Chi tiết tin tức

Ứng dụng Tịnh độ cho việc hoằng pháp

21:45:00 - 26/09/2022
(PGNĐ) -  Đạo Phật ra đời với mục đích kiến tạo nên một thế giới tươi đẹp. Trong thế giới ấy, muôn loài được sống trong sự thương yêu, bình an và hạnh phúc tuyệt đối. Tịnh độ của Phật giáo không đơn thuần là chỉ cho khái niệm của một cõi, một lãnh thổ nào đó. Mà quan niệm về Phật độ của đạo Phật còn bao hàm cả một ý nghĩa triết lý thực tiễn sâu sắc. Nếu Phật độ chỉ dừng lại ở giới hạn là khái niệm về một cõi nào đó như cõi Tây phương của Phật A Di Đà hay cõi tịnh độ Lưu Ly của Phật Dược Sư thì khái niệm Phật độ này chỉ giành cho những “người đã chết” và không có giá trị gì nhiều đáng để luận bàn. Tịnh độ của Phật giáo là giành cho những người đang sống, đang sống với thực tại mầu nhiệm, sống với tâm linh cao đẹp, sống với những giá trị đích thực của con người.

1. Khái niệm Tịnh độ

Theo Phật Quang Đại Từ Điển – Tập 4: Phật độ là cõi Phật giáo hóa, chẳng những chỉ cho Tịnh độ mà bao gồm cả uế độ (thế giới hiện hữu) của phàm phu. Theo ý nghĩa đó thì cung trời Đâu suất của Bồ Tát Di Lặc và núi Phổ đà lạc ca (Phạn: Potalaka) của Bồ tát Quan Thế Âm, tuy là Tịnh độ nhưng chẳng phải là Phật độ. Trong Đại thừa huyền luận quyển 5, ngài Cát Tạng thuộc tông Tam luận có nêu ra 5 loại “Độ” là: Bất tịnh, Bất tịnh tịnh, Tịnh bất tịnh, Tạp và Tịnh. Năm loại Độ này do nghiệp lực chúng sinh mà có, cho nên gọi là Chúng sinh độ. Lại vì chúng là những cõi nước do đức Phật giáo hóa, nên cũng gọi Phật độ. Phật độ này cũng được chia làm 4 loại. [1]

2. Điều kiện ứng dụng Tịnh độ

2.1. Nội thân

Mục đích của người xuất gia là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa quần sinh” (上求佛道,下化群生) [2]. Có nghĩa là trước hết chúng ta mong cầu thành đạt sự giác ngộ và giải thoát cho chính mình, kế đến đem kinh nghiệm tu tập giác ngộ và giải thoát đó để cứu chúng sinh. Tự giác có nghĩa là tự mình giác ngộ; giác tha là đem sự giác ngộ đó giáo hóa chúng sinh.

Đức Thế Tôn đã khai thị cho mọi người thấy được khả năng trí tuệ của mình nhằm chủ động trong cuộc sống. Ngài đã từng khuyến khích các hàng đệ tử của mình: “Hãy ra đi, Này các Tỳ kheo, đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người; đem hạnh phúc lại cho nhiều người, vì lòng từ bi, vì hạnh phúc của chư Thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngã. Này hỡi các Tỳ kheo, hãy hoằng dương Giáo pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa và toàn hảo ở đoạn cuối, toàn hảo trong cả hai, tinh thần lẫn văn tự. Có những chúng sinh vướng ít nhiều cát bụi trong mắt và nếu không nghe được giáo pháp sẽ sa đọa. Cũng sẽ có những người am hiểu được Giáo pháp. Hãy phất lên ngọn cờ của bậc Thiện trí. Hãy truyền dạy Giáo pháp cao siêu. Hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác. Được vậy, là các con đã hoàn tất nhiệm vụ.” [3]

Mỗi quốc gia có lịch sử và văn hóa riêng, vì thế việc hoằng pháp phải khế lý-khế cơ- khế thời. Phật giáo với tinh thần “Tùy thuận chúng sinh, tức là tùy thuận cúng dường chư Phật”[4], sử dụng phương tiện thiện xảo trong lúc hoằng pháp nhưng cần phải dựa vào giáo lý và những kiến thức căn bản của đạo Phật. Làm thế nào để Phật giáo hòa nhập và thích ứng trong mọi lĩnh vực sinh hoạt ở mỗi quốc gia, trong khi đó vẫn giữ được tính xác thực và sự trong sáng của lời Phật giáo.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ung dung tinh do vao viec hoang phap 14

a. Nắm vững kiến thức nội điển và ngoại điển

Là sứ giả Như Lai, mỗi cá nhân cần nắm vững những giáo lý căn bản của Phật giáo và phải luôn nâng cao kiến thức trình độ, ngôn ngữ, có tầm nhận thức sâu sắc, có tinh thần trạch pháp, quyết định và tư duy chín chắn trước khi trình bày một vấn đề. Chính những yếu tố này sẽ giúp cho vị giảng sư vượt qua những khó khăn khi xiển dương giáo pháp. Trau dồi Giới-Định-Tuệ, có kinh nghiêm tu tập, có được phần an lạc giải thoát của tự thân, cần thường xuyên nghiên cứu học hỏi giáo pháp để có kiến thức nhất định về lĩnh vực chuyên môn và bồi dưỡng hiểu biết về các mặt tiến bộ của xã hội, cũng như những sự kiện xảy ra trong đời thường, để củng cố kiến thức vững chắc cho việc thuyết giảng, làm cho bài giảng của mình sẽ gần gũi thiết thực với quần chúng hơn.

Ngoài kinh điển Nguyên thuỷ và Phát triển phải nghiên cứu học hỏi, tham khảo những kiến thức khoa học, nắm bắt những trào lưu tư tưởng tiến bộ của xã hội, cũng như những sự kiện xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Nhờ có những kiến thức tương đối như thế, nên khi vận dụng thuyết giảng giáo pháp, ta trình bày đúng với lời Phật dạy, lại phù hợp với nền văn minh phát triển của xã hội, gần gũi xác thực với cuộc sống nhân sinh.

Cho nên cần phải hiểu rõ năng lực và hạn chế của bản thân để định ra một hướng đi thích hợp. Vì con đường phụng sự tuy rất cao đẹp nhưng cũng đầy thử thách cam go, không thể thành công đối với một người thiếu ý chí, nghị lực của nội thân. Như trong kinh Địa tạng: “Người đó mang nặng hơn cả trăm cân, bổng gặp kẻ lân cận lại gởi một ít đồ vật nữa, vì vậy mà người xứ xa đó càng phải khốn khổ nặng nề thêm”[5] . Vì thế chúng ta cần phải biết rõ chính bản thân mình, chọn việc phật sự sao cho vừa sức lực và vừa phù hợp với biệt nghiệp của mình để thực hiện.

b. Trau dồi đức hạnh

Đức hạnh và kiến thức hiện hữu ở nơi một vị giảng sư rất quan trọng, công phu tu tập của vị giảng sư là bài thuyết pháp sống động, là một minh chứng cho những đạo lý giải thoát an lạc mà vị giảng sư ấy đã tuyên thuyết. Chính pháp chỉ trường tồn khi tinh thần Từ bi và Trí tuệ của đạo Phật được xiển dương trong nhân gian. Trong Kinh Phật thuyết như vậy, đức Phật dạy: “Này các Tỷ kheo, Như Lai nói gì làm vậy, làm gì nói vậy; vì rằng nói gì làm vậy, làm gì nói vậy, nên được gọi Như Lai.”[6]

Ngoài sự hiểu biết về kiến thức thì đức hạnh là điều không thể thiếu ở một người tu sĩ. Đức hạnh ở đây có thể đồng nghĩa với giới luật hay tâm Bồ-đề. Trong kinh Hoa Nghiêm: “Quên mất tâm Bồ-đề mà thực hành các thiện pháp, thì gọi là hạnh động theo ma nghiệp.”[7] Hay có thể nói theo kinh Pháp Hoa thì khi làm Phật sự cần phải:“Vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi tòa Như Lai. Nhà Như Lai chính là tâm từ bi lớn đối với trong tất cả chúng sinh, y Như Lai chính là lòng nhu hòa nhẫn nhục, tòa Như Lai chính là nhất thiết pháp không.”[8] Đức hạnh còn có thể được biểu hiện qua tâm tùy hỷ, vô cầu. Trong Trung Bộ kinh: Chúng con không nghĩ rằng: “Vì nhân y áo… đồ ăn…sàng tòa…thành bại, Sa-môn Gotama thuyết pháp”, mà đức Phật thuyết pháp chỉ vì: “Với từ tâm, vì lợi tha và do lòng từ, Thế Tôn thuyết pháp”[9]. Do đó chúng ta cần phải có tâm, có tầm mới mong việc làm Phật sự mới thành công được.

2.2. Ngoại thân

a. Phương tiện hoằng pháp

Ngày nay, công nghệ thông tin đang trên đà phát triển, vì vậy những ai có tâm nguyện hoằng pháp phải biết cách tiếp ứng với thời đại bằng phương tiện kỹ thuật truyền thông hiện đại để chuyển tải đạo lý, khám phá ra các phương tiện, sử dụng nó để đi đến thành công trong việc hoằng pháp lợi sinh của thế XXI. “Nếu không sử dụng phương tiện, vô tình đã đánh mất cơ hội rất lớn để phục vụ người có nhu cầu mà không có điều kiện đến chùa, những trung tâm thuyết giảng Phật pháp.”[10]

Hoằng pháp được thực hiện dễ dàng hơn bằng nhiều phương thức và phương tiện mới của Internet. Trong đó có các dịch vụ mạng xã hội đang phố biến như: Google+, Facebook; Twitte; YouTube; Instagram; zalo; viber; tango;… để chuyển tải và kết nối nội dung hoằng pháp đến các đối tượng. Nhờ đó, nội dung của hoằng pháp không phải chỉ đến với những Phật tử mà cả những người chưa là và không là Phật tử. Đó có thể xem đó là thần thông giáo hóa một trong ba loại thần thông mà Đức Phật đã nói trong kinh Tăng Chi: “Thế nào là ba? Thần thông biến hóa, thần thông ký thuyết, thần thông giáo hóa.”[11] Đạo Phật vốn là đạo của sự uyển chuyển, linh hoạt biến hóa đi vào đời sống dưới các dạng thức phù hợp và dấn thân vì con người. Cho nên việc đạo Phật góp tiếng nói vào thế giới thông tin đa chiều và phức tạp hiện nay là lợi lạc lớn lao.

b. Kinh tế

Việc duy trì cơ sở và sinh hoạt Phật giáo đòi hỏi có nguồn tài chính ổn định. Nếu có tài, có tâm, có trí mà không có kinh phí thì việc hoằng pháp sẽ bị trở ngại rất nhiều. Dù tiền không phải là “bảy loại tài sản của người tu”[12] nhưng nó chiếm một vị trí thiết yếu khi hoằng pháp ở phương Tây. Như trong kinh Tăng Chi bộ 2: “Nhờ tài sản, tự làm cho được an lạc, hoan hỷ và chân chính duy trì sự an lạc ấy; làm cho các người phục vụ, các người làm công… bạn bè thân hữu được an lạc, hoan hỷ và chân chính duy trì sự an lạc ấy”.[13]

Chính vì vậy, Phật giáo cần đầu tư vào công tác làm Phật sự, ủng hộ các vị Tăng Ni trẻ có chí hướng lớn, đủ khả năng đưa Phật giáo sao cho bằng tôn giáo bạn. Thiên Chúa giáo có một cơ cấu tổ chức và ngân quỹ để hoạt động. Ngân quỹ này cho phép đầu tư vào những công ty có sản phẩm phục vụ con người và đạo pháp. Hằng tỷ đô la do Toà thánh Vatican đã được đầu tư vào trong công ty điện toán IBM và các công ty y tế. Thiết nghĩ Phật giáo nên có những chính sách để thuận tiện cho hoạt động, có thể giao trách nhiệm này cho hàng Phật tử tại gia vì người xuất gia nên nhớ lời của đức Thế Tôn: “Hãy là những người thừa tự pháp của Ta, đừng là người thừa tự tài vật.”[14]

3. Phương hướng ứng dụng để hoằng pháp

3.1. Khả năng tự kiểm thảo

Hầu hết khi nhận xét về sự phát triển tổ chức của mình, chúng ta thường đưa ra các bình luận tích cực. Chính điều này làm cho Phật giáo hạn chế trong việc xác định phương hướng hoạt động và những điều cần khắc phục để phát triển hơn. Phật giáo hải ngoại cần đánh giá nghiêm chỉnh và thẳng thắn về những vấn đề phải đương đầu từ cơ chế, nhân sự đến giáo lý, nghi lễ. Chẳng nên để xảy ra tình trạng: “tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Dù giáo pháp của đức Thế Tôn là chân lý nhưng chúng ta phải luôn biết mình biết ta, nhìn lại Tam nghiệp của mình. Đừng để bản ngã lôi kéo ta đi mà làm cho Phật pháp chậm phát triển.

Đại đa số các cơ sở Phật giáo đều mang tính tự phát, chưa có sự liên kết, tổ chức chặt chẽ. Phật giáo cần đào tạo một đội ngũ Tăng Ni có tâm và có tài, có khả năng đưa Phật giáo đi vào cuộc đời một cách uyển chuyển, khéo léo và phải nhìn lại những lỗ hỏng để điều chỉnh. Ngay thẳng đánh giá những khuyết điểm của tổ chức là điều kiện cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của nó. Cho nên “Tu là sự biết phân biệt giữa sai ( khuyết điểm) và đúng (ưu điểm)”[15]. Vì thế “Nếu nhìn ở một chế định hay lấy một góc độ chỉnh thể bất kỳ để nhận định, đánh giá thì không những không tiếp nhận được sự đóng góp mà lại …xa lìa với những giá trị đóng góp ấy.”[16]

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Anh huong giao ly Tinh do tong o Viet Nam 1

3.2. Đạo Phật đi vào đời

Khoa học hiện đại không thể cung cấp cho con người những hiểu biết về điều gì là đúng hay sai, điều gì là tốt hay xấu trên mặt đạo đức. Nếu chỉ biết chạy theo thời đại, vật chất mà không phát triển đạo đức thì con người dễ gây ra đau khổ cho bản thân và cho người khác. Như Schopenhauer nói: “Con người tuy có thể làm những gì mình muốn nhưng không thể cứ muốn [chạy theo] những gì mình muốn.”[17] Hay như chính Albert Einstein nhận định: “Tiến bộ kỹ thuật đã gây những tác động tồi tệ nhất ở nơi mà nó cung cấp các phương tiện để hủy diệt cuộc sống con người.”[18]

Phật giáo có thể được xem là con đường dẫn tới sự hoàn hảo về mặt đạo đức và trí tuệ. Thiền sư Thích Nhất Hạnh giải thích: “Đem đạo Phật đi vào cuộc đời có nghĩa là thể hiện những nguyên lý đạo Phật trong sự sống, thể hiện bằng những phương thức phù hợp với thực trạng của cuộc đời để biến cải cuộc đời theo chiều hướng thiện mỹ. Chừng nào sinh lực của đạo Phật được trông thấy dào dạt trong mọi hình thức của sự sống chừng đó ta mới có thể nói được rằng đạo Phật đang thật sự hiện hữu trong cuộc đời.”[19] Vậy, những người con Phật phải đưa giáo lý của Đức Phật vào đời sống xã hội qua nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, đạo đức…. nhất là đứng trước tình trạng ô nhiễm môi trường, khủng hoảng đạo đức, chiến tranh và bất ổn định ngày nay.

3.3. Cơ cấu tổ chức khoa học

Công cuộc hoằng pháp đòi hỏi tính hợp lý, khoa học và hiện đại. Cần có các tổ chức Phật giáo trong mỗi quốc gia, có sự liên kết, hệ thống, khoa học. Tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi ý kiến, tìm ra giải pháp tốt nhất để hoạt động. Lắng nghe những nguyện vọng, tâm tư của mọi người để xây dựng Phật giáo hải ngoại ngày càng phát triển.

Ngoài ra, cần tổ chức các khóa tu, khóa thiền định kỳ nhằm tạo điều kiện cho người thực hành Phật pháp. Các khóa tu phải phù hợp với lứa tuổi, đối tượng, chuyển tải những lời dạy của Đức Phật một cách tinh tế, chân thật, bám vào các giáo lý căn bản, không thiên về mê tín dị đoan. Không những thế chúng ta “Có thể đi từ góc độ của xã hội học, tâm lý học, phân tâm học, nhân chủng học hay bất kỳ học thuyết, góc độ, phân ngành học nào để nhằm thông qua phương tiện đó mà mang lại giá trị cho cuộc đời.”[20]

KẾT LUẬN

Tịnh độ không phải là một tư tưởng mới, vì vốn dĩ điều này đã được kinh sách Phật giáo nói đến hơn 2000 năm qua. Việc tìm hiểu về vấn đề này không đơn thuần chỉ là để chúng ta tìm kiếm có thêm những ý tưởng mới để bổ sung cho các lý luận Phật giáo của mình. Mà điều quan trọng là chúng ta biết cách áp dụng tinh thần này trong việc thiết lập đời sống tâm linh cao đẹp và thế giới bình yên bên ngoài.

Mỗi chúng ta nên có cái nhìn thực tiễn về Tịnh độ để không vướng phải những sai lầm, cực đoan trong niềm tin cũng như phương thức hành trì tôn giáo của chính mình. Tất cả mọi triết lý của Phật giáo đều là để đem ra áp dụng ngay trong cuộc đời chứ không phải chỉ là niềm tin về một thế giới ngoài tầm với.

Nói tóm lại, tinh thần Tịnh độ của Phật giáo là một trong những giáo lý đặc thù, thể hiện tính nhân văn và triết lý sâu sắc của đạo Phật. Từ lý tưởng về một Tịnh độ siêu việt, chúng ta hãy cùng nhau thiết lập một Tịnh độ siêu thực tại thế gian, tại đất nước, tại nơi mà mình đang sống và đặc biệt là tại bên trong tâm của chính mình.

“Vị chiến thắng không bại,
Vị bước đi trên đời,
Không dấu tích chiến thắng,
Phật giới rộng mênh mông,
Ai dùng chân theo dõi,
Bậc không để dấu tích?
Ai giải tỏa lưới tham,
Ái phược hết dắt dẫn,
Phật giới rộng mênh mông,
Ai dùng chân theo dõi,
Bậc không để dấu tích?”
(PC 179 – 180)

 

Tác giả: Thích Nữ Liên Thân
Học viện Thạc sĩ khóa 3, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***
CHÚ THÍCH
[1] Tham khảo thêm: Thích Quảng Độ (dịch) (2014), Phật Quang Đại Từ Điển,Tập 4, NXB. Phương Đông.
[2] 《釋迦如來行蹟頌》卷2: (CBETA 2019.Q1, X75, no. 1510, p. 53c23 // R130, p. 312b1 // Z 2B:3, p. 156d1).
[3] Thích Minh Châu (dịch) (2014), Kinh Tương Ưng, Tập 1, NXB. Tôn giáo.
[4] 《大方廣佛華嚴經》卷40:「菩薩若能隨順眾生,則為隨順供養諸佛」(CBETA 2019.Q1, T10, no. 293, p. 846a10-11)
[5] Thích Trí Tịnh (dịch) (2010), Kinh Địa Tạng, phẩm thứ 7, Lợi ích cả kẻ còn người mất, NXB. Tôn giáo.
[6] (CXII) (Cat. 13) (It. 121)
[7] 《大方廣佛華嚴經》卷42〈之七〉:「忘失菩提心,修諸善根,是為魔業」(CBETA 2019.Q1, T09, no. 278, p. 663a14-15).
[8] Thích Trí Tịnh (dịch) (2010), Kinh Pháp Hoa, phẩm Pháp sư công đức, thứ 10, , NXB. Tôn giáo.
[9] Thích Minh Châu (dịch) (2013), Kinh Trung Bộ, Tập 2, kinh Như thế nào, số 103, NXB. Tôn giáo.
[10] Thích Nhật Từ (2010), Phật giáo và thời đại, NXB. Phương Đông.
[11] Thích Minh Châu (dịch) (2015), Kinh Tăng Chi Bộ, Tập 1, Chương Ba pháp, Phẩm Các Bà-la-môn, NXB. Tôn giáo.
[12] Thích Minh Châu (dịch) (2015), Kinh Tăng Chi Bộ, Tập 2, Chương 7, Phẩm Tài sản, NXB. Tôn giáo.
[13] Thích Minh Châu (dịch) (2015), Kinh Tăng Chi Bộ, Tập 2, Chương 5, Phẩm Vua Munda, NXB. Tôn giáo.
[14] Thích Minh Châu (dịch) (2012), Kinh Trung Bộ , Tập 1, Kinh Thừa Tự Pháp, NXB. Tôn Giáo.
[15]Thích Hạnh Bình, Tủ sách tuệ chủng, tập 1, Lưu hành nội bộ, tr.444.
[16] Thích Nhật Từ (2010), Phật giáo và thời đại, NXB. Phương Đông.
[17] Albert Einstein (Bá Anh, Vũ Hảo, Cao Đăng dịch) (2018), Thế giới như tôi thấy, Nxb Tri Thức.
[18] Sđd
[19] Thích Nhất Hạnh (2016), Đạo Phật đi vào cuộc đời, NXB. Văn hóa Dân tộc.
[20] Thich Nhật Từ (2010), Phật giáo và thời đại, NXB. Phương Đông.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin