Chi tiết tin tức Trợ niệm và vãng sanh 19:36:00 - 25/07/2022
(PGNĐ) - Tịnh độ là một pháp môn rất phổ biến đối với tín đồ Phật giáo Bắc tông. Mục đích của pháp môn Tịnh độ là thiết lập Tịnh độ nhân gian, và sau khi từ giã cõi đời này được vãng sanh về cõi Tây phương Cực lạc của Đức Phật A Di Đà.
Ngoài việc tinh tấn tu tập hàng ngày, những vấn đề liên quan đến phút lâm chung như trợ niệm chẳng hạn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến xu hướng tái sanh. Do đó, hiểu rõ về trợ niệm để giúp cho người thành tựu vãng sanh là điều rất quan trọng. Trước khi tìm hiểu về trợ niệm ta cần nói qua về cận tử nghiệp. Phật giáo chủ trương có nhiều loại nghiệp ảnh hưởng đến cuộc sống và sự tái sanh của chúng sanh như tích lũy nghiệp, cận tử nghiệp… Trong đó, cận tử nghiệp có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến sự tái sanh của chúng sanh. Dù cho cả đời giữ giới tinh nghiêm, đạt được các tầng thiền, hay tạo được nhiều phước đức nhưng lúc lâm chung chỉ cần khởi lên một niệm bất thiện (như niệm sân chẳng hạn) thì người đó có thể rơi vào ác đạo. Chính vì thế mà giữ cho tâm trí được an tịnh và sáng tỏ lúc lâm chung là điều vô cùng quan trọng. Và phương pháp trợ niệm là một cách rất hay, thiết thực để làm được điều đó. Trợ là hỗ trợ, niệm là niệm Phật. Trợ niệm là niệm Phật thành tiếng nhằm trợ duyên cho người trong giai đoạn lâm chung để họ nương theo câu niệm Phật mà niệm theo, khiến tâm họ không tán loạn, giữ được chánh niệm và không bị tham sân si chi phối. Đó là những nhân duyên, điều kiện rất tốt để một người phát khởi cận tử nghiệp thiện mà tái sanh vào cõi lành. Quan trọng hơn là nhận ra sự thật rằng, việc trợ niệm cũng chỉ có vai trò trợ duyên mà thôi, trợ niệm sẽ lợi ích cho người hữu duyên nhưng không thể giúp mọi người được vãng sanh như một số người quan niệm và tin tưởng. Do quan niệm và tin tưởng như thế cho nên một số nơi đã hình thành nên phong trào trợ niệm, coi việc trợ niệm như một yếu tố quan trọng giúp người vãng sanh về cõi Phật. Và do đó, vai trò của người trợ niệm cũng được đề cao quá mức, rằng họ có khả năng đưa người về thế giới Cực lạc Tây phương. Thật ra một người được vãng sanh hay không chẳng mấy phụ thuộc vào việc trợ niệm, bởi vì nhiều người đã biết trước họ sẽ vãng sanh khi còn sống. Do công phu tu tập và hành trì pháp môn Tịnh độ thuần thục nên họ đã cảm ứng được với cõi Tây phương. Trước khi vãng sanh, họ đã nhận được tín hiệu lành từ Đức Phật A Di Đà hay các vị Bồ-tát Thánh chúng ở cõi Tây phương rằng họ sẽ vãng sanh. Chính vì thế mà những người vãng sanh đều biết trước ngày giờ mình đi theo Phật, và họ đã ra đi một cách tự tại, thanh thản. Còn những người không nhận được tín hiệu vãng sanh nào thì e rằng rất khó. Đến lúc hấp hối mà đường trước mịt mờ thì biết là việc tu hành của mình chưa cảm ứng được thế giới Tây phương. Đã vậy thì dù có hộ niệm cũng chỉ giúp người mất giữ được chánh niệm để sanh về cõi lành trời người mà thôi. Chúng ta nên biết rằng chuyện vãng sanh là do sự tu tập của bản thân mỗi hành giả, chứ không phải Đức Phật nghe tiếng niệm Phật của người trợ niệm mà đến rước, cũng không phải do người trợ niệm có khả năng “đẩy” thần thức người qua cõi Tây phương, vì thật ra có ai biết cõi Tây phương ở đâu mà “đẩy”? Có người nói tu Tịnh độ là nhờ tha lực mà sao lại khó quá vậy? Nói vậy là chưa thấy được giá trị của việc vãng sanh. Vãng sanh về cõi Tây phương có nghĩa là thoát khỏi sanh tử luân hồi. Đức Phật Thích Ca dạy rằng không có một chỗ nào nhỏ bằng đầu cây kim trên quả đất này mà không phải là nơi chôn thây của Ngài khi hành Bồ-tát đạo. Và Ngài đã trải qua vô lượng kiếp tu hành như thế mới thoát khỏi sanh tử luân hồi. Vậy thì chẳng lẽ chỉ nhờ vào vài người hộ niệm trong vài giờ mà có thể làm cho một người đang hấp hối thoát khỏi sanh tử luân hồi hay sao? Cái gọi là tha lực trong pháp môn Tịnh độ là để chỉ cho việc tiếp dẫn của Đức Phật, nhưng để được Phật tiếp dẫn thì bản thân mỗi người cũng phải nỗ lực tu tập rất nhiều. Kinh A Di Đà, Đức Phật đã khuyến cáo: “Không thể đem chút ít thiện căn phước đức nhân duyên mà được vãng sanh Cực lạc”. Nên phải luôn đặt bốn chữ “sanh tử là việc lớn” lên đầu để tu chứ không thể chỉ tu cầm chừng rồi trông chờ vào sự trợ niệm lúc lâm chung mà được. Thích Trung Hữu
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |