Chi tiết tin tức

Tâm như hư không, không sanh, trụ, diệt

15:04:00 - 08/02/2025
(PGNĐ) -  Trụ trong bản tánh của tâm như hư không, người ta vẫn có thể ở nơi thân tâm này, thế giớinày, nhưng không bị ô nhiễm bởi vì đã thấy ra sự thật của chúng. 

Chúng ta kinh nghiệm thế giới vật chất bằng sáu giác quan của mình: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu đối tượng của sáu giác quan này là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Và sáu thức nối kết và vận hành giữa hai bộ sáu cái này là sáu thức của sáu giác quan.

Sáu căn (sáu giác quan), sáu trần (đối tượng của giác quan), và sáu thức, tất cả tương tác, nương dựa lẫn nhau tạo thành mười tám giới (khu vực, lãnh vực). Mười tám giới, lãnh vực, biên vực này chính là thế giới như chúng ta kinh nghiệm.

Nói rằng thế giới như bình thường chúng ta kinh nghiệm là vật chất, bởi vì, trước hết, sáu giác quan của chúng ta chỉ kinh nghiệm được vật chất, cái gì có hình dạng, màu sắc, nghe được, xúc chạm được… Rồi chính cái thế giới cứng đặc, vô tri vô giác, không sống độngtrơ lì, bất động này trở thành môi trường sống của chúng ta, trói buộc chúng ta trong những giới hạn của nó. Vì đời sống chỉ là vật chất, hạn hẹp, thiếu sinh khí, nên cuộc đờicủa chúng ta cũng thô nặng, thiếu năng lượng, và dần dần chúng ta bị chìm ngập trong một thế giới vô hồn đó.

 

Nhưng tại sao, do đâu, có thế giới vật chất này để chúng ta bị trói buộc vào đó? Các kinh điển nói nhiều về vấn đề này, như kinh Lăng Già, Lăng Nghiêm, Viên Giác… Ở đây chúng ta tư duy theo Luận Phật tánh, bản dịch ra tiếng Tây Tạng (Buddha Nature, Mahayana Uttaratantra Shastra by Arya Maitreya)

 

51. Bởi vì những lỗi lầm chỉ là tình cờ (duyên sanh) trong khi những phẩm tính (của Phật tánh) là bản tánh của nó, là thực tại bất biến, trước sau vẫn như nhau.

52. Như hư không tràn ngập khắp nhưng hoàn toàn không bị ô nhiễm, bởi vì cực kỳ vi tế, tương tự, bản tánh này hiện diện trong tất cả chúng sanh, vẫn tuyệt đối không ô nhiễm.

53. Như những vũ trụ sanh khởi và tan diệt trong hư không, cũng thế, những giác quansanh khởi và tan diệt trong hư không vô sanh.

54. Như hư không chẳng bao giờ bị lửa thiêu hủy, cũng thế bản tánh này không bao giờ bị lửa già, bệnh, chết thiêu hủy.

55. Đất được nâng đỡ bởi nước, nước bởi gió, gió được nâng đỡ bởi hư không, nhưng hư không chẳng được nâng đỡ bởi bất cứ cái gì, gió, nước hay đất.

 

Phật tánh hay bản tánh của tâm thì như hư không, tràn ngập khắp, thấm nhập tất cả mọi vật nhưng không hề bị ô nhiễm dù sự vật nhỏ đến đâu. Không bị ô nhiễm bởi sự vật và không được cái gì nâng đỡ, nghĩa là không nương dựa vào bất cứ vật gì, nên nó vốn giải thoát và là ‘nơi chốn’ của giải thoát.

Điều quan trọng nhất là “bản tánh này hiện diện trong tất cả chúng sanh”.

Trong khi đó mọi vật đều phải được nâng đỡ, nghĩa là phải nương dựa, phải lệ thuộc, và chính mọi vật này tạo thành cái mà chúng ta gọi là thế giới sanh tử. Như vậy muốn thoát khỏi sanh tử, thoát khỏi mọi vật thì phải đưa chúng vào hư không không nương dựa. Muốn thoát khỏi sanh tử, những vật của tâm, thì phải đưa chúng vào bản tánh của tâm như hư không.

 

56. Tương tự, những uẩn, những nguyên tố, những giác quan, đặt nền trên nghiệp và những nhiễm ô. Nghiệp và nhiễm ô luôn luôn đặt nền trên một cách suy nghĩ sai lầm (a mode of thought which is wrong).

57. Cách nghĩ không đúng này có căn cứ trong sự thanh tịnh của tâm, trong khi bản tánhchân thật của tâm không có căn cứ trong bất kỳ hiện tượng nào.

 

Đất, nước, gió đều nương dựa vào hư không, trong khi hư không không nương dựa vàovật gì cả. Tương tự, những cái tạo nên thân tâm và thế giới của con người, những uẩn, những nguyên tố, những giác quan, nương dựa, đặt nền trên nghiệp và những nhiễm ô(của tâm).

Nghiệp là gì? Là cái quy định thân tâm hiện tại của chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta đang có nghiệp làm người, và người có năm giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân như loài vật, mặc dù khả năng của các giác quan khác nhau giữa hai loài. Loài người có thêm một giác quannữa là ý, loài vật không có hoặc có mà rất yếu. Giác quan như thế nào thì thế giới được nhìn ra như thế ấy.

Thử tưởng tượng chúng ta không có thân để xúc chạm, chúng ta không biết trạng thái của một vật là gì, thể đặc, thể lỏng, thể hơi… và chúng ta sẽ thấy một vật như thấy trên màn ảnh, chỉ là một hình ảnh, không trọng lượng, không nhiệt độ.

Ngay cả ý cũng bị quy định bởi nghiệp, ý nghiệp: người thì thích loại sự vật này, không thích loại kia; có người thích hệ thống triết học này, không ‘mặn mà’ với hệ thống triết họckia, dù cả hai đều là Phật giáo.

Cách nhìn thế giới của mỗi người là do nghiệp quyết định, nghĩa là do những kinh nghiệmcủa các giác quan và tâm thức (ý) quyết định.

 

Nhiễm ô là những ấn tượng, những dấu vết của kinh nghiệm của thân tâm in vào và còn đọng lại trong tâm thức. Ví dụ tôi có một kinh nghiệm không tốt về một người (hẳn là do chủ quan), dấu vết ấy vẫn còn đọng lại trong tâm thức chưa thể xóa bỏ, tạo thành một thái độ của tôi với người ấy.

 

Tóm lại, tôi nhìn thế giới, những người khác như thế nào, đó là do nghiệp và những nhiễm ô của tôi khiến tôi kinh nghiệm và phản ứng lại như thế. Và thế giới cứng đặc, chỉ là vật chất, đó là do tâm thức bị giới hạn trong nghiệp và những nhiễm ô khiến thấy ra như thế và đáp ứng lại như thế.

*

Nhưng nghiệp và nhiễm ô luôn luôn đặt nền, nương dựa vào một sai lầm căn bản, đó là một cách suy nghĩ không đúng (This improper mode of thought). Cách nghĩ không đúng, sai lầm này chính là sự không biết, mù tối, vô minh.

Cách nghĩ không đúng, sai lầm này là gì? Đó là nghĩ lầm (vọng tưởng), thấy lầm (vọng kiến) rằng mọi hiện hữu, mọi sự vật là có bản chất của tự chúng, thật có tự tánh của chúng. Trong khi đó nghĩ đúng, thấy đúng phải là mọi hiện hữu, mọi sự vật đều không có tự tánh, “vô tự tánh”, “bất khả đắc”, không thể cầm nắm, như các kinh đều nói.

Vì thấy mọi sự là có tự tánh, tự độc lập và tách biệt, nên thấy ra một thế giới cứng đặc, thô nặng, cụ thể, khác với điều Kinh Kim Cương nói:

Tất cả pháp hữu vi

Như mộng, huyễn, bọt, bóng 

Như sương, như điện chớp 

Hãy quán thấy như vậy.

Sự hiểu biết của chúng ta về vật lý lượng tử cũng cho chúng ta một hình ảnh về thế giớinhư vậy. Nhưng như chúng ta đều biết, vật lý lượng tử chỉ nói cho chúng ta một vài khái niệm thuộc ý thức mà không cho chúng ta một cái quán thấy trực tiếp và triệt để để có thể chứng nghiệm một sự thật của sự vật và của cả phía chủ thể là chúng ta, rằng tất cả chủ thể và tất cả đối tượng đều “vô ngã và vô pháp”, tức là thấy tánh Không của mọi đối tượng và mọi chủ thể quan sát. Thấy tánh Không của mình, người và thế giới là giải thoát khỏi thế giới vật chất do nghĩ và thấy sai lầm như chúng ta đang kinh nghiệm.

 

Điều quan trọng nhất là cách nghĩ sai lầm này, cái thấy sai lầm này, đặt nền nơi, nương dựa vào hư không hay chính xác hơn, vào “bản tánh chân thật của tâm như hư không, không trụ vào bất kỳ vật (hiện tượng) nào”.

“Cách nghĩ không đúng này có căn cứ trong sự thanh tịnh của tâm, trong khi thật tánh của tâm thì như hư không, không có chỗ trụ”. Qua câu 57 này, xác định một điều là sự thanh tịnh của tâm cũng là tánh Không không nhiễm ô của tâm.

Cái thấy sai lầm này luôn luôn đặt nền, nương dựa vào, hiện hữu trong bản tánh của tâm như hư không, nghĩa là không trụ vào đâu cả, đây chính là sự giải thoát cho cái thấy, cách nghĩ sai lầm, vô minh của con người.

 

Đặt nền trên thiền định để thiền quán và thấy rõ rằng cách suy nghĩ, cái thấy sai lầm, vô minh, như nguyên nhân căn bản làm khởi hiện một chuỗi sanh, già, bệnh, chết, nhưng luôn luôn đặt nền nơi hư không, nghĩa là không có nền móng, căn cứ ở đâu cả: đây là cánh cửa giải thoát.

 

58. Các uẩn, nhập và giới nên biết tương tự đất. Nghiệp và những nhiễm ô của chúng sanh thì tương tự như nước.

59. Cách suy nghĩ không đúng tương tự gió, trong khi thật tánh thì giống như hư không – không có căn cứ và không có chỗ trụ.

60. Cách suy nghĩ không đúng ở trong bản tánh của tâm. Cách suy nghĩ không đúng này làm khởi lên nghiệp và những nhiễm ô.

61. Từ nước của nghiệp và những nhiễm ô sanh khởi những uẩn, nhập và giới; chúng sanh ra và tan diệt như mọi sự có bắt đầu và có chấm dứt.

62. Bản tánh của tâm giống như hư không: nó không có những nguyên nhân và những điều kiện, cũng không phải là sự hòa hợp của những cái đó, cũng không sanh, trụ, diệt.

63. Thật tánh của tâm – trong sáng này, như hư không, bất biến, không ô nhiễm bởi các phiền não, chúng là những bất tịnh nhất thời, phát ra từ suy nghĩ không đúng.

64. Không sanh bởi nước nghiệp và những nhiễm ô vân vân… cũng không bị thiêu hủy bởi lửa của già, bệnh, chết.

 

Các uẩn là năm uẩn, sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Các nhập là mười hai nhập, sáu giác quan hợp với sáu trần, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Mười tám giới là sáu giác quan, sáu trần và sáu thức. Mười tám giới là tất cả thế giới, vũ trụ con người kinh nghiệm được.

 

Trong những đoạn kệ này nói về sự sinh thành của thế giới sanh tử từ cách suy nghĩkhông đúng của mỗi người. Sự sinh thành từ tâm này được so sánh tương tự với sự sinh thành của bốn nguyên tố đất, nước, lửa, gió của thế giới ‘bên ngoài’.

Đầu tiên, cách suy nghĩ không đúng là gió. Cách suy nghĩ không đúng này (gió) sanh ra nghiệp và những nhiễm ô (nước) và dựa vào chúng. Từ nghiệp và những nhiễm ô sanh ra những uẩn, nhập và giới (đất). Những uẩn, nhập và giới sanh ra thế giới của sanh già, bệnh, chết (lửa).

 

Nhưng cái đầu tiên, cách suy nghĩ không đúng như gió này, sanh ra và nương dựa trong sự thanh tịnh của tâm, và bản tánh của tâm thì không có chỗ trụ, tức là tánh Không. Như thế, vô minh căn bản là cách suy nghĩ không đúng sanh từ bản tánh của tâm như hư không nên nó cũng có bản chất như hư không, vô tự tánh và không chỗ trụ. Thấy được bản chất của vô minh, suy nghĩ sai lầm như vậy thì vô minh tan rã.

 

Hơn nữa, cách suy nghĩ không đúng không có căn cứ và không có chỗ trụ, nghĩa là không thật hiện hữu, cho nên tự nó là giải thoát.

Bản tánh của tâm giống như hư không, không sanh ra từ những nhân duyên, “cũng không sanh, trụ, diệt”. Cũng thế, cách suy nghĩ không đúng ở trong bản tánh của tâm thì có tính chất là bản tánh của tâm, nên cũng không sanh, trụ, diệt.

 

Cái ban đầu là cách suy nghĩ sai lầm đã không có chỗ trụ, nên nghiệp và những nhiễm ôcho đến mười tám giới (thế giới vật chất) đều không có chỗ trụ nghĩa là không sanh, không trụ, không diệt, như hoa đốm giữa hư không. Không có chỗ trụ, không trụ ở đâu cả, nghĩa là không sanh, và không sanh nên không diệt.

 

Chỉ cần lấy một nghiệp, một nhiễm ô, và quan sát dựa trên thiền định cho đến rốt ráo, thì sẽ thấy ra một nghiệp, một nhiễm ô là vô tự tánh, không có chỗ trụ, không có thật, nghĩa là vốn giải thoát, vì chưa từng có.

 

Trụ trong bản tánh của tâm như hư không, người ta vẫn có thể ở nơi thân tâm này, thế giớinày, nhưng không bị ô nhiễm bởi vì đã thấy ra sự thật của chúng. 

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin