Chi tiết tin tức Nguyên lý Trung Đạo của Đức Phật: Con đường vượt thoát giữa nhị nguyên 19:25:00 - 05/09/2022
(PGNĐ) - Đạo Phật ra đời với sự xuất hiện của giáo lý “Trung đạo” nhằm thẳng vào trọng tâm của những nền tảng tri thức và các tư tưởng cực đoan mà do đối lập với chúng mà Phật giáo hình thành. Sự kiện con đường Trung đạo này không phải là một sự thỏa hiệp giữa hai cực đoan, hay một sự trộn lẫn của chúng, mà đó là một sự vượt lên trên sự đối lập lẫn nhau giữa hai cực đoan này.
Trong giáo lý Phật giáo Nguyên thủy, chúng ta thường thấy đề cập đến sự đối lập lẫn nhau giữa hai quan điểm (nhị nguyên); một là quan điểm về tính thường hằng hay bất diệt (Sassatavada), và một là quan điểm về tính đoạn diệt (Ucchedavada). Hay nói như cách mà Đức Phật đã nói với Tôn giả Kaccayana rằng: “Nói chung, này Kaccayana, thế giới này xuất phát từ hai mặt đối lập; niềm tin vào sự hiện hữu và niềm tin vào sự không hiện hữu”. Chính từ sự đối lập này mà hệ thống tư tưởng bấy giờ đã nảy sinh ra các loại cực đoan, phải đến khi giáo nghĩa Trung đạo của Phật giáo ra đời, nêu lên quan điểm riêng của mình về nhân sinh quan và vũ trụ quan, tạo ra một niềm tin mới, chân chính, thù thắng, dẫn dắt con người rời khỏi các cực đoan ấy. QUAN ĐIỂM VỀ THƯỜNG HẰNG VÀ ĐOẠN DIỆT Tại xứ Ấn Độ thời cổ đại, trong sự muôn màu muôn vẻ của những giáo thuyết nói về nguồn gốc riêng biệt, về bản chất, số phận của con người và vị trí con người trong vũ trụ; dù rất đa dạng và phong phú, chúng ta vẫn có thể phân loại chúng thành ba nhóm chính sau đây: 1) Nhóm thứ nhất gồm tất cả các tư tưởng tôn giáo cổ đang hiện hành ở thời đại ấy. Các tôn giáo này, một số là sự phát triển thuộc hệ tư tưởng Vệ-đà (tức chấp nhận thẩm quyền của Vệ-đà), một số khác phát sinh như sự cách ly, hoặc đối lập lại với tư tưởng Vệ-đà (tức không chấp nhận thẩm quyền của Vệ-đà). Khuynh hướng thứ nhất thuộc tư tưởng Vệ-đà hướng về thuyết hữu thần, thuyết nhất nguyên và tính chất chính thống. Ngược lại, khuynh hướng thứ hai hướng đến thuyết vô thần sơ khai, thuyết đa nguyên và tính phi chính thống. Mặc dù, những học thuyết trên trình bày một hình ảnh rộng lớn về những quan điểm và sự thực hành về tôn giáo, tất cả chúng dường như đều tán đồng sự tin tưởng nơi linh hồn hay một thực thể có ngã. Dù có rất nhiều màu sắc, niềm tin phổ thông này được miêu tả như là một sự bày tỏ chung mà Phật giáo Nguyên thủy thường nhắc đến: “Linh hồn là một vật và thân thể là một vật khác”. Mục đích của sự phân biệt này là nhấn mạnh đến sự kiện rằng, trong khi linh hồn là một thứ gì đó thường hằng, còn thân thể là thứ sẽ bị hư hoại và tàn lụi theo thời gian. Các quan điểm trên cũng hướng đến sự phân biệt giữa thân thể vật lý và cái ngã siêu hình. Dường như có một sự đồng ý chung giữa các tư tưởng ấy rằng, vì thực ngã là một thứ gì đó không thể biến đổi nên nó có thể tồn tại sau khi thân này chết đi và chính từ cái thực ngã hay còn gọi linh hồn ấy mà bản chất thật của con người có thể được phát hiện ra. Quan điểm tôn giáo hay tâm linh này về tính cách con người chính là lý thuyết về cái ngã siêu hình. Và niềm tin vào tính chất tâm linh bất biến này ở trong con người được trình bày và phê phán trong Kinh tạng Pali như là Sassatavada (thuyết thường hằng). 2) Nhóm thứ hai gồm những lý thuyết “duy vật” khởi lên trong sự đối lập trực diện tôn giáo. Nhóm này bác bỏ lối giải thích của tôn giáo về niềm tin vào cái ngã siêu hình, và đưa ra cho nó một nhận thức mới. Cách giải thích mới mẻ này được diễn đạt trong Kinh tạng Pali bằng cách đồng nhất: “Cái ngã và thân thể là một”. Điều này hoàn toàn trái ngược với quan điểm tôn giáo vốn nhấn mạnh tính hai mặt hơn là tính đồng nhất giữa thân thể và ngã của nhóm thứ nhất. Phương cách lý luận để đưa đến kết luận này có thể được hiểu như sau: Không có một thực thể ngã tướng có thể nhận biết được tách khỏi thân thể này; và vì, chỉ cái có thể quan sát được hiện hữu, cái thực thể ngã này phải đồng nhất với thân thể. Do đó, đối với chủ nghĩa duy vật sơ khai bấy giờ, linh hồn là sản phẩm của bốn thành tố cơ bản của vật chất [1], tức cho rằng ngã tính là cái thuộc về vật chất (thân thể). Vì chủ nghĩa duy vật đồng hóa cái ngã với thân thể vật lý, cái ngã ấy nhất thiết sẽ song hành với cái chết; và với sự ly tán của thân thể sau khi chết, cái ngã cũng theo đó bị hủy diệt mà không có bất cứ viễn cảnh nào của cái ngã hiện hữu sau cái chết (tức cái ngã cũng là một thực thể vật lý tồn tại bên trong thân thể). Quan điểm này của chủ nghĩa duy vật sơ khai về đời sống hướng đến mà Kinh điển Pali của Phật giáo miêu tả đấy như là Ucchedavada (chủ nghĩa đoạn diệt). Như thế, các nhà Phật học xem chủ nghĩa thường hằng (nhóm thứ nhất) và chủ nghĩa đoạn diệt (nhóm thứ hai) chỉ là hai hình thức khác nhau của “cái ngã siêu hình”. Từ hai loại hình trên, đã xuất hiện những người tự tìm kiếm con đường riêng để lý giải hiện thực, một số sa vào chủ nghĩa hoài nghi, nhưng một số khác đã tạo ra những kiến giải thu hút được quần chúng, đặc biệt là Đức Phật, người duy nhất đã thoát khỏi tất cả các cực đoan và chỉ ra đạo lộ giác ngộ cho nhân loại. Kết luận này đã được gợi ý vô cùng rõ ràng trong bài Kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật đã trình bày con đường do chính Ngài khám phá có khả năng hướng đến giải thoát, ấy là Bát chánh đạo. Đức Phật gọi đấy là Trung đạo, do vì con đường này tránh xa hai cực đoan của sự hưởng thụ dục lạc và khổ hạnh ép xác. Tránh xa hai cực đoan này cũng có nghĩa là tránh xa hai học thuyết sinh ra chúng, tức là thuyết thường hằng và thuyết đoạn diệt, vì hai học thuyết trên không đưa đến sự an lạc thực sự, không đưa đến sự giác ngộ giải thoát hoàn toàn khỏi sự chấp chặt quan niệm về cái ngã. Các nhà Phật học xem chủ nghĩa thường hằng và chủ nghĩa đoạn diệt chỉ là hai hình thái khác nhau của “cái ngã siêu hình”. Thuyết thường hằng (duy tâm) vì nhấn mạnh tính nhị nguyên giữa thể xác và linh hồn, và họ cho rằng thể xác chính là cái cản trở linh hồn hướng thượng. Thông qua đó, họ tin tưởng rằng có thể làm cho linh hồn giải thoát (đạt tới trạng thái hạnh phúc bất diệt) bằng cách hành hạ thân xác, tránh xa các dục lạc. Có lẽ cũng chính từ niềm tin này dẫn đến nhiều loại khác nhau về việc tu tập hết sức khổ hạnh trong thời đại của Đức Phật. Ngược lại, thuyết đoạn diệt (duy vật) cho rằng con người “là một sản phẩm thuần túy của cõi trần” và sẽ bị hủy diệt ở cái chết. Như thế, trong việc theo đuổi lý tưởng cao cả hơn, mục tiêu của con người trong cuộc đời ngắn ngủi này không thể là việc loại bỏ những khoái lạc nhục dục (khổ hạnh). Họ bác bỏ việc thực hành khổ hạnh ép xác, và chính vì tin tưởng về sự hoại diệt hoàn toàn của linh hồn theo sự phân ly của thể xác sau khi chết, không còn lại gì sau đó nên họ bắt đầu hưởng thụ những khoái lạc trần gian. CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO Đạo Phật ra đời với sự xuất hiện của giáo lý “Trung đạo” nhằm thẳng vào trọng tâm của những nền tảng tri thức và các tư tưởng cực đoan mà do đối lập với chúng mà Phật giáo hình thành. Sự kiện con đường Trung đạo này không phải là một sự thỏa hiệp giữa hai cực đoan, hay một sự trộn lẫn của chúng, mà đó là một sự vượt lên trên sự đối lập lẫn nhau giữa hai cực đoan này. Đời sống của Đức Phật chính là một minh chứng rõ ràng thể hiện sự mâu thuẫn muôn đời giữa hai thuyết thường hằng và thuyết đoạn diệt cũng như tính siêu việt sự mâu thuẫn này bằng con đường Trung đạo. Đời sống của Ngài khi còn là một thái tử trong hoàng cung tráng lệ và khoảng thời gian Ngài thực hành phép tu khổ hạnh ép xác chính là hai sự minh họa chân thực nhất cho hai cực đoan; và sự chứng ngộ của Ngài bằng cách từ bỏ hai cực đoan này, chứng tỏ tính hiệu quả của con đường Trung đạo đối với sự giải thoát khỏi mọi khổ đau. Theo sự miêu tả đặc trưng của tâm lý học Phật giáo về thuyết thường hằng và thuyết đoạn diệt: Thuyết thường hằng là do lòng khát khao đối với sự hiện hữu, sự thèm muốn để tồn tại mãi những đặc tính cá nhân; và thuyết đoạn diệt là do lòng khát khao đối với sự không hiện hữu, sự thèm muốn được đoạn diệt hoàn toàn sau khi chết. Do đó, vấn đề có thể được phỏng đoán rằng: vì bác bỏ sự sống còn, thuyết đoạn diệt có khuynh hướng cổ vũ con người sống một đời sống không bị gánh nặng bởi ý thức trách nhiệm cá nhân, hoặc bị dày vò bởi sự ức chế từ đạo đức. Cho nên, thuyết này tuyệt không chấp nhận bất cứ viễn tưởng nào về sự hiện hữu sau khi chết, vì nó hàm ý khả năng còn bị chịu sự thưởng phạt bởi các quy luật đạo đức. Với những người tin tưởng thuyết đoạn diệt, sự đề kháng mang tính chất tâm lý ấy dẫn đến sự khát khao đối với sự đoạn diệt hoàn toàn ở cái chết. Như vậy, sự mâu thuẫn lẫn nhau giữa thuyết thường hằng và thuyết đoạn diệt không những tương ứng với những xung đột lâu đời giữa các học thuyết tâm linh (duy tâm) và vật chất về sự hiện hữu, mà còn là sự dao động của tâm lý con người giữa hai khát vọng sâu kín này. Phật giáo với sự phê phán về thuyết thường hằng và thuyết đoạn diệt đã vạch rõ vị trí của nó trong mối quan hệ với những quan điểm đương thời về con người và thế giới. Con đường Trung đạo mà Phật giáo nhằm chỉ đến, tức là giáo lý Duyên khởi. Đức Phật đặc biệt chỉ dẫn giáo lý Trung đạo bằng ngụ ý rằng chính thông qua giáo lý đặc thù này mà Phật giáo tránh xa cả hai thuyết thường hằng và thuyết đoạn diệt. Giống như thánh đạo tám ngành được gọi là Trung đạo vì nó tránh xa hai cực đoan hưởng thụ dục lạc và khổ hạnh ép xác. Lý Duyên khởi được gọi là học thuyết Trung đạo vì trong cùng một phương cách, nó tránh xa kinh nghiệm mang tính lý thuyết của cả hai học thuyết trên; đồng thời, bác bỏ sự chấp ngã và phủ nhận sự có mặt của một cái ngã thực hữu. Cũng chính từ nền tảng của nguyên lý này, Phật giáo giải thích tất cả những giáo lý cơ bản khác của mình, như là sự phân tích tâm trí, lý thuyết về sự nhận thức, nghiệp, trật tự đạo đức, thực chất về con người thực nghiệm và những khía cạnh luân hồi của nó. Bằng tuệ quán như thật về nguyên lý Duyên khởi, chúng ta sẽ có được sự thấy biết chân thật về sự thật của vạn pháp; và chính thông qua nguyên lý này mà Phật giáo vượt lên trên hai nhận thức khác về các pháp được thuyết thường hằng và thuyết đoạn diệt trình bày.
Hạc Lâm Điểm Tuyết/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 396Chú thích: [1] Bốn thành tố cơ bản của vật chất: – Địa: Tính chất ngăn ngại, rắn chắc. – Thủy: Tính chất kết dính, liên kết. – Hỏa: Tính chất tồn tại theo nhiệt đồ phù hợp. – Phong: Tính chất vận động, chuyển động.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |