Chi tiết tin tức Tạo ra hạnh phúc 08:19:00 - 15/11/2014
(PGNĐ) - Tất cả chúng ta đều muốn được khen ngợi nhưng thật không may là chúng ta lại thường nghe lời chê bai. Tôi cho rằng như vậy là công bằng vì chúng ta thường hay chê bai người khác. Chúng ta ít khi khen ngợi ai. Hãy thử lắng nghe mình nói xem.
Nịnh hót có hiệu quả đấy!
Không có lời khen, không có sự củng cố tích cực các phẩm chất tốt, các phẩm chất ấy sẽ giảm sút và mất đi. Nhưng một lời khen ngợi vừa phải sẽ là một khích lệ lớn lao. Tất cả chúng ta đều muốn nghe mình được khen, chúng ta chỉ muốn biết chắc chắn phải làm gì để được nghe lời khen. Có lần tôi đã đọc một bài báo về một nhóm trị liệu sử dụng sự cũng cố tích cực cho những trẻ em mắc phải một chứng rối loạn về nhai nuốt hiếm gặp. Bất kỳ khi nào ăn thức ăn đặc, những trẻ em này lập tức nôn ra. Khi có em nào nuốt và giữ nổi một ít thức ăn trong dạ dày được khoảng một phút thì nhóm này lập tức cổ vũ. Cha mẹ sẽ đội mũ giấy lên đầu rồi đứng lên trên ghế reo hò và vỗ tay, các cô bảo mẫu sẽ nhảy múa và tung lên trời những mảnh giấy kim tuyến màu đỏ, có người sẽ tấu lên những bản nhạc mà các em yêu thích. Em nào giữ được thức ăn lâu trong bụng sẽ được đứng ở giữa để nhận sự chúc mừng. Các trẻ em đó bắt đầu giữ được thức ăn trong bao tử ngày càng lâu hơn. Niềm hạnh phúc khi mang niềm vui đến cho người khác kích thích hệ thần kinh của các em. Những em ấy rất thích được khen. Chúng ta cũng thế. Người nào nói câu: “Nịnh hót chẳng đưa bạn tới đâu” thật là… nhưng thôi chúng ta nên tha thứ cho người ấy. Nịnh hót cũng có hiệu quả đấy, phải không các bạn? Làm thế nào để trở thành một VIP Trong năm đầu tiên ở tu viện tôi phải học cách xây dựng. Phần kiến trúc chính đầu tiên là dãy nhà gồm sáu phòng vệ sinh và sáu phòng tắm, vì vậy tôi phải học cách đặt đường ống nước. Để học, tôi mang bảng thiết kế đến một hiệu bán thiết bị vệ sinh, đặt lên quầy và nói, “Nhờ anh giúp một chút”. Vì đó là một đơn đặt hàng lớn cho nên nhân viên quầy tên là Fred dành một ít thì giờ giải thích những bộ phận nào cần thiết, vì sao cần, và làm sao lắp ráp những bộ phận ấy. Cuối cùng thì nhờ sự kiên nhẫn, kiến thức phổ thông, và lời khuyên của Fred, việc lắp đặt hệ thống cấp thoát nước ở tu viện hoàn tất tốt đẹp. Viên thanh tra y tế ở ủy ban hành chính địa phương đến kiểm tra rất kỹ và phê chuẩn. Tôi cũng lấy làm sung sướng. Một vài ngày sau công ty gửi hóa đơn mua hàng đến. Tôi yêu cầu thủ quỹ thanh toán và gửi kèm một lá thư cám ơn, đặc biệt cám ơn Fred đã giúp đỡ trong bước đầu xây dựng tu viện. Lúc ấy tôi không biết rằng ở một công ty bán thiết bị vệ sinh lớn như thế với nhiều chi nhánh khắp nơi ở Perth có một phòng kế toán riêng. Một nhân viên trong phòng mở thư của tôi ra xem và hết sức ngạc nhiên trước những lời khen ngợi nên đã mang thư ấy đến cho ông trưởng phòng. Thông thường khi nhận một chi phiếu thanh toán, người ta hay nhận kèm thư than phiền. Trưởng phòng kế toán cũng hết sức ngạc nhiên nên đã đem bức thư đến cho giám đốc điều hành toàn công ty. Ông giám đốc đọc thư và hài lòng đến độ nhắc máy điện thoại gọi ngay cho Fred đang ở quầy bán hàng ở một trong những chi nhánh và nói về bức thư đang nằm trên bàn làm việc của ông. “Đây là thứ mà chúng tôi luôn luôn tìm kiếm trong công ty đó, Fred à. Quan hệ với khách hàng! Đó là cách chúng ta đạt tới thành công”. “Vâng, thưa ông!”. “Anh đã làm việc xuất sắc đó, Fred à”. “Vâng, thưa ông!”. “Tôi ước gì có thêm nhiều nhân viên như anh”. “Vâng, thưa ông!” “Anh đang hưởng mức lương nào? Có lẽ chúng tôi sẽ nâng lương cho anh”. “Vâng, thưa ông!” “Tốt lắm, Fred!” “Cám ơn ông”. Sau diễn biến dó khoảng một hai tiếng đồng hồ, tôi đi đến cửa hàng đổi một bộ phận cho một công trình khác. Đằng trước tôi là hai anh chàng thợ ống nước với đôi vai to như bộ ván ngựa. Nhưng Fred đã nhìn thấy tôi. “BRAHM!” anh ta kêu lên và toét miệng cười, “Xin mời đến đây”. Tôi được đối xử như một VIP, một người tối quan trọng. Tôi được đưa ra sau, nơi thông thường khách hàng không được tới, để lựa chọn bộ phận thay thế mà tôi cần. Ông bạn của Fred ở quầy nói cho tôi biết về cú điện thoại vừa rồi của ông giám đốc điều hành. Tôi tìm được bộ phận tôi cần. Nó lớn hơn và đắt tiền hơn bộ phận tôi trả lại. “Tôi phải trả cho anh bao nhiêu?” tôi hỏi. “Giá cả chênh lệch bao nhiêu?”. Với một nụ cười ngoác tận mang tai, Fred trả lời, “Brahm, đối với thầy, không có chênh lệch gì cả!”. Thế thì lời khen cũng có ý nghĩa tài chính đấy chứ! Nụ cười với hai ngón tay trỏ Lời khen tiết kiệm được tiền bạc cho chúng ta, làm giàu có các mối quan hệ, và tạo ra niềm vui. Chúng ta cần ban phát cho xung quanh nhiều lời khen hơn nữa. Người khó nhận được sự khen ngợi nhất là chính chúng ta. Tôi được dạy dỗ để tin rằng người nào tự khen mình sẽ trở thành tự cao tự đại. Không phải thế đâu. Họ trở thành người tốt bụng. Khen ngợi những phẩm chất tốt của mình cũng là tích cực cổ vũ những phẩm chất ấy. Khi tôi còn là một học tăng, vị thiền sư đầu tiên của tôi đã cho tôi những lời khuyên rất thực tế. Thầy bắt đầu bằng cách hỏi tôi làm việc gì đầu tiên sau khi thức dậy. Tôi trả lời, “Dạ đi vào phòng tắm”. Thầy hỏi tiếp, “Trong phòng có gương soi không?” “Dạ có”. “Tốt”. Thầy nói, “Vậy thì, từ nay, mỗi buổi sáng trước khi đánh răng hãy nhìn vào gương và cười với mình”. “thưa thầy”. Tôi bắt đầu phản đối. “Con còn là một sinh viên. Đôi khi con đi ngủ rất khuya, và khi ngủ dậy người con rất uể oải. Có những buổi sáng con nhìn con trong gương còn thấy sợ, huống chi là mỉm cười”. Thầy cười, rồi nhìn vào mắt tôi, thầy nói, “Nếu con không cười được một nụ cười tự nhiên thì con đưa hai ngón tay trỏ vào hai khóe môi, chống lên như thế này”. Và thầy biểu diễn cho tôi xem. Trông thày hài hước không thể tưởng. Tôi bật cười. Thầy ra lệnh cho tôi phải làm. Và tôi làm theo. Sáng hôm sau, tôi lê người ra khỏi giường và lảo đảo đi vào phòng tắm. Tôi nhìn tôi trong gương. “Ờ!”. Không được đẹp cho lắm. Một nụ cười tự nhiên là không thể được. Thế nên tôi đưa hai ngón trỏ vào hai khóe môi rồi đẩy lên. Tôi thấy một khuôn mặt ngốc nghếch đang làm một trò điên khùng và tôi không nín được cười. Khi có một nụ cười tự nhiên rồi tôi thấy một chàng thanh niên đang mỉm cười với mình. Và tôi cười lại. Chàng thanh niên trong gương tiếp tục mỉm cười. Thế là chúng tôi cùng cười phá lên. Tôi tiếp tục thực tập mỉm cười trong suốt hai năm. Cứ mỗi buổi sáng dù tâm trạng thế nào khi bước ra khỏi giường thì chốc lát sau tôi đã mỉm cười với mình trong gương, thường thường là bằng cách dùng hai ngón tay. Những người xung quanh nói dạo này tôi hay cười. Có lẽ những cơ bắp xung quanh môi đã quen với tư thế ấy rồi. Chúng ta có thể thực tập cách “cười với hai ngón tay trỏ” bất cứ lúc nào trong ngày. Nó đặc biệt có hiệu quả khi chúng ta cảm thấy chán ngán, nản chí, hay phiền muộn. Người ta đã chứng minh rằng tiếng cười làm tiết ra chất endorphin vào trong dòng máu của chúng ta, mà chất này lại làm tăng cường hệ miễn dịch và làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Nó giúp chúng ta nhìn thấy 99,8 phần trăm những chi tiết hoàn hảo trong một công trình có 0,2% những chi tiết lệch lạc của mình, chứ không chỉ nhìn thấy cái phần lệch lạc ấy. Và nụ cười làm cho chúng ta trông đẹp hơn. Đó là lý do đôi lúc tôi gọi ngôi chùa ở Perth của chúng tôi là “Thẩm mỹ viện Ajahn Brahm”. Nguồn: Who Ordered This Truckload of Dung? Inspiring Stories for Welcoming Life’s Difficulties của Ajahn Brahm. Nhà xuất bản Wisdom Publications Hoa Kỳ phát hành năm 2005. ĐẠI SƯ BRAHM | TRẦN NGỌC BẢO dịch| Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 162
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |