Chi tiết tin tức

Phước đức và công đức

21:10:00 - 19/04/2024
(PGNĐ) -  Phân biệt phước đức và công đức là cần thiết cho việc học và hành đạo Phật.Trong bài này sự khác biệt giữa phước đức và công đức được dựa vào Kinh Kim Cương Bát Nhãdo Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập dịch. Sở dĩnhư vậy vì kinh này nhắc nhiều lần đến hai từ phước đức và công đức.

1/ Phước đức

Đoạn kinh đầu tiên nhắc đến từ phước đức như sau:

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Bồ tát ở nơi pháp hãy không chỗ trụ mà hành bố thí. Nghĩa là chẳng trụ sắc mà bố thí, chẳng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí. 

Tu Bồ Đề! Bồ tát nên như vậy mà bố thí, chẳng trụ nơi tướng. Vì sao thế? Nếu Bồ tát không trụ nơi tướng mà bố thí thì phước đức đó chẳng thể nghĩ lường. 

Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Hư không phương Đông có thể nghĩ lường chăng? Thưa không, bạch Thế Tôn. Tu Bồ Đề! Hư không phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn hương phụ, phương trên phương dưới, có thể nghĩ lường chăng? Thưa không, bạch Thế Tôn. 

Tu Bồ Đề! Bồ tát không trụ tướng mà bố thí phước đức cũng lại như vậy, không thể nghĩ lường”.

Ở đây nói về phước đức trong một hành động cụ thể là bố thí. Bố thí là một hành động tạo ra phước đức. Bố thí là nhân, phước đức là quả. 

Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là những vật thể hữu hạn, vô thường. Dựa vào chúng, trụ vào chúng như là nhân để bố thí thì quả, tức là phước đức, cũng hữu hạn, vô thường, có một thời gianrồi lại hết.

“Nếu Bồ tát không trụ nơi tướng mà bố thí thì phước đức đó chẳng thể lường”: phước đức chẳng thể lường là điều mà Kinh dạy cho người ta hướng đến. Và phước đức chẳng thể lường nếu người ấy không trụ nơi tướng mà bố thí.

Phần cuối của đoạn trên cho biết phần nào “phước đức không thể nghĩ lường” là thế nào. Như hư không của các phương, hư không ấy là không thể nghĩ lường, vì không có giới hạn, vô biên vì không bị giới hạn bởi các tướng. Bố thí không trụ tướng thì phước đức không thể nghĩ lường, rộng lớn như hư không.

Cách nói: “Phước đức của người bố thí bảy báu đầy khắp tam thiên đại thiên thế giới không bằng phước đức của người thọ trì chỉ bốn câu kệ của kinh này rồi vì người khác giảng nói”, được lập lại nhiều lần trong kinh.

Phước đức của người thọ trì kinh là vô lượng:

Khi nghe lời câu ấy (của Kinh), thậm chí ngay trong một niệm sanh lòng tin thanh tịnh, này Tu Bồ Đề, Như Lai rõ, thấy rõ những chúng sanh ấy được vô lượng phước đức. 

Vì sao thế? Chính vì chúng sanh ấy không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, không có tướng pháp cũng không có tướng chẳng phải pháp. 

Vì sao thế? Vì nếu những chúng sanh ấy tâm nắm giữ tướng tức là bám vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nếu nắm giữ tướng pháp, tức là bám vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. 

Vì sao thế? Nếu nắm giữ tướng chẳng phải pháp, tức là bám vào ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả”.

Ngã là tôi; nhân: tôi là người; chúng sanh: tôi là chúng sanh; thọ giả: thọ mạng của tôi là khoảng thời gian nào đó. Đây là bốn ý tưởng cắt chia thực tại toàn thể của tôi.

Bố thí chỉ có phước đức hữu hạn, vô thường mà không có được phước đức vô lượng vì sự phân biệt, chia cắt thực tại của mỗi người.

Trước hết trong hành động bố thí, có sự phân biệt, chia cắt thành người bố thí, vật để bố thí và người nhận bố thí. Sự phân biệt này đã chia cắt thực tại tánh Không (Kinh Kim Cương giảng dạy về thực tại tánh Không) làm ba phần tách biệt nhau.

Thứ hai là nơi vật bố thí cũng có sự phân biệt, chia cắt thành từng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Thực tại đã bị chia cắt, phân mảnh để thành những phần tử thay vì là một toàn thể tánh Không.

Cuối cùng nơi chủ thể bố thí cũng có sự phân biệt, chia cắt thành bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả.

Thực tại tánh Không - tánh Như đã bị chia cắt, phân mảnh, manh mún một cách giả tạo và sai lầm, do đó không thể có một phước đức vô lượng, toàn thể mà chỉ có những phần tử phước đức nhỏ hẹp, phân mảnh, hữu hạn, và có khi những phước đức hữu hạn lại trở ngại, trái nghịch nhau.

 

Thế nên để vượt thoát khỏi những giới hạn này, người ta phải vượt thoát ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Người ta cũng phải không phân biệt chia cắt đối tượng thành từng phần mảnh để thực tạiđược hiện hữu như chính là thực tại.

 

Trong một hành động bố thí, nếu người ta không phân biệt, không tự chia cắt mình với người được nhận và sự vật được cho, khi ấy hành động bố thí là một toàn thể không hở nứt, khi ấy người ta tương ưng, thể nhập tánh Không. Như thế qua hành động (karma, nghiệp), người ta có thể tương ưng và thể nhập tánh Không, đạt được giải thoát.

 

2/ Công đức

Công đức là gì? Ngài Tu Bồ Đề nói:

Bạch Thế Tôn! Nếu lại có người được nghe kinh này, tín tâm thanh tịnh liền sanh thật tướng. Phải biết người ấy thành tựu công đức hy hữu đệ nhất. 

Bạch Thế Tôn! Thật tướng ấy tức là chẳng phải tướng, thế nên Như Lai gọi là thật tướng. 

Bạch Thế Tôn! Nay con được nghe kinh điển như vậy, tin hiểu thọ trì, chưa phải là khó. Nếu vào năm trăm năm sau, có chúng sanh nào được nghe kinh này, tin hiểu thọ trì, người ấy là hy hữu đệ nhất. Vì sao thế? Người ấy không có tướng ngã, không có tướng nhân, không có tướng chúng sanh, không có tướng thọ giả. 

Bởi vì sao thế? Tướng ngã tức chẳng phải tướng. Tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giảtức là chẳng phải tướng. Vì sao thế? Lìa hết thảy tướng tức gọi là chư Phật. 

Phật bảo Tu Bồ Đề: Như vậy, như vậy”.

Công đức hy hữu đệ nhất là không có bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Không có bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả là tánh Không, là thật tướng.

 

Công đức của bố thí là bố thí mà không có bốn tướng. Nói cách khác, công đức là việc làm phước đức nhưng không bị giới hạn trong bốn tướng và nhân quả của phước đức, mà được làm trong tánh Không và qua tánh Không.

 

Với tánh Không, việc làm phước đức trở thành “vô biên, không thể nghĩ bàn, không thể đo lường được”.

Nếu có người có thể đọc tụng, rộng giảng (Kinh Kim Cương nói về tánh Không) cho người, Như Laibiết rõ, thấy rõ những người ấy đều được thành tựu công đức không thể nghĩ lường, không thể tính, vô biên, không thể nghĩ bàn. Những người như thế đảm đương Giác ngộ Vô thượng của Như Lai”.

 

Ở đoạn trước có câu kinh: “Nếu Bồ tát không trụ nơi tướng mà bố thí thì phước đức ấy chẳng thể nghĩ lường”.

“Phước đức chẳng thể nghĩ lường” là công đức. Như thế, nếu trụ vào tướng mà bố thí thì sẽ được một phước đức hữu hạn. Còn cũng một việc bố thí ấy mà không trụ tướng thì công đức vô hạn, nghĩa là tương ưng, hòa nhập với tánh Không vô biên, vô lượng.

 

Cũng một sự việc mà người ta có thể biến phước đức hữu hạn, vô thường, thành công đức vô biên, vô lượng. Đây là điều Kinh Kim Cương chỉ dạy cho các hành giả tu Bồ tát hạnh, vì trong đoạn mở đầu, kinh đã nói, “Như Lai khéo thường hộ niệm các Bồ tát, khéo phó chúc cho các Bồ tát”.

Bồ tát hạnh là làm các ba la mật, như bố thí…, từ tánh Không, trong tánh Không và qua tánh Không. Đây nghĩa là công đức vô lượng. 

 

3/ Câu chuyện công đức giữa Bồ Đề Đạt Ma và vua Lương Võ Đế

Khi vua Lương Võ Đế hỏi ngài Đạt Ma: 

- Trẫm từ khi lên ngôi vua đến nay, giúp người, cứu đời, in kinh, tạo tượng, thì được bao nhiêu công đức? 

Ngài Bồ Đề Đạt Ma nói: 

- Không công đức. (Vô công đức)”

Khi ngài Đạt Ma nói “không có công đức” không có nghĩa là việc làm của Lương Võ Đế không có phước đức, không ích lợi gì. Nếu ngài hoàn toàn bác bỏ việc làm phước đức của vua, thì đây là đoạn kiến.

Việc làm tốt của vua không có công đức vì vẫn nằm trong ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả; nhưng có phước đức, được hưởng phước báo của trời người.

 

Nguyễn Thế Đăng

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin