Chi tiết tin tức

Chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh) và những lớp “trầm tích văn hóa”

17:57:00 - 25/05/2022
(PGNĐ) -  Phật giáo đã đồng hành với vận mệnh của dân tộc ta từ buổi sơ khai. Nhà Sư không chỉ là  người thầy dạy giáo lý nhà Phật, mà còn dạy đạo đức, chữ nghĩa, bốc thuốc chữa bệnh, tư vấn mọi khó khăn trong tâm lý và đời sống con người, thậm chí đóng vai trò trung gian hòa giải cho những bất đồng xã hội. Vào những giờ phút vận mệnh xã tắc lâm nguy, lại có những nhà Sư đứng ra đóng vai trò cố vấn, định hướng, nâng đỡ, góp phần lèo lái con thuyền vận mệnh dân tộc vượt qua sóng gió.

Vì thế, một ngôi chùa Việt đôi khi có vẻ ngoài bình dị, nhưng chứa đựng bên trong biết bao giá trị lịch sử, nhân văn. Chùa Tiêu Sơn ở Bắc Ninh là một trong những ngôi chùa như vậy. Ngôi chùa đã chứng kiến biết bao thăng trầm thời cuộc và gắn bó với những con người làm nên lịch sử, là Thiền sư Vạn Hạnh, vua Lý Thái Tổ, Thiền sư Như Trí. Tác giả mong muốn tổng hợp những tư liệu lịch sử rời rạc để đưa ra bức tranh toàn cảnh về chùa Tiêu Sơn với những giá trị lịch sử, văn hóa của nó. Bởi vì, những di tích không chỉ là lịch sử mà còn là bài học sống động từ tiền nhân, là món ăn tinh thần không thể thiếu cho con người thời hiện đại.

SƠ LƯỢC VỀ BẮC NINH VÀ TRUNG TÂM PHẬT GIÁO LUY LÂU

Luy Lâu là một địa danh có nhiều cách định nghĩa. Trước hết, đó là tên gọi một thành cổ nơi đặt lỵ sở của chính quyền đô hộ nhà Hán trên quận Giao Chỉ và từng là thủ phủ của cả Giao Châu (nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Địa danh ấy cũng từng được gọi cho đơn vị hành chính cấp huyện thời thuộc Hán và nhiều thế kỷ sau. Nhưng ngày nay, tên gọi này gọi chung cho cả một vùng văn hóa Việt cổ. Tuy qua những thời kỳ khác nhau, phạm vi địa danh rộng hẹp có khác, nhưng tọa độ trung tâm văn hóa cổ vẫn thuộc Bắc Ninh.

Cổng vào khu di tích thành cổ Luy Lâu. (Ảnh: Alltours.vn)
Cổng chùa Tiêu Sơn (Ảnh: chuaviettoancau.com)

Nơi đây bằng phẳng, cao ráo, có dòng sông Dâu, sông Đuống chảy qua và có nhiều con đường sông đi ra tới biển, vì thế vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương trong nước và quốc tế từ thời cổ đại. Do đó, nơi đây sớm trở thành trung tâm kinh tế – chính trị, giao lưu văn hóa và cũng là nơi Phật giáo bén rễ sớm ở Việt Nam, có thể sớm hơn cả Trung Quốc [1].

Tại Bắc Ninh, ngày nay vẫn còn lưu lại những di tích được coi là những ngôi chùa đầu tiên ở Việt Nam như: Chùa Tổ Phúc Nghiêm thờ Phật Mẫu Man Nương, cùng hệ thống chùa Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện – thờ các Nữ thần: Mây, mưa, sấm, chớp)… ghi dấu sự hòa quyện độc đáo giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa bản địa trong buổi ban đầu Phật giáo du nhập vào nước ta. Ngoài ra, tại Bắc Ninh còn những di tích cổ mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc như các đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, các tướng thời Hai Bà Trưng, Lý Bát Đế. Còn nhiều làng nghề cổ truyền như: Đúc đồng, dệt lụa, tranh Đông Hồ… Trong bối cảnh nhiều tầng văn hóa – lịch sử đậm đặc đó, có một ngôi chùa cũng đặc sắc vô cùng, nhưng đứng trước nguy cơ sẽ bị lãng quên nếu không được chú ý đúng mức. Đó là chùa Tiêu Sơn, ở núi Tiêu, phường Tương Giang, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CHÙA TIÊU SƠN 

Chùa Tiêu Sơn, hay thường được gọi là chùa Tiêu, nằm cách Hà Nội 20km về phía Bắc, dọc theo quốc lộ 1A thuộc phường Tương Giang, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Từ chùa ra tới quốc lộ khoảng 600m. Chùa được xây dựng từ thời Tiền Lê và đã qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn còn mang kiến trúc mộc mạc truyền thống, cảnh quan thanh nhã. Chùa được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia ngày 25/01/1991.

Theo nghiên cứu của Sở Văn hóa và Thông tin Hà Bắc [2], trên núi Tiêu có hai ngôi chùa, tên là Thiên Tâm và Tràng Liêu, nằm cách nhau 200m. Chùa Thiên Tâm thường được gọi là chùa Tiêu Sơn hay Ba Sơn. Còn chùa Tràng Liêu còn gọi là chùa Lào. Hai ngôi chùa này đều do Thiền sư Vạn Hạnh trụ trì. Hiện trên núi chỉ còn chùa Tiêu Sơn, vì chùa Tràng Liêu đã bị hủy hoại trong thời chiến tranh, nay chỉ còn quả chuông chùa với hàng chữ “Tràng Liêu tự chung” được lưu giữ tại chùa Tiêu Sơn. Ở vùng này, nhiều tên đất, tên làng, tên núi cùng có chữ Tiêu.Trước đây, vùng này có 03 làng tên là: Tiêu Sơn, Tiêu Long, Tiêu Thượng, nên tên gọi Ba Sơn hay Tiêu Sơn cũng gắn với những địa danh này.

Chùa Tiêu trải qua nhiều đời trụ trì không theo cùng một mạch truyền thừa tông phái, được ghi lại đơn sơ trong khoa cúng Tổ của chùa. Thời kỳ đầu được lịch sử biết đến nhiều nhất là Thiền sư Vạn Hạnh. Từ đó trải qua nhiều đời trụ trì, có những vị đến nay vẫn chưa xác định chính xác thuộc tông phái nào, như Thiền sư Như Trí. Hiện trụ trì chùa Tiêu là Sư cụ Đàm Chính và Sư cụ vẫn tiếp nối truyền thống của ngôi chùa hơn 1.000 năm nay không có hòm công đức. Ngày nay, trải qua hơn nghìn năm, chùa Tiêu Sơn đã không còn hình dạng ban đầu, nhưng vẫn mộc mạc, giản dị và hàm chứa giá trị văn hóa – lịch sử trường tồn.

GIÁ TRỊ KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT VÀ HIỆN VẬT CỦA CHÙA TIÊU SƠN 

Mô tả di tích

Chùa Thiên Tâm (chùa Tiêu) nằm trên sườn Tây của núi Tiêu, xây theo thế trước sông, sau núi. Thời Thiền sư Vạn Hạnh, có lẽ quy mô lớn hơn ngày nay nhiều. Vì nhiều công trình như: Viện Cảm Tuyền, Lầu Tiên Lĩnh, nhà Thượng Điện,… được sử sách ghi lại nay đã không còn.

Vào thời kháng chiến chống Mỹ, chùa Thiên Tâm cũng bị hủy hoại, chỉ còn lại khu vườn tháp Tổ. Đến những năm 80 của thế kỷ XX, chùa được dựng lại đơn sơ. Năm 1992, Nhân dân dựng bảo tháp thờ vọng Thiền sư Vạn Hạnh trước tòa Tam bảo và trên đỉnh núi dựng tượng Thiền sư Vạn Hạnh cao khoảng 05m, cộng cả bệ tượng khoảng 08m, mặt hướng về kinh thành Thăng Long. Năm 2003, tòa Tam bảo được xây dựng mới nhưng vẫn theo kiến trúc xưa. 

Ban thờ Tam bảo gồm 04 hàng, từ trên xuống thờ: Tam thế Phật, Di Đà Tam Tôn, ba pho Tam Phủ, Nam Tào – tòa Cửu Long – Bắc Đẩu. Các pho tượng bằng gỗ tốt, nghệ thuật chạm khắc mang phong cách thời Lê. Ngoài ra, còn những nội dung khác như: Hai câu đối, hoành phi, 03 bức đại tự, bia đá. Trước đây, trong chùa còn có hai hàng tượng La Hán, nhưng qua thời Nguyễn đã hư hỏng nên đã bị hóa.

Ngoài 05 gian Tam bảo thì bên phải có khu thờ Quan Âm Thị Kính và ban thờ vong – cúng tứ cửu ở cạnh đầu hồi. Nhà Tổ cũng đã được xây dựng lại vào năm 2002. Đối tượng thờ chính ở đây là tổ Bồ Đề Đạt Ma, tượng và bài vị Thiền sư Vạn Hạnh, nhục thân Thiền sư Như Trí. Nhiều tượng gỗ của nhà Tổ trước đây cũng đã bị hóa do hư mục. Hai gian bên của nhà Tổ, bên phải thờ Tứ ân, bên trái thờ Thánh. Khu vườn tháp của chùa có 14 tháp thờ các vị Sư tổ từng trụ trì ở đây. Ngoài ra, chùa còn một số công trình mới xây dựng như: Cổng chùa xây năm 1986, Đài Bồ tát Quán Thế Âm dựng năm 2001 giữa hồ nước lớn trước chùa.

Di vật

Các đồ thờ như: Bình hương, án thờ, bệ thờ,… đều có dáng vẻ mộc mạc và chỉ còn những hiện vật niên đại các thời Lê, Nguyễn. Những tác phẩm thời Lê giá trị còn lại các tượng Phật, tượng Tổ, đặc biệt là tượng Thiền sư Vạn Hạnh và tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, tượng Tuyết sơn, tượng Quan Âm Thị Kính. Có hai hiện vật rất giá trị là chuông đồng chùa Trường Liêu ghi dấu ấn sự tồn tại của một ngôi chùa nay đã không còn và tấm bia “Lý gia linh thạch” ghi dấu ấn sự phát tích của triều đại nhà Lý từ ngôi chùa này.

Bia Lý gia linh thạch [3]

Vào đầu những năm 80 thế kỷ XX, tấm bia bị lấp 03 mặt trong bệ thờ. Đến khi sửa chữa di tích, người ta mới gỡ nó ra. Trụ trì chùa là Ni sư Đàm Chính thấy bia có chữ Hán, nghĩ rằng là cổ vật quý nên đưa xuống nhà Tổ. Ngày nay, đã dựng nhà bia ở vị trí đối diện lối đi chính lên chùa. Bia “Lý gia linh thạch” cao 0,69m, ngang 0,39m, dày 0,235m niên đại Cảnh Thịnh 1793, được tạc từ đá sa thạch, kỹ thuật thô vụng, có nhiều chữ đã bị khuyết mất. Toàn bia có 336 chữ. Mặt trước khắc chữ “Lý gia linh thạch”, mặt sau có 178 chữ gồm 09 dòng thẳng đứng ghi lại sự tích ra đời mang tính huyền thoại của vua Lý Công Uẩn. Hai mặt cạnh bên ghi các địa danh và họ tên, chức danh một số người.

Chuông đồng Trường Liêu

Trên chuông ghi rõ tên chùa Tràng Liêu (Trường Liêu, còn gọi là chùa Lào) và niên đại đúc chuông là “Thiệu Trị tam niên, Quý Mão tam nguyệt cát nhật” (niên đại Thiệu Trị, 1843). Về nghệ thuật đúc đồng, chiếc chuông thuộc mỹ thuật thời Nguyễn. Về ý nghĩa lịch sử, đây là di vật có ý nghĩa quan trọng vì chứng minh sự tồn tại của ngôi chùa Trường Liêu mà theo nghiên cứu của Sở Văn hóa – Thông tin Hà Bắc năm 1990, đây chính là ngôi chùa Lục Tổ được sử ghi lại là nơi Thiền sư Vạn Hạnh dạy dỗ Lý Công Uẩn thời thơ ấu. Qua nghiên cứu thực địa, những dấu vết để lại cho thấy chùa Trường Liêu là chùa Lục Tổ.

NHỮNG NHÂN VẬT LỊCH SỬ GẮN LIỀN VỚI CHÙA TIÊU

Thiền sư Vạn Hạnh (938 – 1018)

Theo Thiền uyển tập anh, Thiền sư họ Nguyễn, người hương Cổ Pháp, phủ Thiên Đức (nay là làng Đại Đình, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Thuở nhỏ Ngài sớm thông tuệ, giỏi Tam giáo. Năm 21 tuổi, Ngài xuất gia học đạo với ngài Thiền Ông ở chùa Lục Tổ. Sau khi Thiền Ông viên tịch, Sư kế thế trụ trì chùa Lục Tổ, là đời thứ 12 thiền phái Vinītaruci (Tỳ-ni-đa-lưu-chi). Sư chuyên tu theo kinh Tổng Trì Tam Ma Địa, lời Sư tiên đoán thường ứng nghiệm, nên người đời xem là sấm ngữ.

Vận mệnh nước ta trước thời Lý thường bị ngoại bang lăm le thôn tính. Thiền sư Vạn Hạnh đã thực hiện sứ mạng đào tạo nên một nhân vật làm thay đổi lịch sử, mang lại nền thái bình thịnh trị cho nước nhà, như mong đợi của nhiều thế hệ Thiền sư cũng như trí thức ưu tư với thời cuộc. Thiền sư đã dạy dỗ Lý Công Uẩn từ lúc lên ba cho đến trưởng thành. Ngài lại tạo điều kiện để Lý Công Uẩn lên ngôi, chuyển từ triều Tiền Lê sang nhà Lý không hề đổ máu, mở ra một triều đại huy hoàng của nền văn minh Đại Việt, được các sử gia đánh giá là triều đại thuần từ nhất trong lịch sử dân tộc. Triều đình tôn Thiền sư là Quốc sư. Hiện nay, tại chùa Tiêu vẫn còn tháp mộ của Thiền sư và có tượng Thiền sư mới xây trên đỉnh núi Tiêu.

Sách Văn học đời Lý, tác giả Lê Văn Siêu viết: “Cuộc đảo chánh năm 1010 của Vạn Hạnh (…) không mất một giọt máu, không gây một oan cừu, dầu muốn dầu không cũng đã là một tác phẩm nghệ thuật” và “sư Vạn Hạnh khi thành công đã không chịu nhận một chức tước gì trong triều của ông vua vốn là học trò của mình, mà ngai vàng lại đã do chính tay mình đem đến, tư cách ấy nào khác gì với tư cách của Phù Đổng Thiên vương” [4].

Vua Lý Nhân Tông làm bài kệ như sau:

Truy tán Vạn Hạnh Thiền sư

Vạn Hạnh dung tam tế

Chân phù cổ sấm cơ

Hương quan danh Cổ Pháp

Trụ tích trấn vương kỳ.

Dịch:

Hành tung thấu triệt ba đời

Ngữ ngôn phù hợp muôn lời sấm xưa

Quê hương Cổ Pháp bấy giờ

Dựng cây tích trượng, kinh đô vững bền. [5]

Thiền sư đã kế thừa truyền thống nhập thế tích cực của dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi và là một biểu tượng nhập thế của Phật giáo Việt Nam vào thời nhà Lý.

Lý Thái Tổ (974 – 1028)

Thiền sư Vạn Hạnh khi lần đầu gặp Lý Công Uẩn, nhận thấy cậu bé khí chất hơn người liền nói: “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ” [6]. Từ thời thơ ấu đã vào chùa, được sự giáo huấn của Thiền sư Vạn Hạnh, Lý Công Uẩn đã trưởng thành văn võ song toàn, thành bậc hiền tài được lòng trong triều ngoài nội, ông còn được vua Lê Hoàn gả con gái cả là Công chúa Lê Thị Phất Ngân cho. Vì vậy, khi vua Lê Long Đĩnh vừa qua đời, ông đã được suy tôn lên làm vua mà không hề trải qua một cuộc nội chiến máu đổ đầu rơi. Vua Lý Thái Tổ đã áp dụng Phật pháp một cách nhuần nhuyễn vào việc trị quốc an dân, sử dụng chánh pháp để cai trị đất nước, đúng như lời dạy của Đức Phật. Đối với Phật pháp, nhà vua cũng có công lớn, Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại vua 03 lần độ dân làm Sư (1010, 1016, 1019), số lượng rất đông, riêng năm 1016 là hơn 1.000 người. Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận về ông như sau: “Vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thời mở vận, là người khoan thứ nhân từ, tinh tế hòa nhã, có lượng Đế vương” [7].

Chiếu dời đô
treo tại chùa Tiêu Sơn (nguồn: phattuvietnam.net)

Những gì vua làm được cho đất nước rất nhiều và thể hiện tính chất từ bi, trí tuệ của nhà Phật mà vua đã thấm nhuần từ thời thơ ấu đến lúc trưởng thành. Có thể kể qua một số việc ý nghĩa như:

– Quyết định dời đô về Thăng Long, thể hiện một tầm nhìn vượt thời gian.

– Sửa chữa, xây dựng chùa chiền, độ dân làm Tăng, cho người thỉnh kinh, chép kinh, chăm lo cho đời sống tâm linh của nhân dân, nhờ thế nhân dân có đời sống thuần hòa, đạo đức.

– Thường xuyên miễn giảm thuế khóa cho dân, nhờ vậy dân no ấm, không đói khổ.

– Việc quân sự chăm lo hùng mạnh, các nước láng giềng không xâm lấn được.

Thiền sư Như Trí (? – 1723)

Thiền sư Như Trí là vị trụ trì đời thứ 15 tại chùa Tiêu Sơn. Ngài có công lớn trong việc sưu tập và in ấn các tác phẩm Phật giáo. Trong đó có việc in các bộ sách về Đạo Phật qua các thời kỳ có nhiều giá trị về triết học, văn hoá. Đặc biệt, vào năm 1715, tại chùa Tiêu Sơn, Thiền sư đã tổ chức khắc in “Thiền uyển tập anh”, tác phẩm sử học và văn học có giá trị, ghi chép về các vị anh tú trong vườn thiền thời Lý. Đây là tác phẩm rất ý nghĩa đối với nền văn học sử Phật giáo nước nhà. Cho đến nay, đó là bản trùng san cổ nhất về “Thiền uyển tập anh” mà chúng ta còn có được.

Điều đặc biệt thứ hai là sau khi viên tịch, Thiền sư đã để lại cho đời nhục thân vẫn còn tồn tại tới ngày nay. Đó là một dấu ấn của sự thành tựu tâm linh, một minh chứng cho sự vượt thoát sinh tử của người tu hành Đạo Phật. Nhục thân của Ngài được an trí trong tháp Viên Tuệ trong điều kiện thời tiết thông thường, đã tồn tại qua 300 năm, cho đến khi Ni sư trụ trì chùa Tiêu Sơn hiện tại phát hiện ra. Nhờ sự giúp đỡ của Hòa thượng Thích Thanh Từ (trụ trì Thiền viện Trúc Lâm – Đà Lạt), dự án tu bổ và bảo quản nhục thân Thiền sư Như Trí được tiến hành, do Sở VHTT Bắc Ninh là cơ quan lập thiết kế và phương án thi công dự án, với PGS.TS. Nguyễn Lân Cường là chủ nhiệm dự án, cùng thực hiện với họa sĩ sơn mài Đào Ngọc Hân.

Ngày 11/5/2004, điều khiến PGS.TS. Nguyễn Lân Cường và các đồng nghiệp ngạc nhiên là lần đầu tiên ở Việt Nam phát hiện và chứng minh được có phần nội tạng trong bụng một pho tượng Thiền sư, chứng tỏ nhục thân còn nguyên vẹn không trải qua hút bỏ nội tạng để ướp xác như nhiều nền văn hóa khác. Ở pho tượng này, các nhà chuyên môn kết luận nhục thân được bó cốt ngay sau khi tịch.

TỪ CHÙA TIÊU NGHĨ ĐẾN CÔNG TÁC BẢO TỒN DI TÍCH PHẬT GIÁO  

Ngày nay, chùa Tiêu vẫn hòa mình trong nếp sống làng quê yên bình ở Bắc Ninh và ít người Việt Nam biết đến giá trị sâu sắc của ngôi chùa này. Chỉ có Ni sư Đàm Chính, trụ trì chùa hiện tại đang âm thầm giữ gìn truyền thống hơn một ngàn năm nay.

Tháp Viên Tuệ – nơi Ni sư Đàm Chính phát hiện nhục thân Thiền sư Như Trí. (nguồn: phatgiao.org)

Điều đáng tiếc nhất qua khảo sát về chùa Tiêu, đó chính là việc chùa bị hủy hoại bởi thời gian và những sự kiện lịch sử như chiến tranh, khiến cho bị hủy hoại rất nhiều, hầu hết cổ vật không còn. Những vật thể liên quan đến thời Tiền Lê và thời Lý đã không còn, kể cả kiến trúc thời Hậu Lê cũng đã mất. Về các thế hệ trụ trì của chùa cũng không được ghi chép lại đầy đủ. Do đó, một phần là lý do khách quan của lẽ vô thường, nhưng một phần cũng là do sự chậm trễ trong việc quan tâm bảo tồn di tích và vốn cổ. Đó là bài học kinh nghiệm lớn cho chúng ta trong công việc tiếp nối giữ gìn di sản Phật giáo. Bởi vì quá khứ và hiện tại là không thể tách rời. Chính những thành tựu văn hóa lịch sử trong quá khứ là những bài học quý giá cho dân tộc trong thời hiện đại. Những thành tựu ấy sở dĩ được chứng minh tính xác thực là qua những di tích và di vật còn để lại. Cũng như nếu không có những trụ đá của vua Asoka thì hậu thế cách 2.500 năm sẽ rất nhiều người hồ nghi về sự hiện diện của Đức Phật Sakyamuni. Nếu không có chùa Tiêu, chùa Trường Liêu và những di vật liên quan, mai này hậu thế cũng có thể sẽ hoài nghi về sự hiện diện của một Thiền sư Vạn Hạnh mà công đức vô tiền khoáng hậu, không có nhục thân Thiền sư Như Trí người ta sẽ mơ hồ về năng lực siêu việt sinh tử của người tu.

Kết luận

Qua tìm hiểu, có thể thấy ngôi chùa Tiêu Sơn với bề dày giá trị văn hóa – lịch sử, như một mỏ quặng trầm tích mà dỡ hết lớp đá quý này lên lại thấy lớp đá quý khác. Ngôi chùa không đơn thuần là vật thể mà đã trở thành biểu tượng của một thời kỳ lịch sử huy hoàng của Phật giáo dân tộc, nơi mà người con Phật tìm về để học hỏi, bồi dưỡng đạo tâm của mình.

 

SC.Thích Nữ Mai An/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 389

Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1] Ngô Đức Thọ (dịch giả), Thiền Uyển Tập Anh, Nxb. Văn Học – Hà Nội, 1990, tr.70 theo bản mềm của https://nigioikhatsi.net/kinhsach-pdf/Thien-Uyen-Tap-Anh-Ngo-Duc-Tho.pdf.

[2] Bảo tàng tỉnh – Sở VHTT Hà Bắc (1990), Lý lịch di tích lịch sử chùa Thiên Tâm nơi trụ trì của Thiền sư Lý Vạn Hạnh

[3] Nguyễn Hùng Vĩ – Nguyễn Đức Dũng, Quan sát tấm bia Lý gia linh thạch, trong bộ sưu tập Kỷ yếu Hội nghị – Hội thảo ĐHQGHN, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 67-74, 2001.

[4] Lê Văn Siêu, Văn học đời Lý, Nxb. Hướng Dương, Sài Gòn, tr.107 và 111, 1957.

[5] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2009, tr.118-119.

[6] Đại Việt sử ký toàn thư, tr.80.

[7] Đại Việt sử ký toàn thư, tr.80.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin