Chi tiết tin tức

Không cần bận rộn

19:58:00 - 21/02/2025
(PGNĐ) -  Ayya Khema (1923–1997) là một giảng sư Phật giáoquốc tế, và là người phụ nữ phương Tây đầu tiên được thọ đại giới theo truyền thống Nguyên thủy.  Bà là người tích cực ủng hộ quyền của ni giới.  Năm 1987, bà đã giúp phối hợp hội nghị đầu tiên cho Hiệp hội Ni giới Phật giáo Quốc tế tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ.

Trong Kinh Từ Bi (Metta Sutta). Đức Phật liệt kêmười lăm điều kiện thiện lành, tạo nên sự bình anbên trong, và đưa chúng ta đến lòng từ bi. Những điều kiện này đều thuộc về bản chất con người. Tất cả mọi người đều có chúng bên trong. Do đó, chúng ta chỉ cần chú ý đến việc thanh tịnh hóa và phát triển chúng— giống như trong một khu vườn nơi hoa và cỏ dại cùng nhau phát triển, thì chúng ta cần phải lựa chọn. Ta muốn gì: Hoa? Hay cỏ dại?


 Đôi khi, không dễ phân biệt giữa hoa và cỏ dại. Ở Úc, nhiều loại cỏ dại trông giống như hoa. Nhưng một số cỏ đó rất độc. Vì vậy, chúng ta cần phải phân biệt giữa hoa và cỏ dại. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ có thể nhớ những điều kiện này và chú ý đến chúng trong tâm mình. Sự chú tâm đến bản thân là điều quan trọng nhất trong tất cả.

Một trong những điều kiện này—là điều thú vị đối với nhiều người— là không bị cuốn vào quá nhiều sự bận rộn: Tôi thuộc bao nhiêu hội đoàn? Tôi bận rộn thế nào? Tôi không có thời gian hành thiền vì quá bận rộn không?

Khi chúng ta nghĩ rằng mình không có thời gian hành thiền, ngay lập tức ta cũng nên nghĩ xem liệu ta có thời gian để ăn uống hay không. Nếu chúng ta có bất kỳ thời gian nào trong các hoạt động hằng ngày để ăn uống —giữ cho cơ thể được khỏe mạnh—thì chắc chắn ta phải có thời gian để giữ cho tâm được hòa hợp. Chúng ta dành rất nhiều thời gian cho việc mua sắm, chuẩn bị, nấu nướng, ăn uống, và dọn dẹp sau đó—không kể đến thời gianmà người khác đã phải dành ra để trồng, chế biến các loại thực phẩm mà chúng ta thậm chí không quan tâm. Trong thời xa xưa, chúng ta cũng cần phải quan tâm đến điều đó. Vì vậy, không chỉ là vấn đề nấu nướng vào buổi sáng và vào buổi tối, trừ khi ta đi ra ngoài mua pizza, các thức ăn nhanh, thì việc ăn uống mất rất nhiều thời gian. Nhưng chúng tasẽ không bỏ qua. Chúng ta phải ăn. Vậy thì, tương tự, chúng ta cũng phải hành thiền.

Nếu chúng ta bị cuốn vào quá nhiều sự bận rộn, thì suy nghĩ, “Tôi không có thời gian hành thiền” sẽ xuất hiện.
Hy vọng rằng chúng ta đã nhận ra rằng tâm và thân là hai. Chúng ta rất thành thạo trong việc chăm sóc cơ thể; chúng ta đã được dạy từ khi còn nhỏ, như cách đi vệ sinh v.v. Vì vậy, chúng ta rất biết cách chăm sóc cơ thể. Nhưng liệu ta có biết cách chăm sóc tâm không? Chúng ta có biết cách làm cho tâm khỏe mạnh, an lành, phóng khoáng, dẻo dai, linh hoạt, giống như một cơ thể khỏe mạnh không? Chúng ta có thể làm được điều đó không? Thiền định và hành trình nội tâm là điều duy nhất có thể giúp chúng ta trong việc này.

Nếu chúng ta bị cuốn vào quá nhiều sự bận rộn, thì suy nghĩ, “Tôi không có thời gian hành thiền” sẽ nảy sinh. Tất nhiên đó là một ý nghĩ không có cơ sở thực tế, bởi vì đối với những điều quan trọng, chúng ta luôn có thời gian. Bị cuốn vào quá nhiều sự bận rộn, tâm trí sẽ bị ảnh hưởng, vì ta phải nghĩ đến quá nhiều điều. Chúng ta phải nghĩ đến yêu cầu của công việc; yêu cầu của những người quen biết; đến rất nhiều điều khác nhau khiến tâm tríkhông thể thực sự tập trung vào thiền. Vậy nên, nếu có quá nhiều thứ xảy ra, nếu ta khiến tâm phóng dật quá mức, thì ta rất cần tự hỏi — Tại sao tôi lại làm điều đó? Hôm nay, tôi đang cố gắng thoát khỏi cái khổ nào?  Điều gì đang khiến tôi phiền muộn? Đây là những lý do duy nhất để ta bận rộn.

Không cần phải bận rộn. Dĩ nhiên chúng ta phải cố gắng hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Đức Phật luôn đưa ra các hướng dẫn cho điều đó. Nhưng việc quá bận rộn không thể đem lại sự bình yên. Nó không thể mang lại sự an lòng. Nó không thể khiến tâm tràn đầy yêu thương; nó không thể thực sự khiến tâm hướng đến thiền. Vì vậy, chúng ta nên kiểm tra các hoạt động của mình, xem những hoạt động nào là hoàn toàn không cần thiết. Và chúng ta nên xem liệu, với những hoạt động mình đang thực hiện, ta có đang cố gắng không chỉ để thoát khỏi khổ mà còn cố gắng chứng minh điều gì đó với bản thânvà tha nhân—rằng chúng ta thực sự là một ai đó. Càng cố gắng chứng minh rằng mình là ai đó, thì chúng ta càng ít có cơ hội để trở thành "không là ai cả". Và đó là điều mà Niết-bàn nói về. Nghe có vẻ không hấp dẫn đối với nhiều người, vì họ chưa trải qua đủ khổ đau. Khi chúng ta đã trải qua đủ khổ với việc là "ai đó", chúng ta mới thực sự hiểu rằng chỉ có một cách để thoát khỏi khổ, đó là trở thành "không là ai cả".

Nếu các hoạt động có thể đưa ta đến bất cứ đâu, ta muốn chúng đưa ta ra khỏi khổ. Ngược lại nếu ta muốn chứng minh điều gì đó—rằng ta là ai hoặc ta là gì — ta sẽ thấy rằng không phải tất cả đều cần thiết. Một số rõ ràng là cần thiết. Thực tế là ta không thể sống trong cơ thể này và trong thế giới này mà không có một số hoạt động, nên ta cần có một số hoạt động. Nhưng có cần phải làm tất cả từ sáng đến tối không? Những hoạt độngnào là không cần thiết? Những hoạt động nào chỉ phục vụ cho hai lý do: thoát khỏi khổ, và chứng minh rằng ta là ai? Nếu ta tìm thấy chúng, ta có thể bỏ chúng được không? Nếu được, khi đó ta có thể có nhiều thời gian hơn cho hành trình nội tâm.

Chúng ta có tài sản của chân lý tuyệt đối, của tình thương yêu và lòng từ bi vô lượng — toàn bộ tài sản của vũ trụ bên trong chúng ta. Chúng đang chờ được khám phá. Nhưng trong sự xô bồ và ồn ào của các hoạt động từ sáng đến tối, chúng ta sẽ không có cách nào có thể tìm thấy chúng. Chúng giống như một kho vàng đang giấu mình bên trong, mà chúng ta thực sự có thể chạm tới thông qua tâm bình an. Ai cũng có thể làm được điều đó, nhưng họ phải trở nên bình lặng. Và phải ngừng cố gắng trở thành điều gì đó đặc biệt. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể chạm đến kho tàng, và sau khi tìm thấy nó, chúng ta có thể chia sẻ cho mọi người. Đó là điều mà Đức Phật đã làm. Ngài đã chia sẻ điều đó trong bốn mươi lăm năm. Với vài nghìn người. Và hôm nay, chúng ta đang chia sẻ điều đó với năm trăm triệu người. Đó là giá trị của giác ngộ.

Bất cứ điều gì ta làm với lòng từ bi đều tốt. Đây nên là điều ta cần quán xét.

Như thế, chúng ta có kho báu đó. Nhưng nếu ta cứ bận rộn, ta không có cách nào để mở khóa kho báu. Muốn mở khóa kho báu phải cần thời gian, cần tâm yên tĩnh, tự tại, biết đủ. Có nghĩa là ta cần tâm trí biết rằng có điều gì đó cần được khám phá, vượt trên bất kỳ điều gì mà ta có thể tìm thấy trên thế gian này. Rồi thì ta sẽ cố gắng xét xem điều gì thực sự cần phải làm.

Bất cứ điều gì chúng ta làm với lòng từ bi đều tốt. Đây nên là điểm để ta tự quán xét: tôi đang làm gì với lòng từ bi; tôi đang làm gì để khẳng định rằng tôi thực sự có mặt; tôi đang làm gì để thoát khỏi cái khổ luôn bận rộn?  Và để cho càng nhiều người biết đến những điều này càng tốt.  Nhưng bất cứ điều gì ta làm với lòng từ bi, đó chính là điều mà chúng ta nên theo đuổi.

 

Diệu Liên Lý Thu Linh -1.2025

Chuyển ngữ từ Con Đường Đến Bình An: Một Phương Cách Vung Trồng Từ Bi theo Phật giáo. (The Path to Peace: A Buddhist Guide to Cultivating Loving-Kindness), Tạp chí  Tricycle Mùa Thu 2022

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin