Chi tiết tin tức Ba chàng trai 9x kể chuyện... yêu chính mình 22:00:00 - 16/01/2018
(PGNĐ) - “Nếu không thương yêu được bản thân thì ta không thể thương yêu được bất cứ một loài nào khác, hay một ai khác. Khả năng thương yêu của chúng ta tùy thuận nơi khả năng thương yêu chính bản thân mình”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh chia sẻ tại một buổi thuyết giảng ở Làng Mai, giữa những Phật tử đến từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Ba người trẻ dưới đây đã chọn cách yêu thương chính mình bằng cách sống thực với đam mê, vượt qua những thử thách tất nhiên trên đường đời... Không bao giờ là trễ để bắt đầu
Sinh trưởng trong một gia đình đông con cái, hoàn cảnh sống gặp rất nhiều khó khăn, nên ba mẹ bạn Trần Văn Từ (1992), hiện đang là giảng viên ngành Hàn Quốc học, Trường Đại học Văn Hiến (TP.HCM) gần như không đủ khả năng lo chuyện ăn học cho con. Nói về điều đó, bạn chia sẻ: “Điều khiến mình thấy khó khăn nhất, là khi mình đậu đại học và quyết định ‘Nam tiến’ với hai bàn tay trắng. Lúc ấy, mình nghĩ, nếu không học, mình sẽ không thể thay đổi tương lai, nên mình ‘đánh liều’ một phen”. Song, vào thời điểm hai năm đầu đại học, Từ bị chi phối rất nhiều bởi tiền bạc và môi trường sống mới, nên hầu như không chú tâm vào việc học mà chỉ lo kiếm tiền. Khi vào năm 3, chương trình học ngày càng khắc nghiệt hơn, bạn lại mất căn bản trầm trọng, học phí lẫn sinh hoạt phí đều trở nên đắt đỏ, những tưởng phải dừng lại việc học ở đây để chỉ lo miếng cơm manh áo, thì đến một ngày... Từ được đi xem cuộc thi “Hùng biện tiếng Hàn” lần thứ IV của Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, tổ chức hàng năm. “Lúc đó, mình thấy rất ngưỡng mộ các anh chị lên phát biểu tiếng Hàn, mình hình dung nếu mình cũng được đứng ở vị trí đó để phát biểu thì sẽ thế nào nhỉ? Hẳn là hãnh diện lắm!”. Kể từ hôm đó, Trần Văn Từ phấn chấn, ngày nào cũng đầu tư cho việc học, dù lúc đó gần như phải xuất phát lại từ khởi điểm, vừa đi học vừa làm thêm, có ngày chỉ ngủ được 3-4 tiếng. “Không ngại bạn bè cười chê vì học kém hơn, thậm chí nhịn ăn nhịn tiêu và phải ‘cầu viện’ học phí từ nhiều phía, mình quyết tâm bắt đầu lại”, Từ kể. Chỉ trong vòng 6 tháng đến hết học kỳ 1 của năm 3 đại học, nhờ vậy, bạn đã cải thiện rất nhiều và trở thành người đại diện trường đi thi nhiều cuộc thi lớn, trong đó có cuộc thi “Viết văn tiếng Hàn khu vực Đông Nam Á (Hà Nội) lần thứ 2 và cuộc thi “Hùng biện tiếng Hàn” lần thứ VII tại Đà Nẵng - thực hiện được mơ ước của mình. Kết quả đó theo Từ không đáng kể, nhất là khi bạn không nhận được học bổng đi du học của trường. “Lúc đó, mình muốn trở thành một giáo viên dạy tiếng Hàn, đi du học sẽ có ích rất nhiều, vậy nên việc không nhận được học bổng khiến mình thấy thất vọng, bất công, một phần cũng vì còn nhiều món nợ quá, nên một học kỳ sau đó mình lại trượt dốc, bỏ lỡ đi nhiều cơ hội”. Một lần nữa, Từ lại quyết tâm vực dậy trong sự động viên của bạn bè và thầy cô, những người mà đến giờ bạn vẫn gắn bó và biết ơn vì “họ giúp mình nhận ra rằng, không bao giờ là quá trễ để bắt đầu lại cả”, Từ xúc động kể. Từ đó, Từ phấn đấu và giành được một số học bổng của KOVA (Liên hiệp người Hàn Quốc tại nước ngoài). Sau hai năm du học và tốt nghiệp thạc sĩ tại Hàn Quốc, giờ Từ đã về nước và thực hiện được mơ ước, trở thành một giáo viên tiếng Hàn, giảng dạy tại nhiều trường đại học ở TP.HCM. Nhờ đó, cuộc sống hiện tại, không chỉ của Từ mà cả ba mẹ và mấy đứa em sau bạn, cũng dễ thở hơn. Từ tâm đắc: “Tự lấy mình làm một bài học, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, mình cũng luôn động viên các bạn học trò của mình, để các em có thêm động lực, không ngại đứng dậy và bắt đầu bước đi từ chính những mặc cảm, khó khăn của mình”. Không từ bỏ ước mơ
Photographer Trần Minh (1993) thì nói về câu chuyện theo đuổi đam mê: “Sau khi tốt nghiệp đại học, chuyên ngành Ngữ văn Anh, Minh quyết định đi theo đam mê của mình - là trở thành một photographer chuyên nghiệp”. Thực ra, Minh sinh trưởng trong một gia đình vốn có truyền thống nhà giáo, nên từ nhỏ ba mẹ đã định hướng cho Minh theo con đường giảng dạy. Do đó, đây cũng là lúc bạn gặp phải nhiều khó khăn, và khó khăn trước mắt nhất phải kể đến lúc ấy là vấn đề mưu sinh, “bởi từ lúc tốt nghiệp ba mẹ cùng anh chị đã cắt hết hoàn toàn trợ cấp, nên tất cả mọi sinh hoạt phí mình đều phải kiếm cách tự xoay xở”. Không đi theo định hướng mà ba mẹ mong muốn và kỳ vọng, hiển nhiên sẽ phần nào đó làm ba mẹ thất vọng và lo lắng, Minh ý thức rõ điều đó nhưng bạn cũng tin rằng, so với việc gò ép bản thân làm điều mình không thích và cũng không giỏi, để ba mẹ hài lòng, thì việc mình thực hiện được đam mê với niềm vui thích, rồi thành công với nó, dù sẽ tốn nhiều thời gian hơn, nhưng chắc chắn sẽ khiến ba mẹ hãnh diện và tin tưởng. Theo Minh, hạnh phúc chỉ có thể tồn tại khi nó được san sẻ và đến từ cả hai phía, nên nếu ba mẹ vui nhưng bản thân mình thật sự không thể hạnh phúc với điều mình đang làm, cứ như vậy về sau, sẽ rất dễ nảy sinh chán nản, mâu thuẫn, sinh ra đổ lỗi và tranh cãi là điều khó tránh khỏi. “Thay vì tạo ra hạnh phúc không vững bền như vậy, mình nghĩ trước hết bản thân phải thật sự hạnh phúc trước đã, từ đó mới lan tỏa hạnh phúc vững chắc cho người khác được. Cũng như xây nhà, để tạo ra một ngôi nhà đẹp không khó, nhưng để xây nên một ngôi nhà vững chãi và ưng ý lại không phải là chuyện dễ dàng. Ban đầu, tất nhiên sẽ có những định kiến và góp ý này kia, nhưng bản thân mình cần ý thức được con đường mình đến với ước mơ, mình thấy nó đúng, không ảnh hưởng hay làm hại ai; mình vui với điều đó thì mình đừng nản lòng từ bỏ, cứ tiến lên thôi”, Minh tâm niệm. Trên cơ sở đó - từ khi quyết định đi theo đam mê nhiếp ảnh của mình, Minh thay đổi bản thân theo hướng tích cực: từ một người quá nghiêm túc, kiệm lời, trở thành một người năng động, dễ dàng sẻ chia, giúp đỡ và thấu hiểu mọi người hơn.
Hảo Nguyễn
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |