Chi tiết tin tức

Đức Phật dạy: Thường trực thấy vô ngã sẽ giải thoát

14:47:00 - 16/12/2024
(PGNĐ) -  Tuệ Trung Thượng Sỹ, một Thiền sư lớn của Việt Nam trong thế kỷ 13, từng nói rằng muốn vượt qua dòng sông sinh từ cần tự nhìn thấy thân và tâm mình như một con trâu bùn, vì khi trâu bùn bước xuống sông là sẽ tự tan rã. Nghĩa là, luôn luôn tự thấy mình là vô ngã, và đó là cách vượt sông sinh tử. Đó cũng là một cách mô tả lời dạy của Đức Phật.

Trong Kinh SN 12.70 Sutta và Kinh SA 347 Sutra, Đức Phật dạy rằng những người thường trực thấy thân và tâm là vô ngã sẽ giải thoát, sẽ trở thành A la hán, mà không cần tu luyện bất kỳ thần thông nào phức tạp.

Hai kinh này kể chuyện một người ngoại đạo tên là Susima xuất gia, vào trong Tăng đoàncủa Đức Phật. Khoảng nửa tháng sau, Susima nhìn thấy nhiều vị sư tới trước Đức Phật, bạch rằng họ đã chứng quả A la hán, rằng họ đã làm xong những việc nên làm. Đức Phậtchấp nhận rằng các vị sư đó đã chứng quả A la hán, đã giải thoát.

Sau đó, Susima hỏi các vị sư đó rằng có phải các sư đã chứng thần thông, đã đi xuyên ngang qua vách, qua núi, đã đi trên nước không chìm như đi trên đất liền, hay đã ngồi kiết-già bay trên hư không như chim bay. Các vị sư đó nói rằng họ không có thần thông như thế.

Susima hỏi các vị sư đó rằng có phải các sư đã chứng được thiên nhĩ, có thể nghe xa ngàn dặm.
Các vị sư đó nói rằng họ không có thần thông như thế.

Susima hỏi các vị sư đó rằng có phải các sư đã chứng được tha tâm thông, biết được tâm của các chúng sanh khác, người khác. Các vị sư đó nói rằng họ không có thần thông như thế.

Susima hỏi các vị sư đó rằng có phải các sư đã nhớ được nhiều đời quá khứ. Các vị sư đó nói rằng họ không có thần thông như thế.

Susima hỏi các vị sư đó rằng có phải các sư đã đắc tứ thiền, hay tam thiền, hay nhị thiền, hay sơ thiền. Các vị sư đó nói rằng họ không có các định lực như thế.

Susima hỏi các vị sư đó rằng vì sao các sư tự biết đã chứng quả A la hán. Các sư nói rằng các sư đã chứng được tuệ giải thoát.

Sau đó Susima tới bạch với Đức Phật, được Đức Phật giải thích là: Đúng là các vi sư kia đã chứng quả A la hán nhờ có tuệ giải thoát, họ có hiểu biết về các pháp vận hành trong Duyên khởi, sau là trí tuệ về Niết-bàn.

Đức Phật nói rằng trước tiên phải thấy rằng sắc là vô thường. Tức là tất cả những gì được thấy, nghe, ngửi, nếm, chạm xúc, tư lường đều là vô thường. Vì chúng là vô thường, nên sẽ khổ, chịu sự biến hoại, nên cần phải được quán như chơn như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi.”

Tương tự, với thọ, tưởng, hành, thức cũng như thế, cần phải được quán như chơn như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.

Khi người tu thấy như thế, sẽ nhàm chán, và rồi ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: “Ta đã giải thoát.”

Kinh Phật có kể về một cách để thường trực quán như chơn rằng: Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi.

Đức Phật kể về ẩn dụ tiếng đàn. Có một vị vua một hôm nghe tiếng đàn hay chưa từng có, nên yêu cầu các quan đem tiếng đàn tới. Các quan dâng lên vua cây đàn, nói rằng tiếng đàn từ cây đàn, nhưng là xuất phát từ hàng trăm duyên khác nhau, từ dây đàn, gỗ làm cán đàn và thùng đàn, từ người đàn giỏi từng học nhiều năm. Nếu thiếu một duyên, thì không thể có tiếng đàn. Thêm nữa, tiếng đàn chuyển biến từng khoảnh khắc, vừa sinh ra là đã diệt mất, nên không thể nắm giữ lấy tiếng đàn, vì tất cả những cái được nghe đề là vô ngã.

Sau khi kể về ẩn dụ tiếng đàn, Đức Phật nói rằng người tu cần phải quán sát sắc, thọ, tưởng, hành và thức không hề có cái gì là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi.

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin