Chi tiết tin tức

Phật nghiêng xuống đời...

19:25:00 - 21/07/2016
(PGNĐ) -  “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Đó là khung cảnh thanh bình quen thuộc của một làng quê. Chùa quê thường nép mình dưới hàng cây, nằm cạnh những nếp nhà tranh của cư dân trong làng, chan hòa bình dị.
Hồi nhỏ tôi được sống trong cảnh bình dị đó. Những ngày nghỉ học chúng tôi chơi đùa trong sân chùa và thường được nhà chùa cho ăn khi thì quả chuối khi thì quả ổi được “hạ” xuống từ bàn thờ Phật.
 
phatnghieng2.JPG
Ảnh: Chu Minh Khôi

Lớn lên, học tập và làm ăn sinh sống tại các thành phố lớn, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi được biết thêm nhiều ngôi chùa lớn, được tiếp xúc với quý thượng tọa, đại đức, các vị nhân sĩ trí thức Phật giáo. Tôi nhận thức được bài toán của sự phát triển và Phật giáo là phải theo kịp thời đại.

Quy mô của chùa cũng thế. Phật tử đông và ngày càng đông thì chùa cũng phải lớn.

Như thế, chùa lớn là nhu cầu tất yếu để thực hiện công việc hoằng pháp của mình.

Thế nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn thích đi chùa quy mô nhỏ xa thành phố. Ở đó tôi dễ dàng tìm lại được hình ảnh chùa xưa của tuổi thơ. Sau khi lễ Phật ở chánh điện, tôi thường hay trò chuyện với quý thầy, quý sư cô và xin được ăn chay tại chùa mặc dù không báo trước. Chuyện đó đôi khi cũng làm cho nhà chùa lúng túng, nhưng khi thấy chúng tôi ăn uống ngon lành mặc dầu trên mâm chỉ có rau và tương chao, tôi cảm nhận được rằng nhà chùa cũng vô cùng hoan hỷ. Chúng tôi thì thực sự thấy ngon miệng trong bữa cơm chùa đạm bạc này. Và chúng tôi không bao giờ quên để lại một ít tiền nhỏ để cúng dường Tam bảo.

Tôi cũng có dịp đi đến vùng cao của các tỉnh miền Trung. Bản chất của bà con người dân tộc ở đó là hiền lành, chân chất và hết lòng mộ đạo. Trong sự thiếu thốn về vật chất - theo cách nhìn của chúng tôi, tôi thật sự thán phục quý sư cô, quý thầy ở đó đã quên mình vì Phật sự hoằng pháp. Tôi được dự một buổi lễ vào ngày rằm ở một ngôi chùa ở vùng cao, các Phật tử độ chừng hai mươi người chắp tay thành kính trước niệm Phật đường. Với chừng ấy người mà “chùa” chứa không đủ, vì chùa chỉ là mấy tấm tôn che tạm. Ấy vậy mà không khí buổi lễ vẫn trang nghiêm. Có người mặc áo tràng màu lam, màu áo mà các Phật tử người dưới xuôi thường dùng khi đến chùa lễ Phật. Cũng có người vẫn mang sắc phục của người miền núi hàng ngày. Sư cô chủ lễ tuổi đời còn rất trẻ.

Từ biệt “ngôi chùa” vùng cao, tôi thấy sư cô như là một vị Bồ-tát . Tự nhiên tôi nghĩ rằng trẻ em ở vùng ấy, như cô Tấm trong truyện cổ tích, mỗi khi gặp khó khăn, sẽ có Bụt hiện ra với câu hỏi thân thương trìu mến: “Sao con khóc?”.   

Trở lại thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung nhiều chùa lớn và nổi tiếng, người ta dễ dàng tìm thấy những ngôi chùa nhỏ rải rác trong các hẻm nhỏ, trong khu dân cư đông đúc nghèo nàn. Những ngôi chùa đó có tác dụng gì trên đời sống của cư dân?

“Đây là những ngôi chùa của khu phố, như những chùa làng, chùa xóm ở quê. Tiếng mõ, câu kinh có thể khiến lòng người dịu lại, nhắc nhở người ta buôn ngay bán thật. Phật ở bên cạnh chúng sinh, bên những người cơ nhỡ, những người bệnh trọng, những kẻ cùng đường phải kiếm sống quanh những thùng rác ngoài đầu hẻm.

Phật nghiêng xuống đời thường, nghiêng xuống những kiếp người, nên con người cũng không phải ngẩng mặt lên quá cao để đón lấy nụ cười bao dung của Phật” .

(Huỳnh như Phương. Những ngôi chùa trong hẻm nhỏ)

phatnghieng1.jpg
Góc yên bình bên hiên chùa - Ảnh: Linh Thoại

Tình cờ tôi tôi nhớ lại một câu chuyện đã được đọc đâu đó. Có một đệ tử quyết tâm cầu đạo, xin học với một đạo sư. Sau thời gian học hành chăm chỉ, một hôm sư phụ có việc phải đi xa, dặn đệ tử ở nhà phải chăm lo tu hành.

Học trò nghe theo lời thầy, thiền định sớm hôm không hề bê trễ. Vì nếp sống tu hành đơn giản, tu sĩ chỉ có một cái y che thân.

Nhưng chiếc y cứ bị chuột cắn rách hoài nên tu sĩ cứ lâu lâu phải đi xin một mảnh vải khác.

Dân làng thấy vậy, bèn biếu tu sĩ một con mèo để trừ lũ chuột. Vị đó nhận mang con mèo về nuôi, từ đó chuột không dám lộng hành nữa, nhưng tu sĩ phải xin sữa để nuôi con mèo.

Một dân làng thấy vậy bèn tình nguyện dâng cúng tu sĩ một con bò cái để có sữa nuôi mèo. Tu sĩ vui vẻ nhận con bò. Do đó, ngoài thức ăn khất thực, tu sĩ phải xin rơm nuôi bò.

Dân làng còn biếu tu sĩ một mảnh đất và dụng cụ canh nông để tu sĩ trồng trọt, nuôi bò.

Miếng đất thật màu mỡ sinh hoa lợi quá nhiều, tu sĩ làm không xuể, phải gọi người làng đến giúp. Tu sĩ lại mua thêm đất để kinh doanh, chẳng mấy chốc trở nên một đồn điền trù phú và tu sĩ trở thành giàu có.

Một hôm, sư phụ trở về, không thấy ngôi chùa đơn sơ nữa mà thay vào đó một ngôi chùa to lớn bề thế. Tu sĩ thành thật khai báo với thầy mọi việc không bỏ qua chi tiết nào. Nghe xong, sư phụ thở dài: “Xây cất chùa thật to chỉ là trói buộc, nào phải giải thoát. Chỉ vì một cái y rách mà con đã đi thật xa, xa hẳn con đường mà ta chỉ dạy, trói buộc vào các thứ vật chất rồi làm sao có thể thoát ra được?

Cao Huy Tấn

 

“Chuyện làm chùa chúng ta phải ý thức rõ ràng là làm thế nào để sự đi chùa và ngôi chùa đó luôn luôn ấp ủ lòng từ bi, yêu thương, và ngôi chùa là nơi phát huy được trí tuệ sáng suốt, giúp ích cho đời sống của chúng sinh, của mọi người mỗi ngày mỗi thăng hoa, mỗi ngày mỗi xa dần chỗ tối tăm đau khổ mà bước lên cảnh an lạc giải thoát.

Làm chùa như thế thì tất nhiên ai cũng đồng tình, và tôi tin chắc rằng ngôi chùa như thế sẽ là nơi luôn có những hàng Phật tử, những bậc cao quý, thành phần trí thức đến chùa để học hỏi tiến tu.

Cũng như trước đây trong thời Bắc thuộc, các ngôi chùa của chúng ta chính là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước. Thời kỳ Bắc thuộc, nước ta chưa có sự học, đến triều đại nhà Lý mới mở khoa thi Tam trường. Vậy thì trong các thời kỳ ấy, các nhà trí thức của đất nước của chúng ta học ở đâu? Phần nhiều đều dựa vào chùa. Thành thử ngôi chùa nó đã đóng góp công lao với đất nước rất lâu xa trong lịch sử, một sự đóng góp thật sự, không có một hậu ý gì khác, nghĩa là muốn hòa mình cùng vinh cùng nhục với đất nước với toàn dân để xây dựng một đất nước an lành, hạnh phúc”.

HT.Thích Thiện Siêu
(trích “Ngôi chùa Việt Nam”)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin