Chi tiết tin tức

Ngày Tết, gỡ rối…chữ nghĩa

22:36:00 - 07/01/2023
(PGNĐ) -  Trong thời đại khoa học tiến bộ ngày nay, không phải không có những “sai lệch”, “lỗi hệ thống”. Bởi vậy, ngôn ngữ luôn cần được chuẩn hoá để nó phát triển đúng quy luật, hợp lý, đáp ứng tốt nhất nhu cầu diễn đạt và tư duy của con người.

Trần Tử Ngang, một nhà thơ thời Sơ Đường, đã từng tỏ bày tâm sự: “Tiền bất kiến cổ nhân” (nhìn về quá khứ, chẳng thấy người xưa đâu) [1], theo tôi nghĩ chưa hẳn thế. Trong ngôn ngữ dân tộc, với chữ nghĩa cổ nhân để lại, ta vẫn có thể tìm thấy bóng dáng của họ khuất đằng sau con chữ. W. Shakespeare, đại thi hào Anh, có lý khi ông cho rằng “ngôn ngữ chính là hơi thở của tâm hồn”. Thật vậy, nghiên cứu ngôn ngữ, chúng ta có thể gặp lại những suy tư, nguyện vọng, tình cảm của bao lớp tiền nhân. Có điều, ngôn ngữ tuy luôn chắt lọc tinh hoa, đào thải những “cặn bã” đeo bám trên cơ thể mình, nhưng vẫn không tránh khỏi những áp đặt võ đoán, sai lầm của con người. Bởi thế, trong ngôn ngữ đây đó vẫn tồn tại những bất cập, rắc rối, thậm chí phi lý, không thể “sửa sai”! Sau đây là một số trường hợp.

TẠI SAO LẠI GỌI LÀ GIÊNG, CHẠP?

Việt Nam là một nước nông nghiệp nên từ xa xưa người Việt dùng Âm lịch để tiện tính toán mùa vụ cho hợp với thời tiết. Tên gọi các tháng trong năm chủ yếu đặt theo hệ số đếm: Tháng Hai, Tháng Ba, Tháng Tư… Nhưng, riêng hai tháng đầu và cuối năm bị “trật đường rây”, thoát ra ngoài hệ số ấy (lỗi hệ thống): Tháng Giêng, Tháng Chạp. Tại sao lại có hiện tượng trật đường rây như vậy? Nghiên cứu tài liệu, đối chiếu với hệ tên gọi các tháng của người Trung Hoa, ta thấy chúng không khác. Cách định danh các tháng của người Trung Hoa (Chính Nguyệt, Nhị Nguyệt, Tam Nguyệt, Tứ nguyệt,… Thập nhất nguyệt, Lạp Nguyệt) cho thấy người Việt ta đã học hỏi theo cách định danh của người phương Bắc. Điều ấy thể hiện khá rõ ở cách gọi tên theo số đếm, đặc biệt ở chỗ biến di ngữ âm và lỗi hệ thống của tên gọi. 

Tháng Giêng, sở dĩ có tên gọi như thế là do người Việt đã chuyển âm dịch nghĩa từ Chính Nguyệt 正 月 của người Hán: Nguyệt nghĩa là tháng, Chính đọc trại thành Giêng. Trong quá trình biến âm lịch sử của tiếng Việt, CH đã biến âm thành GI, tương tự như:  chủng > giống; chỉ > giấy; chi > gì…

Tháng Chạp do hai chữ Lạp Nguyệt 臘 月 biến thành. Người Việt đã đọc chệch chữ lạp thành chạp. Lạp vốn có nghĩa là “thịt cá ướp muối” [2]. Người Trung Hoa vốn rất sành ăn uống (tục ngữ ta có câu: ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật); vào cử tháng 12 âm lịch, họ có thói quen ướp muối thịt cá để cúng tất niên và ăn Tết, nên tháng này được gọi là Lạp nguyệt. Theo Từ điển Thiều Chửu, từ thời nhà Chu (Trung Quốc), đã có tập tục bày lễ cúng tế cuối năm (tất niên) được gọi là Đại lạp 大 臘. Chữ lạp hiện nay vẫn còn lưu giữ trong kho từ vựng tiếng Việt qua từ lạp xưởng, “một món ăn làm bằng thịt trộn với diêm tiêu, nhồi vào ruột lợn rồi phơi hoặc sấy khô” [3], hay từ bạch lạp (đèn sáp, đèn cầy). Sau khi nhập tịch tiếng ta, từ Chạp đã tạo nên những từ ngữ thông dụng như giỗ chạp, ăn chạp, chạp mồ, chạp mả. Đây là những từ ngữ dùng để chỉ các sự việc thiêng liêng diễn ra trong Tháng Chạp: Lễ cúng tổ tiên (giỗ chạp); hoạt động thăm, sửa sang lại mồ mả (chạp mả, chạp mồ). Ở một số tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi…, từ Chạp có ý nghĩa mở rộng uyển chuyển hơn: Ở những địa phương này, việc tế lễ và thăm nom sửa sang lại mồ mả được tổ chức vào dịp “Thanh Minh trong tiết tháng ba” cho nên từ Chạp mất đi nét nghĩa “tháng 12 âm lịch” hay “cuối năm”.

Thực ra, cớ sự “tréo cẳng ngỗng” như trên đâu phải chỉ trong tiếng ta! Ở các ngôn ngữ khác cũng có, chẳng hạn tiếng Pháp, tiếng Anh. Duyệt lại hệ thống tên gọi các tháng trong hai ngôn ngữ này, ta bắt gặp những bất cập còn đáng phàn nàn hơn. Các tháng 9, 10, 11, 12 được định danh một cách khá phi lý: Septembre, Octobre, Novembre, Décembre (Pháp); September, October, November, December (Anh).

Tháng Giêng, sở dĩ có tên gọi như thế là do người Việt đã chuyển âm dịch nghĩa từ Chính Nguyệt 正 月 của người Hán: Nguyệt nghĩa là tháng, Chính đọc trại thành Giêng.

Một cách chính xác, các từ này từ xa xưa vốn được dùng để chỉ lần lượt các tháng 7, 8, 9, 10! Bởi vì bản lai diện mục của chúng xuất phát từ gốc Latinh với các căn tố có nghĩa như sau:  septem (7), octo (8), novem (9), decem (10). Có hiện tượng chướng tai gai mắt như vậy là do sự điều chỉnh lịch pháp của chính quyền La Mã thời xưa. Trước đó, người La Mã quy định một năm 12 tháng và bắt đầu từ Tháng Mars/March (tức là Tháng Một; ngày nay có nghĩa là Tháng Ba, tính lùi về sau hai tháng). Từ lai lịch ấy, có thể dễ dàng suy ra tính hợp lý ngữ nghĩa ban đầu của tên gọi các tháng đã nêu trên: Septembre/September (Tháng 7), Octobre/October (Tháng 8), vv… Sự điều chỉnh lịch pháp như thế ở ta cũng có. Tính theo hệ can chi, người Việt và người Trung Quốc đã từng xem tháng 11 là tháng đầu năm (tháng Kiến Tý) [4], mở đầu bằng cầm tinh Con Chuột, và Tháng Giêng thực chất là tháng thứ ba cầm tinh Con Cọp (Kiến Dần)!

MỘT TUẦN CÓ TÁM NGÀY?    

Thời gian tự nhiên [5] được con người phân chia thành năm, tháng, tuần, ngày, giờ… Theo Âm lịch, tuần là thời gian 10 ngày (một tháng có ba tuần: thượng tuần, trung tuần, hạ tuần), cũng có thể hiểu là thời gian 10 năm (vd. tuổi lục tuần là tuổi 60). 

Theo Dương lịch, một tuần (còn gọi tuần lễ) có bảy ngày. Căn cứ trên nhận thức thông thường của người Việt, tuần bắt đầu từ ngày Thứ Hai. Lời một bài hát thiếu nhi xác nhận: “Thứ Hai là ngày đầu tuần…”. Vậy, xin hỏi các cô bác ngày Thứ Nhất trốn đi đâu? Đây là câu hỏi ngây thơ và khá bất ngờ của trẻ nhỏ mà lắm khi nhiều bậc cha mẹ, phụ huynh, những bậc trưởng thượng không khỏi “ngớ” ra vì lúng túng, mơ hồ. Thật ra, câu trả lời không khó, nếu ta chịu suy nghĩ một chút thôi: Một tuần có bảy ngày thì trong chuỗi ngày của tuần, tất nhiên Thứ Bảy là ngày cuối tuần. Từ đó, suy ra Chủ Nhật phải được hiểu là ngày Thứ Nhất, ngày mở đầu một tuần lễ. Truy cứu từ nguyên theo lịch pháp phương Tây, Từ điển Larousse của Pháp cho biết, Chủ Nhật (còn gọi Chúa Nhật, Dimanche) là Ngày của Chúa (Jour du Seigneur, Latinh: Dies Dominicus), và đó “là ngày đầu tiên trong tuần dành để nghỉ ngơi”. Điều thú vị là ngày nay, theo thói quen lao động và tâm lý cộng đồng (và ngay cả quy định nhà nước), Thứ Bảy và Chủ Nhật được chúng ta xem là “những ngày cuối tuần”! Thói quen và quy định ấy khiến mọi người có cảm giác một tuần lễ có tám ngày! Người Trung Quốc cũng xếp Chủ Nhật vào ngày cuối tuần như ta, nhưng một cách hợp lý, họ đã gọi ngày Thứ Hai là Tinh kỳ nhất, tức ngày Thứ Nhất của tuần. Sự chuyển đổi tâm lý ngôn ngữ của người Việt vô tình làm tiếng Việt thêm trúc trắc [6].

TẾT CÓ BAO NHIÊU NGÀY?

Thông thường, rõ như ban ngày, ta nói: “Ba ngày Tết”. Nhưng thật ra có đúng như vậy hay không? Về mặt chính sách hiện tại, điều đó đúng trăm phần trăm. Tuy nhiên, về mặt tâm lý, tâm linh dân tộc, người Việt đã bắt đầu cái Tết rất sớm và kết thúc cũng khá muộn. Cái Tết của người Việt khởi đi từ Lễ tiễn đưa Ông Táo về trời, 23 Tháng Chạp Âm lịch. Nếu không phải thế, thì tại sao những ngày cuối Tháng Chạp, kể từ 23 trở đi, đều được gọi kèm theo với chữ Tết: 23 Tết, 24 Tết, 29, 30 Tết? Trước đó một ngày, không thể nói 22 Tết được!  Bước qua Giao Thừa, người Việt thực sự hưởng ba ngày Tết đúng nghĩa với lễ nghi tập quán của mình. Ngày xưa, lễ nghi tập quán ấy là: Mồng một tết Cha, mồng hai tết Mẹ, mồng ba tết Thầy. Cứ nghĩ sau lễ cúng tiễn tổ tiên ông bà vào chiều mồng ba Tháng Giêng là hết Tết, nhưng thực ra “vậy mà không phải vậy”.  Là “vậy”,  khi theo quy định nhà nước, Mồng bốn là ngày khởi sự của năm mới, chính thức trở về với công việc ngày thường. Nhưng, không phải là “vậy”, khi trong tâm thức người Việt, chữ Tết vẫn còn cặp kè dây dưa đến tận mồng 9! Sự dây dưa ấy được ghi dấu rất chi là rõ ràng trong cách nói “đậm đà sắc xuân, hạnh phúc bất tận”, như thể không dừng được: Mồng bốn Tết, Mồng năm Tết… Mồng tám, Mồng chín Tết! Đã thế, người Việt ta dường như còn muốn chèo kéo thêm hơn thế nữa: Tháng Giêng là tháng ăn chơi! Thật là:

Hết ba ngày Tết vừa chưa?

Hay anh lại muốn lưa dưa hết Mồng?

Hết Mồng còn muốn ngồi không,

Hay anh lại muốn sang Mồng tháng sau?

Ngày xưa, lễ nghi tập quán ấy là: Mồng một tết Cha, mồng hai tết Mẹ, mồng ba tết Thầy.

Tính nhẩm lại, Tết ta có bao nhiêu ngày? Tuỳ theo Tháng Chạp thiếu hay đủ, trước và sau Tết vị chi người Việt có tất cả đến 16 hoặc 17 ngày [7] để đã đời sắm sửa và ăn chơi Tết một cách thoải mái! Cái sự ăn Tết của người Việt sở dĩ kéo dài lê thê như thế, bởi lẽ nước ta vốn là một nước nông nghiệp; Chạp và Giêng là hai tháng nông nhàn, mọi người (và ngay cả trâu bò phục vụ cấy cày) đều được nghỉ ngơi, bồi dưỡng, chuẩn bị sức lực cho vụ mùa sắp tới.

Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, cho nên sự biến đổi của ngôn ngữ là một lẽ thường. Ngôn ngữ do con người tạo ra, nên con người hiểu lầm rằng họ có quyền áp đặt lên ngôn ngữ những “sai trái”, có khi “phi lý”, bất chấp sự phá vỡ trật tự vốn có của hệ thống ngôn ngữ. Các vua chúa phong kiến thời trước, triều Nguyễn chẳng hạn, đã tự ý, tự quyền tạo nên những “từ ngữ kiêng kỵ” làm thay đổi diện mạo nhiều từ ngữ dân tộc, gây khốn khổ cho biết bao sĩ tử trong các cuộc sát hạch thi cử tuyển chọn nhân tài! Trong thời đại khoa học tiến bộ ngày nay, không phải không có những “sai lệch”, “lỗi hệ thống”. Bởi vậy, ngôn ngữ luôn cần được chuẩn hoá để nó phát triển đúng quy luật, hợp lý, đáp ứng tốt nhất nhu cầu diễn đạt và tư duy của con người.

 

Nguyễn Quốc Dũng/TCVHPG404

Chú thích:

[1] Trích bài thơ Đăng U Châu đài ca của Trần Tử Ngang.

[2] Theo Lạc Thiên, 1200 chữ Hán thông dụng, Hội ngôn ngữ học TP Hồ Chí Minh, 1992, tr.93. Hoặc: Thiều Chửu, Hán Việt từ điển, Hà Nội, 1942.

[3] Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, ĐN, 1992.

[4] Bởi lẽ đó, lịch biểu hằng năm của ta có khi ghi tháng 11 âm lịch là Tháng Một.

[5] Khác với thời gian tâm lý (vd. Nhất niên tại tù, thiên thu tại ngoại: một năm trong tù bằng ngàn năm ngoài tù).

[6] Tiếng Anh, tiếng Pháp thừa hưởng cái may mắn của La Mã khi gọi tên các ngày trong tuần lễ theo tên Thánh hay sự vật nên Chủ Nhật có thể xem như ngày đầu hay cuối tuần đều được.

[7] Trước Tết, có 7 hoặc 8 ngày (từ ngày 23 đến 29 hoặc 30 Tết) + 9 ngày sau Tết = 17 hoặc 18 ngày.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin