Chi tiết tin tức

Thân khỏe mạnh, trí sáng suốt, tâm thánh thiện: Hành trang tiến đến Phật quả

19:51:00 - 14/06/2018
(PGNĐ) -  Kỷ niệm ngày Khánh đản của Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni gợi nhắc chúng ta lực tác động của pháp Phật đã soi đường dẫn bước cho loài người một cách tốt lành, trọn vẹn và kéo dài cho đến ngày nay, trải qua hơn 25 thế kỷ, vẫn còn giá trị nguyên vẹn.

 

Lumbini1.jpg

Tượng Đức Phật đản sanh tại thánh tích Lâm-tỳ-ni

 

Thật vậy, từng thế hệ đệ tử Phật trên khắp năm châu đã bước theo dấu chân Phật, thâm nhập được giáo pháp mà Ngài chỉ dạy và thể hiện trong cuộc sống, trở thành những bậc Hiền Thánh cho mọi người quy ngưỡng. Trên bước đường tiến đến quả vị Vô thượng đẳng giác, hàng đệ tử Phật đi trên lộ trình tam thừa Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát. Và tùy theo căn lành, hạnh nguyện, trình độ tu chứng khác nhau của mỗi người mà đạt đến những thánh quả cũng khác nhau. 

 

Tuy nhiên, từ Phật Niết-bàn cho đến ngày nay, chúng ta thấy hàng đệ tử Phật vẫn đang từng bước thăng tiến theo Tam thừa Thánh quả, nhưng chưa có một người nào đạt đến quả vị Phật. Mặc dù Đức Phật đã từng khẳng định rằng mọi người đều bình đẳng vì nước mắt cùng mặn, máu cùng đỏ, hay mọi người đều có khả năng thành Phật; nhưng thực tế lịch sử cho thấy duy nhất có Sĩ Đạt Ta thành Phật. Điều này khiến cho chúng ta cần đặt lại vấn đề rằng Đức Phật có những yếu tố đặc biệt gì mà đạt được quả vị Vô thượng giác. Nói cách khác, phải có điều kiện nào để thành Phật. 

 

Theo kinh Pháp hoa, hai phần là cấu trúc cơ thể và yếu tố Bồ-đề, hay thân và tâm của con người quyết định việc thành Phật của chúng ta. Tinh thần Pháp hoa đề ra khác hẳn với quan niệm thông thường cho rằng đã là người mang thân tứ đại ngũ uẩn thì đều giống nhau. 

Trước tiên, xét về cấu trúc cơ thể, tức phần thân vật chất của Đức Phật cũng khác hơn người. Khi Đản sanh, Ngài đã có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp và trưởng thành, võ nghệ cao cường không ai bằng, sức mạnh của Ngài phi thường đến độ một mình vác cây cung đồng nặng đến bốn người mới khiêng nổi. Ngoài cấu trúc cơ thể đặc biệt, Ngài còn có trí thông minh tuyệt vời. 

 

Sự hiểu biết của người thông minh không phải do học mà có. Họ am tường mọi việc mà người thường dù có học nhiều đến đâu cũng không biết được. Điển hình như Khổng Minh, Khổng Tử…, hay các nhà bác học ngày nay, không phải họ có điều kiện học hơn người khác, nhưng nhờ bản chất thông minh tạo cho họ có sự hiểu biết và việc làm vượt trội hơn mọi người. 

 

Và Đức Phật là mẫu người có sức thông minh tuyệt đỉnh, kinh gọi là yếu tố Bồ-đề. Trong sử ghi rằng, Thái tử Sĩ Đạt Ta văn võ toàn tài. Năm 16 tuổi, Ngài tinh thông mọi thứ văn chương, ngôn ngữ thời bấy giờ. Ngài hiểu biết đến độ không còn ông thầy nào có khả năng dạy được Ngài. 

 

Ngoài ra, trong thâm tâm của Đức Phật còn hàm chứa lòng từ bi vô lượng. Từ thuở chưa xuất gia, còn sống hạnh phúc ấm êm trong cung vàng điện ngọc, mà Ngài đã xót xa trước cảnh đau khổ của kiếp người khi đi dạo bốn cửa thành. Ngài đã động lòng trắc ẩn trước cảnh những con trùng bị dày xéo theo lưỡi cày của con người, hoặc thương tâm trước cảnh nai tơ bị hổ vồ. Hoặc Ngài thương xót, mang về săn sóc con chim bị trúng tên, cho đến khi lành mạnh thì thả cho chim tự do trên bầu trời. 

 

Đức Phật cho biết Ngài đã trải qua quá trình nhiều đời, từ vô lượng kiếp quá khứ tu hành Bồ-tát đạo mới cấu tạo được phước đức là thân thể khỏe mạnh, trí thông minh, tâm hồn bao dung, thánh thiện, hay đó là những yếu tố cần thiết mà Ngài đã từng xây dựng sẵn để kết thành quả vị Phật trong hiện đời. 

 

Với tư chất đã toàn mỹ, toàn thiện, nhờ tích lũy công đức tu Bồ-tát hạnh từ nhiều đời quá khứ của Đức Phật và dẫn đến hiện tại, Ngài khởi tâm từ bi, muốn tái sanh lại cõi nhân gian để cứu độ chúng sanh. 

 

Từ cung trời Đâu Suất, quán sát thấy dòng họ Sakya đã bảy đời làm vua nổi tiếng nhân hậu, đạo đức, tài giỏi, Ngài mới hiện thân vào làm thái tử trong dòng họ này. Thái tử Sĩ Đạt Ta là sự kết tinh của tình thương giữa vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Gia. Bà hiền lành, thường siêng năng lễ bái, cúng kính và thích làm việc phước thiện. Người cha khỏe mạnh, tốt giỏi, người mẹ hiền từ, những yếu tố ưu việt này đã un đúc cho Ngài có hảo tướng, thông minh, khỏe mạnh, tâm hồn trong sáng. Đó là sự lựa chọn dòng giống tốt, những điều kiện tốt để tái sanh của Bồ-tát Hộ Minh, tiền thân Phật, khi muốn hiện thân người. 

 

Nói theo ngày nay, muốn có những đứa con khỏe, tốt, giỏi, chúng ta cũng cần có những điều kiện nhất định về việc cấu tạo thai nhi, về sự giáo dục đứa trẻ. Những đứa con ra đời một cách bất đắc dĩ và không được giáo dưỡng đàng hoàng, thường bất hạnh, khó trở thành người tốt. 

 

Đứa con chịu ảnh hưởng rất nhiều ở cha mẹ, ngay từ trong bào thai do yếu tố di truyền về vật chất hoặc tinh thần, cho đến khi đứa bé ra đời, lớn lên, sự giáo dục của cha mẹ vẫn đóng vai trò quan trọng. Điển hình như cách nuôi dạy con nổi tiếng của bà mẹ thầy Mạnh Tử. Thử nghĩ giả sử ông không có người mẹ giáo dưỡng tốt như vậy, chắc gì ông trở thành người hiền. 

 

Trong cuộc sống đời thường, chúng ta thấy không thiếu gì những gia đình mà cha mẹ chỉ lo làm ăn, không quan tâm đến con cái, không biết cách giáo dục chúng. Hậu quả là những đứa trẻ này hư hỏng, quậy phá, cho đến trở thành bụi đời, nghiện ngập, hay phạm tội. Tình trạng này cũng là gánh nặng không nhỏ cho xã hội. 

 

Phần lớn hàng Thánh chúng đệ tử đều sanh ra trong hoàn cảnh tốt, nghĩa là có cha mẹ thông minh, đạo đức, tài giỏi, hoặc các ngài được giáo dục theo hướng thánh thiện, nên dễ dàng trở thành những bậc mô phạm. 

 

Và Đức Phật là mẫu người tiêu biểu có những điều kiện siêu việt: Trí tuệ tuyệt vời, tâm từ bao la, thân hảo tướng đầy đủ, đạo đức vô cùng. Những điều tốt lành ấy Ngài chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vua cha minh quân và hoàng hậu nhân từ. Có được những ưu thế ấy, Ngài không ngồi yên thụ hưởng, nhưng lại dấn thân trên con đường tìm chân lý. Chỉ có những tâm hồn của bậc đại Thánh nhân mới làm được như vậy. Khi đạt được trí tuệ Toàn giác, Ngài vào đời độ sanh, mang an lạc giải thoát cho người có duyên với Ngài. 

 

Mừng ngày Đản sanh của Đức Từ phụ, chúng ta nhớ lại những điều kiện đã đưa Ngài đến quả vị Vô thượng đẳng giác. Tiếp bước theo giáo pháp Phật, hàng Tăng Ni, Phật tử cần thể hiện mô hình sống thánh thiện, sáng suốt để xây dựng những con người khỏe, giỏi, đạo đức, tạo thành một xã hội lành mạnh, tốt đẹp, tiêu biểu cho cõi Tịnh độ an lạc của Đức Phật ngay trên nhân gian này. Đó là những đóa hoa chúng ta dâng lên cúng dường Đức Từ phụ trong mùa Phật đản PL. 2562-2018.

HT.Thích Trí Quảng

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin