Chi tiết tin tức Đau đáu chùa Dơi 20:24:00 - 11/09/2013
(PGNĐ) - Chúng tôi trở lại chùa Dơi để tìm hiểu không khí văn hóa tâm linh ở một ngôi chùa được xem là cổ nhất tỉnh Sóc Trăng đã trải qua 400 năm thăng trầm với thời gian.
Đây là một trong bảy điểm đã được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long bình chọn là điểm dừng chân tiêu biểu tại miền Tây Nam Bộ.
Chùa Mã Tộc (Mahatup) được người bản xứ và du khách xa gần quen gọi là chùa Dơi bởi xưa kia đây là nơi trú ngụ của trên một triệu con dơi khổng lồ có sải cánh từ 1 đến 1,5 mét. Hôm chúng tôi đến, khung cảnh mua bán trước chùa vẫn như xưa, chủ yếu là nhang, đèn và trái sơ-ri mà theo tục lệ có từ mấy trăm năm nay đó là “sản vật” cúng bà. Hỏi vì sao có chuyện lạ này, những người buôn bán đều lắc đầu không rõ. Đi sâu vào bên trong khu di tích lịch sử nghệ thuật cấp quốc gia đã được công nhận vào năm 1999, chúng tôi đau đáu nỗi lo vì sự vắng bóng quá nhiều của các con dơi (không như những năm trước). Bà Thạch Chum, 60 tuổi, cư dân lâu năm cạnh chùa, ngao ngán nói: “Lúc nhỏ tôi đến chùa, dơi đậu đầy đặc trên các ngọn cây, có lúc che kín cả bầu trời, sau sự cố cháy chánh điện năm 2007, chúng bay đi quá trời, chưa kể việc săn bắt dơi diễn ra thường xuyên nhưng khó kiểm tra và ngăn chặn được…”. Theo nhiều người địa phương cho biết, trước đây ngoài dơi còn có rất nhiều loài chim, cò, vạc cư trú tại chùa nhưng nay đã không còn. Cạnh đó, loài dơi Ngựa có trị giá hàng triệu đồng mỗi con nên thường bị mấy tay “dơi thủ” tận diệt không thương tiếc. Dù hiện nay chùa Dơi vẫn đang lưu giữ được hàng ngàn báu vật tâm linh quý giá như các tượng Phật, các bộ tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng và được thiên nhiên ban tặng bầu không khí dịu mát, cảnh đẹp thiên nhiên rộng, thoáng nhưng lượng du khách đến đây ngày một thưa dần. Nguyên do sự vắng bóng của các chú dơi lẫn việc vệ sinh, sắp xếp mua bán ngày càng trở nên nhếch nhác, biểu hiện cho sự thiếu quan tâm đầu tư, khai thác quản lý khu di tích. Cụ thể như xung quanh khuôn viên chùa xuất hiện quá nhiều bãi rác lộ thiên bốc mùi hôi thối.
Trên các thân cây cổ thụ cũng tồn tại rất nhiều rác nhưng không thấy lực lượng làm vệ sinh thu gom. Mặt hồ sen to rộng nhưng đầy rong rêu xanh thẫm minh chứng cho nguồn nước tồn đọng rất nhiều ngày nhưng không được thay. Chưa kể việc chèo kéo mời khách du lịch mua hàng rong, trẻ em đeo bám xin ăn diễn ra công khai gây cảm giác bức xúc cho nhiều khách tham quan. Chị Lê Thị Huyền Trang, du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh bức xúc nói: “Tôi rất thất vọng và ngạc nhiên khi đến đây vì không khí trầm lắng, tiêu điều của chùa, nhất là không được thấy nhiều chú dơi khổng lồ như sách báo giới thiệu, mong sao tình trạng này sớm được chấn chỉnh mới có thể thu hút khách đến đây”. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để khôi phục lại đàn dơi quý hiếm để thu hút khách đi kèm với việc cải tạo nâng cấp cảnh quan môi trường các hạng mục bên trong. Cạnh đó cần xử lý tốt việc buôn bán mất trật tự, nạn trẻ em ăn xin để du khách thoải mái, an tâm vãn cảnh ở một ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer vốn có bề dày lịch sử-văn hóa hàng trăm năm ở miền Tây Nam Bộ.
Triệu Mỹ Ngọc (GNO)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |