Chi tiết tin tức

Khoa nghi sáu thời sám hối & Nghi thức sám hối và tụng giới

20:07:00 - 24/11/2014
(PGNĐ) -  Thấy được lợi ích của việc sám hối: “Tẩy sạch bụi nhơ nơi thân tâm là do sám hối. Muốn tẩy sạch thân tâm mà không dùng sám hối, khác nào muốn tiện lợi qua lại mà chẳng dùng xe thuyền”.
Cũng nhận ra nghiệp tạo là từ sáu căn mà vào: “Ngày thì căn va chạm, lưới nghiệp kéo lôi. Đêm thì mê ngủ che đậy, dây lười trói buộc. Ngày đêm dính mắc đâu không phải là chuốc lỗi gây thù…”. Vì lẽ đó,  vua Trần Thái Tông, nhân lúc việc triều rảnh rỗi, xem qua kinh luận cùng các văn nghi lễ mà làm thành cuốn “Khoa nghi sáu thời lễ Phật sám hối”. Vì biết “văn rườm rà thì người lười không sám hối. Lời xa xôi thì dễ sinh nghi hoặc”1 nên Sáu thời sám hối được soạn, văn thì ngắn gọn, ý lại gần gũi dễ nhận2.

ns 1.jpg
“Chúng con hồi tâm về Thánh chúng/ Ân cần đầu cúi lễ Từ tôn/
Thềm thang Thập địa nguyện sớm lên/ Chơn tâm Bồ-đề không thối chuyển"

Bản sám được phân thành sáu thời. Mỗi thời lễ sám một căn.

Đầu của mỗi thời sám hối đều có bài văn Dâng hương (nội dung tùy theo thời sám), kế là Kệ dâng hương, Kệ dâng hoa, Kệ phát nguyện, bài văn Tâu bạch (nội dung tùy theo thời sám), rồi mới đến phần Sám hối các căn. Sáu căn ứng vào sáu thời. Sám hối từng căn xong thì đến phần Chí tâm khuyến thỉnh, Chí tâm tùy hỷ, Chí tâm hồi hướng, Chí tâm phát nguyện và cuối cùng là Kệ vô thường. Nội dung Kệ phát nguyệnKệ vô thường cũng tùy căn mà có nội dung, nên có sự khác nhau giữa các thời sám. Riêng phần sám hối căn mũi, là phần sám vào cuối ngày, thì có thêm phần Kệ khuyên chúng buổi hoàng hônKệ tám khổ. Riêng phần sám căn mắt, có thêm bài mở đầu Kệ cảnh sách chúng giờ Dần.  

Phần Sám hối các căn, chủ yếu là nêu bày những lỗi mà các căn đã phạm. Bởi có nêu lỗi mới biết những gì là lỗi mà sám. Sám lỗi chính là sám lỗi trước để ngừa lỗi sau không tái phạm.

Sám hối sáu căn cũng chính là để nhắc nhở chúng sinh thu thúc sáu căn trong tất cả thời.

Vì ngày thì “các căn va chạm…”, nên có ba thời sám hối sáng - trưa - chiều giúp chúng sinh tỉnh giác. Đêm thì “mê ngủ che đậy…” nên có ba thời đầu đêm - giữa đêm - cuối đêm giúp chúng sinh bớt mê.

Nội dung của Sám pháp phù hợp với pháp tu đã được nói trong các bài kinh thuộc hệ A-hàm, cũng phù hợp với pháp tu của Thiền tông, nên Hòa thượng Trúc Lâm đã dùng bài Sám sáu căn này làm bài sám chính cho Tăng Ni và Phật tử trong các thiền viện. Tuy vậy “Vì có những giờ ngồi thiền, nên chỉ dùng một thời sám hối, hầu gỡ những dính mắc của sáu căn, để khi ngồi tu được an ổn, chớ không dùng sám hối làm trọng tâm tu. Ngồi thiền mới là trọng tâm. Thế nên chúng tôi tóm tắt sáu thời chung thành một thời”. Đó là cuốn Nghi thức sám hối và tụng giới được Tăng Ni và Phật tử tụng vào lúc 6 giờ chiều mỗi ngày.

Nghi thức sám hối và tụng giới, HT.Trúc Lâm soạn lại dùng cho thiền viện, chỉ phần Sám hối sáu căn là ghi lại đầy đủ, còn những phần như Kệ dâng hương v.v… đều thay đổi để phù hợp với tâm thức chúng sinh thời nay, cũng là để phù hợp với thời lượng một thời vào buổi xế chiều. Mở đầu là Kệ nguyện hương, Tán Phật, Tán pháp, Bát-nhã tâm kinh, đến phần Sám hối sáu căn. Sám hối sáu căn xong thì đến phần Lễ Phật Tổ, Chí tâm phát nguyện, Chí tâm hồi hướng, cuối cùng là phần Phục nguyện.

Sáu thời sám hối

Đầu mỗi phần sám hối các căn đều có kệ khởi nhập: Chí tâm sám hối/ Chúng con từ vô thủy kiếp đến nay/ Bỏ mất bản tâm, không biết chánh đạo/ Rơi ba đường khổ, bởi sáu căn lầm/ Không sám lỗi trước, khó tránh lỗi sau”. Vào kệ, liền chỉ thẳng cho chúng sinh thấy ai cũng đang có phần đức tướng và trí tuệ mà Như Lai đang có. Chỉ vì bận chạy theo sáu trần nên không thể sử dụng được, lại bị sáu trần sai sử mà trôi lăn mãi trong luân hồi sinh tử.

Có thể xem đây là phần duyên khởi của Sám pháp. Nêu lý do vì sao sám hối sáu căn. Sám sáu căn, chính là sám lỗi trước để không vướng vào lỗi sau. Đó là cách sám hối thẳng tắt nhất. Có vậy, mới mong sống lại được với bản tâm thanh tịnh của chính mình. Bởi sống được với bản tâm thì sáu căn không rong ruổi theo sáu trần. Còn sáu căn đã rong ruổi theo sáu trần, là đã quên mất bản tâm, không thể phát huy lực dụng của nó.

1- Sám tội căn mắt: Phần sám đầu tiên được thực hiện vào lúc “Phương đông tờ mờ sáng”, bắt đầu bằng bài Kệ cảnh sách chúng giờ Dần. Giờ Dần, là khoảng thời gian từ 3 đến 5 giờ sáng. Nhưng vì “tờ mờ sáng” nên phải khoảng gần 5 giờ mới tụng phần sám này. Căn mắt được sám đầu tiên. Bởi đêm thì ta và người đều ngủ. Tối thì duyên trần cảnh cũng hạn cuộc. Nên mắt ít có cơ hoạt động. Ngày và sáng, là duyên giúp mắt chạm cảnh, dễ khiến tâm khởi dính mắc. Nên, trời vừa sáng cần phát lồ sám hối.

Nếu một lòng chí thành sám hối thì thân tâm ngay đó đều thanh tịnh, là cái nhân để khoảng thời gian còn lại có thể tỉnh giác nhiều hơn khi đối duyên tiếp cảnh.

Tội lỗi phát sinh là do tâm không còn ở ngưỡng Trung đạo mà đã lọt vào thế nhị biên phân biệt (ta - người, thiện - ác, xấu - tốt…), lại chẳng chọn đường thiện mà đi, cứ theo nghiệp ác mà tiến. Việc này được thể hiện rõ trong phần sám căn mắt: “Nhân ác xem kỹ, nghiệp thiện coi khinh/ Lầm nhận hoa giả, quên ngắm trăng thật/ Yêu ghét nổi dậy, đẹp xấu tranh giành/ Chợt mắt dối sanh, mờ đường chánh kiến… Những tội như thế, vô lượng vô biên/ Ðều từ mắt sanh, phải sa địa ngục/ Trải hằng sa kiếp, mới được làm người/ Dù được làm người, lại bị mù chột”. Đó là những lỗi mà chúng sinh cần phải ý thức trong đời sống thường nhật của mình đối với căn mắt. Ý thức rồi, mới có thể xa lìa. Tu, chính là giai đoạn xa lìa dần những lỗi đã nêu. Muốn vậy trước phải thực hành sám hối. Năng lực của sám hối có tác động rất mạnh đối với việc điều tâm.

Tương tự, nội dung của các căn sau cũng được lập trên thế nhị biên đối đãi, hiển lỗi cần phải sám.

ns 2.jpg
Chí thành sám hối

2- Sám tội căn tai: Thời sám thứ hai được thực hiện vào lúc “Nay giờ ngọ thắp hương cúng dường, vòm trời cao ánh dương vừa đến giữa”, là vào khoảng 12 giờ trưa. 

Sau khi sám căn mắt thì đến sám căn tai. Cũng không ra ngoài những lỗi thuộc ưa và ghét không thuận với thiện hạnh: “Ghét nghe Chánh pháp, thích lắng lời tà/ Mê mất gốc chơn, đuổi theo ngoại vọng/ Sáo đàn inh ỏi, bảo khúc long ngâm/ Văng vẳng mõ chuông coi như ếch nhái… Những tội như thế, vô lượng vô biên/ Ðầy ắp bụi trần, kể sao cho xiết/ Sau khi mạng chung, rơi ba đường ác/ Hết nghiệp thọ sanh, lại làm người điếc.

3- Sám tội căn mũi: Thời sám thứ ba được thực hiện vào lúc mặt trời lặn, khoảng 5 giờ chiều. Là cái nút nối kết giữa ngày và đêm. “Ngày sáng trưng còn chưa biết lối đi. Đêm càng tối, lối về càng quên bẵng”. Nên cũng cần có một thời sám hối. Đây là thời sám căn mũi: “Thường tham mùi lạ, trăm thứ ngạt ngào/ Chẳng thích chân hương, năm phần thanh tịnh/ Lan xông xạ ướp, chỉ thích tìm tòi/ Giới định huân hương, chưa từng để mũi/ Trầm đàn thiêu đốt, đặt trước Phật đài/ Nghểnh cổ hít hơi, trộm hương phẩy khói/ Theo dõi hương trần, long thần chẳng nể…/ Những tội như thế, vô lượng vô biên/ Sau khi mạng chung, đọa ba đường khổ/ Trải ngàn muôn kiếp, mới được làm người/ Dù được làm người, quả báo bệnh mũi”.  

4- Sám tội căn lưỡi: Thời sám thứ tư được thực hiện vào lúc đầu hôm. Lúc mà “nhà nhà đều thắp sáng trưng, lấp ló đầu non ngậm vầng nguyệt”. Là khoảng 7 giờ tối. Trăng bắt đầu lên.

Phần sám cũng chỉ ra các lỗi cần sám: “Tham đủ mọi mùi thích xét ngon dở/ Nếm hết các thứ, biết rõ béo gầy/ Sát hại sinh vật nuôi dưỡng thân mình/ Quay rán cá chim nấu hầm cầm thú… / Bày tiệc đãi khách, cưới gả cho con/ Giết hại chúng sinh, vì ba tấc lưỡi…/ Nói dối bày điều, thêu dệt bịa thêm / Hai lưỡi bỗng sinh, ác khẩu dấy khởi/ Chửi mắng Tam bảo, nguyền rủa mẹ cha/ Khinh khi Hiền thánh, lừa dối mọi người…”. Những gì có liên quan đến miệng, từ việc ăn uống cho đến những giao tiếp đời thường, đều được liệt kê đủ. Biết để mà sám. Sám để ngừa lỗi sau.

5- Sám tội căn thân: Phần sám này được thực hiện khi “vừa sang giờ Tý, đêm đã nửa rồi”. Tức vào khoảng 12 giờ đêm. Thời này, đa phần đều ngon giấc. Phải có tâm chí thành mới có thể dậy sám hối vào thời này. Nó thể hiển lòng thành và sự quyết tâm, là nhân duyên để việc sám hối được thành tựu.

Phần sám căn thân này được phân thành ba, ứng với ba nghiệp thuộc về thân.

Đầu tiên là nói tổng quát về nghiệp căn thân: “Tinh cha huyết mẹ, giả hợp nên hình/ Năm tạng trăm hài, cùng nhau chung hợp/ Chấp cho là thật, quên mất pháp thân/ Sinh dâm sát trộm, bèn thành ba nghiệp”. Có thân không phải là lỗi mà lỗi là do chấp. Do chấp mà thân huyễn thấy thành như thật. Vì thấy thật mới sinh chấp thủ. Đã thấy thân này là thật thì những gì có liên quan đến thân cũng thật. Do cái thấy thật đó mà sinh các nghiệp bất thiện.

Nghiệp đầu tiên cần sám là sát sanh. Sát, vì chưa nhận ra “tha” và “tự” đồng một thể tánh.

Những hành tác nào mang tính lợi mình mà hại người hại vật thảy đều sám hối: “Luôn làm bạo ngược, chẳng khởi nhân từ/ Giết hại bốn loài, đâu biết một thể/ Lầm hại cố giết, tự làm dạy người/ Hoặc tìm thầy bùa, đem về ếm đối/ Hoặc làm thuốc độc để hại sinh linh/ Chỉ cốt hại người, không hề thương vật/ Hoặc đốt núi rừng, lấp cạn khe suối/ Buông chài thả lưới, xuýt chó thả chim3/ Thấy nghe tùy hỷ, niệm dấy tưởng làm/ Cử động vận hành đều là tội lỗi”.

Nghiệp kế cần sám là nghiệp trộm cắp: “Thấy tài bảo người thầm khởi tâm tà/ Phá khóa cạy then sờ bao mò túi/ Thấy của thường trụ lòng dấy khởi tham/ Trộm của nhà chùa, không sợ thần giận/ Không những vàng ngọc mới mắc tội to/ Ngọn cỏ cây kim đều thành nghiệp trộm”.

Nghiệp cuối cần sám là nghiệp tà dâm. Bài sám nói đến nghiệp tà dâm ở những mặt vi tế: “Lòng mê nhan sắc, mắt đắm phấn son/ Chẳng đoái liêm trinh, riêng sanh lòng dục/ Hoặc nơi đất Phật, chánh điện phòng Tăng/ Cư sĩ gái trai đụng chạm đùa giỡn/ Tung hoa ném quả, đạp cẳng kề vai/ Khoét ngạch trèo tường đều là dâm nghiệp…/ Nếu không sám hối khó được tiêu trừ/ Nay trước Phật đài thảy đều sám hối ”.

Trong kinh Lăng nghiêm, Phật nói về ba nghĩa quyết định của sự tu hành. Đó là lấy việc nhiếp tâm làm giới. Từ giới sinh định. Nhân định phát huệ. Nhiếp tâm mà gọi là giới, chính là thầm chỉ tất cả duy tâm, chẳng phải chỉ thúc liễm ở thân. Nhưng trước nếu không thúc liễm được những hiện thô thì khó mà thúc liễm các lỗi tế ở tâm, nên đây nói sám giới ở thân.

Giới, không ngoài việc đoạn trừ bốn thứ sát, đạo, dâm và đại vọng ngữ. Ba thứ đầu thuộc thân. Một thứ sau thuộc khẩu. Nên sám căn thân nói đến các lỗi này. 

6- Sám tội căn ý: Thời sám này được thực hiện lúc “chuông phá vỡ chốn âm u, mặt biển xanh vầng hồng chưa hiện”, là khoảng 3 giờ sáng.                 

Tội của căn ý là “Nghĩ vơ nghĩ vẩn không lúc nào dừng/ Mắc mứu tình trần kẹt tâm chấp tướng/ Như tằm kéo kén, càng buộc càng bền/ Như bướm lao đèn tự thiêu tự đốt/ Hôn mê chẳng tỉnh, điên đảo dối sinh…”. Tất cả những thứ đó đều do tham sân si mà thành. Nên phần sám này sám về ba độc.

- Tội keo tham: Bài sám nói đến lòng tham vô đáy của con người. Cũng vì cái vô đáy đó mà ngày tính đêm lo. Lại không biết bố thí cứu giúp người khác.

Nêu tội để biết đường mà sám. Sám tội không gì bằng là đừng phạm vào những lỗi đã nêu. Cần thực hành những gì giúp phá bỏ tâm tham chấp của mình.

- Tội nóng giận: Tham là gốc của nóng giận. Chấp ngã cũng là gốc của nóng giận. Bài sám không chỉ nêu lỗi của thường dân mà còn nêu lỗi của quan tu: “Bàn thiền tợ thánh, trước cảnh như ngu/ Dầu ở cửa không, chưa thành vô ngã”. Có khi chỉ vì tranh cãi kinh luận mà sinh sân hận công kích lẫn nhau không dứt.

- Tội ngu si: Không hiểu tôn ti, không phân thiện ác, quên ân quên nghĩa, chặt cây, hại mạng, mắng Phật, mạ Thánh… đều do ngu si mà ra. Thấy được đó là lỗi, chính là nhận ra lỗi để sám hối.

Đó là phần Sám hối sáu căn được soạn trong cuốn Khoa nghi sáu thời sám hối.

Cuốn Nghi thức sám hối và tụng giới do HT.Trúc Lâm soạn cho Tăng Ni Phật tử, ngoài phần Sám hối sáu căn còn có phần tụng Tam quy ngũ giới dành cho Phật tử tại gia. Nghĩa là phần sám sáu căn này không phải chỉ dành cho Tăng Ni ở các thiền viện mà cho cả những Phật tử có niềm tin đối với thiền môn. Bởi nếu tụng sám mà chưa thể thực hành được liền những gì bài sám đã nói, thì việc tụng sám cũng giúp Phật tử huân tập sâu vào tạng thức những điều đã tụng hàng ngày. Lâu dần sẽ thành sự hiểu biết của mình. Có thể lấy đó làm kim chỉ nam cho những kiếp sau.  

Phát nguyện và hồi hướng

Chí tâm phát nguyện Chí tâm hồi hướng là hai phần không thể thiếu sau khi tụng sám hối. Vì thế, trong Khoa nghi sáu thời sám hối cũng như Nghi thức sám hối và tụng giới đều có phần phát nguyện và hồi hướng này.

Trong Khoa nghi sáu thời sám hối, sám sáu căn được phân thành sáu thời, nên phần Chí tâm phát nguyệnChí tâm hồi hướng cũng được có sáu.

Chí tâm hồi hướng: Dù sám căn nào thì cũng đều chung một mục đích: “Chúng con hồi tâm về Thánh chúng/ Chí thành đầu lễ Đức Từ Tôn/ Nguyện đem công đức đến quần sinh/ Nương thắng nhân này thành Chánh giác”. Mọi công đức dù nhỏ dù lớn đều được hồi hướng cho tất cả chúng sinh. Mang công đức thù thắng đó hồi hướng cho việc thành tựu quả Phật của mình. Tự lợi lợi tha đầy đủ. Không có lời hồi hướng nào chân chánh hơn lời hồi hướng đó.

Chí tâm phát nguyện: Tùy căn sám mà có lời nguyện khác nhau. Nguyện, vì hiện tại chưa làm được. Những gì mà hành giả chưa thực hiện được ở các căn của mình, sẽ được nguyện để thành tựu. Như đối với căn mắt thì “Ba, nguyện nhìn hình không đắm mến/ Bốn, nguyện thấy sắc chẳng bận lòng…”. Với căn thân thì “Một, nguyện mạng căn chóng thành tuệ…/ Mười, nguyện cắt thịt chẳng sinh sân…”.

Trong Nghi thức sám hối và tụng giới, vì sáu thời được gom thành một thời, nên phần hồi hướng cũng như phát nguyện chỉ còn một.

Chí tâm hồi hướng: Được soạn hơi khác so với Khoa nghi sáu thời sám hối.

Chúng con hồi tâm về Thánh chúng/ Ân cần đầu cúi lễ Từ tôn/ Thềm thang Thập địa nguyện sớm lên/ Chơn tâm Bồ-đề không thối chuyển”. Thập địa, là một trong các cấp vị của Bồ-tát. Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Tứ gia hạnh, Thập địa, Đẳng giác, Diệu giác. Đứng trên mặt duyên khởi mà nói, các hạng vị đó bình đẳng. Vì không có hạng vị này thì không thể thành lập các hạng vị kia. Nhưng đứng trên mặt tu chứng mà nói thì Thập địa được coi là cái mốc quan trọng trong việc thành tựu quả Phật. Vì Bồ-tát Sơ địa chứng được nhân Phật tánh. Kinh Niết-bàn nói “Phật tánh là nhân. Niết-bàn là quả”. Nhà thiền gọi đó là kiến tánh, là cái nhân trực tiếp thành tựu quả Phật. Bát địa, thì “lý sự viên dung”, là cái nhân để có cái quả “sự sự vô ngại” ở Phật vị.

Nói đến hai chữ Bồ-tát thì trong đó phải có phần lợi tha. Không có tự lợi thì lợi tha không thành tựu, nhưng không có lợi tha, tự lợi cũng không thành tựu. Vì thế tuy phần Chí tâm hồi hướng ở hai cuốn thấy văn từ có khác nhau mà ý nghĩa thì không khác. Chỉ là rộng và hẹp, gần và xa.

Chí tâm phát nguyện: Vì sáu thời đã thành một thời, nên trong cuốn Nghi thức này chỉ còn một bài phát nguyện.

Tuy nói lỗi ở sáu căn, nhưng năm căn ngoài chỉ là duyên giúp phát khởi, lỗi chính vẫn ở ý. Bởi ý nếu không lỗi thì năm căn ngoài không lỗi, vì năm thức ngoài hiện lượng. Do đó, trong cuốn Nghi thức sám hối và tụng giới, bài phát nguyện phần ý căn được lấy làm phần phát nguyện chính cho toàn thể sáu căn.

Lời nguyện của phần này chủ yếu là phá bỏ phần ý thức phân biệt, đưa căn về vị trí hiện lượng của nó và thực hành Bồ-tát đạo: “Một, nguyện nguồn linh thường trong lặng/ Hai, nguyện tạng thức dứt lăng xăng/ Ba, nguyện khối nghi đều tan nát…/ Sáu, nguyện lưới ái lìa buộc ràng/ Bảy nguyện suy nghĩ hành Thập địa ”.

Chấm dứt phần sám hối và tụng giới, là bài Phục nguyện:

Cửa Thiền thường nghiêm tịnh

Toàn chúng mãi thuận hòa

Phật huệ chiếu sáng ngời

Mưa pháp hằng nhuần gội

Phật tử lòng tin sâu 

Ruộng phước càng tăng trưởng

Chúng sanh sống an lạc

Vui hưởng cảnh thái bình

Nơi nơi dứt đao binh 

Mỗi mỗi đều thành Phật.

Nói sơ lược nội dung của hai bài Sám xong.

Sám hối có thể chuyển nghiệp

Thế giới khổ nạn của chúng sinh là cái quả được hình thành từ những nhân xấu đã gây tạo trong quá khứ. Giờ muốn hết khổ hết nạn, cần phải phá bỏ những nhân đó. Đó là con đường thoát khổ thẳng tắt nhất.

Muốn phá bỏ nhân thì trước cần phải biết nhân đó bao gồm những gì. Dù là nhân gì thì cũng không ra ngoài lỗi của sáu căn. Đó là lý do vì sao lại sám sáu căn. Vì thế có thể nói sám sáu căn là cách sám trực tiếp nhất trong việc thoát khổ. Nó giúp chúng sinh nhận rõ những gì là lỗi. Biết lỗi rồi thì sau mới có thể khởi tâm sám hối trừ diệt và ngăn ngừa không để tái phạm. Không tái phạm, tức nhân không tạo thì quả mới thật sự hết. Không thì hết khổ này lại nhảy qua khổ kia.

Cho nên, sám hối sáu căn không phải chỉ dừng ở việc tụng đọc sám pháp mà còn là nhân duyên để chúng ta ứng dụng nó vào đời sống thường nhật của mình khi đối duyên tiếp cảnh. Lục Tổ nói: “Sám là sám những lỗi về trước. Từ trước có những nghiệp ác ngu mê, kiêu cuống, tật đố v.v... các tội, thảy đều sám hết hằng không khởi lại, gọi đó là sám. Hối là hối những lỗi về sau, từ nay về sau có những nghiệp ác, ngu mê, kiêu cuống, tật đố v.v... các tội, nay đã giác ngộ, thảy đều hằng đoạn, lại không tạo lại, ấy gọi là hối, nên gọi là sám hối”. Nếu chúng ta chỉ tụng sám cho có lệ, còn trong đời sống thường nhật sáu căn vẫn buông lung thì Tổ nói: “Người phàm phu ngu mê, chỉ biết sám lỗi trước, chẳng biết hối lỗi sau. Do không hối nên tội trước chẳng diệt, lỗi sau lại sanh. Tội trước đã chẳng diệt, lỗi sau lại sanh, sao gọi là sám hối được”. Vì thế tụng đọc là để biết. Biết rồi thì cố gắng quản thúc sáu căn không để chúng gây tạo nhân xấu nữa.

Tuy vậy, việc quản thúc sáu căn không phải là việc dễ làm, không phải muốn quản thúc là quản thúc được liền. Vì thói quen “bươn chải” bao đời đã có lực. Nhưng không phải vì vậy mà chúng ta bỏ cuộc, chỉ tụng suông cho qua ngày đoạn tháng, còn trên sự thì bỏ mặc mọi chuyện. Làm được chút gì thì gắng làm. Đó chính là cái nhân để chúng ta có cái quả viên mãn về sau.

Vấn đề là chúng ta phải ý thức rõ việc mình đang làm và phải có kế hoạch rõ ràng cho những gì cần phải làm.

Sám hối cần chí thành

Trước tiên phải ý thức rõ việc mình đang làm. Cần ý thức rõ ý nghĩa của sám hối. Phải biết giá trị của việc sám hối, và sám hối thế nào mới tiêu trừ nghiệp cũ.

Trên đã trình bày giá trị và ý nghĩa của sám hối. Giờ nói đến việc sám hối thế nào mới có thể tiêu trừ nghiệp cũ.  

Trong Khoa nghi sáu thời sám hối cũng như Nghi thức sám hối và tụng giới, ở những phần quan trọng, thường thấy xuất hiện hai chữ “chí tâm”. Chí tâm sám hối, chí tâm phát nguyện, chí tâm hồi hướng v.v… Chí tâm, là hết lòng. Trong việc sám hối cũng như hồi hướng v.v... đòi hỏi một sự thành tâm hết lòng. Chính nhờ sự hết lòng đó mà nghiệp cũ có thể chuyển, nghiệp mới không phát sinh. Đó là lý do vì sao cùng ứng dụng nghi thức sám hối nhưng người thì chuyển được nghiệp, người thì không. Chính là ở hai chữ “hết lòng”.

Chỉ khi hết lòng với việc sám hối, chúng ta mới đạt được kết quả mong muốn, nên Khoa nghi sáu thời sám hối được soạn đến sáu thời, bất kể ngày đêm. Rõ ràng, chỉ có người hết lòng với sám pháp, lấy sám pháp làm pháp tu chính của mình thì mới có thể sáu thời lễ bái sám hối như vậy. Đã hết lòng thì nghiệp4 cũ nhất định tiêu, nghiệp mới sẽ không phạm.

Nói đến “chí thành” thì không phải muốn “chí thành” là đã thành “chí thành”. Phải nhận ra lỗi mình đã phạm và tha thiết muốn từ bỏ thì sự “chí thành” mới xuất hiện. Vì thế, tụng sám hối mà thấy tâm không chí thành, tụng cho có lệ, thì không nên lấy làm lạ vì sao sám mãi mà kết quả chuyển nghiệp không có.   

Kinh nghiệm bản thân

Như những thiền sinh khác của Thiền phái Trúc Lâm, tôi không lấy sám pháp làm pháp tu chính của mình, cũng không tụng nó hàng ngày. Với tôi, thực hành “Biết vọng không theo” của HT.Trúc Lâm ngay cả khi không tọa thiền, chính là đang thực hành sám pháp một cách thẳng tắt nhất. Vì thế tôi đã không dùng nghi thức sám hối thường ngày, chỉ đọc qua để nhớ và hiểu những gì là lỗi để tránh.

Tôi chỉ thực hành sám hối khi có việc cần sám. Sám những gì mình đã phạm, không dùng nghi thức tụng giới. Vì thế, không sám thì thôi, còn đã sám thì khi nào cũng có tâm chí thành. Chí thành sám hối, chí thành phát nguyện và chí thành hồi hướng. Nhờ sự chí thành đó mà việc sám luôn cho kết quả tốt đẹp.

Nhân duyên của tôi với đứa cháu gái không thuận. Thói thường, đáng nhẽ phải thương yêu nó hết mực. Vì cháu ngoại đầu tiên mà. Nhưng đụng đến con bé là tôi thấy khởi phiền não (dù nó mới mấy tháng). Chỉ muốn phát cho nó mấy cái. Thấy những hiện khởi đó trong lòng, tôi biết nghiệp duyên quá khứ giữa mình và con bé không tốt. Bởi nhân duyên hiện tại không có gì để phải hiện khởi thái độ như vậy với nó, chưa kể mình đang là kẻ hàng phục vọng tâm. Nhất định phải có nhân duyên đời quá khứ chi phối trong đó, sự việc mới thành như vậy.

ns 3.jpg
Phật tử tụng kinh tại chùa Huê Nghiêm (Q.2, TP.HCM)

Không phải chỉ mỗi việc sân hiện khởi nơi tâm tạo nên phiền não, còn xuất hiện phần phiền não vì thấy công phu của mình đụng trúng duyên này, tiêu tán hết cả. Chính vì vậy mà tâm tự động phát khởi việc sám hối. Cần phải sám hối về những gì mà mình đã phạm. Sám hối không phải chỉ để sám lỗi đang phạm mà còn sám cho mối quan hệ không tốt giữa tôi và con bé trong quá khứ. Chỉ có hết lòng sám hối và dùng công đức có được trong hiện đời hồi hướng cho cả hai thì mới mong chuyển hóa được mối nhân duyên này. Nhân duyên cũ chuyển rồi thì sân cũng theo đó mà hết. Đã chí tâm sám hối, thì tâm sân cũng tự động hàng phục. Phải một công hai việc như thế thì mới hy vọng xong việc. Không thì chưa biết chuyện gì xảy ra. Giữ trẻ mà thành kẻ giết người như hiện nay là do không ý thức được mối oan gia trái chủ của mình để sám, nên cứ theo đó mà đi…

Nghĩ vậy, tôi đã thực hiện sám hối cho việc đó.

Vì nhận ra lỗi mà sám, sám để mong thoát khỏi một quả bom nổ chậm, nên tôi đã sám rất thành tâm.

Nhân duyên sâu dày, tập khí còn đó, nên không phải sám một lần là đã hết. Mỗi lần tái, lại một lần sám. Sám lần sau, luôn chí tâm hơn lần trước. Vì sám rồi vẫn còn tái phạm (dù mức độ hiện khởi có giảm đi), nhưng cũng đã phạm. Vì thế, sám lần sau luôn đau khổ và chí thành hơn lần trước. Chí thành nên mọi việc trở mình. Mọi thứ đều xong.    

Từ những kinh nghiệm đó, tôi nhận ra rằng: Sám hối cũng là một pháp tu. Song muốn thực hành nó có hiệu quả, đòi hỏi hành giả phải có lòng chí thành. Chí thành mang tính quyết định thành công trong việc sám hối. Cho nên chí thành luôn là duyên không thể thiếu đối với việc sám hối.

Tổng kết

Kinh luận được lập ra, chủ yếu là để chúng sinh lấy đó làm kim chỉ nam cho cuộc sống của mình. Biết nhân gì nên tránh, nhân gì nên tạo để cuộc sống không còn khổ nạn. Sám pháp cũng không ra ngoài việc đó. Sám để biết nhân nào là lỗi mà tránh, không tạo nhân xấu về sau. Không tạo nhân thì quả của nhân đó không có.

Với những nhân đã gieo, nếu thuộc bất định nghiệp thì do chí thành sám hối, quả ấy sẽ tiêu. Nếu là định nghiệp thì quả tuy không tiêu, thời gian và mức độ nhận quả vẫn có thể thay đổi. Mọi thứ đều không rời nhân-duyên-quả mà chuyển hóa. Vì thế không thể thiếu phần “ngừa lỗi sau” trong việc sám hối. Nếu không ý thức được điều này, ngày cứ gây nhân ì xèo, đợi tới chiều tụng sám hối thì tội không thể hết, sám pháp khó thành tựu. Đó là việc chúng ta cần ý thức.

Cho nên, đã nói đến sám hối thì phải biết nghĩa chính của nó là “Sám lỗi trước, ngừa lỗi sau, không để tái phạm”. Đó mới là chân sám hối. Sám hối theo đường chim bay.

 Chân Hiền Tâm

_________________________

(1) Tất cả những trích dịch trong phạm vi bài này, nếu không có phần ghi chú xuất xứ, đều được trích ra từ Khóa hư lục giảng giải của HT.Thích Thanh Từ.

(2) Rườm rà hay ngắn gọn, xa xôi hay gần gũi… là những cặp nhị biên phân biệt, đều là pháp duyên khởi. Vì thế có thể trong cái duyên là tổng hợp và tri thức hiện nay, chúng ta thấy nó dài và có những từ khó hiều. Nhưng trong cái duyên phân thành sáu thời và tri thức thời đó thì nó ngắn và dễ hiểu. Đó là mặt duyên khởi của pháp. Tính chất của pháp không mang tính cố định trong mọi thời, mọi lúc mà lệ thuộc vào duyên.   

(3) Chim nói đây là chim cắt: một giống chim rất mạnh, chuyên bắt các chim khác ăn thịt. Người đi săn thường dùng nó để săn các chim khác.

(4) Nghiệp xấu.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin