Chi tiết tin tức

Phu nhân Thắng Man gặp Phật

20:46:00 - 16/06/2018
(PGNĐ) -  Vua Ba-tư-nặc lên ngôi sau khi Phật thành đạo không lâu. Lúc đầu, ông là người bạo ác, bất tín, sau được Phật giáo hóa nên rất kính tin Phật pháp, và trở thành vị đại ngoại hộ cho giáo đoàn của Phật ở thành Xá-vệ, thủ phủ của nước Kiều-tát-la. Còn phu nhân Mạt-lợi vốn là một đứa tớ gái.

Một hôm Đức Phật vào thành khất thực, do thấy tướng hảo của Ngài mà sinh lòng kính tin, cúng dường để cầu hết kiếp tôi đòi. Nhờ công đức ấy, bà trở thành phu nhân của vua Ba-tư-nặc. Do những nhân duyên tốt lành đó, những nhân duyên mà kinh Thắng Man phu nhân hội gọi là “vừa chứng pháp xong”, vua và phu nhân bàn với nhau: “Con gái Thắng Man của ta từ mẫn, sáng dạ, đa văn, trí tuệ. Nếu gặp được Như Lai thì đối với pháp thậm thâm, sẽ chóng lãnh ngộ không còn nghi hoặc, ta nay phải khéo chỉ bảo để nó phát lòng thành tín”. Nói rồi liền viết thư xưng tán công đức chân thật của Như Lai, rồi bảo sứ quân Chân-đề-la mang thư đến thành Vô-đấu trao cho phu nhân Thắng Man. 

 

buddha-20.jpg

 

Thắng Man nhận được thư thì vui mừng tột bực, sinh tâm thật hiếm có. Bà hướng về Chân-đề-la mà nói kệ: 

 

Ta nghe danh Như Lai 

Thế gian rất khó gặp

Lời này nếu chân thật 

Phải cho ông y áo.1 

Nếu Phật Thế Tôn kia 

Lợi ích thế gian hiện 

Tất vì ta thương xót 

Khiến ta thấy chân tướng.

 

Không phải ai nghe đến tên Phật cũng sinh tâm vui mừng và hiếm có. Thứ gì chợt phát sinh trong hiện đời mà bộc phát mạch mẽ, là do quá khứ từng được huân tập nhiều. Thánh A Nan không phải vô cớ vướng vào Ma-đăng-già. Chẳng qua đã có 500 kiếp làm vợ chồng với nhau. Vua Brahmadatta sau khi vừa hoàn thành việc học đạo, đã vướng vào nạn ăn thịt người không thể dừng được, là do quá khứ từng làm quỷ Dạ-xoa v.v... Do chủng huân tập Phật pháp sâu dày, nên vừa nghe đến tên Phật, phu nhân đã sinh tâm hoan hỷ, sinh tâm thật hiếm có. 

 

Có việc huân tập này là nhờ có thức thứ 8. Thức thứ 8 lưu giữ các nhân duyên đời quá khứ dưới dạng chủng tử. Tuy nói thức thứ 8 lưu giữ nhưng thật là do các chủng tử họp lại mà thành, không phải có một cái kho chứa các chủng tử đó. Tức có chủng tử thì có thức thứ 8. Không có chủng tử thì cũng không có thức thứ 8. Những chủng tử này, một khi đủ duyên sẽ hiện hành và phát tán tùy theo năng lực của từng người. Nếu chủng nghiệp xấu huân tập sâu dày mà định tuệ hiện đời yếu thì lực nghiệp huân tập sẽ dẫn phát mọi hành vi của mình, như vua bị tập ăn thịt người làm chủ sai khiến tạo tác các ác nghiệp. Nếu nhân duyên hay định tuệ hiện đời tốt thì khi nghiệp chủng xấu xuất hiện, có thể kịp thời tỉnh giác làm chủ, không để nghiệp xấu hiện hành mà sinh tạo tác nơi thân và miệng. 

 

Các nhà tâm lý học thời gần đây, qua nghiên cứu thực tiễn đã phải hình dung ra cái gọi là vô thức và tiềm thức để giải quyết những hiện tượng tâm lý khó hiểu của con người. Thực tế minh chứng cho giả thuyết có tồn tại phần vô thức này, là khi nó được ứng dụng vào y học để trị bệnh, đạt được nhiều thành quả to lớn2. Cho nên, nếu phủ nhận kinh luận Đại thừa thì không thể nương đâu giải thích những hiện tượng khó hiểu đang xảy ra ở thế giới này, cũng không thể theo kịp những tiến hóa của nền khoa học kỹ thuật hiện đại, trong khi Phật học đã được Einstein3, ông Tổ của nền vật lý hiện đại cho rằng “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học.”4 Cũng nói, “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó.”5 Nói đến nhất thể thì có lẽ chỉ có các bộ kinh Đại thừa mới đáp ứng được. 

 

Sinh tâm hiếm có, vì trước giờ tâm bà không ở trạng thái này. Đó không phải là tâm vui mừng của thế gian khi gặp việc vừa ý. Chỉ những ai tìm thấy niềm vui trong pháp vị của chư Phật, mới cảm nhận được ít nhiều cái gọi là sinh tâm hiếm có này. Thắng Man phu nhân hội là một bộ kinh Nhất thừa, nên hiện tượng trên còn diễn tả tình trạng thay đổi tâm của một hành giả tu Phật. Đó là trạng thái khi sinh diệt diệt rồi tịch diệt là vui… 

 

Nói đến chân tướng là muốn nói đến tướng chân thật. 

 

Chân nói đây, có thể là do đối với ngụy mà nói. Phật mà phu nhân muốn gặp phải là một trong tam thân của chư Phật, không phải do ma Ba-tuần hóa ra như Tổ Cưu-ba-cúc-đa6 đã gặp. Cũng có thể là chân thể vô tướng với đầy đủ tướng và dụng vi diệu của chư Phật, chính là Phật tánh trong mỗi chúng sinh. Vì Thắng Man phu nhân hội là bộ kinh nói về Như Lai tạng thâm sâu, chỉ ra 5 loại trụ địa vô minh, cho thấy Vô minh trụ địa là nền tảng khiến mọi phiền não, sở tri sinh khởi. Thành nói đến chân Phật, chính là nói đến chân thể nhiệm mầu sẵn đủ trong mỗi chúng sinh. Khi Phật xuất hiện hay Phật giáng sinh chính là lúc nhân ấy xuất hiện. Nhà thiền gọi là kiến tánh, là thấy được tánh Phật trong chính mình. Điều kiện cần là tâm bạn phải ở trạng thái tịch diệt, tánh Phật ấy mới có cơ hiển lộ. Nên nói “Phu nhân vừa dứt lời niệm thì trên hư không Phật hiện ra với thân tướng chẳng thể nghĩ bàn, đại quang minh chiếu khắp”7. Vì Phật tánh là thứ sẵn đủ trong mọi chúng sinh, nên chỉ cần tâm dứt được các niệm tưởng, dù chỉ trong một thời tọa thiền ngắn, thì khả năng thấy được tánh Phật ấy không phải khó. Điều kiện cần và đủ là không chạy theo sinh diệt cũng không chấp vào tịch diệt, Phật tánh nhất định hiện tiền. 

 

Chẳng thể nghĩ bàn, vì 32 tướng tốt 80 vẻ đẹp là thân tướng của thiên vương hay các bậc Thánh, không phải của thường nhân. Phật tánh không sinh không diệt, không tăng không giảm, không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý… tức Phật tánh không phải là đối tượng bị biết (sở biết), cũng không phải là cái biết (năng biết), nên nói chẳng thể nghĩ bàn. Nghĩ bàn được thì đó chẳng phải là Phật tánh. 

 

Nói đến nhân duyên gặp Phật, Pháp Tạng, Tổ thứ ba của tông Hoa Nghiêm nói trong luận Đại thừa khởi tín nghĩa ký như vầy: Có hai cách gặp Phật. Một là có cơ cảm với Phật. Hai là nương vào tam muội mà thấy Phật. 

 

1- Có cơ cảm với Phật: Một trong các cách để có cơ cảm với Phật là trong quá khứ đã từng tu tập niệm Phật tam muội, nên hiện đời không cần nương vào tam muội mà vẫn thấy được sắc thân Phật. Đây là nói Phật thân với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Đó là đối tượng của nghiệp thức con người. 

 

2- Nương nơi tam muội thấy Phật: Đòi hỏi tâm hành giả phải lóng lặng mới thấy được Phật. Nói cách khác, thân tâm phải thanh tịnh thì Phật mới xuất hiện. Phật nói đây, thô là chỉ cho Báo thân, tế là chỉ cho Phật tánh. 

 

Báo thân có hai. Một là Tự thọ dụng thân. Hai là Tha thọ dụng thân. 

 

- Tự thọ dụng thân là báo thân viên mãn, do chư Phật trải qua vô số kiếp tu tập thiện căn tạo nên, khắp giáp cả pháp giới, thân và cõi chẳng lìa nhau, gọi là Thật báo trang nghiêm độ. Thân này khi chưa thành Phật thì chư Bồ-tát chỉ được nghe tên, không thể thấy. 

 

- Tha thọ dụng thân, là do cảm ứng với từng căn cơ của chúng sinh mà hiện. Đây là do chư Phật muốn chư vị Bồ-tát thọ đại pháp lạc, tiến tu thắng hạnh mà tùy nghi ứng hiện. Thân này do Trí bình đẳng hiện ra, vì chúng Bồ-tát Thập địa mà chuyển bánh xe pháp. 

 

Phân thì thấy nhiều thứ mà thảy đều từ tâm hiện. Phật dù thấy từ ngoài đến, cũng không ra ngoài tự tâm. 

 

Đại quang minh, là chỉ cho quang minh của Phật. Ánh sáng phát ra từ thân Phật gọi là quang. Ánh sáng ấy chiếu rọi vào vật thể gọi là minh. Tác dụng của quang minh là phá trừ sự tối tăm, làm sáng tỏ chân lý và soi thấu chân tướng của mọi sự vật. 

 

Quang minh của Phật có hai là trí quang và thân quang. 

 

Trí quang có hai nghĩa, là chiếu pháp và chiếu cơ. Chiếu pháp thì chân tục cả hai cùng soi. Chiếu cơ thì ứng khắp quần sinh làm lợi ích. 

 

Thân quang cũng có hai, là thường quang và phóng quang. Thường quang thì thường chiếu vô ngại. Phóng quang thì chỉ xuất hiện khi ứng cơ giáo hóa. Ứng với cơ của từng người mà hiện khởi, nên còn có tên là hiện khởi quang8

 

Phật xuất hiện rồi, phu nhân Thắng Man cùng quyến thuộc thảy đều tụ lại, chắp tay chiêm ngưỡng, vái Phật và xưng tán Đức Đạo Sư: 

 

Diệu sắc thân Như Lai 

Thế gian không thể bì 

Cũng không thể nghĩ bàn 

Cho nên con kính lễ. 

 

Sắc thân Như Lai với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, so với người đời không ai có thể so bì, vì nó do vô lượng phước đức tạo thành. Nhưng đây không nói người đời mà nói thế gian, tức bao gồm luôn chư thiên. Thiên vương cũng có được các tướng đó, nên biết diệu sắc thân Như Lai nói đây không chỉ cho thân sắc cõi trời hay cõi người mà chỉ cho pháp thân thường trụ. Chỉ có pháp thân Như Lai, tướng thế gian mới không thể bì, cũng không thể nghĩ bàn. Đây tương ưng với áo chỉ của kinh, lấy Nhất thừa làm tông chỉ9. Kính lễ diệu sắc thân Như Lai chính là kính lễ pháp thân Phật. 

 

Sắc Như Lai vô tận 

Trí tuệ cũng như vậy 

Tất cả pháp thường trụ 

Cho nên con quy y. 

 

Pháp thân Như Lai không hình tướng, trùm khắp, nên nói vô tận. Luận Đại thừa khởi tín10 nói: “Pháp thân ấy là thể của sắc nên hay hiện sắc. Bởi tánh của sắc chính là trí nên thể của sắc không hình, gọi là trí thân. Bởi tánh trí tức là sắc nên gọi là pháp thân, khắp giáp tất cả chỗ.” Sắc và trí không hai nên sắc vô tận thì trí cũng như vậy. 

 

Tất cả pháp, với cái nhìn của thế gian là vô thường. Đây nói tất cả pháp thường trụ là muốn nói đến thực tánh của vạn pháp. Luận Đại thừa khởi tín nói: “Vì là tâm chân thật nên là tánh của tất cả pháp. Tự thể hiển bày soi rõ tất cả pháp hư vọng.” Tướng các pháp là hư vọng, nhưng tánh các pháp thì thường trụ. Đó là tướng Không nói trong kinh Bát-nhã. Đây muốn nhấn mạnh đến mặt tánh chân thật này nên nói tất cả pháp thường trụ. 

 

Nói “Tất cả pháp thường trụ” cũng là nói phu nhân Thắng Man đã nhận ra được mặt tánh Không này của vạn pháp, là Phật tánh mà mọi người đều sở hữu. Quy y, là quy y tánh Phật với đầy đủ thể, tướng và dụng này. Kinh Pháp bảo đàn nói: “Mỗi người tự quán sát, chớ lầm chỗ dụng tâm. Kinh văn rõ ràng nói tự quy y Phật, chẳng nói quy y với Phật khác. Tự Phật mà chẳng quy thì không chỗ nào y được. Nay đã tự ngộ, mỗi người phải quy y Tam bảo của tự tâm. Trong thì điều hòa tâm tánh, ngoài thì cung kính mọi người.” 

 

Giáo lý của kinh Thắng Man là phần giáo thuộc Nhất thừa nên Tam bảo nói đây chính là tự tánh Tam bảo. Quy y Tam bảo chính là quy y tự tánh Tam bảo, không hướng ra ngoài quy y. 

 

Phật chính là Giác. Quy y Phật là dùng cái giác này chiếu phá ngô ngã, thị phi v.v… Tà mê chẳng sinh, thiểu dục tri túc, hay lìa tài sắc11

 

Pháp chính là Chánh12. Quy y Pháp là quy y chánh, niệm niệm không tà kiến. Không tà kiến thì không ngô ngã, cống cao, tham ái, chấp trước. 

 

Tăng chính là Tịnh13. Quy y Tăng chính là quy y tịnh. Đối với tất cả cảnh giới trần lao, ái dục, đều không nhiễm trước. 

 

Pháp thế gian là pháp duyên khởi, nên trong việc quy y nói đây cần xét đến mặt tùy duyên của nó. Kinh Thắng Man phu nhân hội là kinh Nhất thừa, nên quy y là quy y Phật, Pháp, Tăng của tự tâm. Đó là quy y Giác, Chánh và Tịnh. Việc này đòi hỏi người tu phải biết Giác là gì, đã sống được với cái Giác của mình ít nhiều, từ đó mới có thể triển khai ra Chánh và Tịnh. Cho nên, quy y tự tâm chỉ dành cho những hành giả đã biết Giác, lực Giác đã khá mạnh, có thể tự mình chiếu phá các tà niệm trong tâm v.v… Với Phật tử bình thường, dù đã tin tâm mình là Phật, đã biết sử dụng cái Giác của mình, nhưng mức độ vẫn chưa mạnh, thì quy y Tam bảo vẫn phải lấy quy y Tam bảo ngoài tâm làm chính. Đó là lý tùy duyên mà một hành giả tu Phật cần nắm vững. Phải biết duyên mình ở đâu mà dụng pháp cho đúng. Dụng pháp không đúng duyên thì như bệnh dùng lầm thuốc. Bệnh không hết mà ngày thêm nặng. Ngô ngã, thị phi ngày càng lớn. 

 

Khéo điều tâm lỗi ác 

Cùng với bốn thứ thân 

Đến chỗ bất tư nghì 

Con nay xin kính lễ. 

 

Bài kệ cho biết vì sao phu nhân kính lễ Đức Phật. Vì Phật đã khéo điều phục ba nghiệp của mình đến chỗ không thể nghĩ bàn. 

 

Tâm lỗi ác thuộc ý nghiệp. Bốn thứ thuộc thân cần điều phục là sát, đạo, dâm và vọng ngữ nói trong kinh Lăng nghiêm. Sát, đạo, dâm thuộc thân nghiệp. Vọng ngữ thuộc khẩu nghiệp. Đó là điều phục ba nghiệp. Người thế gian muốn sống hạnh phúc, đều nên thực hiện các việc này trong cái duyên của mình. Người tại gia có giới của người tại gia. Người xuất gia có giới của người xuất gia. Chính là để điều tâm lỗi ác này. Vấn đề đặt ra ở đây là điều phục ba nghiệp đến chỗ không thể nghĩ bàn. Đó là lúc năm thức ngoài chung thành Thành sở tác trí. Thức thứ sáu riêng thành Diệu quan sát trí. Thức thứ bảy riêng thành Bình đẳng tánh trí. Thức thứ tám riêng thành Đại viên cảnh trí. Bốn thức này, thể thì đồng nhưng tùy theo tướng và dụng mà đặt tên, nên thấy có sai khác. Đại viên cảnh trí riêng thành Pháp thân. Bình đẳng tánh trí riêng làm Báo thân. Thành sở tác trí và Diệu quan sát trí chung làm Hóa thân14. Như vậy, điều tâm điều thân đến chỗ không thể nghĩ bàn, cũng chính là thành tựu Phật quả. 

 

Biết các pháp nhĩ diệm 

Trí thân vô quái ngại 

Với pháp không để mất 

Nên con nay kính lễ. 

 

Nhĩ diệm, kinh Lăng-già nói: “Biết nhân pháp vô ngã/ Phiền não và nhĩ diệm/ Thường thanh tịnh không tướng/ Mà khởi tâm đại bi”. Thiền sư Hàm Thị giải thích nhĩ diệm là sở tri. Phàm phu chấp thân ngũ ấm là ngã nên phiền não y đó mà khởi. Phiền não này cùng với nghiệp hữu lậu làm duyên sinh khởi ra Phần đoạn tử của chúng sinh. Nhị thừa thấy ngũ ấm vô ngã mà sở tri chưa quên, nên cùng với nghiệp vô lậu làm duyên khởi sinh Biến dịch tử của thánh nhân. Chỉ có Phật là soi thấu được phần sở tri vi tế này. 

 

Sở tri là đối với năng tri mà nói. Năng tri là cái hay biết. Đối tượng của cái hay biết gọi là sở tri. Năng tri và sở tri đều là sở hiện của Chân thể thanh tịnh, do bất giác vọng động mà có. Hễ có sở tri thì nhất định còn năng tri. Năng tri mất thì sở tri cũng mất. Bài tụng Xa-ma-tha15 có câu: “Cái biết diệt mất, đối tượng cũng bị khiển trừ thì một bề vắng lặng”. Cũng nói: “Nếu lấy cái biết dùng để biết lặng thì đây chẳng phải là cái biết không duyên…”. Thì biết, cảnh giới chứng được dù vi tế thế nào, nếu vẫn có thể thấy, có thể biết thì đều thuộc sở tri. Đây gọi là nhĩ diệm. Vì biết cùng năng biết chỉ là hệ quả của bất giác, nên cái biết đang dùng đây phải mất thì chân thể mới hiển lộ. Trâu mất, người chăn cũng chẳng còn, mới thật sự trở lại cội nguồn. 

 

Biết các pháp nhĩ diệm là thấu được thực tánh của nhĩ diệm. Thấu được thì biết “Tất cả không Niết-bàn/ Không Niết-bàn của Phật/ Không có Phật Niết-bàn/ Xa lìa giác sở giác/ Hoặc có hoặc không có/ Cả hai thảy đều lìa.” Đây gọi là trí thân của Phật. Trí thân của Phật xa lìa mọi nhị biên phân biệt, dù đó là Niết-bàn đối với sinh tử, giác đối với sở giác. Xa lìa mọi nhị biên phân biệt nên “vô quái ngại cố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn.” Cứu cánh Niết-bàn mà không có Niết-bàn của Phật, cũng không có Phật Niết-bàn. 

 

Kính lễ sao cho xứng 

Kính lễ không gì bằng 

Kính lễ pháp tự tại 

Kính lễ vượt nghĩ suy. 

 

Kính lễ được lặp đi lặp lại nhiều lần cho thấy lòng tin kính và tha thiết của phu nhân đối với Đức Phật. Rồi bà phát nguyện: 

 

Xin từ mẫn hộ trì 

Khiến pháp chủng tăng trưởng 

Cho đến thân tối hậu 

Thường ở trước Như Lai 

Phước nghiệp con đã tu 

Hiện nay đến cuối đời 

Do lực thiện căn ấy 

Nguyện Phật hằng nhiếp thọ. 

 

Lời phát nguyện của phu nhân chỉ là mong có sự hộ trì để pháp chủng được tăng trưởng. Kinh Thắng Man là kinh Nhất thừa, nên pháp chủng nói đó không chỉ đơn thuần là mớ Phật pháp được huân tập từ vô lượng kiếp. Nó còn chỉ cho chủng vô lậu đã hiện khởi. Nhà thiền gọi là kiến tánh, là thấy được tánh Phật trong chính mình. Tánh ấy không tăng, không giảm, không lớn, không nhỏ v.v… sao có thể nói tăng trưởng? Nói tăng trưởng là muốn nói đến phần tiêu trừ tập khí của hành giả tu Phật. Cứ một phần tập khí được tiêu trừ thì một phần tướng và dụng của tánh ấy hiển lộ. Bởi, “Đốn ngộ tuy đồng Phật/ Đa sinh tập khí thâm/ Phong đình ba thượng dũng/ Lý hiện niệm du xâm.” Tuy chỗ nhận ra đồng với Phật, nhưng do tập khí huân tập nhiều đời ẩn sâu bên trong, chỉ khởi khi đủ duyên, nên đối duyên xúc cảnh, đủ duyên những tập khí này sinh khởi. Thêm vào đó, sự dấy khởi liên tục trong tâm cũng là một loại tập khí được huân tập sâu dày, nên đốn ngộ rồi, không có nghĩa là mọi niệm khởi đều dứt. Vì lý do đó, tâm chưa hoàn toàn được trong lặng để tướng và dụng có thể phát huy hoàn toàn như Phật. Đây dụ như gió đã dừng mà nước chưa hết dậy sóng. Lý thì đã hiện mà niệm vẫn còn khởi, làm động tâm thanh tịnh. 

 

Thân tối hậu là thân tối cùng trong sinh tử. Như thân A-la-hán hay Bích Chi Phật là thân tối hậu, chấm dứt Phần đoạn sinh tử của chúng sinh. Thân tối hậu nói đây là thân tối hậu của Bồ-tát, tức thành tựu Phật quả. Nguyện thường ở trước Như Lai là nguyện giác tâm thường hiện tiền. Nguyện giác tâm thường hiện tiền thì việc xin Phật hộ trì không phải như người đời, mang nhánh hoa nải chuối đến cầu xin là xong. Nó phải được đánh đổi bằng phước nghiệp tu hành của bản thân. 

 

Nhiếp thọ, là thu vào và gìn giữ. Thiện nghiệp một khi được huân tập mạnh thì không những đưa đến cảnh giới vi diệu trong tương lai, mà còn có lực giúp hành giả thẳng tiến trên đường thiện. Bạn nghĩ quấy hay làm quấy mà thấy bất an, không thể làm được, là do thiện nghiệp đang nhiếp thọ bạn, khiến bạn không thể sinh tâm bất thiện hay tạo bất thiện nghiệp. Thiện nghiệp nếu nhiếp thọ bạn thì thứ gì là thiện sẽ được thu vào và giữ đó, thứ gì không phải thiện sẽ bị đẩy lùi. 

 

Tương tợ, một khi đã nếm được pháp vị sâu xa của Đại thừa, việc huân tập pháp vị đã mạnh, thì những gì đúng với pháp vị ấy tâm mới nhiếp thọ, không thì không nhiếp thọ. Cho nên, tu hành mà tâm không trụ được pháp vị của Đại thừa là do việc huân tập chưa được sâu, mới dễ động tâm, nghe cái gì thuận với dục tâm là chạy theo. 

 

Thiện nghiệp nói đây không chỉ dừng ở việc giữ giới làm lành, mà đã ở giai đoạn hàng phục vọng tâm. Dòng vọng niệm đã dứt được lực tương tục. Tức tuy còn niệm mà sự tương tục đã không còn lực như ở phàm phu, niệm tỉnh giác khá tương tục. Công đức thiện nghiệp của phu nhân chính là lực hộ trì che chở cho chính phu nhân, cũng chính là cái nhân giúp phu nhân nhận được lực hộ trì của chư Phật. Tâm thanh tịnh cộng với nguyện lực sẽ giúp hành giả nhận được lực hộ trì này. Như nước yên thì trăng hiện. Đây là chỗ khó nghĩ bàn. Thiền sư Hàm Thị nói: “Quả vị của Như Lai đã chứng đến cùng tột, bởi nghĩ đến chúng sinh còn luân hồi nên thị hiện báo thân và hóa thân. Từ cảnh giới chân thật mà vào biển sinh tử. Bồ-tát y lời dạy của Như Lai, từ biển sinh tử, phát căn bản trí, trải qua năm ngôi vị tu hành cho đến Đẳng giác. Thuận nghịch đều đến mé giác nên gọi là vào chỗ giao tiếp với nhau.”16 

 

Khi Thắng Man nói kệ xong, bà cùng quyến thuộc và hết thảy đại chúng đồng đảnh lễ dưới chân Phật. Lúc ấy Thế Tôn liền vì Thắng Man nói kệ: 

 

Ta xưa cầu Bồ-đề 

Từng khai thị cho bà 

Nay bà gặp lại ta 

Đời sau cũng như vậy. 

 

Đây là lý do, chỉ vài dòng của cha mẹ bà đã phát khởi lòng tin đối với Phật, cũng do nhân duyên sâu dày này mà chỉ cần khởi tâm muốn thấy Phật, phu nhân liền thấy được Phật. Phật là người khai thị cũng là người nhiếp thọ bà. Không phải chỉ một đời mà đã vô lượng đời ở quá khứ. Vị lai cũng như vậy. 

 

Sau đó phu nhân được Phật thọ ký sẽ thành Phật với pháp hiệu là Phổ Quang Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. 

 

Nhân mùa Phật đản, nguyện cho mình và người đều được thấy Phật như phu nhân Thắng Man, đời đời thấy Phật, được Phật nhiếp thọ và hộ trì cho đến khi thành Phật. Phật đản sinh, chính là Phật của tự tâm đản sinh, dung nhiếp hết mọi loài.

 

  Chân Hiền Tâm

___________________

(1) Nghe nói danh Như Lai, thế gian rất khó gặp, nhưng được cha mẹ báo là hiện tại Phật đang ở thành Xá-vệ, nên phu nhân rất hoan hỷ. Vì đó bà muốn tạ ơn người đã mang tin này đến cho mình. 

 

(2) Hành trình vào Phân tâm học - Vũ Đình Lưu. Nxb.Hoàng Đông Phương 1968. 

 

(3) Nhà vật lý người Đức. Với thành tựu phát triển thuyết tương đối tổng quát, ông được coi là một trong những cha đẻ của vật lý hiện đại và là một trong những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX. Năm 1921, ông nhận giải Nobel vật lý cho những cống hiến với vật lý lý thuyết và sự khám phá ra định luật của hiệu ứng quang điện. Ông qua đời ngày 18-4-1955. 

 

(4) Nguồn: http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/245/0/3049/Albert_Einstein_va_dao_Phat. Nguyên văn là: “If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism need no surrender its view to science, because it embrances science as well as goes beyond science.” Được trích từ Collected famous quotes from Albert Einstein. http://rescomp,stanford,edu/~ cheshire/ Einstein quotes.htm. 

 

(5) Nguồn: http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/245/0/3049/Albert_Einstein_va_dao_Phat. Nguyên văn là: “The religion of the future will be a cosmic religion. It would transcend a person God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sence, arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description.” Được trích từ Collected famous quotes from Albert Einstein. http://rescomp,stanford,edu/~ cheshire/ Einstein quotes.htm. 

 

(6) 33 vị Tổ Thiền tông. HT.Thích Thanh Từ dịch. 

 

(7) Kinh Thắng Man phu nhân hội, bản dịch của Pháp sư Bồ-đề-lưu-chí, Đại tạng kinh số 11, Đại Bửu Tích, kinh số 310, quyển số 119. 

 

(8) Hoa nghiêm kinh thám huyền ký quyển 3. Sa-môn Pháp Tạng thuyết. Đại tạng kinh số 35. Kinh số 1733. 

 

(9) Tự điển Phật học Hán-Việt. Chủ biên Kim Cương Tử. 

 

(10) Đại thừa khởi tín luận. Bồ-tát Mã Minh. Chân Hiền Tâm Việt dịch và giải thích, xuất bản năm 2009. (11) Kinh Pháp bảo đàn, phẩm Sám hối, Lục tổ Huệ Năng. HT.Thích Thanh Từ dịch từ Hán sang Việt. 

 

(12) Sđd. 

 

(13) Sđd. 

 

(14) Thiền đốn ngộ, Đốn ngộ nhập đạo yếu môn của Thiền sư Huệ Hải. HT.Thích Thanh Từ dịch và chú. Trí Thức ấn hành năm 1974. 

 

(15) Thiền đốn ngộ, Thiền tông Vĩnh gia tập, chương IV. HT.Thích Thanh Từ dịch và chú. 

 

(16) Kinh Thủ lăng nghiêm trực chỉ. Thiền sư Hàm Thị giải thích. TT.Thích Phước Hảo dịch.

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin