Chi tiết tin tức Khi tranh luận dứt bặt 19:26:00 - 09/01/2025
(PGNĐ) - Chúng ta thường bị mắc kẹt giữa những cuộc tranh luận. Sống trong cõi này mà thoát khỏi những cuộc tranh luận thì rất hy hữu.
Nơi đây, không bàn chuyện tranh luận chính trị, hay tranh luận giữa các tôn giáo; những cuộc tranh luận như thế đã dẫn tới những cuộc chiến tranh đẫm máu từ nhiều ngàn năm qua. Trong cổng nhà chùa Việt Nam, chúng ta cũng gặp những cuộc tranh luận. Không chỉ tranh luận giữa các tông phái, mà còn là tranh luận trong tâm của từng người một. Thực tế, với người hiểu đạo, một cách tự nhiên sẽ thấy không cần tranh luận nữa. Trong tâm người tu, cuộc tranh luận lớn nhất là đi tìm lộ trình để xa lìa cõi sinh tử, tức là con đường đi từ cõi luân hồi tới Niết bàn. Cách nói khác: phải biện biệt để đi từ thế giới hữu vi tới thế giới vô vi. Khi chúng ta nói rằng có một thế giới vô vi, ngôn ngữ có thể đánh lừa chúng ta, vì thế giới vô vi, hay Niết bàn không nằm ở phương nào trong bốn hướng Đông, Tây, Nam và Bắc. Thế giới hữu vi là những gì hiển lộ nơi sáu căn cùa chúng ta. Nó là những gì được thấy, được nghe, được ngửi, được nếm, được chạm xúc, và được tư lường. Tất cả hiện tượngtrong thế giới hữu vi là vô thường, là bất như ý, là vô ngã. Trong thế giới hữu vi, chúng tathấy được các pháp sanh, già, bệnh chết. Tuy nhiên, Thiền Tông nói rằng ngay nơi đó cũng là Niết Bàn, vì sóng không rời nước, và ảnh không rời gương. Mặt ngược lại, tuy rằng Đức Phật và các vị thánh tăng được nhìn thấy đã đi, đứng, nằm, ngồi như những người đời thường, nhưng quý ngài đã sống trong Niết bàn, trong cảnh giới vô vi. Đức Phật và các vị thánh tăng thời xa xưa tuy vẫn thuyết pháp, vẫn khất thực hàng ngày, vẫn nói, vẫn ăn và uống, nhưng quý ngài thực sự là đã sống với vô sanh. Đức Phật đã nói trong Kinh MN 140 rằng khi người lìa xa vọng tưởng thì được gọi là ẩn sĩtịch tịnh, và lúc đó họ tuy còn ở cõi này, nhưng họ đã không sanh, không già, và không chết. Thời sinh tiền, tuy quý ngài vẫn mọc tóc bạc, nhưng quý ngài không còn già nữa; tuy quý ngài có lúc vẫn ho, vẫn cảm cúm, vẫn đau lưng hay nhức chân, nhưng quý ngài thực sự không còn bệnh nữa; tuy quý ngài vẫn phải tắt thở, phải buông thân mạng để hỏa thiêu khi viên tịch, nhưng quý ngài thực sự không còn chết nữa. Như thế, khi một người tu đã giải thoát, tâm của họ không còn chập chờn giữa chơn và vọng nữa. Toàn bộ sáu căn của Đức Phật và các thánh tăng là toàn chơn. Nhưng không giống như chuyện thay áo hay đổi giấy căn cước, tâm giải thoát không phải là cái gì từ cõi khác tới để thay thế tâm vọng tưởng. Kinh Lăng Nghiêm nói rằng người tu khi thể hội cái chơn tâm, họ quán sát căn bản phiền nãosẽ dứt hết các vọng tưởng. Lúc đó trong khi họ thấy, nghe và nhận biết, thì vọng tưởng đã dứt bặt trong tâm của họ, và hiển lộ sẽ là chân thường. Y hệt như trong một vở kịch, tất cả người trên sân khấu chỉ là các vai diễn. Người nào nhìn thấu suốt hậu trường vở kịch, thấy tận tường các vai diễn, người đó sẽ không còn khóc hay cười theo các diễn viên nữa. Thiền sử Việt Nam có kể về Thiền sư Chân Nguyên (1647 - 1726), người đã khôi phục lại thiền phái Trúc Lâm. Ngài Chân Nguyên có bài thơ bốn câu, nội dung giải thích rằng đối với người đã chứng ngộ được pháp vô vi trong tâm, tức là tự tánh của tâm, thì toàn bộ sáu căn đều hiển lộ cái sự thật thường trụ, tĩnh lặng, bất biến. Bản phiên âm Hán-Việt là: Hiển hách phân minh thập nhị thì, Thử chi tự tánh nhậm thi vi. Lục căn vận dụng chân thường kiến, Vạn pháp tung hoành chánh biến tri. Dịch nghĩa: Bày hiện rõ ràng, minh bạch được trọn ngày, Đây là tự-tánh-biết phô bày không bị ngăn ngại. Sự thật thường trụ ứng dụng được thấy nơi sáu căn, Muôn pháp dù dọc hay ngang đều được giác ngộ, biết rõ.
Thiền sư Trần Thái Tông (1218-1277) nói rằng cái tánh biết thường trực đó không phải từ ngoài chen vào thân tâm chúng ta. Cái biết thường trực đó vốn là thanh tịnh, tròn đầy, vốn không dính một hạt bụi. Trần Thái Tông viết trong sách Lục Thì Sám Hối Khoa Nghi rằng chỉ vì có “Năng sở nương nhau, Phật, ta hai ngả,” nghĩa là vì chúng sanh chấp là có cái-tôi và cái-của-tôi, nên mới thấy hai đằng dị biệt là Phật và tôi. Thiền sư này lấy hình ảnh vọng tưởng như gió làm dậy sóng trên mặt nước của tâm; tương tự, vọng tưởng cũng như bụi bám đã làm mở ảnh hiện nơi gương tâm. Trần Thái Tông viết rằng muốn cho thân và tâm thanh tịnh, thì hãy để “gió lặng, sóng dừng; bụi hết, gương sáng.” Khi Trần Thái Tông nói Phật và ta bị nhận lầm là hai ngả, tức là Niết bàn và cõi phiền não bị nhận lầm là hai đường dị biệt. Ngài nói, thực sự không có dị biệt nào hết, bởi vì sóng chính là nước, và ảnh chính là gương. Vị Thiền sư Trung Hoa Linh Sơn Quy Hựu (771-853) viết rằng, “Nếu người tu khi thật ngộ được gốc thì họ tự biết, tu cùng với không tu chỉ là lời nói hai đầu.” Nghĩa là, thấy được cội nguồn của tâm giải thoát, thì không còn bận tâm chuyện tu hay không tu nữa. Bởi vì nơi sáu căn, tất cả đều tịch lặng, đều xa lìa ngôn ngữ, đều là gương tâm hiện ảnh, mà ảnh thì lưu chuyển hoài, nhưng gương tâm vẫn bất động, trong trẻo, thanh tịnh. Kinh Snp4.5 Sutta cũng ghi lời Phật nói rằng người nào đã buông bỏ hai đầu, buông hết mọi kiến chấp trong tâm thì họ sẽ không còn tranh cãi gì nữa trong cõi này. Lúc đó, khi người tu gặp tất cả những gì được thấy, được nghe và được nhận biết, sẽ không có một niệm nào khởi lên trong tâm nữa. Đó là thấy, nghe và biết trực tiếp, không hề qua bất kỳ diễn giải nào, ngôn ngữ nào, và cũng không hề lý luận hay mơ tưởng gì nữa. Với họ, các cuộc tranh cãi đã biến mất. Đó cũng là cốt tủy của Thiền Tông.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |