Chi tiết tin tức

Cùng bạn trẻ kiến tạo an lạc ngay hôm nay

17:17:00 - 16/12/2016
(PGNĐ) -  Có một cõi Tịnh độ ngay trong ta, đó là tâm mát mẻ biểu hiện ở hiện tại (bây giờ, ở đây). Ngược lại là tâm nóng bức, phiền não, biểu trưng cho cõi địa ngục.
 

anh LDL 4.jpg
An trú, thảnh thơi

Làm như chơi - Làm chủ công việc và đời sống bằng năng lực tỉnh thức. Đây là sách mới ra của ĐĐ.Thích Minh Niệm, tác giả cuốn sách Hiểu về trái tim được đông đảo bạn đọc, nhất là người trẻ đón nhận, xem đây là một trong những cẩm nang để giảm bớt chông chênh, đứng vững trong công việc lẫn cuộc sống. Ở đó, ĐĐ.Minh Niệm đề xuất “thử tập định tâm”, thầy viết: “Để tâm không dễ bị dao động và phân tán bởi các đối tượng xung quanh cũng như thoát ra khỏi cơn vọng tưởng trong đầu, ta cần phải tập định tâm”. Trước đó, theo thầy cần “bớt đi những việc không cần thiết” - qua gợi ý: tại sao ta làm công việc này, có cần thiết làm ngay bây giờ không?

Dành vài phút để suy nghĩ về những việc đã làm, đang làm, sẽ làm để bỏ bớt những việc không cần thiết, khi đó “ta sẽ có thêm thời gian và năng lượng để làm việc cần thiết trong sự thư giãn, thảnh thơi, chân thành và sâu sắc”, ĐĐ.Minh Niệm nhắn nhủ.

Đem vấn đề này gửi tới một nhân viên văn phòng, một người làm kinh doanh và một người làm báo, chúng tôi bất ngờ nhận được đáp án chung rằng, trong công việc họ loay hoay với nhiều thứ không cần thiết, nghe ngóng đủ thứ bên ngoài và cố phòng vệ với những cái gọi là “đối thủ” bởi sự ám thị - mình phải hơn người khác, phải kiếm được thật nhiều tiền, phải thực sự có vị trí nào đó để được xem là người thành công.

Kiếm thật nhiều tiền để làm gì? Chúng tôi hỏi và được câu trả lời: để hưởng thụ cuộc sống. Vẫn là đáp án chung. Đáp án đó khiến chúng tôi nhớ ngay đến lời của Đức Dalai Lama thứ XIV, ngài nói đại ý rằng, điều ngài bất ngờ nhất đối với con người là đổ sức khỏe ra để kiếm thật nhiều tiền và rồi lại dùng thật nhiều tiền để mua lại sức khỏe.

Làm việc không giờ giấc, quên ăn ngủ, stress liên tục đến nỗi phải tìm tới thuốc an thần, có khi tự tử vì công việc là vấn nạn của một số quốc gia được xem là phát triển, có nền kinh tế đứng hàng đầu thế giới, khu vực. Tất cả con người bị nhồi nhét bởi triết lý làm thật nhiều tiền bởi chỉ có thật nhiều tiền mới có hạnh phúc.

Không ai phủ nhận đồng tiền có thể mang lại tiện nghi cho cuộc sống nhưng nếu lệ thuộc một cách tuyệt đối vào tiền và đợi tới có tiền nhiều mới có hạnh phúc đã được chứng minh là sai lầm. Bởi trên hành trình ấy, nếu ta đau khổ nhiều quá, đánh đổi nhiều thứ thì sẽ không đủ điều kiện để hạnh phúc khi đạt được mục đích kiếm tiền. Cụ thể là, lúc ấy mình đã bệnh tật, đã mất đi người thân yêu mà trước đó vì kiếm tiền mình bỏ quên không chăm sóc... Liệu chúng ta có hạnh phúc chăng với thực tế đó?

Câu hỏi mang tính đối thoại ấy được chúng tôi chia sẻ thêm với mười người một cách ngẫu nhiên qua mạng xã hội Facebook và dường như ai cũng trầm ngâm, có một cái giật mình nhẹ.

Cũng may là những người trẻ còn biết giật mình trước một phản biện về việc kiếm tiền, tạo dựng hạnh phúc cho tự thân và cho xã hội mình đang sống. Thực tế, có nhiều lớp dạy thiền, khóa tu dành cho người trẻ mở ra và lúc nào cũng đông, cũng kín chỗ. Đến với cửa chùa và tập sống tĩnh lặng, định tâm như gợi ý của thầy Minh Niệm trong Làm như chơi (Nxb Văn Hóa - Văn Nghệ) đã được những người trẻ lưu tâm, bắt đầu bằng bỏ bớt những việc không cần thiết, nhất là việc dạo “phây”, lướt web, “tám” và than để ngồi xuống hoặc đi trong chánh niệm, hít thở một hơi vào, hơi ra, thấy sự sống của mình là một sự mầu nhiệm bởi đã tiếp nối từ những người thân thương, tiếp nhận từ vũ trụ bao la này những năng lượng tươi nguyên.

Một cuốn sách khác với tựa An nhiên mà sống của MC Quỳnh Hương (Nxb Trẻ), là sách bán chạy 20.000 bản. Tựa sách có bốn chữ nhưng chứa đựng nội dung mà ai cũng mong mình sẽ có thể đạt được “cảnh giới” đó, nhất là khi cuộc sống hiện đại vốn... không dễ thở với nhiều mối lo và sự quan tâm. Chúng tôi đọc sách và thích thú với đề nghị “Thì những việc tốt nho nhỏ hãy cứ làm đi”. Đó là đề nghị của một khán giả của chương trình Thay lời muốn nói (trên HTV), vị khán giả kể mong ước khi có thiệt nhiều tiền sẽ thường xuyên nấu cơm chay thiệt ngon đãi mọi người thay vào những món cơm mặn để mọi người bớt sát sanh, hại vật.

Nói vậy nhưng vị khán giả ấy cho biết không làm gì để có tiền nhiều, cũng chưa bao giờ mua vé số để mà... có hy vọng. Sau, con trai chị bệnh, vô bệnh viện nuôi con, thấy nhiều người khổ quá, khổ hơn mình nhiều nên chị bàn với gia đình chung tay nấu tháng ba ngày cơm chay, tặng cho bệnh nhân vào buổi trưa. Ai dè, khi bắt tay thực hiện thì được bạn bè hưởng ứng nhiệt thành nên không lâu sau, tổ từ thiện chia sẻ cơm, cháo cho các bệnh viện từ Long An, Tiền Giang hình thành với nhiều buổi phát trong tháng, mỗi ngày cả sáng, trưa, chiều.

Bài viết còn kể về một khán giả khác gửi thư, nhắc tới lời Phật dạy rằng: “Chớ có thấy việc thiện nhỏ mà không làm, chớ có thấy việc ác nhỏ mà làm”. Đọc và nghĩ, nhiều người trẻ thường mơ ước cao siêu quá nên đôi khi bỏ qua những việc nhỏ, những việc tay chân đơn giản. Công tác từ thiện, tham gia tình nguyện thực ra cũng là một giờ học thú vị từ cuộc sống, giúp nuôi dưỡng tâm hồn mình rộng rãi hơn, bao dung hơn, yêu đời, vui sống hơn. Điều đó được chứng minh bởi nhiều người trẻ làm việc thiện trong những hội, nhóm, câu lạc bộ dấn thân vào cuộc sống và đã nhặt về niềm hoan hỷ, an vui; ngược lại, những ai vùi đầu vào hưởng thụ, tham gia những trò chơi ảo, những hoạt động giải trí tốn kém thường ít thành công, ngại khó và hư hại bản thân.

Cuộc sống vốn công bằng bởi được vận hành theo định luật nhân quả. Khi chúng ta gieo hạt lành thì đương nhiên sẽ gặt quả ngọt. Khi chúng ta sống, học tập, làm việc bằng tâm lành, ý thiện, bằng sự nỗ lực chân thành, có chánh niệm thì chắc chắn sẽ có thể “an nhiên mà sống” và sống ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng an nhiên, lòng cũng mát mẻ, miệng lúc nào cũng mỉm cười, cơ mặt ít có cau có. Sống vậy thì rủi một mai có già, có chết, có rời đi thì cũng nhẹ nhàng, không có gì phải hối tiếc...

Chúc Thiệu

Tịnh độ trong tay mỗi người

anh LDL 1.jpg

Chúng ta có một tập khí hay đánh mất mình trong giây phút hiện tại do suy tưởng quá nhiều về quá khứ hoặc lo lắng cho những dự định tương lai. Chính tập khí này ngăn cách chúng ta tiếp xúc với những điều kiện hạnh phúc trong hiện tại.

Khi đối mặt với khổ đau trong hiện tại, thay vì tìm cách chuyển hóa khổ đau và chế tác hạnh phúc, chúng ta lại có xu hướng muốn trốn chạy khỏi khổ đau để tìm đến một nơi tốt đẹp hơn, một “Tịnh độ” với điều kiện sống “chỉ toàn hạnh phúc”.

Nhờ có khổ đau, hạnh phúc mới được nhận diện. Bỏ quên hay trốn chạy khỏi thực tại để tìm một thế giới “không có khổ chỉ toàn vui” là một điều không thể, trái với lời dạy của Đức Thế Tôn.

Tịnh độ có mặt ở khắp mọi nơi, ở trong mỗi tâm người. Khi chúng ta có tình thương, có khả năng nhận diện hạnh phúc quanh mình và chuyển hóa khổ đau mà chúng ta đối mặt thì khi ấy chúng ta có Tịnh độ. Trong kinh Bhaddekaratta (Trung bộ kinh), Phật có dạy: “Quá khứ không truy tìm/  Tương lai không ước vọng/ Quá khứ đã đoạn tận/ Tương lai lại chưa đến/ Chỉ có pháp hiện tại/  Tuệ quán chính ở đây”.

Khi có trí tuệ rồi thì ở đâu cũng là Tịnh độ. Tịnh độ này do chúng ta tự mình xây dựng nên chứ không phải trông chờ hay kiếm tìm ở một nơi khác.

Thích Đồng Tâm
(Học viên Cao học tại Sri Lanka)

anh LDL 2.jpg
Thực sự, càng lớn thì thời gian dành cho công việc càng nhiều nên đôi khi chính tôi (là người Phật tử) đã quên mất việc thực tập Phật pháp mỗi ngày. Như thói quen, tôi đều dành thời gian đọc sách vào buổi trưa sau giờ cơm, các sách Thiền (Mindfullness Meditation) được phát miễn phí ở tu viện Kong Meng San Phor (Singapore), có một cuốn sổ nhỏ ghi chép những Dharma (lời Phật dạy) và áp dụng vào cuộc sống những lúc có thể.

Những gì xảy ra với chúng ta đều có nhân duyên, dù cuộc sống hay trong công việc, nếu ta luôn nhẹ nhàng để nhận diện được vấn đề thì sẽ giải quyết thật tốt. Đừng để những việc ấy ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần - vô tình sẽ làm mình đi sâu vào những thói quen xấu, tìm quên trong những thú vui thế gian và quên mất lời Phật dạy.

Phan Kim Tiên
(Singapore)

anh LDL 3.jpg
Từ khi tập chánh niệm ngay giây phút hiện tại thì tôi cảm nhận được giây phút này là quan trọng nhất, mình sống hết mình với giây phút đó. Từ đó tôi đã có thể trân trọng người, vật xung quanh mình.

Thường mỗi ngày thức dậy tôi đều nghĩ: hôm nay là ngày mới, mình sống tốt ngày hôm nay nhé. Nên ngày hôm đó sẽ không trôi qua nhạt nhẽo nữa - mỗi khi bắt đầu ngày mới là tôi thấy mình làm nhiều việc ý nghĩa hơn và việc nào cũng tốt hơn.

Trương Hương
(Phật tử chùa Xá Lợi, Q.3, TP.HCM)

An Lạc ghi

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin