Chi tiết tin tức Một cuộc đời ở lại… 20:37:00 - 15/12/2019
(PGNĐ) - Bầu trời vẫn xanh, nắng vẫn đẹp và muôn loài chim chóc vẫn hồn nhiên ca hát mỗi ngày. Duy chỉ có lòng người nhiều âu lo phiền muộn, chẳng muốn dành chút thời gian mà tận hưởng cuộc sống đúng nghĩa với hai từ “cuộc sống”. Hoặc có thể cuộc đời người ấy quá nhiều đau khổ, nhìn thế gian với đôi mắt không trọn vẹn và cảm nhận cuộc sống với một tâm hồn nhiều rạn nứt, thì thử hỏi tâm trạng đâu mà lắng nghe những nhiệm mầu?
Đó là suy nghĩ của chị Thuận (Bắc Ninh) những ngày tháng trước đây… Đông đảo người dân tham gia hiến máu nhân đạo Chị sinh ra và lớn lên ở một vùng quê cách xa thành phố, có những cánh đồng lúa không rộng lắm nhưng cũng đủ cho “con cò mỏi cánh bay ngang, dạt dào sóng lúa mênh mang sớm chiều”. Những vùng quê yên bình như thế vốn là đề tài màu mỡ cho các nhà văn, nhà thơ thỏa sức sáng tạo, ấy thế mà như biển cả trông lặng yên nhưng chứa trong lòng nó muôn vàn sóng dữ, làng quê trong cái nhìn của chị cũng đầy đủ những lề thói hủ tục ràng buộc, không cho người ta được sống yên ổn.
Cho đến bây giờ, đã ở cái tuổi “tam thập nhi lập”, người thì vang danh sự nghiệp, người đã yên bề gia thất, còn chị Thuận vẫn lẻ bóng, sống dựa vào mẹ ngày này qua tháng khác.
Từ năm chị học lớp 4, đôi mắt cứ mỗi ngày một mờ dần, mờ dần. Hai mẹ con đưa nhau đi chạy chữa khắp nơi, “có bệnh thì vái tứ phương”, ấy thế mà chỗ nào cũng nhận về kết quả: bệnh do bẩm sinh, thoái hóa võng mạc và bệnh tình sẽ nặng thêm theo cùng thời gian. Tâm hồn ngây thơ của một đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới thì sao thấu hiểu nỗi đau đớn của người mẹ rứt ruột đẻ ra mà đứa con phải sống một cuộc đời không trọn vẹn.
Khi chị bắt đầu ý thức về tình trạng của bản thân, cũng là lúc chị phải chuyển vào trường dành riêng cho người khiếm thị. Cả tuổi thơ cay đắng trong tiếng trêu chọc của bạn bè và thương hại của làng xóm, dường như tâm hồn chị trở nên chai sạn. Chị đã khóc quá nhiều cho đến khi cạn dòng nước mắt, chị không còn khóc được nữa.
Mới chỉ năm ngoái đây thôi, chị bắt đầu xin đi học massage, xoa bóp, bấm huyệt ở trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. Môi trường của những người cùng hoàn cảnh như chị phức tạp biết chừng nào! Có thể trên báo đài, tivi, người ta vẫn thường khen ngợi và viết về những tấm gương khuyết tật nhưng có ý chí vươn lên và thành công như bao người khác. Nhưng số đó chẳng đáng là bao, hầu hết những người xung quanh chị đều mang trong mình nỗi mặc cảm, tự ti hoặc có thái độ phản kháng, bất cần với cuộc đời. Chị thương họ và cũng thương cho số phận mình.
Thế rồi, phép mầu đã đến! Ngôi chùa làng là chốn tâm linh nhưng dường như xa lạ đối với nhiều người dân quê chị, bởi lẽ, họ chỉ đến chùa vào những ngày đầu năm, thi thoảng muốn xin điều gì thì gặp các bà vãi trông chùa, đốt nén hương trầm, cầu nguyện và ra về. Kể từ ngày có Sư về trụ trì, chốn già-lam trở nên ấm cúng hương đèn, sạch sẽ và có phần sinh khí. Ngôi chùa trở về với đúng nghĩa:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Sư trụ trì được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đã dần xây dựng những công trình nhỏ, trồng rất nhiều cây và hoa làm đẹp thêm chốn đất tịnh, thành lập đạo tràng tụng kinh, lễ Phật hàng tối và thường xuyên tổ chức khóa tu một ngày. Ban đầu chỉ có các bà, các mẹ lên chùa, rồi dần dà có vài ba lớp trẻ, trong đó có chị Thuận.
Không biết tự khi nào, lòng chị cảm thấy yên bình hơn hết mỗi khi bước chân đến chùa. Mắt nhìn không rõ kinh, chị cũng chẳng thuộc bài sám nào, nhưng vẫn đều đặn mỗi tối lên chùa chắp tay và niệm Phật. Sư đã chia sẻ rất nhiều những câu chuyện ý nghĩa, khuyên người ta sống đời hướng thiện và cũng lần đầu tiên trong đời có người giải thích cho chị biết Đức Phật là ai. Chiều chiều chị thích ngồi dưới gốc đa từ ngày xửa ngày xưa không ai rõ năm tuổi, mắt nhắm khẽ và tận hưởng bóng mát cổ thụ. Chị đã cố gắng viết những câu thơ vào nhật ký bằng ngôn ngữ của người đặc biệt:
“Con muốn là con của lúc này
“Dù con không nhìn thấy thế gian xinh đẹp và đầy màu sắc này, nhưng vẫn cho con cảm giác để cảm nhận được tình thương của mọi người. Dù ta chỉ có bóng tối hãy cứ cười thật tươi, hãy là ngôi sao sáng vì đời cho phép ta”.
Quả như thế, bởi chỉ cần bước chân ra đường hay về đến nhà, biết bao chướng duyên nghịch cảnh lại bủa vây khiến người ta khó lòng mà giữ được sự an tĩnh. Chị vẫn còn nhớ những ngày mới lên chùa, mẹ chị phản đối ghê lắm. Không phải vì ngăn cấm niềm vui của chị, mà vì bởi người phụ nữ cực khổ cả đời ấy không muốn nghe thêm bất cứ điều tiếng gì từ miệng lưỡi thiên hạ nữa. Người ta cứ nói bà “… mắt sáng còn chẳng biết đọc kinh, con gái mù mờ như thế cho lên chùa làm gì”. Hay đại loại: “… những người không toàn vẹn, bước chân vào đất Phật, đất Thánh là có tội”. Từ trước đến giờ bà đâu có hiểu, nghe người ta nói vậy thì sợ, thì lo rồi thành ra chặn luôn cả niềm vui nhỏ bé được đến chùa của chị. Chỉ đến khi Sư giải thích cho mẹ chị hiểu thế nào là đi chùa đúng Pháp, rằng chữ nghiệp, chữ phước ở đời là sao, khi đó bà mới có phần yên tâm hoan hỷ.
*
Sáng nay, trên đường từ bệnh viện về nhà, cầm trên tay kết quả khám bệnh, chị lại không thấy buồn nhiều như những lần trước. Vẫn là lời dặn dò của bác sĩ, kiên trì dùng thuốc bởi tuổi chị đã lớn, và bệnh có thể nghiêm trọng hơn dẫn đến mù hoàn toàn bất cứ khi nào. Chị nghĩ rồi, tên của chị là Thuận, là thuận theo tự nhiên, thuận theo những nghiệp báo từ vô thỉ kiếp vô tình hay cố ý gây ra. Chị tuyệt vọng nữa cũng chẳng để làm gì, thôi thì cứ giữ tâm mình sạch trong và hướng thiện, có nghề bấm huyệt trong tay, chị sẽ giúp đỡ nhiều người, mong kiếp sau được sáng mắt để chẳng phải thiệt thòi như đời này.
Chị dừng chân trước cổng chùa, hương thoang thoảng của những loài hoa đủ màu đủ sắc vương vấn đâu đây. Chị chợt nghĩ, ngày mai đến trung tâm bấm huyệt, chị sẽ rủ một vài người bạn về chùa xem sao, biết đâu rồi sẽ lại có người cũng cảm thấy vui vẻ yêu đời hơn như chị. Chị khẽ ngân nga câu hát chẳng có đầu có cuối: “Dù cho đôi mắt không còn ánh sáng. Nhưng trái tim này vẫn luôn yêu đời. Dù cho tiếng nói không tròn lời nói. Nhưng đôi môi này vẫn luôn tươi cười”…
Nguyện Pháp
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |