Chi tiết tin tức Hương vị ngày Tết 21:55:00 - 06/01/2023
(PGNĐ) - Món ăn đậm đà hương vị dân tộc, không thể thiếu trong những ngày Tết - miền Bắc có bánh chưng, miền Trung và miền Nam có bánh tét.
Ảnh: Làng Mai Tôi không hiểu tại sao gọi là bánh tét. Có lẽ do từ việc mỗi lần ăn, người ta thường dùng sợi dây (thường dùng sợi chỉ may quần áo) để tét (cắt) bánh ra từng khoanh mỏng chăng? Bánh tét thường không chỉ được ưa chuộng vào những ngày Tết mà còn có cả trong dịp giỗ hoặc cúng tế thường năm. Ngày nay, lúc nào bánh tét cũng thấy bày bán khắp nơi, không như hồi trước.
Bây giờ, muốn có bánh tét người ta chỉ cần đặt hàng cho thợ bánh, hay ra chợ mua là xong. Nhưng hồi trước, nhất là ở thôn quê, phải tự tay nấu mới thấy có ý nghĩa. Những vật liệu dùng cho việc gói bánh tét đều phải chuẩn bị trước. Lá chuối được cắt từ những cây chuối trong vườn, chọn những tàu lá thật xanh tốt, rọc ra rồi đem phơi nắng cho dịu lại. Thường lá chuối được dùng để gói bánh là lá chuối hột. Nếu không thì cũng là lá chuối mốc. Các loại lá chuối khác lá giòn khó gói, lại làm màu bánh không hấp dẫn. Lạt cột bánh lấy từ mò o hoặc tre vừa đủ lá đem chẻ ra. Đương nhiên là phải chọn cho được loại nếp thơm dẻo. Trước khi gói, vuốt (vo) nếp cho sạch. Nhiều nhà còn ngâm nếp cách đêm, hoặc ít lắm cũng vài ba tiếng đồng hồ. Vớt lên cho vào thúng để ráo nước. Nhân dùng bên trong có thể là đậu xanh, đậu đen, đậu phộng, hoặc thịt heo tùy theo sở thích. Nhân nhiều hay ít còn tùy theo khả năng có được của mỗi nhà. Bánh gói lỏng tay thì dễ bị nhão. Chặt tay quá thì dễ bị nín (nếp không nở được, để lâu hạt nếp “hồi lại” giống như “sống”). Vì vậy, người gói bánh phải cho thật khéo tay. Hồi còn sanh tiền, ba tôi tuy là đàn ông nhưng lại gói bánh khéo tay nhất nhà. Những đòn bánh ông gói ra, mười đòn như một, đều đặn từ đầu đến cuối. Các góc ở hai đầu bẻ thật sắc gọn, bắt mắt. Vì thế, mỗi lần nhà có gói bánh, nhất định phải là ba tôi. Vào dịp Tết, việc nấu bánh thường vào đêm cuối năm. Bánh cho vào thùng lớn bắc trên ba hòn đá to đặt phía ngoài hông nhà. Củi được chọn từ những khúc cây khô lớn để cho được nhiều than và đỡ tốn công chụm lửa thường xuyên.
Khoái nhất là đêm cuối năm, ngồi quây quần chụm lửa bên nồi bánh tét. Lửa sưởi ấm giữa tiết trời lành lạnh. Nghe tiếng nước sôi sùng sục trong nồi, ngồi nói chuyện bên nhau đợi bánh chín còn gì thích thú cho bằng. Mỗi lần châm lửa, nắp nồi được giở ra, hơi bay lên mù mịt, mùi bánh tỏa ra thơm phức. Trong xóm, nhà nào bận việc, hay không có khả năng tự nấu, có thể gói bánh rồi gởi nấu nhờ nhà hàng xóm. Tình tương thân tương ái ở làng quê lúc nào cũng thấy tràn đầy. Nồi bánh từ lúc bắt đầu nấu cho đến lúc chín, thời gian kéo dài phải từ sáu giờ trở lên mới hoàn tất. Bánh vớt ra phải tháo lạt, mở hai đầu lá giũ cho sạch nước còn đọng lại để có thể để dành được lâu. Rồi còn phải “lăn” cho tròn đòn bánh để khi tét ra những lát bánh được đều đặn. Thời gian sau ngày giải phóng miền Nam , khan hiếm đủ thứ. Củi cũng nằm trong số đủ thứ ấy. Tôi nghe có người bày cho cách nấu bánh tét tiết kiệm, vừa đỡ tốn củi vừa đỡ tốn công. Cho vào nồi bánh, nấu sôi lên rồi tắt lửa nghỉ. Sáng hôm sau chụm lửa lại cho sôi lên, vậy là bánh đã chín. Tôi nghe theo và… thất bại. Bánh có chín thật, nhưng nhão, mất mùi vị, lại không thể để lâu được. Cũng trong một thời gian có hạn, có nạn… ăn trộm bánh, những kẻ xấu lợi dụng chủ nhà mỏi mệt, lẻn đến vớt cả những đòn bánh trong nồi mang đi. Chị tôi đã một lần gặp chuyện như thế.
Gia đình chị lúc bấy giờ, như nhiều nhà khác trong làng, thuộc diện khó khăn, những ngày Tết cũng cố dành dụm nấu cho được một nồi bánh tét. Khi nấu bánh đã chín, cũng là lúc chị quá mệt mỏi nên vào nhà chợp mắt một chút, dự định đến sáng ra sẽ vớt bánh. Không ngờ khi thức dậy, những đòn bánh tét trong nồi đã không cánh mà bay. Chị vừa buồn vừa giận. Có người chỉ cho biết kẻ trộm. Vậy là chị bươn bả đến ngay nhà ấy để đòi lại. Cãi qua cãi lại, chị ngồi luôn ở trong nhà ấy không chịu về. Sáng mùng một đầu năm, tôi đến chúc Tết mới biết được chuyện. Tôi khuyên chị, thôi bỏ đi. Không bắt được tận tay, có biết rõ mười mươi kẻ trộm cũng đành phải chịu. Trên bàn cúng, ngoài những thức ăn, phẩm vật thường lệ, còn có những lát bánh tét thơm ngon, tròn trịa đặt vào những chiếc đĩa nho nhỏ xinh xinh, càng thêm đậm đà ý nghĩa quê hương. Bánh tét được ăn với củ cải trắng ngâm với nước mắm, củ kiệu, dưa món hay tương ớt, mắm muối, thịt mặn… đều tuyệt ngon. Đặc biệt, từng lát bánh được chiên giòn vàng rượm mỡ béo ngậy, ăn đến no mà miệng vẫn còn thấy thèm. Ăn một miếng bánh ngon, không thể không nghĩ đến công lao người làm ra. Ngày nay, món ăn đầy hương vị dân tộc ấy vẫn còn, không bao giờ thấy thiếu. Nhưng cảm giác được ngồi chụm lửa bên nồi bánh tét của đêm giao thừa nơi quê nhà đối với tôi chỉ còn trong dĩ vãng. Xa quê bao nhiêu năm rồi. Bây giờ nào gas, nào điện đã thay thế cho lửa, cho củi. Và thành phố không phải là nơi để cho nhà nào cũng có chỗ để đêm giao thừa ngồi nấu bánh tét như ở làng quê… Kim Hoa
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |