Chi tiết tin tức

Cảm nhận về lễ hiến xác tập thể cho khoa học ở chùa Giác Ngộ

12:36:00 - 01/12/2014
(PGNĐ) -  Khi đọc được thư của TT.Thích Nhật Từ vận động hiến xác cho khoa học đăng trên website Đạo Phật Ngày Nay, tôi đã viết đơn xin được hiến xác. Danh sách những người tự nguyện hiến xác được cập nhật hàng ngày và Thầy  là người có số thứ tự 1, những số tiếp theo là của quý tăng, ni và phật tử. Ngày nào tôi cũng lên mạng nhưng không thấy tên mình, ngày 18-11 thư của tôi được trả về do địa chỉ không chính xác. Theo thông báo của  BTC, ngày 20-11 là hết hạn nhận đơn. Tôi điện thoại cho cô Mai (phật tử chùa Giác Ngộ), tưởng tôi ở thành phố HCM, cô bảo: con cầm đơn đến chùa ngay bây giờ đi, cô đang ở chùa. Tôi năn nỉ: Thưa cô, nhờ cô nói lại với quý thầy, con ở tận Khánh Hòa làm sao tới chùa ngay bây giờ, con rất muốn được hiến xác. Cô Mai cho địa chỉ 86 Nguyễn Chí Thanh và hai ngày sau cô gọi điện  báo tin đã nhận được đơn.

 

Mùng một đi chùa Đức Hòa tu Bát Quan trai tôi đã vận động được cô Nguyễn Thị Thắm, pháp danh Nhuận Thanh; bạn Đặng Thị Tuyền, pháp danh Hạnh Mẫn và bạn Nguyễn Nhuận Hiếu Hạnh cùng tham gia làm đơn hiến xác.

 

 

Cả nhà tôi hầu như ai cũng bị “sốc” khi biết tôi có ý định hiến xác, do không ai đồng ý nên tôi đã âm thầm tự sắp xếp công việc để được vào dự lễ, rất may có cô Nhuận Thanh cùng đi.

Buổi lễ có sự chứng minh, tham dự của TT. Thích Nhật Từ, TT. Thích Nhật Bình, ĐĐ. Thích Nhật Thiện, NT. Thích Nữ Tịnh Nguyện; về phía các cơ quan đại diện có GS. TS. Trương Văn Chung - Giám đốc, GS. TS. Nguyễn Công Lý - Phó Giám đốc Trung tâm Tôn giáo trường Đại học KHXH&NV TP. HCM, BS. TS Dương Thị Ngọc Châu - đại diện trường Y Khoa Phạm Ngọc Thạch cùng đông đảo quý Phật tử, thiện hữu tri thức, quý nhà hảo tâm đến tham dự.

 

 

Trước khi vào buổi lễ chính thức, đại chúng đã tụng Kinh Phổ Môn, đồng gửi năng lượng bình an cho Hòa thượng, Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo  trên toàn thế giới.

 

 

Chúng tôi rất xúc động khi nghe TT. Thích Nhật Từ nói về ý nghĩa của việc làm nhân văn này: “Đạo Phật có khái niệm bố thí, được hiểu là bố thí ngoại tài và nội tài. Bố thí nội tài bao gồm hiến tặng các mô và nội tạng trong cơ thể người sau khi qua đời. Việc làm này có thể chia sẽ cho những ai đang cần đến mô và nội tạng thay thế để kéo dài mạng sống. Hành động này thể hiện đức tính từ bi của đạo Phật, nó còn là nét đẹp của lòng nhân đạo, nhân văn giữa con người với nhau. Chỉ hơn 1 tháng vận động, đã có trên 131 người đăng ký hiến xác, hiến mô và hiến nội tạng cho y khoa. Nghĩa cử cao thượng đó đã đóng góp rất nhiều lợi ích cho cộng đồng xã hội. Chúng tôi rất tán dương chư vị tăng ni và Phật tử đã thực hiện hạnh nguyện bố thí cao thượng này. Đồng thời, xin kêu gọi các nhà báo, các đơn vị truyền thông đại chúng hãy truyền bá rộng rãi mô hình này, đó là hành động gián tiếp để chúng ta mang hạnh phúc đến cho con người”. 

Đại diện cho Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bộ môn giải phẩu cùng toàn thể sinh viên, TS. BS. Dương Thị Ngọc Châu phát biểu: “Chúng tôi sẽ không thể trở thành một bác sĩ giỏi nếu chúng tôi không được học tập, nghiên cứu ngay trên cơ thể người. Trong khi con số hiến xác, hiến nội tạng, hiến mô ngày càng hiếm hoi, thì TT. Thích Nhật Từ chỉ hơn một tháng vận động mà có đến 131 người tình nguyện, đây là một tin vui cho y học Việt Nam nói chung và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch nói riêng. Hành động này của quý vị sẽ là bài học sâu sắc về lòng biết ơn, sự hy sinh, lòng nhân ái cho bản thân chúng tôi cũng như thế hệ sinh viên là những bác sĩ có tâm, có tài ở tương lai. Chúng tôi xin gửi nơi đây lời tri ân sâu sắc và xin hứa sẽ là những thầy thuốc giỏi, để xứng đáng với sự hy sinh vô tư, trong sáng mà quý vị đã dành cho chúng tôi”.

 

 

Tại buổi lễ, TS. BS. Dương Thị Ngọc Châu đã trao giấy chứng nhận hiến xác cho 20 vị đại diện chư tăng ni và Phật tử đã đăng ký. Trong số tăng ni tự nguyện hiến xác cho khoa học, có các Ni sư lớn tuổi và những sư cô tuổi còn rất trẻ, nhất định sau khi tham dự lễ hiến xác về, tôi sẽ cố gắng thuyết phục gia đình mình, những bạn đồng tu cùng nhau hiến xác bởi lẽ không ai có thể mang theo xác chết này với cái chết. Không ai có thể mang gì theo, ngoài nghiệp thiện và ác, sau khi qua đời. Có gì để băn khoăn, vướng bận, khi thi thể không thuộc quyền sở hữu của ta được hiến tặng cho khoa học. Khi chết đi, thân xác trở về cát bụi, dù thiêu hay chôn. Hiến xác cho khoa học là cách sống có ý nghĩa và chết có giá trị. Thực tập vô ngã trong lúc sống và khi chết sẽ giúp ta không vướng kẹt trong khổ đau.

 

 

Cô Nhuận Thanh, 64 tuổi người cùng đồng hành với chúng tôi từ Ninh Hòa vào thành phố dự lễ xúc động nói: Cám ơn, cám ơn nhiều lắm, nếu không có Quảng Ấn làm sao cô có nhân duyên được hiến thân xác giả tạm này. Tôi cũng xúc động không kém gì cô, cô ơi! Chúng ta phải cám ơn TT. Thích Nhật Từ, trường ĐH. Y Phạm Ngọc Thạch, BTC và quý phật tử chùa Giác Ngộ đã cho chúng con có cơ hội hiến xác cho khoa học làm cho cái chết và thi thể vô dụng trở nên có ý ích cho xã hội. 

 

 

Quảng Ấn (viết sau khi dự lễ tại chùa Giác Ngộ)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin