềm dữ báo hiệu những điều người đó gặp phải sẽ không tốt đẹp, không may mắn bởi các ác nghiệp đã tạo tác. Theo đó, con người chủ động trong việc tạo ra các điềm lành dữ trong cuộc sống của mình, quyết định hạnh phúc, khổ đau, may mắn, bất hạnh trong đời từ việc gieo trồng hạt giống thiện hay bất thiện trong hiện tại. Hơn nữa, quan niệm điềm lành của thế gian chỉ giới hạn ở những niềm vui, thành đạt, hạnh phúc tạm bợ của cuộc đời xoay quanh lợi danh, được mất… trong một đoạn thời gian hữu hạn của cuộc đời. Còn với Phật giáo, điềm lành không chỉ mang đến hạnh phúc an vui cho hiện tại mà cả vị lai và điềm lành này không phụ thuộc vào bất kỳ điều kiện bên ngoài nào nên những điềm lành theo Đạo Phật khi gieo trồng nhân tốt là những điềm lành tối thượng.

Trên tinh thần nhân quả nghiệp báo, Phật giáo không chấp nhận quan điểm về điềm lành, điềm dữ của thế gian. Đức Phật cũng từng có điều cấm các Tỳ kheo không tham gia giải đoán các điềm lành – dữ giống như người thế tục. Đồng thời, qua những bài thuyết giảng của mình, Đức Phật đã chỉ dạy mọi người cách tạo ra điềm lành để mang đến một cuộc sống an lạc, hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội, một trong những bài pháp thoại đó là kinh Điềm Lành (Maṅgala sutta)

NỘI DUNG KINH ĐIỀM LÀNH
Kinh Điềm Lành (Maṅgala Sutta) còn có tên là kinh Phước Đức hay kinh Hạnh Phúc, là bài kinh số 5 trong Tiểu Tụng (Khuddakapātha), thuộc Tiểu Bộ kinh (Khuddhaka Nikāya) được Đức Phật giảng dạy tại Jetavana, Sāvatthi. Nội dung bài kinh nói về nếp sống đạo đức mà một người cần phải thực tập hằng ngày, để có được hạnh phúc, an lạc. Có tất cả 38 điều được Đức Phật dạy trong bài kinh Maṅgala.

Không chỉ là điều mong ước của loài người, điềm lành còn là sự mong ước của cả chư Thiên về một nếp sống an lành và hạnh phúc. Mở đầu bài kinh một vị Thiên tử đã đại diện cho tất cả chư thiên và loài người thỉnh Phật giảng dạy về cách làm thế nào để đạt được hạnh phúc, điềm lành tối thượng: “Bahū devā manussā ca, Maṅgalāni acintayuṃ, Ākaṅkhamānā soṭṭhānaṃ, Brūhi maṅgalam’uttamaṃ”.  “Nhiều thiên tử và người/ Suy nghĩ đến điềm lành/ Mong ước và đợi chờ/ Một nếp sống an toàn/ Xin Ngài hãy nói lên/ Về điềm lành tối thượng”[5].  Hạnh phúc, an lạc đó là một ước vọng rất chính đáng, nhưng để có thể gặt hái được điềm lành như thế, phải bắt đầu bằng việc tạo tác thiện duyên tốt lành để quả lành theo đó mà sinh khởi. Từ lời thưa hỏi của vị thiên tử, Đức Phật đã thứ tự giảng dạy về các điềm lành tối thượng.

Thân cận bậc hiền trí
Đầu tiên đó là sự cẩn trọng trong giao tiếp, kết bạn. Đức Phật dạy: “Asevanā ca bālānaṃ, Paṇḍitānañca sevanā, Pūjā ca pūjanīyānaṃ, Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ.” Trong các mối quan hệ xã hội, Đức Phật khuyên chúng ta “Không thân cận kẻ ngu, nhưng gần gũi bậc trí, đảnh lễ người đáng kính, là điềm lành tối thượng” [6]. Ở kệ đầu tiên này, Đức Phật nêu ra ba điềm lành: tránh xa kẻ ngu, thân cận người hiền trí, thiện tri thức, kính lễ cúng dường những bậc xứng đáng kính.

Tục ngữ có câu “gần mực thì đen gần đèn thì sáng” hay “chọn bạn mà chơi”. Việc chúng ta chọn thân cận với ai có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển, hướng thượng của bản thân bởi những tính cách của họ. Đối với người trí là người có nhận thức, hiểu biết đúng đắn, một người trí không làm những việc xấu ác và họ không khuyến khích người khác làm những việc xấu ác. Họ có thể thấy được chỗ xấu dở của chúng ta, chỉ ra và giúp chúng ta sửa đổi để hoàn thiện mình, nhất là trên con đường tu tập hướng đến giải thoát, thân cận bậc hiền trí, chúng ta sẽ được học hỏi rất nhiều thứ từ những lời dạy, oai nghi tế hạnh, cách tư duy của họ để soi lại chính mình và sửa đổi để trở thành một người tốt, tiến xa trên con đường đạo hạnh. Bậc trí hiền là những người có đạo đức xứng đáng nhận được sự tôn kính và cúng dường, là ruộng phước để chúng ta nương theo tu học.

Ngược lại gần gũi với những kẻ ngu là những người còn nhiều vô minh, tham ái, đầy những thói hư tật xấu, sân hận, ngã mạn, đố kỵ, ganh ghét, họ không biết rõ về khổ, nguồn gốc khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ, chính vì thế kẻ ngu sẽ khuyến khích người khác làm điều xấu ác. Kẻ ngu sẽ phá hoại hạnh phúc và lợi ích trong đời này và cả đời sau. Thân cận lâu dần với kẻ ngu, chúng ta sẽ bị tiêm nhiễm bởi những tính xấu của họ bởi “Kẻ ngu tiêu biểu là tà pháp, ác hạnh, phi đạo đức, do đó cần xa lánh, không nên gần gũi.”[7].

Trong Kinh Tăng Chi, Đức Phật cũng dạy rằng: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, do pháp ấy, các pháp thiện chưa sinh được sinh khởi, và các pháp bất thiện đã sinh đoạn tận. Với người làm bạn với thiện, này các Tỳ kheo, các pháp thiện chưa sinh được sinh khởi và các pháp bất thiện đã sinh được đoạn tận” [8]. Như vậy, người trí tiêu biểu cho các thiện hạnh, nếu gần gũi thân cận người trí là cơ hội tốt để chúng ta làm phát khởi các hat giống thiện trong lòng đó chính là điềm lành tối thượng.

Chọn trú xứ thích hợp
Chánh kinh: “Paṭirūpa-desa-vāso ca, Pubbe ca kata-puññatā, Atta sammā paṇīdhi ca, Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ”. Nghĩa là: “Ở trú xứ thích hợp, Công đức trước đã làm, Chân chánh hướng tự tâm, Là điềm lành tối thượng” [9].

Ở đây, Phật cũng nêu ra ba điềm lành nên thực hiện: trú xứ thích hợp, công đức đã làm và hướng tâm chân chánh. Trú xứ (desa) thích hợp (patirūpa) là những nơi có môi trường văn hóa-xã hội tốt cho sự tu tập. Như chúng ta đã biết, điều kiện sống ảnh hưởng rất nhiều đến việc hình thành và phát triển nhân cách của một con người bởi chúng ta thường bị tác động bởi hoàn cảnh xã hội. Câu chuyện mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà để tìm hoàn cảnh sống thích hợp cho Mạnh Tử chuyên tâm học tập đã nói lên tầm quan trọng của môi trường sống. Việc lựa chọn môi trường sống, nơi định cư thích hợp là điều hết sức cẩn trọng đối với mỗi người, vì có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Nếu được sống trong môi trường tốt, hằng ngày được nuôi dưỡng bởi nguồn năng lượng tích cực, khuyến thiện thì đời sống của chúng ta cũng hướng thượng và trở nên tốt đẹp.

“Công đức trước đã làm” kata-puññatā ở đây có nghĩa là trong quá khứ, mình đã gieo nhân phước thiện bằng hành động, lời nói, ý nghĩ thì ngày nay những điều tốt đẹp, may mắn đến với mình đó là một phúc đức trong quá khứ. nhưng không dừng lại ở đó, ta tiếp tục tạo phước, gieo nhân lành trong hiện tại, để tương lai tiếp tục gặt hái những điều tốt đẹp hạnh phúc hơn nữa. Tuy nhiên, muốn tạo các việc phước thiện một cách đúng đắn, hợp với lẽ đạo, tâm chúng ta phải đặt trên nền tảng chân chánh (sammāpanidhi), tức là có chánh kiến, khi đó ta sẽ biết việc nào nên làm, việc nào không nên làm, đây là cơ hội cho mình xử lý khổ đau và tạo dựng hạnh phúc trong hiện tại và vị lai.

TỰ RÈN LUYỆN BẢN THÂN
Điềm lành tiếp theo mà một người cần nuôi dưỡng đó là về phương diện học tập và rèn luyện bản thân, có ba điều: Bāhu-saccañca sippañca, Vinayo ca susikkhito, Subhāsitā ca yā vācā, Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ.” Nghĩa là “Học nhiều, nghề nghiệp giỏi, Khéo huấn luyện học tập, Nói những lời khéo nói, Là điềm lành tối thượng”[10]. Để thành tựu một cách toàn diện, mà không bị giới hạn ở một khía cạnh nào, chúng ta cần phải nỗ lực học tập, nâng cao tay nghề của mình và không ngừng học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Thật sự cuộc sống đang ngày càng biến đổi một cách nhanh chóng, nếu như chúng ta sống một cách thụ động, bảo thủ, cố chấp, không chịu học hỏi cái mới và thay đổi theo chiều hướng tích cực sẽ khiến bản thân bị thua sút, đẩy lùi phía sau.

Việc cố gắng học hành, trau dồi các kỹ năng, thiện xảo trong nghề nghiệp của mình mới có thể “an cư lạc nghiệp” và điều đó không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình mà mỗi người đều đang góp phần vào việc phục vụ, làm lợi ích cho cuộc đời tùy theo sức lực, trí lực và phương diện mà mình đóng góp. Đối với những người xuất gia, công việc chính là sự tu tập, làm lợi ích cho mọi người thì ngoài việc sống theo giới luật và thực hành phương pháp tu tập cho thiện xảo để luôn an trú trong niệm, định, huệ, còn cố gắng học hành, nâng cao kiến thức cả nội điển ngoại điển để nắm bắt tình hình xã hội, ứng dụng kịp thời Phật pháp vào đời làm lợi nhân sinh.

Một điều quan trọng nữa để cho cuộc sống an vui đó là nói những lời khéo nói (Subhāsitā). Lời khéo nói là lời ái ngữ, chánh ngữ, khi nói ra là truyền đạt năng lượng yêu thương, tích cực và làm lợi ích cho mọi người. Một lời nói có thể xây dựng người nhưng cũng có thể gây ra tổn thương. Vì vậy, nên biết nói những lời khéo nói thể hiện được tâm từ bi, ý thanh tịnh thay tâm ý xấu ác, uế nhiễm của mỗi người. Khi lời khéo nói được nói sẽ làm tăng trưởng phước lành, là thiện duyên cho những điều may mắn, hạnh phúc, an vui trong tương lai.

Thực hiện tốt các bổn phận trong gia đình
Đức Phật dạy về các bổn phận cần phải thực hiện trong gia đình để có được điềm lành về một gia đình trên dưới thuận hòa, hạnh phúc “Mātā-pitu upaṭṭhānaṃ, Putta-dārassa saṅgaho, Anākulā ca kammantā, Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ”.  Có 3 điềm lành: phụng dưỡng cha mẹ (mātāpitu), nuôi nấng gia đình (puttadārassa), có việc làm không rắc rối (anākulā). Đây là điềm lành có được khi Phật tử biết sống có trách nhiệm và bổn phận chăm lo cho gia đình. Đối với cha mẹ phải biết cung kính phụng dưỡng, đối với vợ con phải hết mực thương yêu, chăm lo cho cả vật chất lẫn tinh thần. Làm được việc này không những mang lại niềm vui cho cha mẹ, không khí hòa thuận, trên kính dưới nhường trong nhà, mà còn là tấm gương tốt cho con cái học theo, trở thành truyền thống hiếu đạo, văn hóa tốt đẹp của gia đình cho nhiều thế hệ.

Để có đủ điều kiện hiếu dưỡng cha mẹ và lo lắng cho vợ con đầy đủ, người chủ gia đình cần có nghề nghiệp ổn định. Nghề nghiệp ở đây được Đức Phật nói rất rõ là “làm nghề không rắc rối” (Anākulā), tức nghề nghiệp chân chánh, hợp pháp, không làm hại người, hại mình. Bởi nếu làm nghề nghiệp không chân chánh, mặc dù nghề đó có thể giúp mình chăm lo cho gia đình, đời sống vật chất đủ đầy nhưng lâu dài sẽ dẫn đến hậu quả không tốt về sau, nghiêm trọng hơn là liên lụy đến gia đình và người thân.

Bố thí lợi hành
Điềm lành tiếp theo Đức Phật dạy: “Dānañca dhamma-cariyā ca, Ñātakānañca saṅgaho, Anavajjāni kammāni, Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ”. Có 4 điềm lành: có lòng bố thí rộng rãi (dānā), có phẩm hạnh trong sạch theo giáo pháp (dhammacariyā), biết giúp đỡ bà con họ hàng (ñātakā), có những hành động giao tiếp trong sạch, không bị chê trách (anavajjā). ngoài các bổn phận với gia đình là cha mẹ, vợ con, ở đây, Đức Phật dạy con người nên mở rộng tâm ra đối với các mối quan hệ khác như với bà con, họ hàng thân tộc cũng như biết hướng tâm bố thí giúp đỡ đến mọi người xung quanh mình, khi họ cần đến sự giúp đỡ của mình.

Ngày nay, con người thường chọn lối sống khép kín và chỉ biết làm lợi ích cho gia đình, bản thân mình mà không nghĩ đến người khác nên càng ngày, khoảng cách giữa người với người thêm lớn, dần tạo nên sự vô cảm trong xã hội. Cho nên, để có được hạnh phúc bền vững, Đức Phật dạy người Phật tử ngoài chăm lo cho hạnh phúc gia đình, người thân còn nên bố thí, làm việc phúc lợi, chia sẻ với mọi người xung quanh để phước lành được tăng trưởng. Việc bố thí khi thực hiện cũng cần nên đúng thời, đúng đối tượng và cần được làm với một tâm tư hoan hỷ, trân trọng. Tương tự, việc săn sóc, giúp đỡ các bà con cũng cần được tiến hành với các tinh thần trên thì mới có kết quả tốt đẹp, lợi mình, lợi người. Mọi việc làm của Phật tử cần đúng pháp, không lỗi lầm thì kết quả mới tốt đẹp. Đó là dấu hiệu của điềm lành tối thượng vậy.

Theo nhân sinh quan Phật giáo, khổ đau hay hạnh phúc trong đời đều bắt nguồn từ những suy nghĩ, lời nói, hành động của mỗi người qua thời gian tạo thành nghiệp, đó là nhân để đưa con người đến quả vui hoặc khổ trong tương lai.

Từ bỏ các ác pháp
Đức Phật dạy: “Āratī-viratī pāpā, Majja-pānā ca saññamo, Appamādo ca dhammesu, Etaṃ mangalam’uttamaṃ.” Nghĩa: Chấm dứt, từ bỏ ác/ Chế ngự đam mê rượu/ Trong Pháp, không phóng dật/ Là điềm lành tối thượng. Để xây dựng một xã hội tốt đẹp, văn minh, ổn định và trật tự, mỗi người đều phải biết tự sửa đổi mình, từ bỏ các việc ác gây tổn hại đến mình và làm mất an ninh trật tự xã hội. Từ bỏ các việc ác ở đây từ bỏ sát sanh, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ nói lời thô ác và đặc biệt là từ bỏ các chất gây say, gây nghiện như: rượu, bia, ma túy…các chất gây say, gây nghiện sẽ làm con người mất đi bản tính sáng suốt, mê mờ tâm trí, khiến người sử dụng thiếu tự chủ trong mọi hành động, dẫn đầu nhiều hậu quả tai hại. Đây là nguyên nhân chính gây ra tệ nạn xã hội và các việc bất thiện kể trên.

Không phóng dật (Appamāda) tức là không để cho thân, khẩu, ý tự do hoạt động theo sở thích của mình, mà ngược lại, cần phải thường xuyên theo dõi và kiểm soát thân, khẩu, ý, không để chúng rơi vào các hành vi ác, bất thiện, nhằm đưa đến sự an lạc cho chính bản thân, gia đình, và xã hội chính là điềm lành tối thượng mang đến cuộc sống an toàn, tốt đẹp cho bản thân gia đình và xã hội ở hiện tại và tương lai.

Trau dồi đức hạnh
Song song với từ bỏ các điều ác, Đức Phật khuyến khích Phật tử các phẩm hạnh cần trau dồi: “Gāravo ca nivāto ca, Santuṭṭhī ca kataññutā, Kālena dhamma-savanaṃ, Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ. Năm điềm lành đề cập trong bài kệ là: Thái độ cung kính, lễ phép (gāravo), tính khiêm hạ (nivāto), sống tri túc (santutthī), biết tri ân, báo ân (kataññutā), và biết đến nghe Pháp (dhammassavanam) đúng thời, đúng lúc (kālena).

Xã hội ngày nay, con người chạy theo vật chất và nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt rất cao… họ khẳng định đẳng cấp của mình qua cuộc sống xa hoa, đắt đỏ, sử dụng vật chất để làm thước đo con người nên mọi người thường bị dục vọng cuốn trôi, quay cuồng vào kiếm tiền, mua sắm mà ít chú ý tu sửa bản thân, nâng cao giá trị đạo đức bên trong của con người. Chỉ có những giá trị đạo đức được rèn luyện mới khiến bản thân mỗi người trở nên hướng thượng hơn, gia đình xã hội ngày càng tươi đẹp, mang lại hạnh phúc và bình an cho nhiều người.

Bên cạnh đó, Phật cũng khuyên rằng “Kālena dhamma-savanaṃ” đúng thời nghe chánh pháp. Một Phật tử muốn gặt hái điềm lành trong cuộc sống thì việc siêng năng học và nghe lời Phật dạy là hết sức cần thiết, nhằm chuyển hóa nỗi khổ niềm đau và tăng trưởng hạt giống thiện bên trong của mình. Nếu không siêng năng học pháp và nghe pháp, không có nhận thức đúng đắn thì khi các giác quan tiếp xúc với cảnh trần, sẽ dễ sinh phiền não trong tâm. Như vậy, một đời của mình chỉ nhận lại khổ đau.

Ở bài kệ tiếp theo: “Khantī ca sovacassatā, Samaṇānañca dassanaṃ, Kālena Dhamma-sākacchā, Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ.” Có 4 điềm lành được Phật khuyên làm đó là biết kiên nhẫn (khantī) và chịu đựng, lời nói được nhu hòa (sovacassatā), thường thân cận các bậc tu hành (samana), và đàm luận, trao đổi học Pháp (dhammasākacchā).

Theo cách nghĩ thông thường của thế gian, nhẫn nhục là chịu đựng trước những việc trái ý nghịch lòng, không phản ứng lại để cầu được yên thân, đây không phải ý nghĩa của chữ nhẫn. Theo Phật giáo, nhẫn nhục là chấm dứt sân hận bằng tình thương và trí tuệ mà không dùng đến bạo lực. Nhẫn nhục gồm thân nhẫn, khẩu nhẫn và ý nhẫn. Thân nhẫn là sự chịu đựng của thân trước các hoàn cảnh không vừa ý như nóng lạnh, bệnh tật, đói khát hoặc bị chửi mắng, hành hạ, đánh đập. Khẩu nhẫn là chế phục khẩu nghiệp, dù bị người khác nói đâm thọc, nói ác khẩu, nhưng ta vẫn giữ thái độ bình tĩnh, chỉ từ tốn giải thích trong ôn hòa. Ý nhẫn là tâm nhẫn nhục trước nghịch cảnh mang đến cho thân và trước những lời nói trái tai mà giữ tâm buông xả, không có ý nghĩ tức giận, thù oán. Một đời sống có sự nhẫn nhục về thân, khẩu, ý chính là cách ứng xử đầy khôn ngoan, nhân văn và trí tuệ.

Ngoài việc tu sửa thân, khẩu ý, Phật khuyên các Phật tử nên gần gũi, tham học với các vị sa môn, hàng đệ tử xuất gia của Phật để học hỏi giáo pháp và tiếp nhận được nguồn năng lượng tỉnh thức từ những vị ấy. Ngoài ra, những lúc nhàn đàm nên luận bàn bề chánh pháp để có cơ hội học hỏi, chia sẻ pháp học và kinh nghiệm tu tập với các bạn đồng tu. Qua đó sẽ giúp Phật tử củng cố niềm tin vào Tam Bảo, tinh tấn hơn trên bước đường tu học.

Thực hành phạm hạnh, chứng ngộ Niết Bàn
Khi đã được học hỏi về giáo pháp từ các vị sa môn, bước tiếp theo để có lợi lạc trong cuộc sống, Đức Phật dạy: “Tapo ca brahma-cariyā ca, Ariya-saccāna dassanaṃ, Nibbāna-sacchikiriyā ca, Etaṃ maṅgalam’uttamaṃ”. Đó là 4 điềm lành: sống tiết chế, khắc khổ (tapo), sống đời sống phạm hạnh (brahmacariya), thẩm thấu chân lý nhiệm mầu (ariyasaccā) – tức là Tứ thánh đế, thực chứng Niết bàn (nibbāna sacchikiriyā).

Ở đây, sống khắc khổ, sống phạm hạnh không mang không phải chỉ cho lối sống kham khổ, ép xác mà là sống đời thiểu dục tri túc, đời sống đạo đức trong giới luật của Phật dạy nhằm để tiết chế lòng tham cầu, hưởng thụ dục lạc và giữ sự trang nghiêm, thanh tịnh cho thân và tâm được có thời gian và điều kiện thực hành giáo pháp. Khi đã làm được điều đó, các Phật tử nên thấy được lý Thánh đế (Ariya-saccāna) tức có sự hiểu biết như thật về bản chất cuộc sống là vô thường, khổ, vô ngã, thấy được nguyên nhân của khổ, tu tập để diệt trừ các phiền não khổ đau và đạt đến trạng thái Niết bàn tịch tịnh (Nibbāna-sacchikiriyā) đây chính là đích đến của sự tu hành, là điềm lành tối thượng.

Tâm không dao động
Điềm lành tối thượng tiếp theo được Đức Phật chỉ dạy đó là giữ tâm không dao động: “Phuṭṭhassa loka-dhammehi, Cittaṃ yassa na kampati, Asokaṃ virajaṃ khemaṃ, Etaṃ maṅgalam’utamaṃ. Nghĩa: “Khi xúc chạm việc đời/ Tâm không động, không sầu/ Không uế nhiễm, an ổn/ Là điềm lành tối thượng”[11].

Trong cuộc sống hằng ngày, người Phật tử luôn phải đối cảnh xúc duyên, phải gặp những việc trái ý nghịch lòng những được mất, hơn thua, vinh nhục, khen chê của cuộc đời chi phối, khiến tâm loạn động, vui khi lúc vừa ý, buồn giận tiêu cực lúc gặp chuyện không hài lòng. Do đó, Đức Phật khuyên Phật tử phải giữ tâm an tịnh, khi đối cảnh xúc duyên phải chánh niệm, tỉnh giác và phòng hộ các căn, không để bị cảnh trần chi phối, tâm không còn sầu não (asoka), sống an nhiên (khema), không còn uế nhiễm (virajam).

Ở trên là những điềm lành mà Đức Phật khuyên người Phật tử nên thực hành. Khi làm được như thế là đã nhập dòng thánh giải thoát. Khi ấy, dù sống trong dòng đời, đi đến đâu cũng không bị tham sân si đánh bại (sabbattha aparājitā), đi đến đâu cũng bình an tự tại, an toàn (sabbattha sotthim gacchanti). Đó là điềm lành cao quý nhất. Qua đó, mong ước được an lành chính là một sự phát nguyện vun bồi phước đức tự thân, được thể hiện qua sự chuyển hóa ba nghiệp theo hướng thiện lành.

Kinh Điềm Lành (Maṅgala Sutta) còn có tên là kinh Phước Đức hay kinh Hạnh Phúc, là bài kinh số 5 trong Tiểu Tụng (Khuddakapātha), thuộc Tiểu Bộ kinh (Khuddhaka Nikāya) được Đức Phật giảng dạy tại Jetavana, Sāvatthi. Nội dung bài kinh nói về nếp sống đạo đức mà một người cần phải thực tập hằng ngày, để có được hạnh phúc, an lạc. Có tất cả 38 điều được Đức Phật dạy trong bài kinh Maṅgala.


2. ỨNG DỤNG KINH ĐIỀM LÀNH TRONG ĐỜI SỐNG TU TẬP
Maṅgala sutta là bài kinh được Phật thuyết giảng dành cho chư thiên và loài người và dành cho những ai mong muốn có được một cuộc sống an vui hạnh phúc. Đối với người xuất gia tu tập như chúng ta bài kinh chính là một lộ trình tu tập từ lúc sơ cơ học đạo cho đến giác ngộ giải thoát, có ứng dụng thực tiễn rất cao.

Đầu tiên, để tiến tu trên con đường đạo thì cần phải biết tránh xa kẻ ngu ác, thân cận kết giao với người thiện tri thức để học hỏi điều hay. Muốn tiến xa trên con đường tu tập cần phải thân cận với những người có đầy đủ bốn phẩm chất: giàu lòng tin, giàu đức hạnh, giàu thiện tâm và giàu trí tuệ, nhờ đó, chúng ta tự nhiên sẽ noi theo lòng tin của người giàu lòng tin, đức hạnh của người giàu đức hạnh, thiện tâm của người giàu thiện tâm và trí tuệ của người giàu trí tuệ. Đối với các bậc trưởng thượng, các vị đạo cao đức trọng cần phải cung kính, cúng dường để nương nhờ sự chỉ dạy, ân đức của các Ngài mà bản thân mình có thêm sự tinh tấn, nỗ lực trên con đường tu tập.

Một điều rất quan trọng trong đời sống tu hành đó là lựa chọn môi trường tốt để tu tập. Nếu người xuất gia không khéo trong việc lựa chọn môi trường sống, ở một nơi không có pháp học, pháp hành, chỉ chuyên về đám sám, bán cơm chay hoặc những nơi trọng về vật chất, nhiều tiếng ồn… thì khó có thể phát triển tâm bồ đề, khó phát triển định tuệ. Đối với hành giả tu tập nên chọn những trú xứ yên tĩnh, nương nơi bậc thầy có đức hạnh, môi trường thiện lành sẽ giúp cho đạo tâm có cơ hội được trưởng dưỡng mỗi ngày. Đối với bổn phận gia đình, người tu sĩ đã cắt ái ly gia, báo hiếu cha mẹ bằng cách nỗ lực tu tập, chuyển hóa thân tâm để có nhiều công đức hồi hướng cho cha mẹ, khuyến khích cha mẹ làm lành, lánh dữ, biết quy y Tam Bảo… Người xuất gia còn thực hành hạnh thiểu dục tri túc với một bát ba y, thọ nhận từ tín thí đàn na để tu học, không sống xa hoa, tham cầu dục lạc.

Bình an là hạnh phúc, biết đủ là phước lành, tâm trong sạch là vận mệnh phước đức, ít ham muốn là trường thọ. Bụng dạ của người trở nên hẹp hòi nếu như chúng ta ham muốn quá nhiều, ngược lại nếu biết tiết chế ham muốn thì tâm lượng sẽ rộng mở. Hành trì giới luật, làm các việc thiện, để tích gom phước đức, khai mở cánh cửa trí tuệ, dẫn đến quả vị là giác ngộ thành Phật. Bổn phận và trách nhiệm ưu tiên hàng đầu của người xuất gia là đạt được giác ngộ, giải thoát. Do đó, người tu sĩ cần dành phần lớn thời gian cho việc học pháp và hành pháp. Chỉ có sự thực hành Tứ thánh đế mới có thể đưa đến sự giác ngộ chân lý và đạt đến Niết bàn.

KẾT LUẬN
Bài kinh Điềm Lành như là một cẩm nang tu học, là bí quyết có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc của người Phật tử, từng phương pháp được Đức Phật thứ tự thuyết giảng qua 38 điềm lành trong mười một kệ là lộ trình tiến tu, xây dựng nền móng cho hạnh phúc tối thượng, nhằm xây dựng giới hạnh của con người, sống có phẩm chất đạo đức, có giới hạnh thanh tịnh để trở thành một người thánh thiện giữa cuộc đời. Xuyên suốt nội dung kinh, Đức Phật chỉ dạy về cách làm phước, tạo phúc đức, không có việc cầu xin hay dựa vào một thế lực nào, một dấu hiệu nào khác bên ngoài. Vì Đức Phật không phải là đấng quyền năng có thể ban phước giáng họa cho ai mà Ngài là bậc đạo sư hướng dẫn, chỉ dạy phương cách. Nếu chúng ta muốn có được bình an, hạnh phúc, may mắn trong đời thì tự mình phải thực hành theo lời dạy của Đức Phật để làm sinh khỏi và tăng trưởng các phước lành. Khi nương tựa vào Phật pháp một cách tỉnh thức, mỗi người sẽ có trong tay ngọn đuốc sáng, tự mình thắp lửa và vững bước chủ động trên con đường đi tìm điềm lành tối thượng của cuộc đời mình.

 

Thích Nữ Huệ Quang/TCVHPG415

 

Chú thích:
[1] Toại Khanh (2020), Từ điển Pali từ nguyên và giải tự, Nxb. Hồng Đức, tr.242.
[2] Thiền sư Sayadaw U Jotika, Việt Hùng dịch, Bài chú giải Kinh Mangala Sutta, tr.7.
[3] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1999), Kinh Tiểu Bộ 1, kinh Điềm lành, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.12.
[4] Kinh Tăng Chi Bộ, VI. Phẩm Triền Cái, tr.671- 672.
[5] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1999), Kinh Tiểu Bộ 1, kinh Điềm lành, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.12.
[6] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1999), Kinh Tiểu Bộ 1, kinh Điềm lành, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.12.
[7] Thích Minh Châu (2002), Đạo đức Phật giáo & Hạnh phúc con người, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.270.
[8] Thích Minh Châu (2015), Kinh Tăng Chi Bộ, Tập I, VIII. Phẩm Làm Bạn Với Thiện, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.47.
[9] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1999), Kinh Tiểu Bộ 1, kinh Điềm lành, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.12.
[10] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1999), Kinh Tiểu Bộ 1, kinh Điềm lành, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.12.
[11] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1999), Kinh Tiểu Bộ 1, kinh Điềm lành, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.13.

Tài liệu tham khảo:
1. Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1999), Kinh Tiểu Bộ 1, kinh Điềm lành, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.
2. Thích Minh Châu (2015), Kinh Tăng Chi Bộ, Tập I, VIII. Phẩm Làm Bạn Với Thiện, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
3. Thích Minh Châu (2002), Đạo đức Phật giáo & Hạnh phúc con người, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
4. Vũ Chất (2000), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Thanh Niên.
5. Toại Khanh (2020), Từ điển Pali từ nguyên và giải tự, Nxb. Hồng Đức. https://play.google.com/books/.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin