Chi tiết tin tức

Nghệ thuật phủ định trong Kinh Kim Cang

08:30:00 - 17/06/2023
(PGNĐ) -  Tính phủ định trong kinh này tựa như những khẳng định mang tính mâu thuẫn hay phủ định thường xuyên lặp lại trong các vấn đề quan trọng mà Đức Phật cần nói, để hướng cho người học thông đạt ý nghĩa sâu xa của họ đối với Phật giáo.

DẪN NHẬP

Kinh Kim Cang hay là Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa (金剛般若波羅密經 – Vajracchedikā-prajñāpāramitā-sūtra) là một bản kinh tiêu biểu trong văn hệ Bát nhã (prajñāpāramitā) của kho tàng văn học kinh điển Phật giáo phát triển. Sức ảnh hưởng của bản kinh này sâu rộng nhất đối với các nước Phật giáo như: Trung Quốc, Việt Nam… và là bản kinh quan trọng với Thiền tông.

Về nguồn gốc xuất hiện của Kinh Kim Cang cũng như văn hệ Bát nhã, hiện vẫn còn là vấn đề chưa được thống nhất trong quan điểm nghiên cứu của các nhà Phật học. Theo Etienne Lamotte, văn hệ Bát-nhã khởi đầu từ Tây Bắc và Trung Á (Khotan), bởi ảnh hưởng của nền văn minh Địa Trung Hải nên hình thành Đại thừa Phật giáo. Còn theo Edward Conza, văn hệ Bát nhã thịnh hành ở Tây Bắc trong triều đại Kouchan và ông chia văn hệ này thành bốn thời kỳ, kéo dài hơn 10 thế kỷ. Tuy nhiên, có một số học giả (đa số người Nhật) không đồng ý với quan điểm này, và cho rằng Kinh Kim Cương xuất hiện sớm hơn [1].

Có ít nhất 8 bản dịch Trung văn được lưu truyền nhưng có 6 bản tin cậy. Trong đó bản dịch sớm nhất là Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa (Đại Chánh Tạng, quyển 8, số 235) của Đại sư Cưu Ma La Thập vào đời Diêu Tần (năm 402), ngôn ngữ xúc tích và nội dung phù hợp với ý chính của kinh. Về sau có 5 bản dịch khác tiếp tục xuất hiện:

1. Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật (Đại Chánh Tạng, quyển 8, số 236) do Tam tạng pháp sư Bồ Đề Lưu Chi dịch tại Chùa Vĩnh Ninh vào đời Nguyên Ngụy.

2. Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La (Đại Chánh Tạng, quyển 8, số 237) do Pháp sư Chân Đế dịch tại Chùa Chế Chỉ ở Quảng Châu vào đời Trần.

3. Kinh Kim Cang Năng Đoạn Bát Nhã Ba La Mật (Đại Chánh Tạng, quyển 8, số 238) do Tam tạng Pháp sư Đạt Ma Cấp Đa dịch tại vườn Chỉ Lâm ở Đông Đô vào đời Tùy.

4. Kinh Năng Đoạn Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa tức Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa (Đại Chánh Tạng, quyển 7, số 220) do Pháp sư Huyền Trang dịch tại chùa Hoằng Phúc ở Tây Kinh vào đời Đường.

5. Kinh Phật Thuyết Năng Đoạn Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa (Đại Chánh Tạng, quyển 8, số 239) do Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh dịch tại Trường An vào đời Đường. 

Nghệ thuật phủ định trong kinh Kim Cang không phải vận hành theo mô thức phủ định theo logic học thông thường là “A không phải là A, A chính là B (khác A)” mà theo logic “A không phải là A, do đó A chính là A”. Phủ định này không được hiểu trên sự nhận thức đơn thuần qua khái niệm, ngôn ngữ mà phải được hiểu vượt qua phân tích, khái niệm, ngôn ngữ mới may ra hiểu được thực tánh của các pháp.

Ngoài ra, còn có các bản dịch khác bằng Tạng văn, Mãn văn… Kinh Kim Cang bằng Phạn văn được lưu truyền rộng rãi ở Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và các nước thuộc khu vực Trung Á. Việc tiếp cận bản kinh này tùy thuộc vào cách nhìn khác nhau của người học. Qua lăng kính văn học, kinh Kim Cang có nhiều đặc tính, trong đó người viết tâm đắc nhất là tính phủ định trong bản kinh này.

Tính phủ định trong kinh này tựa như những khẳng định mang tính mâu thuẫn hay phủ định thường xuyên lặp lại trong các vấn đề quan trọng mà Đức Phật cần nói, để hướng cho người học thông đạt ý nghĩa sâu xa của họ đối với Phật giáo. Tính phủ định trong văn học cũng là luận lý mà người viết thường đưa ra theo mô-tip phủ định của phủ định là khẳng định hay nói rõ hơn, nó được xác lập theo tiền đề “A không phải là A, do đó A là A”. Phủ định là một tiền đề triết học mà các triết gia từ xưa đến nay đều công nhận, tính phủ định thể hiện qua đời sống thực tế. Sự thực thì pháp luôn biến đổi, không đứng một chỗ, nếu đứng một chỗ thì không có cái mới xuất hiện, không có sự phát triển. Vì vậy, việc phủ định cái cũ tạo tiền đề cho cái mới xuất hiện và phát triển. 

SỰ QUAN TRỌNG CỦA LẬP LUẬN PHỦ ĐỊNH TRONG KINH KIM CANG

Trước khi đi vào phân tích mô-típ phủ định trong kinh, chúng ta thử tìm hiểu phủ định trong Phật giáo là gì, hay phủ định là gì?

Theo logic học Phật giáo, nhận thức có hai dạng là nhận thức trực tiếp (hiện lượng) và nhận thức gián tiếp (tỷ lượng) về một điểm nào đó trên vỏ biểu kiến của thực tại chứ không phải bản thân của thực tại. Đây là điểm quan trọng xuyên suốt để hiểu về nghệ thuật phủ định trong kinh Kim Cang. Bởi vì phủ định này để đưa đến thực tánh, bản chất chân thật của các pháp, muốn vậy phải vượt qua sự hiểu biết nhận thức thông thường. Và, nhận thức và ngôn ngữ biểu đạt nhận thức có mối quan hệ với nhau. Ngôn từ là một hiện hữu tương đối, chứa đựng toàn thể kinh nghiệm của nhận thức duy trì kinh nghiệm này. 

Logic học Phật giáo đưa ra 4 tiên đề: có; không; vừa có, vừa không; không có, không không. Khi nói “không” không có nghĩa là “có” cũng không có nghĩa là “vừa có vừa không”, cũng không có nghĩa là “vừa không có vừa không không”, cũng không có nghĩa là cả ba vấn đề trên. “Không” ở đây chỉ đơn giản là “không” chứ không suy diễn rồi gán cho nó một vế khác trong ba về được nêu trên. Vì vậy, với người học logic học Phật giáo, nói tôi không phải là người Hà Nội thì chỉ hiểu là không phải là người Hà Nội thôi, chứ không thể suy diễn rồi kết luận nếu không phải người Hà Nội thì là người Huế, hay người Sài Gòn.

PHÂN TÍCH CÁC ĐOẠN KINH CÓ NGHỆ THUẬT PHỦ ĐỊNH

Có một điều cần phải lưu ý là bản kinh này nhắm đến đối tượng nghe là các vị Bồ tát, và nghệ thuật phủ định cũng nhắm vào trí của các vị Bồ tát, những người không còn chấp thủ vào ngã tưởng (ātma-saṃjñā), nhân tưởng (pudgala-saṃjñā), chúng sinh tưởng (sattva-saṃjñā), thọ giả tưởng (jīva-saṃjñā). Nếu một người mà có ý niệm về ngã (ātman) thì người đó là phàm phu.

“Phật bảo Tu-bồ-đề:….Người nghe chương cú này cho đến một niệm sanh lòng tin thanh tịnh, này Tu-bồ-đề, Như Lai ắt biết, ắt thấy các chúng sanh ấy được vô lượng phước đức như thế.

Vì cớ sao? Vì các chúng sanh ấy không còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, không có tướng pháp cũng không tướng phi pháp” [2].

Ở đoạn kinh trên, nghệ thuật phủ định ở chỗ không có tướng pháp cũng không có tướng phi pháp (không pháp). Không có tướng pháp vì các vị Bồ tát biết rằng pháp không thật tồn tại riêng nó mà do duyên hợp. Không có tướng phi pháp là sự phủ định tướng pháp ở trên, nhưng không phải là phủ định đơn thuần là “không có gì”, bởi lẽ nếu nhận thức là tưởng thì nó đơn thuần là mô tả lại pháp trong tiến trình nhận thức mà không phải là thật pháp, nếu lầm tưởng là pháp thật thì sai lầm, nên Bồ tát không có tưởng gì cả. Tuy thế, Bồ tát cũng không có không tưởng, bởi vì nhận thức vẫn phải tiếp tục khi còn sống. Cho nên, vị Bồ tát không dính kẹt trên những nhận thức, không sai lầm trên nhận thức. Nghệ thuật phủ định gần như đưa các vị Bồ tát đến giáo nghĩa vô tướng (tướng không, đã là vô tướng thì không thể diễn là gì hay không là gì.

Đoạn kinh văn: “Nếu còn chấp tướng pháp tức còn chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Vì cớ sao? Nếu còn chấp tướng phi pháp tức còn chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Thế nên không nên chấp pháp, không nên chấp phi pháp.

Bởi do nghĩa ấy, Như Lai thường nói: Tỳ kheo các ông nên biết, ta nói pháp ví dụ như chiếc bè, pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp.” [3]

Không chấp pháp vì Bồ tát tin rằng các pháp hữu vi không thực có, tuy nhiên nếu không tin có pháp thì dĩ nhiên người phàm phu rơi vào tình trạng tin vào phi pháp (không pháp) đối lập với pháp thì lại không phải là ý của Đức Phật dạy, do vậy phủ định không nên chấp phi pháp được hiểu là không nên có tưởng trên một đối tượng nào. Phủ nhận pháp là rơi vào thường, phủ nhận phi pháp là không rơi vào đoạn. Không rơi vào hai thái cực là yếu nghĩa của trung đạo. Xét thực tế thì khổ đau do dính mắc, còn các pháp tự nó là vô tướng, hiểu được vậy thì khổ đau được tiêu trừ.

Đoạn kinh văn: “Này Tu-bồ-đề, Phật nói Bát-nhã ba-la-mật tức không phải Bát-nhã ba-la-mật, ấy gọi là Bát-nhã ba-la-mật.” [4]

Khi Đức Phật nói tên Kinh Bát-nhã ba-la-mật, ngay lập tức chúng ta theo phản xạ muốn biết Bát-nhã ba-la-mật là gì? Nhưng Bát-nhã ba-la-mật không thể được hiểu ngôn từ, khái niệm. Nên Đức Phật dạy Bát-nhã ba-la-mật là không Bát-nhã ba-la-mật. Bát-nhã không là triết lý để chúng ta có thể nhận thức bởi vì Bát-nhã không phải là một đối tượng để nhận thức được, nằm ngoài ngôn ngữ và diễn đạt. 

Trong kinh, Đức Phật hỏi lại “có pháp nào Như Lai thuyết chăng?”, nếu nói có pháp mà Như Lai thuyết tức là pháp đó được mô tả qua ngôn ngữ, khái niệm. Do vậy ngài Tu-bồ-đề trả lời “Không có pháp nào được Như Lai thuyết” là câu trả lời chính xác nhất để không rơi vào nhị nguyên.

Khi đề cập đến thế giới và các vi trần thì “thế giới không là thế giới”, “vi trần không là vi trần” vì thế được gọi là “thế giới”, “vi trần”. Bởi to lớn gọi là thế giới đó được tập hợp bởi các vi trần (nguyên tử), cái nhỏ là vi trần kia được cấu thành từ các điện tử, năng lượng. Do vậy, thế giới hay vi trần là sự cấu thành bởi các duyên, tính chất là không (tướng không) từ đó “thế giới là không thế giới gọi là thế giới, vi trần không vi trần gọi là vi trần” [5]. Khi mô tả việc quá khứ xa xưa ở bên Phật Nhiên Đăng, Bồ tát hiểu rõ không có một pháp tương quan, tương duyên nào mà có thể thành được Chánh đẳng Chánh giác cả, chỉ là trừ bỏ dính mắc, không còn dính trên pháp nào thì mới được thọ ký thành Phật.

Khi nói về trang nghiêm cõi Phật, “Như Lai nói trang nghiêm cõi Phật là không phải trang nghiêm cõi Phật, tức là trang nghiêm cõi Phật” [6]. Cõi Phật là vô tướng, sao có thể làm gì đó để trang nghiêm được. Do vậy, không thể hiểu trang nghiêm là cách tạo tác các pháp hữu vi, mà chỉ có thể trang nghiêm tự tâm bằng lục độ Ba-la-mật, bằng Giới – Định – Tuệ mới thực sự trang nghiêm cõi Phật. Xuyên suốt phần lớn kinh Kim Cang, nghệ thuật phủ định lặp đi lặp lại chỉ nhằm mục đích khai thị cho người học không dính mắc vào nhị nguyên phân biệt, không rơi vào thường, không rơi vào đoạn để nhận rõ con đường đúng đắn, giải thoát.

KẾT LUẬN

Nghệ thuật phủ định trong kinh Kim Cang không phải vận hành theo mô thức phủ định theo logic học thông thường là “A không phải là A, A chính là B (khác A)” mà theo logic “A không phải là A, do đó A chính là A”. Phủ định này không được hiểu trên sự nhận thức đơn thuần qua khái niệm, ngôn ngữ mà phải được hiểu vượt qua phân tích, khái niệm, ngôn ngữ mới may ra hiểu được thực tánh của các pháp.

Tuy nhiên, chưa thực sự đạt đến sự chứng ngộ theo trí tuệ Bát-nhã, nhưng nếu đem kinh Kim Cang vào cái nhìn đời thực thì phủ định là không để dính mắc vào hiện tượng, sự vật. Bớt chấp thủ thì bớt phiền não, chỉ là nhận rõ các pháp chứ không để dính mắc trên các pháp, thì các pháp vốn là như vậy. Các pháp vốn như thế thì an nhiên trong mọi hoàn cảnh. Đây là vấn đề cần lưu tâm trên bước đường tu tập của tự thân.

 

 

SC. Thích Nữ Liên Thuận/TCVHPG409

Chú thích:

* Sư cô Thích Nữ Liên Thuận, Học viên Cao học khóa I tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. 

[1] Trịnh Nguyên Phước, Đọc và hiểu kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa. https://www.lienphathoi.org/static/chimviet/thoidai/nguyenphuoc/tnp_kinhkimcuong.htm (truy cập ngày 25/11/2022)

[2] 佛告須菩提:「莫作是說!如來滅後,後五百歲,有持戒修福者,於此章句,能生信心,以此為實。當知是人,不於一佛、二佛、三四五佛而種善根,已於無量千萬佛所種諸善根。聞是章句,乃至一念生淨信者;須菩提!如來悉知悉見,是諸眾生得如是無量福德。何以故?是諸眾生,無復我相、人相、眾生相、壽者相、無法相,亦無非法相.

[3] 是故不應取法,不應取非法。以是義故,如來常說:汝等比丘!知我說法,如筏喻者;法尚應捨,何況非法?

[4] 須菩提!佛說般若波羅蜜,即非般若波羅蜜,是名般若波羅蜜

[5] 如來說非微塵,是名微塵。如來說世界非世界,是名世界

[6] 如來說莊嚴佛土者,即非莊嚴,是名莊嚴 

 

Tài liệu tham khảo:

1. Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa.

2. Trịnh Nguyên Phước, Đọc và hiểu kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa.

3. Thích Nhật Từ (2011), Ứng dụng tâm kinh trong cuộc sống, Nxb. Hồng Đức.

4. Thích Thanh Từ (2010), Kinh kim cang giảng giải, Nxb. Tôn giáo.

5. Tuệ Sỹ (2019), Triết học về tánh không, Nxb. Hồng Đức.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin