Chi tiết tin tức Từ cái chốt trống A-năng-ha trong kinh Tương Ưng Bộ đến việc pha nước vào sữa trong kinh Đại Bát-niết-bàn 20:43:00 - 23/05/2023
(PGNĐ) - Giáo pháp của Đức Phật vốn chỉ có một vị thuần nhất, đó là vị giải thoát. Tuy nhiên, trong quá trình giữ gìn, truyền thừa và lan tỏa, do tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau thế nên chánh pháp của đức Phật đôi khi bị xen lẫn bởi nhiều yếu tố chưa phải là chánh pháp. Đây cũng là dự ngôn mà Đức Phật đã nêu ra trong kinh Tương Ưng Bộ và đặc biệt, tinh thần của dự ngôn ấy cũng xuất hiện trong kinh điển đại thừa mà ở đây chính là kinh Đại Bát-niết-bàn.
1. Cái chốt trống Āṇaka trong kinh Tương Ưng Bộ Theo kinh Tương Ưng Bộ (S.20.7 – II.266) và kinh tương đương số 1.258 của Tạp A-hàm ghi nhận: Lúc bấy giờ, dân chúng ở làng Đà-xá-la-ha (陀舍羅訶, Dasārahāna) có một chiếc trống tên là A-năng-ha (阿能訶, Āṇaka) với âm thanh trầm hùng, vang xa nhiều dặm. Khi chiếc trống ấy bị bể, bị nứt ra thì dân làng dùng các chốt bằng gỗ để đóng vào. Trải qua một thời gian, toàn bộcả thùng gỗ của chiếc trống A-năng-ha biến mất, chỉ còn lại những cái chốt gỗ mà thôi. Nhân đó, Phật dạy: Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo sẽ thành trong tương lai. Những bài kinh nào do Như Lai thuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không, họ sẽ không nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ không lóng tai; họ sẽ không an trú chánh tri tâm, và họ sẽ không nghĩ rằng các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải thấu đáo. Còn những bài kinh nào do các thi sĩ làm, những bài thơ với những danh từ hoa mỹ, với những câu văn hoa mỹ, thuộc ngoại điển, do các đệ tử thuyết giảng, họ sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; họ sẽ lóng tai; họ sẽ an trú chánh tri tâm và họ sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các kinh do Như Laithuyết, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến không sẽ đi đến tiêu diệt. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: "Những bài kinh nào do Như Lai thuyết giảng, thâm sâu, nghĩa lý thâm diệu, xuất thế gian, liên hệ đến Không, chúng tôi sẽ nghe khi các kinh ấy được thuyết giảng; chúng tôi sẽ lóng tai; chúng tôi sẽ an trú chánh tri tâm. Và chúng tôi sẽ nghĩ rằng, các pháp ấy cần phải học thuộc lòng, cần phải học thấu đáo”.[1] Hình ảnh chiếc trống A-năng-ha bị tan hoại, chỉ còn trơ lại những cái chốt gỗ dùng để vá víu, là một hình ảnh rất mực sinh động, gợi mở nhiều ví dụ liên quan mà ở đây là việc pha thêm nước vào sữa trong kinh Đại Bát-niết-bàn. Theo kinh Đại Bát-niết-bàn, câu chuyện xuất phát từ ý muốn kiếm tiền bất thiện của cô gái chăn bò. Sau khi vắt sữa bò xong, cô gái ấy đã hòa thêm nước vào sữa nhằm tăng thêm số lượng. Sau đó, cô gái này đã bán sữa cho một cô gái nghèo khác. Nhằm tăng thêm lợi nhuận, người mua sữa này lại hòa thêm một lượng nước nữa. Cứ mãi như thế, cho đến khi người cuối cùng đem sữa ra chợ bán thì vị sữa nguyên chất không còn nữa mà đã nhạt đi rất nhiều. Đúc kết câu chuyện này, Phật dạy: Lúc ấy sẽ có những Tỳ-kheo xấu ác sao chép kinh Đại Bát-niết-bàn chia làm nhiều phần, có thể làm mất đi sắc, hương và vị ngọt của Chánh pháp. Những người xấu ác này tuy có đọc tụng kinh điển này, nhưng lại hủy hoại nghĩa lý cốt yếu sâu xa của Như Lai, thay bằng những lời vô nghĩa, văn vẻ hoa mỹcủa thế gian, chép phần trước để ở sau, chép phần sau để ở trước, phần trước và sau để ở giữa, phần giữa để ở phía sau và trước. Nên biết những Tỳ-kheo xấu ác này là bạn bè của ma, cất chứa tất cả những vật bất tịnh rồi nói rằng: ‘Như Lai cho phép tôi cất chứa hết thảy’. Như cô gái chăn bò pha nhiều nước vào trong sữa, những Tỳ-kheo xấu ác cũng lại như vậy, dùng lời hỗn tạp của thế gian để sắp đặt lại kinh này, làm cho số đông chúng sanhchẳng thể biết được lời dạy chân chánh [của đức Phật], rồi biên chép chân chánh, giữ gìn chân chánh để tôn trọng tán thán, cung kính cúng dường. Tỳ-kheo xấu ác này vì lợi dưỡng nên chẳng thể giảng nói, lưu truyền rộng rãikinh này, dù có lưu truyền cũng chỉ phần nhỏ, chẳng đáng là bao. Như cô gái chăn bò và cô gái nghèo kia chuyền nhau bán sữa, cho đến nấu thành cháo mà chẳng còn vị sữa[2]. Trong quá trình lan tỏa chánh pháp, do căn cơ của thính chúng không đồng, do đặc thù của xã hội trong từng giai đoạn lịch sử, thế nên hàng đệ tử của Đức Phật đã có những tùy duyên trong việc khai triển những lời dạy của Ngài. Sự phong phú của Tam tạng kinh điển Phật giáo là một trong những bằng chứng cho thấy yếu tính khế hợp và tùy duyên này. Trên phương diện tích cực, điều không thể phủ nhận rằng, nhờ yếu tính linh động uyển chuyển, khế hợp tùy duyên mà giáo pháp của Đức Phật được lan truyền khắp thế giới và Phật giáo đã trở thành một trong những tôn giáomang tính toàn cầu. Trong một vài trường hợp đặc biệt, nhờ yếu tính uyển chuyển, tùy duyên thế nên Phật giáo không bị diệt vong mà còn bắt rễ và cắm sâu vào đời sống văn hóa dân tộc của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Liên hệ với thực tế kinh điển, cụ thể là kinh Đại Bát-niết-bàn, nếu loại trừ đi yếu tố mưu cầu, tư lợi, thì việc pha loãng sữa trong một vài trường hợp đặc thù là cần thiết. Bởi lẽ, trong thực tế của ngành y học nói chung, có những bệnh nhân không thể nào tiêu hóa được sữa đậm đặc, nguyên chất mà phải dùng nước pha loãng theo một tỉ lệ nhất định. Cũng vậy, có những hạng chúng sanh không thể nào tiếp cận và hiểu được nguyên tác kinh điển, nhưng qua những chú giải, qua những điều mở rộngcủa các bậc đại sư có thẩm quyền, những người này có thể từng bước tiếp cận giáo pháp và từng bước thọ nhận sự an ổn, an vui trong Pháp lạc. Trên phương diện ngược lại, việc tôn trọng và y cứ tuyệt đối vào chánh phápkhông những là điều kiện sống còn của Đạo Phật mà còn là cửa ngõ huyết mạch cho con đường giải thoát và giác ngộ. Hình ảnh những con chốt gỗ tụ tập lại bên cạnh một cái trống đã vỡ toang mà kinh Tương Ưng Bộ nêu trên là dự ngôn rất đáng được quan tâm đối với những ai muốn giữ gìn sự toàn vẹn của giáo pháp. Việc tùy tiện quảng diễn giáo pháp không y cứ vào kinh điển mà chỉ dựa vào những kinh nghiệm tự thân, khám phá khoa học, truyện tích dân gian… đã và đang diễn ra trong hoạt động hoằng pháp hiện nay là một thực tại đáng quan ngại. Mặc dù những viện dẫn đó có thể làm rung cảm, giao động tâm thức thính chúng trong một vài cung bậc, nhưng đôi khi vô tình hạ thấp và làm sai lạc nhiều giá trị thiết thực, hữu hiệu, thâm sâu của Chánh pháp. Dụ ngôn dùng vàng bạc để đổi lấy cát sỏi mà đức Phật đã từng đề cập trong kinh là một trong những minh chứng về trường hợp này. Không những vậy, việc chú giải kinh điển cũng cần phải tư duy, thẩm sát thật kỹ lưỡng trước khi mở lời hoặc viết ra. Phải tự nhận thức rằng, chúng talà ai, ở giai vị nào của quả vị giác ngộ, đã hiểu chính xác lời Phật hay chưa… trước khi chú giải hoặc luận bàn về kinh điển. Liên hệ với điều này, trong Kinh Tự Hoan Hỷ[3], Đức Phật đã từng chất vấn Tôn giả Xá-lợi-phất rằng: - Thầy có thể biết được những suy nghĩ trong tâm của chư Phật quá khứchăng? Chư Phật ấy có giới như vậy, pháp như vậy, trí tuệ như vậy, giải thoát như vậy và an trú giải thoát như vậy chăng? May mắn thay, nhờ nắm bắt Pháp tổng tướng[4] của Phật nên Tôn giả Xá-lợi-phất đã khiến Đức Phật hoan hỷ với câu trả lời. Liên hệ với việc chú giải kinh điển, phải ý thức rõ ràng rằng, chúng ta chưa thể nào biết được suy nghĩ trong tâm của chư Phật, chưa xứng là học trò của Tôn giả Xá-lợi-phất, vô minh thì sâu dày, trí tuệ thì mỏng manh… thế nên cần phải thật sự cẩn trọng khi quảng diễn lời Phật hoặc chú giải kinh điển. Người học Phật chân chính cần phải có một thái độ dung hòa giữa các truyền thống kinh điển, trong quá trình học hỏi và nghiên cứu. Vì lẽ, mỗi truyền thống kinh điển, mỗi bộ phái Phật giáo đều nắm giữ một phần nào đó khả tính toàn vẹn của giáo pháp. Thế nên thái độ cầu pháp, trạch pháp, cẩn trọng suy tư đối với giáo pháp là điều kiện tối quan trọng để y cứ và thực hành. Từ câu chuyện hòa thêm nước vào sữa, từ câu chuyện những cái chốt gỗ của chiếc trống A-năng-ha cho chúng ta thấy, việc vận dụng phương tiệntrong tu tập và trong giáo hóa là điều kiện cần. Tuy nhiên, phải luôn ý thức rõ và minh định rạch ròi, đâu là chính đâu là phụ, đâu là phương tiện đâu là cứu cánh, đâu là chánh pháp đâu là tương tự với chánh pháp. Trong tất cả, đã là đệ tử Phật thì phải vận dụng mọi cách thức và phương tiện để đảm bảo tính toàn vẹn và chân thực của giáo pháp, vì chỉ có như vậy giáo pháp chân chánh mới được trường tồn và những đặc tính ưu việt, riêng có của Phật giáo được khẳng định và thực thi.
Chúc Phú [1] Kinh Tương Ưng Bộ (S.20.7 – II.266), HT. Thích Minh Châu, dịch. [2] Đại Bát-Niết-bàn kinh, Bồ-tát phẩm大般涅槃經,菩薩品 (T.12. 0375.16. 0663a05). Bản dịch của Trung tâm dịch thuật Trí Tịnh. [3] Tự hoan hỷ kinh 自歡喜經 (T.01.0001.18. 0076b23). Bản dịch của Trung tâm dịch thuật Trí Tịnh. [4] Tổng tướng pháp (總相法). Tương đương Pāli của thuật ngữ này là từ Dhammanvaya và được giải nghĩa tùy theo từng trường hợp. Trước hết, trong D.28, HT. Thích Minh Châu dịch từ này là Truyền thống về chánh pháp, hoặc trong M.089, gọi là Pháp truyền thống. Nghĩa này cũng được xác nhậntrong Từ điển Phật danh từ riêng Pāli (BDPPN). Tuy nhiên, trong SĀ.498, từ này được dịch là Pháp chi phân tề (法之分齊). Phân tề (分齊), Hán ngữ Đại từ điển giải thích là bày biện phân chia phẩm vật hiến cúng liệt vị tổ tông (將齋祭之物分獻於各祖宗, 謂之分齋). Trong Trung Bộ, kinh số 12, từ Dhammanvaya được HT. Thích Minh Châu dịch là Tùy pháp. Trong khi đó, cụm từ này được Tỳ kheo Bodhi dịch sang tiếng Anh là suy luận từ giáo pháp (inference from dhamma). So sánh với kinh liên quan, kinh Trung A-hàm dịch là Pháp tĩnh (法靖). Tĩnh (靖) ở đây mang nghĩa thẩm sát, suy xét, bằng nghĩa chữ Thẩm (審). Tương đồng với nghĩa này, chú giải kinh Tương Ưng Bộ (Sāratthappakāsinī) giải thích từ này mang nghĩa là trí hiện lượng(paccakkhato ñāṇassa). Như vậy, Tổng tướng pháp (總相法) ở đây gần với nghĩa là dùng trí tuệ để thẩm sát, là Trí hiện lượng (paccakkhato ñāṇassa).
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |