Chi tiết tin tức

Từ nhà giàu đến Bồ-tát

21:08:00 - 11/03/2024
(PGNĐ) -  Theo Phật giáo, thức ăn có hai loại: vật chất và tinh thần. Thức ăn nuôi sống và phát triển phần thân là lương thực, thực phẩm. Thức ăn trí tuệ giúp con người trưởng dưỡng phần tâm hồn, ý tưởng, niềm tin, sống hướng thượng.

Nhà giàu là người sở hữu nhiều cơ sở vật chất và nhiều tài sản giá trị. Bồ-tát là người có tâm tỉnh giác, có tâm nguyện rộng lớn, luôn hành trì để giải thoát cho mình không còn tham, sân, si, biếng nhác, kiêu mạn; luôn hành đạo để giúp người thoát khỏi vô minh, phiền não, đói khát, bệnh tật. 

Con đường từ nhà giàu đến Bồ-tát được đo bằng sáu phẩm hạnh: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Tại sao? Vì, bố thí là diệt trừ lòng tham, trì giới là diệt trừ thân ô nhiễm, nhẫn nhục là diệt trừ tánh kiêu mạn, tinh tấn là diệt trừ sự biếng lười, thiền định là diệt trừ tâm loạn động.

Bố thí là một trong sáu phẩm hạnh cần có của Bồ-tát.

Bố thí, tiếng Phạn (dāna) là “sự cho”, tiếng Hán Việt là “bố thí”. Bố là “khắp”, thí là “cho”. Bố thí là cho khắp tất cả. Có ba yếu tố tạo nên bố thí: người cho, vật cho, kẻ nhận. Thiếu một trong ba thì chưa thể gọi là bố thí.

Bố thí của Bồ-tát thể hiện ở ba lĩnh vực: Đem của cải, vật chất do mình sở hữu chuyển trao lại cho tổ chức hoặc cá nhân. Đem kiến thức, trí tuệ của mình cống hiến và truyền trao cho xã hội. Đem sự dũng cảm, nghị lực và nhẫn nhục của mình thực thi điều lành, bảo vệ lẽ phải và che chở người thân cô, thế cô.

Như vậy, muốn thực hành bố thí Bồ-tát phải giàu có, phải có kiến thức uyên thâm và uy-lực.

Bồ-tát thực hành bố thí trên tâm nguyện ba không: không có người cho, không có vật cho, không có kẻ nhận. Khi cho, không thấy mình cho thì vượt lên trên sở hữu. Khi cho, không thấy vật (của mình) cho thì thoát khỏi danh lợi. Khi cho, không phân biệt thân quen thì ly ái (thoát ly yêu, thương, nhớ, mến, ưa, ghét, giận, hờn, buồn, lo). Khi cho, không mưu cầu ơn nghĩa thì ly dục (không nhằm thỏa mãn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).

Phật dạy: “Hết thảy chúng sanh đều tồn tại do thức ăn”. Vì vậy, Bồ-tát hành đạo trước hết là cung cấp thức ăn cho những người đói, khát, nghèo, khó. Theo Phật giáo, thức ăn có hai loại: vật chất và tinh thần. Thức ăn nuôi sống và phát triển phần thân là lương thực, thực phẩm. Thức ăn trí tuệ giúp con người trưởng dưỡng phần tâm hồn, ý tưởng, niềm tin, sống hướng thượng.

Bồ-tát không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của người nhận. Do vậy, tùy theo căn cơ, hoàn cảnh, phước đức, nhân-duyên của kẻ nhận mà Bồ-tát bố thí vật cho.

Nếu nhà giàu thực hành một cách đầy đủ “sáu phẩm hạnh” và bố thí với tâm nguyện “ba không” thì chính họ đang làm việc của Bồ-tát.

Nếu nhà giàu thực hành bố thí với tâm tư lợi, tâm xấu xa, hoặc muốn dụ dỗ, muốn mê hoặc, mua danh lợi, mưu cầu ơn nghĩa,... không quan tâm đến sự an vui, lợi ích của kẻ nhận thì đó là một hình thức kinh doanh cho đi và nhận lại! 

 

Tạ Thị Ngọc Thảo

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin