Chi tiết tin tức Thiểu dục tri túc theo quan điểm Phật giáo 22:14:00 - 17/11/2021
(PGNĐ) - Tổng thống Ấn Độ M.Gandhi từng nói: “Trong thế giới này, có đủ các thứ để cho mọi người sử dụng, thế nhưng không đủ cho một người có lòng tham vô đáy”. Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Vực thẳm dễ lấp, nhưng túi tham khó đầy”. Quả thật, “lòng tham” đã “không đáy”, thì không thể “lấp đầy”. Ðể đối trị tham lam, Phật dạy phải thực hành hạnh “Thiểu dục và Tri túc”.
Tổng thống Ấn Độ M.Gandhi từng nói: “Trong thế giới này, có đủ các thứ để cho mọi người sử dụng, thế nhưng không đủ cho một người có lòng tham vô đáy”. (Ảnh: daophatngaynay.com)
KHÁI NIỆM THIỂU DỤC VÀ TRI TÚC Tổng thống Ấn Độ M.Gandhi từng nói: “Trong thế giới này, có đủ các thứ để cho mọi người sử dụng, thế nhưng không đủ cho một người có lòng tham vô đáy”. Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Vực thẳm dễ lấp, nhưng túi tham khó đầy”. Quả thật, “lòng tham” đã “không đáy”, thì không thể “lấp đầy”. Ðể đối trị tham lam, Phật dạy phải thực hành hạnh “Thiểu dục và Tri túc”. Trong Kinh Thuỷ Sám có đề cập: “Người biết đủ tuy nằm dưới đất vẫn lấy làm an vui [1], người không biết đủ dù ở Thiên đường cũng không vừa ý” [2] [3]. Lời này đơn thuần đề cập đến khía cạnh tâm lý, xác chứng tầm quan trọng của thái độ tâm lý đối với đời sống, chứ không phải là lời tán dương sự nghèo khó, không biết vươn lên như một số quan điểm cho rằng: Nếu hạnh phúc và khổ đau chỉ là hai mặt của một đồng tiền thì thái độ tâm lý quyết định giữ mặt nào. Đức Phật dạy: “Thiểu dục Tri túc”, theo nguyên nghĩa là ít ham muốn, tức biết đủ thì không khổ. Vậy thế nào là đủ? Đức Phật dạy, để biết được cái đủ trong cái thừa, thì con người cần phải có chánh kiến, chánh tư duy, lúc đó mới thấy được cái chân thường trong cái vô thường của vòng tương tục. Vậy, Thiểu dục Tri túc, theo giáo lý Đạo Phật, thuộc về lĩnh vực đạo đức, lối sống là quá trình thực hành, chiêm nghiệm sâu xa của đức Phật. Cho nên, Thiểu dục Tri túc là hướng vào bên trong, chứ không dựa vào hình thức vật chất bên ngoài. Vậy Thiểu dục, Tri túc phải hiểu thế nào cho phù hợp? Thiểu dục (alobha, disinterestedness) có nghĩa là ít muốn; Tri túc (santutthi, contentment) có nghĩa là biết đủ [4] [5]. Theo Phật Quang đại từ điển: Thiểu dục Tri túc (少欲知足) cũng gọi Hỉ túc Thiểu dục, Vô dục Tri túc, ít muốn, biết đủ. Tất cả đều chỉ cho sự tiết chế vật dục. Nghĩa là giảm thiểu dục vọng và biết thỏa mãn với những gì mình đã có. Nếu giải thích từng vế thì Thiểu dục là đối với những vật chưa có được không khởi tâm tham muốn quá phần; còn Tri túc là đối với những vật đã có được thì không chê ít, không sinh tâm hối hận. Thiểu dục Tri túc là điều kiện cốt yếu của việc tu đạo. Luận Câu Xá coi đó là 1 trong 3 cái nhân làm cho thân thanh tịnh (Tam tịnh nhân); Kinh Bát Nhã Niệm trong Trung A hàm quyển 18 và Kinh Bát Đại Nhân giác thì lấy đó làm 2 pháp đầu tiên trong 8 điều giác ngộ của bậc Đại nhân. [X. Đại bát Niết bàn Q.27 (bản Bắc); Luận Đại tì bà sa Q.41] [6]. Chúng ta có thể hiểu như thế này: “Này Thiện nam tử! Thiểu dục Tri túc lại có hai thứ: Một là thiện, hai là bất thiện. Bất thiện là nói phàm phu. Thiện là nói Thánh nhân và Bồ tát. Tất cả Thánh nhân dầu chứng được đạo quả mà chẳng tự xưng nói, vì chẳng tự xưng nói nên trong lòng chẳng não hận, đây gọi là Tri túc. Này Thiện nam tử! Đại Bồ tát tu tập Kinh Đại bát Niết bàn, vì muốn thấy Phật tánh nên tu tập Thiểu dục Tri túc” [7]. NGŨ DỤC Hòa thượng Thích Thiện Hoa cho rằng: Người đời thường bị năm thứ tham muốn sau đây sai khiến: Đối với những người tham muốn tiền của, tài vật thì vàng, bạc chất đầy, nhà cao cửa rộng, dãy dọc dãy ngang, đất ruộng cò bay thẳng cánh cũng chưa cho là đủ, họ vẫn còn mong muốn nhiều hơn bằng mọi phương thức miễn sao có dư thừa của cải vật chất là thỏa mãn. Người mê sắc đẹp, thì suốt đời đi tìm hoa thơm, cỏ lạ; thấy sắc là say đắm và bằng mọi cách có được mới mong thỏa mãn dục vọng bản thân. Thế nhưng, sau khi có rồi thì một thời gian lại sinh tâm nhàm chán và vứt bỏ, thậm chí không lời từ tạ để âm thầm tìm niềm vui mới. Những người này luôn luôn bị dục lạc sai khiến, dễ mất hết cả nhân cách, đức hạnh, không còn lương tri. Cuối cùng, hương thối của dục vọng theo chiều gió bay xa muôn phương, bạn bè sinh tâm nhàm chán, rẻ khinh, đi đến đâu ai cũng tránh. Kết quả trở thành kẻ lang lang không nơi nương tựa, sau đó từ tâm phát khởi bất thiện nghiệp. Đối với kẻ tham danh, thì suốt đời chạy theo chức tước, quyền uy, danh thơm. Vì tham danh họ có thể luồn cúi hết chỗ này đến chỗ khác, để mong được cái địa vị, chức tước, quyền lợi cao sang. Họ lao tâm, khổ trí, nhiều đêm thao thức để tìm phương này, kế nọ với mục đích là tìm cái danh vọng mà không hay rằng nó chỉ là tạm bợ, khi nhắm mắt chẳng thể mang theo. Còn những người tham đắm ngủ nghỉ, thì luôn luôn say mê trong giấc nồng, ăn xong chỉ muốn đi nằm bất kể ngày đêm, mặc kệ mọi thứ quanh mình đến nỗi mất hẳn đi sự tự chủ. Tóm lại, khi đã rơi vào những thứ dục lạc trên, thì cuộc đời của những người ham muốn ấy chỉ gói gọn trong sự ham muốn của chính mình, ngày đêm bị ngũ dục ngự trị và chi phối, cứ làm tôi tớ cho nó đến khi mãn báo thân này. Vì vậy, muốn thoát khỏi ràng buộc này thì họ phải học hỏi, hiểu biết và thực hành mới thoát khỏi được những triền phược đó, như Hòa thượng Thích Thiện Hoa từng dạy: “Phật tử tự xét mình, nếu có tâm tham lam, phải tập tánh Thiểu dục Tri túc, bỏ dần lòng tham đi; như thế gọi là “Tu tâm” [13]. Xét cho cùng, những sự tham muốn trên, sự tham muốn danh vọng nảy sinh là do chấp ngã, còn các thứ tham vọng khác, đều do Ngũ dục (sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục, và xúc dục) làm động lực chính cả và được dẫn dắt bởi vô minh. THIỂU DỤC TRI TÚC: PHƯƠNG PHÁP ĐỐI TRỊ DỤC VỌNG Hiểu là vậy, nhưng sống Thiểu dục Tri túc thì không dễ dàng gì giữa cuộc đời đầy cám dỗ. Do đó, Phật dạy về Tri túc. Như bài kệ trong Kinh Tăng Chi nói về kết quả ngay hiện tại có được do không phóng dật: “Hãy sống không có tham, Tri túc về lợi dưỡng thì không chấp nhận những trường hợp có lợi không do tự thân làm ra. Nếp sống đó là mặt tích cực mà xã hội nào cũng trông chờ. Người xưa đã để lại lời dạy quý giá cho muôn đời: “Phú dữ quý thị nhân chi sở dục dã, bất dĩ kỳ đạo đắc chi, bất xử dã. Bần dữ tiện thị nhân chi sở ố dã, bất dĩ kỳ đạo đắc chi bất khứ dã. Bất nghĩa nhi phú thả quý ư ngã như phù vân”. (Nghĩa là: Giàu sang ai chẳng muốn, nhưng có được bằng đường bất chính ta không thèm. Nghèo hèn ai chả ghét, nhưng thoát ra bằng cách gian tà ta không chịu. Giàu sang mà bất nghĩa ta coi như mây nổi mà thôi). Tri túc về sắc dục thì không tà hạnh với người khác, đây cũng là một trong Năm giới của người Phật tử, là nhân tố căn bản nhất để bảo vệ hạnh phúc cho gia đình mình, danh dự của bản thân và không phá hoại hạnh phúc, đức hạnh của người khác. Đức Phật đã dạy: “Người ôm lòng ái dục cũng như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, quyết bị nạn cháy tay” (Kinh Tứ Thập Nhị Chương). Kinh Sống Phóng Dật, Tương ưng IV, 137 có đề cập đến tác hại của việc không phòng hộ các căn, dẫn đến đời sống đầy đau khổ: “Ai sống không nhiếp hộ nhãn căn, này các Tỳ kheo, thời tâm người ấy bị nhiễm ô (vyàsincati) đối với các sắc do mắt nhận biết. Với người tâm bị nhiễm ô thời không có hân hoan. Do không có hân hoan nên không có hỷ. Do không có hỷ nên không có khinh an. Do không khinh an nên khổ an trú” [15]. Hòa thượng Thích Trí Quảng từng đề cập: Không tham lam, xấu ác, người thể nghiệm giáo pháp Phật sống Thiểu dục, Tri túc. Cách sống Thiểu dục, Tri túc không có nghĩa là sống hèn hạ, an phận, thiếu hiểu biết, thiếu nỗ lực vươn đến sự phát triển; trái lại, đó là cách sống sáng suốt và cao thượng, hạn chế lòng vị kỷ, sống hài hòa với thiên nhiên, không làm hư hoại môi sinh, vì nhận biết được những gì nên khai thác và khai thác đến mức độ nào, những gì cần bảo vệ để cho con em thế hệ kế tiếp của chúng ta khai thác. Ngược lại, tham muốn quá nhiều gom về cho cá nhân hay phe nhóm, khiến con người trở nên mù quáng, tàn bạo một cách phi lý. Họ sẵn sàng giao chiến, gây chết chóc, bệnh tật, nghèo đói, tiêu hủy mầm sống của các loài, khiến cho môi sinh trên quả địa cầu ngày càng xấu thêm. Hoặc bằng mọi cách, họ chiếm cho được món lợi khổng lồ, không quan tâm, hay không biết đến sự tác hại của việc khai thác bừa bãi, làm cạn kiệt tài nguyên, xả những chất độc hại vào không khí, vào dòng nước, vào lòng đất, làm ô nhiễm môi sinh, mất cân bằng sinh thái [16]. Người xưa từng nói nếu lòng tham vô đáy, nhưng biết Thiểu dục Tri túc, không còn tự tư, tự lợi, thì chắc chắn mỗi người sẽ được an lạc, tâm trí được thanh tịnh, sáng suốt để chu toàn các công việc. Phật giáo nhận ra cuộc đời vốn khổ thì tại sao chúng ta không lấy khổ làm chất liệu nuôi mình, hạnh phúc từ trong khổ đau. Cắt đứt ràng buộc của ái dục là một thái độ rốt ráo, trong cuộc sống. Nhưng bớt mong muốn (thiểu dục) để ít lo sợ và giảm sầu muộn thì không ít người đã làm được bằng cách có nếp sống Tri túc, nghĩa là biết đủ. Đủ ở đây được hiểu là đủ so sánh với hoàn cảnh, công việc và với trách nhiệm của mỗi người. Như vậy, Phật tử tu học theo lời dạy của Đức Phật thì ngay đây phải tuệ tri, biết chặn phản xạ của thói quen năm dục mà lập chí giải thoát, cho có kết quả; trừ bỏ cái tâm chạy theo vật chất mà hướng về chăm lo đời sống được sáng lên với trí tuệ thanh tịnh. Như vậy, hạnh phúc chân thật là hạnh phúc thuần khiết đầy tuệ giác. Cái tâm biết đủ là đầu nguồn tạo ra sự bình yên bên trong thuần tịnh, giải thoát. Hạnh phúc chân thật và lâu bền không bao giờ xây được bằng lòng khát khao vô tận về mọi thứ của cải, tiền bạc, lợi dưỡng, danh vọng… Với người xuất gia, hay người tu tập theo hạnh viễn ly, hành Bồ tát đạo thì phải biết sống thường lạc, bất túc. Người xuất gia lìa bỏ mọi thú vui vật chất trần đời mà sống với chí nguyện giải thoát, việc ăn, mặc, ngủ phải hơi thiếu, không phóng dật, mặc y phấn tảo, trình tự khất thực, ít muốn, biết đủ, tập tinh cần học tập, thường ưa Viễn ly [17]. Như Hòa thượng Ấn Thuận cũng nêu rằng: “Người xuất gia là nhờ khất thực mà duy trì đời sống, do đó khi không có nhận được gì, thì cũng không nên có tâm mong cầu cho được nhiều hơn, gọi là Thiểu dục” [18]. Phật dạy đệ tử của Ngài: “Sống với xả ly là buông đắm nhiễm năm dục, sống như hạc bỏ ao hoang (giống hạc có lối ăn rất lạ là khi đến ao đầm kiếm ăn, là ăn một lần nơi ấy rồi bay đi, không bao giờ còn trở lại chốn cũ ấy để kiếm ăn nữa). Phật dạy người xuất gia ở đời như con ong hút mật, không làm hoa héo: “Như ong chỉ lấy nhụy (Kệ 49, Kinh Pháp Cú) Nghĩa là không tham cầu làm mất tín tâm tịnh thí của tín đồ, không đòi hỏi món này, vật nọ để nuông chiều thân xác, sống như thế để dành thời gian chăm lo tu tập. Sống Thiểu dục Tri túc là không làm mờ úa bản tâm, nếu không như vậy thì không xứng bậc Sa môn [19]. Trong việc giữ gìn nếu cất chứa vật không dùng đến gọi là tướng ngu si. Người xuất gia không nên cất chứa giống người tại gia. Do những lỗi này nên Thiểu dục Tri túc (ít muốn, biết đủ), hành giả nếu không Thiểu dục Tri túc, thì tâm tham dần dần tăng trưởng. Vì tài lợi mà tìm cầu những vật không đáng tìm cầu. Vì ưa thích tài lợi nên hoàn toàn không được yên ổn, do quá tham đắm. Người xuất gia này thích tu hạnh xa lìa, mà vì tham lợi nên quên mất việc tu của mình, cũng không thể bỏ các phiền não. Vì sao? Vì vật bên ngoài còn không bỏ được, huống gì pháp ở bên trong. Lại thấy lợi dưỡng là nhân của suy não, như mưa đá hại mùa màng. Vì thế, thường tu tập Thiểu dục Tri túc. Lại thấy, nhận vật của thí chủ khó đền ơn, như mắc nợ chẳng trả lại vốn, về sau phải chịu khổ não. Lại thấy, được lợi dưỡng là thứ mà Đức Phật và người thiện đã ruồng bỏ [20]. Hạnh của người Tu sĩ, không để các pháp sai khiến tâm mình hay không trở thành nô lệ của pháp (không để pháp dính mắc tâm) tức là lập hạnh sống Thiểu dục Tri túc. Vì tâm không dính vào pháp, tâm sẽ ly được dục, ly được ác pháp. Từ đó, con đường tu tập sẽ đạt được kết quả giải thoát. Phật dạy Tri túc Thiểu dục là để ly dục, ly ác pháp, nhập thiền khiến giải thoát, không còn tái sanh luân hồi, sống an lạc, tự tại như Phật Thích Ca đã từng [21]. “Thiểu dục Tri túc” là một pháp môn cần thiết cho người Tu sĩ sống đúng phạm hạnh giải thoát của Đạo Phật [22]. Ngược lại, nếu tâm chạy rong theo các pháp thì tâm càng lúc càng sa đọa, sống theo kiểu thế gian, dục lạc dần hướng về Địa ngục. Đạo Phật dạy Tri túc Thiểu dục là đem lại cho chúng ta có một nguồn sống yên vui, hạnh phúc. Thật sự như vậy, Phật dạy đừng thân cận dục, đừng thân cận ác pháp. Như vậy, rõ ràng là phải sống Thiểu dục Tri túc. Nếu chúng ta Thiểu dục Tri túc thì sẽ không phóng dật, nghĩa là chúng ta tiến đến giải thoát. Chính vì con người chưa biết Thiểu dục Tri túc nên thường đau khổ. Tất cả tai họa trong cuộc đời này là do chính hành động ác của chúng ta chứ không phải ai mang đến. Như vậy, chúng ta biết hành động ác là gì? Chính là thân, khẩu, ý. Nếu thân, khẩu, ý thiện thì làm sao mà có tai họa, từ đó mà chúng ta được thảnh thơi, an lạc. Quả thật, Tri túc tuy nghèo mà lại giàu có. Trái lại người không có cái tâm biết đủ thì giàu bao nhiêu đi nữa vẫn mãi là nghèo. Không biết đủ là tâm tham lam, tâm cứ chạy lo gom góp cho bản ngã mọi ham thích hết thảy những gì hiện có. KHÔNG PHÓNG DẬT MÀ ÍT MUỐN BIẾT ĐỦ SẼ MANG LẠI NHIỀU LỢI ÍCH HƠN Bởi vì, lòng tham muốn, khát khao làm cho ta khổ đau bao nhiêu, thì Thiểu dục và Tri túc lại làm cho ta sung sướng, hạnh phúc bấy nhiêu, đây là lẽ tất nhiên. Trong Phật giáo, cái gì cũng có nhân và quả. Nhờ “ít tham dục”, nên “con ma dục vọng” không làm sao ngự trị, sai sử được mình; nhờ “biết đủ” nên “con quỷ tham lam” chẳng có quyền hành thúc đẩy mình đi tìm kiếm những thú vui xa xỉ. Chỉ khi ấy con người mới có thể tự có hạnh phúc và an lạc thật sự. Cũng nhờ Thiểu dục và Tri túc mà gia đình, xã hội được trên ấm dưới êm, an vui, hòa bình, không ẩu đả, không còn ai giành giật của cải, danh vọng, miếng ăn ngon, vật lạ của ai nữa. Do vậy, lợi ích của nó vô cùng lớn lao, nếu như tất cả mọi đối tượng trên thế giới đều áp dụng. Ðạo Phật dạy Thiểu dục và Tri túc cốt yếu để ngăn ngừa và chặn đứng con đường trụy lạc, đồi bại. Để ngăn ngừa và chặn đứng lòng tham lam, độc ác không bờ bến, không đáy của chúng sinh, đang sống trong cõi đời đầy dẫy vật thực và dục lạc, người ít muốn, biết đủ, biết chế tâm, định tĩnh nếu thêm hạnh người xuất gia thì có trí tuệ sáng suốt, an yên đi đến Niết bàn [23], Đạo Phật không chủ trương bó hẹp sự phát triển và tiến hoá của con người theo hướng tích cực. Thấy được hậu quả của khát ái, tham lam, nên Đức Phật với tấm lòng từ bi Ngài đưa ra phương thuốc trị tận gốc bệnh tinh thần, đó là Thiểu dục và Tri túc, không phóng dật, quán vô thường. Phương thuốc này sẽ có công năng làm yếu dần tâm tham lam và lòng khát ái; có như thế các mối dục vọng, tham lam, tội ác, vô lương tri dần dần tiêu diệt, cuối cùng chỉ còn lại tấm lòng từ bi, đoạn trừ phiền não, phát đại tinh tiến, điều phục tâm, thoát sân hận, đạt tuệ tri [24]. Mỗi khi con người hết chạy theo dục vọng, hết đuổi bắt những hạnh phúc vật chất tạm bợ, mông mênh, vô thường, không thật có, thì lúc ấy chính bản thân của họ đã giảm thiểu và hết đau khổ bởi vì không còn lao tâm khổ trí theo sự chỉ dẫn của lòng khát ái, tham lam. Như vậy, họ không chỉ tạo ra hạnh phúc chân thật cho chính họ mà họ còn mang lại sự hạnh phúc lớn lao cho tha nhân. Nói tóm lại, nếu chúng ta không kiểm soát được ham muốn của mình, không đối trị với dục vọng mà mãi chạy theo nó thì sẽ chuốc lấy phiền não, có thể gây hại cho bản thân, gia đình và xã hội. Phật dạy: “Đa dục chi nhân, đa cầu lợi cố, khổ não diệc đa”. Có nghĩa là: Người mong muốn nhiều, cầu lợi nhiều thì khổ não cũng nhiều” [25]. Từ những lẽ trên, chúng ta có lẽ đã nhìn nhận được tầm quan trọng của lời Phật dạy về cách sống “Thiểu dục Tri túc”. Ngày nay, cách sống ấy vô cùng cần thiết khi mà tốc độ phát triển của xã hội nhanh chóng đi lên, vật chất đáp ứng đầy đủ nhưng phiền não chưa bao giờ được giải quyết triệt để. Hiểu và hành đúng lời Phật dạy ít muốn, biết đủ thì chúng ta sẽ tìm được sự bình an lắng sâu nơi tâm hồn và tự tại giữa cuộc sống, không bị ngũ dục chi phối trong mọi hoàn cảnh.
SC. Thích Tịnh Uyên/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 376
Chú thích: * SC. Thích Tịnh Uyên: Học viên Cao học Phật học khóa III tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. [1] Sa môn Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 145, Bộ Luật Sớ III, Số 1809-1815 (Quyển Thượng-Trung-Hạ), Số 1813-Sớ Giải Giới Bản Bồ tát Trong Kinh Phạm Võng, Quyển 2, Hội Văn hoá Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, tr.446.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |