Chi tiết tin tức

Hòa thượng Thích Trí Quảng nói về "Gia hạnh Phổ Hiền"

20:32:00 - 17/12/2024
(PGNĐ) -  Trong mùa tu gia hạnh Phổ Hiền, các Phật tử trong nước cũng như nước ngoài cố gắng dành nhiều thì giờ cho việc tu tập để đạt được kết quả tốt đẹp.

Do đặc điểm tự nhiên ở Ấn Độ khác với chúng ta, nên Phật giáo Ấn có ba tháng an cư của chư Tăng vào mùa mưa và sau đó là mùa khô, mùa thành đạo của Đức Phật. Phật chế định chư Tăng phải an cư kiết hạ ba tháng, ẩn cư, không ra ngoài vì đó là mùa mưa ẩm ướt, đi lại sẽ giẫm đạp côn trùng. 

Nhưng Phật giáo truyền sang Trung Hoa, Việt Nam có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Vì vậy, theo lời Phật dạy, các vị Tổ sư phải thích nghi với xã hội đang sống, thì Phật giáo sang Trung Hoa phải theo văn hóa, tập tục của Trung Hoa. Cho nên ban đầu, các thầy Tỳ-kheo không được xã hội chấp nhận vì không phù hợp với văn hóa của họ. Bởi quan niệm của Trung Hoa không chấp nhận người trẻ đi tu là khất thực, ngay cả vua chúa đi tu làm Sa-môn cũng phải khất thực xin ăn là điều kỳ dị, họ không thể bằng lòng. 

Các vị Tổ sư Trung Hoa nghĩ phải thích nghi, vì ở nước này vua quan có áo mão cân đai, trong khi các thầy tu Phật giáo đầu trần chân đất, mặc y hở vai thì họ thấy gai mắt. Chư Tổ mới chế ra áo của nhà tu và có chiếc y bên ngoài thì họ thấy được. 

Việt Nam cũng có bốn mùa, nên Phật giáo cũng chia ra ba tháng mùa xuân là mùa khô, chư Tăng đi hoằng pháp, tiếp theo ba tháng mùa hạ là mùa mưa, chư Tăng cấm túc an cư. Sau đó, ba tháng mùa thu, chư Tăng trở ra truyền đạo, cuối cùng, sang ba tháng mùa đông lại ở yên một chỗ tu hành. Như vậy, một năm có bốn mùa, cứ làm việc ba tháng thì nghỉ ba tháng là giữ được nhịp sống quân bình cho thân tâm người tu trong một năm. Phật giáo đã thích nghi với thời tiết trong các nước có bốn mùa như vậy. 

Tuy nhiên, khi Hòa thượng Thiện Hoa làm Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Tăng-già Nam Việt, ngài đã chia ra ba tháng kiết hạ và ba tháng kiết đông để chư Tăng có thời gian vừa học vừa tu. Tôi chịu ảnh hưởng trực tiếp Hòa thượng Thiện Hoa, vì lúc đó tôi là giảng sư của Ban Hoằng pháp. Tôi thấy việc thực tập theo cách phân chia kiết hạ và kiết đông đem lại kết quả lợi lạc. 

Thật vậy, tôi nhận thấy ba tháng hoằng pháp tiếp xúc với cuộc đời, ít nhiều việc vui buồn cũng in vào tâm mình thì tiếp theo ba tháng kiết hạ an cư, mình ở một chỗ tu hành, sám hối để xóa nghiệp, được thanh tịnh lại, rồi ba tháng sau tiếp tục hành đạo. Còn đi hành đạo liên tục làm cho nghiệp của người thâm nhập vào tâm mình, chuyển nghiệp của người trở thành nghiệp của mình. 

Thí dụ, ban đầu mình thấy người ưa nói bị thiên hạ ghét và mình cũng ghét họ. Nhưng khi mình đem cái ghét này vô tâm nhiều, cho đến một lúc nào đó, mình cũng trở thành người nhiều chuyện. Dân gian thường nói ý này rằng ghét của nào, trời cho của đó. Vì vậy, tu hành cần để ý cái gì thâm nhập lâu thì mình sẽ trở thành cái đó. Vì vậy, đừng để việc xấu ác thâm nhập vào lòng mình dù là ghét nó.

Ba tháng kiết hạ và ba tháng kiết đông lấy pháp Phật và hình ảnh cao quý của Phật in vào tâm mình để quét sạch trần tâm vọng niệm. Trước kia, tôi hướng dẫn các Phật tử đạo tràng Pháp Hoa thăm các trường hạ cúng dường chư Tăng cấm túc an cư ba tháng để sanh phước như Phật dạy. Vì vậy, Đức Phật có hai chúng, chúng xuất gia nỗ lực tu hành và chúng tại gia thực hiện lời Phật hỗ trợ đời sống vật chất cho người tu. 

Mùa đông, tôi ở yên một chỗ tu, tụng kinh Hoa nghiêm và thực tập tu theo hạnh Phổ Hiền Bồ-tát gọi là gia hạnh Phổ Hiền, nhận thấy điểm quan trọng nhất là Pháp thân Tỳ Lô Giá Na mà tôi tâm đắc ghi trên phiến đá ở chùa Huê Nghiêm là “Yên lặng vào Pháp giới”. Vì vậy, tôi nhắc đạo tràng ít nói để tâm thanh tịnh, vì động là ác, thanh tịnh là thiện. Nói nhiều lỗi nhiều. Ít nói hay không nói để khi tâm mình thanh tịnh, không nói nữa, nhưng Phật dạy đó là thực nói, vì nói là phương tiện, không nói là pháp. 

Ở Cực lạc, không ai nói, chúng hội thanh tịnh. Tại sao Phật Thích Ca nói nhiều, còn ở Cực lạc không nói. Vì Ta-bà và Cực lạc là hai loại hình thế giới khác nhau. Ở Cực lạc, ai cũng chứng lục thông tam minh, mọi người đều hiểu giống nhau thì không cần phải nói. Đức Phật Di Đà không nói mà nói là pháp đi thẳng vào tâm chúng ta. Từ lý này, chúng ta nghĩ đến Phật Di Đà và Phật Di Đà nghĩ đến chúng ta thì tâm thanh tịnh của Ngài và trí sáng suốt của Ngài tác động tâm chúng ta thanh tịnh theo, trí chúng ta sáng suốt theo. Thực tế là nói nhiều thì hao hơi tổn khí làm trí mình mờ tối, không nói thì khí tích tụ khiến tinh thần mình sáng ra. 

Có ba hạng Phật tử theo tôi là chúng kết duyên, chúng đương cơ và chúng duyên khởi. Chúng kết duyên là người mà 99% cuộc sống họ gắn chặt với đời, họ chỉ có một niệm tâm nghĩ đến đạo. Nói rõ là với một điểm lành, khi gặp khó khổ, họ nghĩ đến tôi thì cảm thấy an lành, họ nghĩ đến Phật thì được Phật cứu. 

Chúng đương cơ ít quan tâm đến cuộc đời, họ dành nhiều thì giờ để học đạo. Sáng sớm họ về chùa Huê Nghiêm tụng kinh, nghe giảng pháp. Họ muốn cả đời được sống bên thầy, sống với giáo pháp nhưng vì nghiệp trần quá nặng, không thể được như vậy. Nhưng mặc dù thân của họ ở đời mà tâm họ đã ở trong đạo, nên họ rất trân trọng một tiếng đồng hồ tụng kinh, hay nghe pháp. Họ đặt trọn tâm thành vào việc tụng kinh, nghe pháp giúp tâm họ sáng lần, cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là những Phật tử có duyên lành với tôi, được tôi giáo hóa.

Và chúng duyên khởi là những người có trình độ học Phật cao, có trình độ tu chứng, họ tới với tôi để tạo điều kiện cho tôi thuyết pháp, làm đạo. Chúng này quan trọng, họ đã học rồi và tới hỗ trợ cho đạo tràng tu. Chúng này đông thì đạo tràng mạnh. Xưa kia, chúng hộ đạo của Phật rất mạnh. Ấn Độ bấy giờ có 16 nước gồm 8 nước nhỏ và 8 nước lớn. Và 8 ông vua của 8 nước lớn đã trung thành với Phật, hết lòng hỗ trợ Phật, đã giúp đạo Phật thời bấy giờ phát triển mạnh thì còn ai dám hại đạo Phật.

Ngoài ra còn có các trưởng giả rất giàu có, bố thí và cúng dường cả vạn Tăng Ni sống đầy đủ. Trong kinh Pháp hoa, Phật nói những vị này là Phật hay Bồ-tát hiện thân lại trợ hóa Phật, nên tiền của và thế lực của họ vô cùng. Như Cấp Cô Độc lấy vàng lấp đầy vườn của Kỳ Đà thái tử mà kho của ngài vẫn còn đầy vàng. 

Còn mình bố thí cúng dường mà sau đó không có gì ăn thì thối tâm không bố thí, không tu nữa. Đó là hạng kết duyên chỉ làm được việc nhỏ thôi. Với hạng người này, Phật không bảo họ bố thí, cúng dường. Phật dạy họ đem cho người những gì họ không cần mà chất đầy nhà mất công bảo quản cực khổ. Như vậy, cái gì Phật tử dư, ai thiếu thì cho. Nhưng khi mình khá hơn, tâm mình rộng hơn là phước sanh, những gì mình có nhưng chưa cần dùng thì cho người cần hơn.

Xưa kia tôi ở Nhật, có một số tiền Phật tử cúng dường để phòng khi bệnh hoạn dùng đến. Nhưng tôi thấy anh sinh viên y khoa năm thứ ba không có tiền đóng học phí sẽ bị đuổi. Tôi chưa cần dùng số tiền này, trong khi anh sinh viên nghèo cần tiền đóng học phí hơn. Tôi đã giúp để anh vượt khó. Làm xong việc này, tôi quên luôn và về nước lo Phật sự. Còn Phật tử giúp người mà họ không trả ơn thì buồn, như vậy sẽ bị đọa.

Làm việc tốt rồi, tiếp tục làm việc tốt khác, không vấn vương gì cả. Mấy chục năm sau, anh về Việt Nam tìm tôi, nói dễ thương rằng con là bác sĩ phải chăm sóc các cụ già, con vẫn nhớ công ơn của thầy đã giúp con làm được việc tốt này, nên con cố gắng làm thật tốt. Phật tử làm việc gì gieo vào lòng người ý niệm tốt khiến họ không quên, thì tái sanh gặp lại họ sẽ trở thành bạn tốt của mình. 

Dạy điều này, Phật nói vua Tần Bà Sa La hết lòng với Phật vì đời trước Ngài đã xả thân cứu mạng ông. Vì vậy, nếu chúng ta nhìn xã hội bằng tấm lòng thanh tịnh sẽ thấy được người mà đời trước đã gây oán thù với mình, nên đời này mình không thể có thiện cảm với họ, nhìn thấy là ghét liền. Và ngược lại, mình kính trọng người vô điều kiện vì họ đã cứu giúp mình trong tiền kiếp.

Trở lại việc bố thí, những gì mình cần nhưng chưa cần dùng tới thì cho người, họ nhận được vật kèm với tình thương thực sự của mình làm họ cảm động. Giúp người đúng pháp như vậy sẽ kết thành quyến thuộc Bồ-đề, đời sau, họ sẽ hợp tác hỗ trợ mình.

Người làm đạo được nhờ có đủ ba chúng kể trên và chúng đương cơ đông, người hộ đạo cũng đông thì đạo tràng mạnh. Đạo tràng mình tồn tại trên 40 năm nhờ có gốc sâu vững vàng này. 

Nói về tu hành trong ba tháng mùa đông, nhưng thực tế rút lại còn ba tuần, 21 ngày là căn cứ theo kinh Pháp hoa, Phổ Hiền Bồ-tát nói điều này rằng đời sau, ai tu theo kinh Pháp hoa, sẽ được Phổ Hiền trợ lực. 

Phổ Hiền hỏi Phật tu Pháp hoa là sao? Phật tử phải hiểu nghĩa tu Pháp hoa thì mới tu Pháp hoa được. Người tu Pháp hoa phải có căn lành, nói rõ là những gì mình không dùng, hay chưa cần, mình cho. Căn lành mình thể hiện ở điều này. Không có căn lành, ma phá, không tu được. Người không biết thì nói tu Pháp hoa bị khảo. Tôi nói tại anh không có căn lành, không thể tu Pháp hoa vì không được Phật hộ niệm. 

Vì vậy, tu Pháp hoa phải trồng căn lành, phải làm việc tốt. Phật và Bồ-tát hoàn toàn tốt, muốn được các Ngài chấp nhận, thì ít nhiều gì chúng ta cũng phải giống các Ngài, giống về suy nghĩ, về tấm lòng, về lời nói, về việc làm. Người có căn lành phải có tình thương với người, với muôn loài. Vì vậy phải có một chút xíu căn lành, dù chỉ có 1% giống Phật cũng được Phật cứu độ. Từ đó, mình thấy người làm được việc lớn là biết căn lành họ lớn, người làm việc nhỏ là căn lành nhỏ và không làm được vì không có căn lành. 

Phải trồng căn lành, Phật mới hộ niệm, không phải ai Phật cũng giúp. Nói sâu thêm là trồng căn lành ở các Đức Phật. Trồng căn lành ở ác ma là làm quyến thuộc của ma. Thí dụ mình giúp người cờ bạc, hay làm chuyện tội lỗi, mình phải gánh chịu một phần tội của họ.

Vì vậy, trồng căn lành ở Phật, hay giúp người, mình coi họ có tốt không, có tu thật hay không. Người lợi dụng đạo tràng thì mình không giúp. Mình giúp là muốn họ trở thành người tốt, Phật mới gia bị mình. Người mình giúp, họ tu có đắc đạo không. Thuở nhỏ, có người cho tôi một chút bánh mì qua cơn đói. Khi tôi làm giảng sư thì họ cũng được chia phần công đức. 

Ngoài ra, mình bố thí cúng dường ai thì họ nghĩ về mình tốt sẽ tạo thành lực vô hình rất quan trọng. Vì vậy, khi mình là người tốt mà gặp nạn thì được nhiều người thương và giúp đỡ. Được Phật hộ niệm cũng thể hiện ý này.

Đọc về việc hành đạo của Tổ Ưu Ba Cúc Đa, Tổ của Thiền tông. Có bà đại thí chủ trai tăng cúng dường thỉnh ngài, ngài không tới, nói là chưa phải lúc. Bà cứ mời đủ 100 thầy theo thông lệ, nhưng đến lúc bà khánh tận, nằm chờ chết ở bãi tha ma, oán hận vì cúng dường nhiều nhưng không thấy thầy nào tới, không thấy Phật đến cứu. Lúc đó, Tổ Ưu Ba Cúc Đa tới, bà khóc và nói rằng con có tiền thỉnh thầy không tới dự lễ, bây giờ con không còn tiền, thầy tới, con lấy gì cúng. Tổ nói bây giờ mới phải lúc. Lúc trước bà cúng không đúng pháp theo Phật dạy, hậu quả phải lãnh do tu sai. Nay ta tới, bà không có gì cúng, nhưng có tâm tốt, Phật sẽ chứng minh tâm tốt của bà. Tổ không thọ lãnh gì của bà, nhưng đã gieo ý niệm tốt vào tâm bà, nên bà vẫn nghĩ tốt về ngài. 

Tôi tụng Phổ Hiền hạnh nguyện, đồng cảm với Ngài, được Ngài hộ niệm vượt qua nhiều khó khăn trên bước đường tu. Phẩm Phổ Hiền Bồ-tát thứ 28 trong kinh Pháp hoa ghi rằng có ba việc mà Phổ Hiền khẳng định Ngài sẽ giúp. Việc thứ nhất, đối với người thật tu, quyết tâm tu, chết cũng tu thì Phật hộ niệm và Phổ Hiền che chở. Phổ Hiền có đủ điều kiện giải quyết mọi việc khó khăn. Nếu mình không có điều kiện như Phổ Hiền, Phật dạy mình phải tu hạnh nhẫn nhịn như tiền thân của Phật từng thể hiện hạnh nhẫn cao độ, bị móc mắt mà Ngài vẫn nhịn được, không chống trả.

Phổ Hiền Bồ-tát có của báu dồi dào, có binh tướng hùng mạnh rất đông. Nếu có ác ma quấy phá thì nhất định Phổ Hiền giải quyết êm đẹp. Mình cũng tin như vậy, vì Ngài có đủ thiên binh thiên tướng trừ khử ma dễ dàng. Phổ Hiền che chở để mình tiếp tục tu.

Điều thứ hai mà Phổ Hiền giúp, đối với người tụng văn tự kinh Pháp hoa, không hiểu nghĩa kinh. Vì nghĩa lý sâu xa của Phật, mình là phàm phu không thể hiểu, nhưng hết lòng trì kinh được Phổ Hiền gia bị làm tâm mình sáng lên, hiểu được điều chân thật mà Phật nói. Tôi tụng kinh mỗi ngày, thấy được nghĩa sâu và thực tập có kết quả, đó là Phổ Hiền lực tác động cho tôi thấu đáo nghĩa lý kinh. Phổ Hiền đã nhắc tôi ý này rằng không phải chỉ tụng văn tự Pháp hoa. Tu Pháp hoa khác với tụng Pháp hoa. Vì vậy, người tụng Pháp hoa một thời gian trở nên thông minh, giỏi, tốt là biết họ được Phổ Hiền gia bị.

Điều thứ ba, Phổ Hiền giúp là mình tu lần lần tiến xa hơn, tâm mình hoàn toàn thanh tịnh, mình chỉ nghĩ đến thường trú Pháp thân Phật. 50 năm trước, Hòa thượng Nhất Hạnh đi với tôi trong khu rừng ở Pháp, ngài nói với tôi rằng anh em mình đi tìm Phật. Tìm Phật là nghĩ tới Phật, Phật đang ở đâu?

Mình không đọc kinh văn, nhưng lòng mình nghĩ về Phật, có ý muốn gặp Phật là Pháp thân Phật, là Tỳ Lô Giá Na Phật bất sanh bất diệt, không chết. Ngài vẫn đang hiện hữu, nhưng không biết Ngài ở đâu thì Phổ Hiền sẽ tới, dắt tâm mình đi gặp Phật này.

Thật vậy tụng kinh Pháp hoa, phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16, biết rằng sanh thân Phật mất, nhưng Pháp thân Phật vẫn còn. Và tôi nhận ra ý Phổ Hiền dạy, quyết tu gia hạnh Phổ Hiền vì chỉ Phổ Hiền ở hội Hoa nghiêm mới có thần lực dẫn mình vào Pháp giới đảnh lễ Đức Tỳ Lô Giá Na Phật đang chi phối khắp mười phương. Đảnh lễ được Đức Tỳ Lô Giá Na, tiếp nhận đạo lực vô cùng của Ngài rồi, mình trở về cuộc sống đối chiếu tu hành, chắc chắn sẽ gặt hái kết quả mỹ mãn.

Hòa thượng Thích Trí Quảng

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin