Chi tiết tin tức

NS.Thích Nữ Diễm Liên tấm gương sáng về tinh thần xuất gia du học

19:03:00 - 30/08/2017
(PGNĐ) -  Ni sư đi du học không có ý nghĩa là “cải tạo” bản thân, vì như Đức Phật đã dạy Tứ Niệm xứ là con đường độc nhất dẫn đến Niết Bàn, hãy ngồi xuống thở, Thiền sống trong chánh niệm là khắc tự giải thoát, an lạc mà không cần phải đến Ấn Độ làm chi… thực tế cho thấy nếu có tài, có tâm, có tầm nhìn xa trông rộng thì ở môi trường nào cũng phát huy được sở trường, khả năng.

Tọa lạc tại thành phố Greater Noida, một trong những thành phố được mệnh danh là thành phố thông minh nhất của Ấn Độ cũng là nơi sở hữu một trong những khu công nghiệp lớn nhất Châu Á, thuộc bang Uttar Pradesh, India. Gautam Buddha University là trường đại học được xây dựng vào đầu thập niên thế kỷ 21, với cơ sở vật chất tiện nghi cùng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, ngôi trường được mang tên của đấng Đại giác Thích Ca Mâu Ni không chỉ là địa chỉ thu hút các sinh viên trong nước mà còn là điểm đến cho các du học sinh nước ngoài trong đó có Việt Nam.

Trong niên khóa 2017 – 2019 hệ M.A, bên cạnh các Tăng, Ni sinh đang hừng hực sức trẻ là một bóng dáng không thể trộn lẫn vào đâu được của Ni sư Diễm Liên, sinh năm 1960 đến từ Tịnh xá Ngọc Khánh, Sóc Trăng. Dù đã ở vào độ tuổi Ngũ thập tri thiên mệnh nhưng Ni sư vẫn không để sự giới hạn của tuổi tác cản trở con đường du học. Là người được coi như tầng lớp tri thức của giới Phật giáo, Ni sư đã tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Tp. HCM (1993-1997), tốt nghiệp Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM khóa III, tốt nghiệp hệ B.A tại International Theravāda Buddhist Misionary University – Myanamar (2014 – 2017). Phụ trách giảng dạy môn Anh văn, môn Luật và môn Chân lý của Tổ sư Minh Đăng Quang tại lớp Sơ cấp – Ni Tịnh xá Ngọc Phương, bên cạnh đó Ni sư còn tham gia giảng dạy tại các đạo tràng của Tịnh xá Ni ở tỉnh Sóc Trăng…Với những gì đã kinh qua, đã trải nghiệm Ni sư hoàn toàn có thể chọn cho mình một cuộc sống an bần thủ đạo ở buổi hoàng hôn. Thế nhưng, khát khao một ngày nào đó được học Phật trên chính mảnh đất đã khai sinh ra đạo Phật, Đức Phật luôn thôi thúc Ni sư, với ý chí mãnh liệt, với hành trang chẳng có gì ngoài gánh nặng của tuổi tác, sự lão suy của các căn trần, thức Ni sư đã làm hồ sơ nhập học tại ngôi trường Gautam Buddha University.

Tăng Ni sinh Việt Nam và bạn bè quốc tế trong lớp học hệ M.A 

Với một số người trong chúng ta tuổi tác sẽ là gánh nặng là áp lực, song với Ni sư tuổi tác sẽ chỉ là con số. Ni sư cho hay cuộc đời của Ngài Huyền Tráng chính là tấm gương cho Ni sư noi theo. Dù trải qua bao khó khăn, gian khổ, thậm chí có những lúc nguy hiểm đến tính mạng nhưng Ngài vẫn cương quyết với chí nguyện và tự nhủ lòng: “Thà đi về hướng Tây một bước mà chết còn hơn là quay về hướng Đông một bước mà sống” để rồi mang về cố quốc biết bao tinh hoa, uyên áo bao giáo lý giải thoát, giác ngộ của đấng Phật đà. Suy nghĩ của Ni sư thật khiến một bộ phận Tăng, Ni trẻ hiện nay phải giật mình thảng thốt mà nhìn nhận lại chính bản thân mình.

Phật giáo được mệnh danh là tôn giáo toàn cầu trong thế kỷ 21, nhưng hãy đừng tự ái, thử hỏi biết bao Tăng, Ni chúng ta có khao khát muốn biết, muốn học hỏi, muốn đứng trên vai của người khổng lồ mang tên tri thức? thử hỏi bao nhiêu trong số chúng ta nhận thức được rằng Phật giáo hiện nay đang, đã, sẽ đóng góp gì cho sự phát triển của đất nước? khi mà Artificial intelligence – Trí tuệ nhân tạo đang từng bước thay thế cho vai trò lao động của con người trong tương lai. Một bộ phận người dân nghèo trong đó có người thân, có hàng xóm có Phật tử của chúng ta vì không đủ tiền bạc để nhận được sự giáo dục đầy đủ, vì không đủ tiền bạc để theo đuổi và làm chủ công nghệ tiên tiến, vì không đủ tiền bạc để trang bị máy móc, phương tiện sản xuất, vì không đủ trình độ tư duy để đuổi theo, bắt kịp với xu hướng hoàn cầu hóa như  hiện nay sẽ bị trí tuệ nhân tạo cướp đi cơ hội việc làm, cướp đi những cơ hội sống còn mà trước đó họ đã từng sở hữu.

Trên bình diện vi mô một người xuất gia tu hành có đạo đức tư cách, đủ khả năng dẫn dắt đồ chúng, thỏa mãn đời sống tâm linh tín ngưỡng của người dân coi như làm trọn bổn phận của một Tu sĩ. Trên bình diện vĩ mô người xuất gia tu hành còn phải đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu tri thức của thời đại. Phải hiến kế sách lợi đạo, ích đời cho non sông đất nước, trực tiếp hoặc gián tiếp cùng các nhà lãnh đạo tham gia giải quyết các vấn đề tồn đọng của thế giới mà bất cứ quốc gia đang phát triển nào cũng phải đương đầu như nạn mại dâm, ma túy, buôn bán, lao động phụ nữ, trẻ em, nạn thất học, nghèo đói vv….

Ni sư TN. Diễm Liên (đứng) trả lời câu hỏi của giảng viên trong  giờ học

Thế nên với Ni sư đi du học không có ý nghĩa là “cải tạo” bản thân, vì như Đức Phật đã dạy Tứ Niệm xứ là con đường độc nhất dẫn đến Niết Bàn, hãy ngồi xuống thở, Thiền sống trong chánh niệm là khắc tự giải thoát, an lạc mà không cần phải đến Ấn Độ làm chi… thực tế cho thấy nếu có tài, có tâm, có tầm nhìn xa trông rộng thì ở môi trường nào cũng phát huy được sở trường, khả năng. Du học cũng không có nghĩa là cho oách, cho sang khi sở hữu bằng cấp quốc tế, chắc hẳn với bất cứ Tăng, Ni du học sinh thực tài, thực học nào cũng hiểu rằng những tấm bằng danh giá họ có trong tay thực ra là một “hợp chất” được chưng cất từ vị mặn của mồ hôi, vị đắng đót đến tê đầu lưỡi khi đau ốm, vị chua xót, tự ti của bản thân mỗi khi kỳ thi tới bị nhận điểm kém và thậm chí là cả vị tanh của máu khi toàn thân trắng toát nằm bất động trên giường bệnh sau ca phẫu thuật lành ít dữ nhiều…

Như vậy du học phải mang một ý nghĩa của sự đột phá, một cuộc cách mạng “thay máu” từ cách nhìn, cách nghĩ đến cách tư duy, định hướng. Khi mà thế giới đã trở nên phẳng như hiện nay, khi cuộc cách mạng 4.0 đang dần dần thổi bay, quét sạch, thay đổi cả nền cơ cấu xã hội, lề lói kinh tế làm ăn lạc hậu, cũ kỹ, thói tư duy tủn mủn, vụn vặt ở hầu hết mọi các quốc gia trên thế giới thì du học luôn là kênh đầu tư tốt nhất cho tương lai, giúp phát triển ngoại ngữ, mở mang kiến thức, kỹ năng, thay đổi phương pháp tư duy, sự trải nghiệm văn hóa và tinh thần tự lực, tự cường. Cho dù khả năng tài chính, quan điểm, nhu cầu của từng đối tượng có mạnh, yếu khác nhau song tinh thần du học để thoát cảnh: “Ếch ngồi đáy giếng”, để bước ra một thế giới bao la chứa đựng ngàn vạn điều mới lạ với tiêu chí: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” thật sự phù hợp với quy luật vận động và phát triển ngày nay, đối với Phật giáo, việc du học cũng không ngoại lệ.

 Gautam Buddha University là trường đại học có rất nhiều các sinh viên đến từ các châu lục khác nhau trên thế giới. Việc một Ni sư thuộc hàng “Lục thập hoa giáp” đã vượt qua mọi giới hạn tuổi tác, trở ngại về mặt tâm lý xuất dương du học không chỉ là nguồn cảm hứng khích lệ tinh thần ham học hỏi cho tầng lớp trẻ mà nó còn mang tới thông điệp tích cực về tự do nhân quyền, tự do tôn giáo đối với phụ nữ Việt nam nói chung và nữ tu sĩ Phật giáo nói riêng trong con mắt bạn bè quốc tế. Tuy chưa được sự ủng hộ, đầu tư nhiều về mặt vật chất xong về mặt tinh thần điều đó chứng tỏ các bậc tôn túc cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoàn toàn tin tưởng, ủng hộ cho sự phát triển của tầng lớp Tăng, Ni trẻ du học hiện nay nói chung và hàng Ni giới nói riêng. 

 

Linh Thuần - Hạnh Viên

Nguồn: PTVN

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin