Chi tiết tin tức Nhân quả và Thần thông 22:43:00 - 07/06/2018
(PGNĐ) - Những câu chuyện nói về thần thông trong kinh điển là không ít, nhưng qua câu chuyện nêu trên cho thấy, thần thông đối với đạo Phật không phải là cứu cánh, mà chỉ là phương tiện giúp cho sự giác ngộ và giải thoát. Nó chỉ được sử dụng khi cần thiết và mang lại lợi ích cho tha nhân. Khác với thần thông của ngoại đạo nhằm mê hoặc con người với mục đích vụ lợi cá nhân phi pháp. Vì vậy, công năng của thần thông ngoại đạo, khác với năng lực thần thông vi diệu của chánh pháp đem lại. Đó là điều mà chúng ta cần phải suy ngẫm.
Là phật tử, chắc chúng ta đều nhớ câu chuyện về Ngài Mục Kiền Liên dùng thần thông quán chiếu nhìn thấy mẹ mình là bà Thanh Đề bị đọa lạc vào cõi tam đồ khổ. Thương mẹ bị đói rách khổ não, ngài đem cơm đến cho mẹ ăn, nhưng khi cơm vừa đưa lên miệng thì biến thành lửa và bị quỷ đói giành giật mất. Với thần thông điêu luyện của mình nhưng cũng không cứu được mẹ. Thấy vậy, Mục Kiền Liên về bạch đức Phật và nói rõ nguyên do cảnh tượng mình nhìn thấy. Nghe xong đức Phật nói với Mục Kiền Liên:
- Mẹ ông trước kia phạm tội san tham, bỏn xẻn và ác độc, nên có cảnh ấy… Vậy ông muốn cứu mẹ, thì cần phải nhằm ngày Tự tứ (tức sau 3 tháng kiết hạ) thỉnh trai tăng làm lễ sám nguyện hồi hướng cho mẹ ông, thì mới cứu được mẹ ông thoát khỏi cảnh Ngạ quỷ. Nghe lời Phật dạy, Mục Kiền Liên làm lễ trai tăng cứu mẹ. Và sau đó, bà Thanh Đề đã đoạn được cảnh khổ tam đồ và sống nơi cõi Trời an lành. Chính vì gương hiếu hạnh cứu mẹ này của Ngài Mục Kiền Liên mà sau này có ngày lễ Vu Lan báo hiếu (Rằm tháng Bảy) của Phật giáo ra đời.
Đọc kinh Phật ai cũng biết, Ngài Mục Kiền Liên có thần thông nổi tiếng và diệu dụng. Chính vì điều này, mà ngài không tin là nhân quả mạnh hơn thần thông. Vậy thần thông và nhân quả có gì khác biệt, nhân đây chúng ta cùng tìm hiểu và suy ngẫm câu chuyện dưới đây, giữa đức Phật và Mục Kiền Liên xung quanh vấn đề nêu trên, để thêm một lần chúng ta tin sâu hơn Tam bảo:
Được biết, trong mười đệ tử lớn của đức Phật, Mục Kiền Liên là người có thần thông bậc nhất. Ông muốn lên cõi Trời nào cũng được. Xuống tầng Địa ngục tận cùng nào cũng rất dễ . Vì có thần thông tuyệt đỉnh như vậy, mà ông không tin là nhân quả cao hơn thần thông của ông. Nên khi hoàng tộc của đức Phật bị nhân quả phải trả, ông có trình thưa hỏi đức Phật: - Kính bạch đức Thế Tôn: Hoàng tộc của đức Thế Tôn bị người khác giết hại như vậy, sao đức Thế Tôn không cứu hoàng tộc của mình? Đức Phật nói với ông rằng:
Ông Mục Kiền Liên không tin nhân quả có lực mạnh hơn thần thông của ông, nên ông có trình xin đức Phật cho phép ông sử dụng thần thông để đưa hoàng tộc của Như Lai lên núi cao tránh nạn. Đức Phật ngăn ông hoài không cho ông sử dụng thần thông để cứu hoàng tộc của mình. Đợi khi Như Lai vào tịnh thất nghỉ, Mục Kiền Liên mới sử dụng thần thông hóa thành một cái nhà, mọi người trong hoàng tộc thấy cái nhà tự nhiên xuất hiện, tưởng rằng đức Phật hóa nhà để cứu họ. Khi mọi người vào trong nhà hết, cái nhà tự nhiên bay lên núi. Ông Mục Kiền Liên bay lên mở cửa nhà ra, không ngờ những người trong nhà đều chết hết. Đức Phật xuất hiện và nói với ông:
- Như Lai đã nói với ông rồi, nhân quả nơi thế giới này không ai có thể phá vỡ được, ông không tin. Như Lai cũng cho ông biết: Ông sử dụng thần thông lần này là vi phạm luật nhân quả rồi đó, kể từ nay ông không còn sử dụng thần thông được như trước nữa. Đức Phật vừa dạy ông Mục Kiền Liên xong, đức Phật xuống tịnh thất. Ông Mục Kiền Liên ở trên núi một giờ sau, dụng thần thông để bay xuống núi, nhưng ông dụng công hoài mà không được, nên đành đi bộ xuống núi bằng hai chân của mình. Khi ông xuống núi đến gặp đức Phật trình việc ông bị mất thần thông của mình.
Quả thật như vậy, sau này ông Mục Kiền Liên bị những người trước kia tranh giành và đánh lộn với nhau, bị ông Mục Kiền Liên sử dụng thần thông ngăn cản. Nay ông không còn thần thông nữa, nên họ trêu chọc và đánh ông cho đến chết!
Thần thông là thuộc tính tự nhiên, khi chứng đắc quả vị, dĩ nhiên người tu sẽ có được thần thông. Khác với ngoại đạo, thần thông do dụng công và mong cầu mà có. Thần thông này mục đích là để lừa phỉnh, hăm dọa chuộc lợi, chăm lo cho lợi ích bản thân. Chính vì điều này mà trong giới luật đức Phật đã ngăn cấm các đệ tử sử dụng thần thông bừa bãi mà không được phép.
Là phật tử, chắc chúng ta ai cũng đã từng nghe câu chuyện trong kinh nói về thần thông giữa đức Phật và một ngoại đạo khi qua sông (xin được tóm lược): “Đó là một hôm, đức Phật qua sông gặp một ngoại đạo. Để khoe về thần thông của mình, ngoại đạo nói với đức Phật: Tôi qua dòng sông này chỉ trong vòng dăm phút! Thấy vậy, đức Phật nói với ngoại đạo: ông có thần thông và học nó bao lâu?
Ngoại đạo trả lời Đức Phật: Tôi học 20 năm!
Phủ nhận thần thông của ngoại đạo, đức Phật nói: Tôi qua sông chỉ mất dăm đồng xu, mà ông phải mất 20 năm tập luyện, thì quả thật là lâu...!”
Một đơn cử nữa về thần thông cũng được đề cập trong kinh (xin được tóm lược): “Hôm đó, một số thầy tỳ kheo đi làm phật sự ở một vùng đất khá xa. Trời thì nắng to, oi bức không một ngọn gió. Các tỳ kheo di chuyển mỗi lúc một chậm chạp, trong số họ có một tỳ kheo có thần thông, nhưng không dám sử dụng vì giới luật. Thấy vậy, họ bàn với nhau và xin phép huynh trưởng trong đoàn cho sử dụng thần thông để làm thay đổi hoàn cảnh... Sau đó, được phép của huynh trưởng, thần thông được sử dụng và thay vào sự nắng nóng oi bức trước đó, là những đám mây trôi trên đầu cùng những cơn gió thổi nhè nhẹ theo bước chân các tỳ kheo. Do vậy, mà mọi người đều hoan hỷ và con đường về đích làm phật sự của họ dần dần được rút ngắn…” Những câu chuyện nói về thần thông trong kinh điển là không ít, nhưng qua câu chuyện nêu trên cho thấy, thần thông đối với đạo Phật không phải là cứu cánh, mà chỉ là phương tiện giúp cho sự giác ngộ và giải thoát. Nó chỉ được sử dụng khi cần thiết và mang lại lợi ích cho tha nhân. Khác với thần thông của ngoại đạo nhằm mê hoặc con người với mục đích vụ lợi cá nhân phi pháp. Vì vậy, công năng của thần thông ngoại đạo, khác với năng lực thần thông vi diệu của chánh pháp đem lại. Đó là điều mà chúng ta cần phải suy ngẫm.
Cư sĩ Nguyễn Đức Sinh
Tài liệu tham khảo: - Những câu hỏi về Thiền tông (Q1) của soạn giả Nguyễn Nhân (NXB Hồng Đức – Quý I/2016). - Hiển mật viên thông – Cư sĩ Trần Giác – Sa môn Thích Đạo Chân - Tỳ kheo Thích Viên Đức (dịch - chùa Dược Sư Ban Mê Thuột, ấn hành PL.2515).
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |