Năm nay, lễ hội chùa Hương sẽ chính thức khai hội ngày 13-2 (6 tháng Giêng năm Bính Thân) với chủ đề “Lễ hội kỷ cương - Văn minh du lịch”.
Buổi họp báo có 65 cơ quan thông tấn báo chí tham dự
Ông Nguyễn Chí Thanh, trưởng ban quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn cho biết, UBND huyện Mỹ Đức thành lập Ban Tổ chức Lễ hội và các tiểu ban, tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng và tu bổ, tôn tạo các công trình để sớm hoàn thiện, kịp đưa vào sử dụng phục vụ lễ hội.
Ông Thanh nói, nhằm đảm bảo công tác an toàn, đảm bảo an ninh trật tự trong những ngày diễn ra lễ hội chùa Hương, các đơn vị chức năng UBND huyện Mỹ Đức, UBND xã Hương Sơn kết hợp với các phòng ban chức năng tiến hành quản lý chặt chẽ các điểm kinh doanh dịch vụ, không đổi tiền lẻ trong khu vực lễ hội; kiểm tra, ngăn chặn xử lý nghiêm các tệ nạn xã hội, không để người hành khất trong khu vực lễ hội.
Ban Tổ chức Lễ hội cũng thành lập bộ phận chuyên trách phục vụ bảo vệ môi trường, tiếp nhận và xử lý những thông tin phản hồi liên quan đến môi trường. UBND huyện cũng thành lập tổ kiểm tra liên ngành để kịp thời xử lý các vi phạm liên quan đến vệ sinh môi trường.
Tại buổi họp báo, TT.Thích Minh Hiền, Phó ban Văn hóa T.Ư, trụ trì chùa Hương cũng chia sẻ về các hoạt động văn hóa tín ngưỡng sẽ diễn ra tại lễ hội. Theo Thượng tọa, năm nay Lễ hội chùa Hương bắt đầu vào mùng 6 tháng Giêng, các lễ giỗ tổ vào 12 và 13 tháng Giêng cùng với rất nhiều những sự kiện lễ hội văn hóa đặc sắc đều được tổ chức toàn bộ theo đúng kế hoạch mà Ban Tổ chức Lễ hội đưa ra.
Mọi công tác vệ sinh môi trường đang được thực hiện rất tốt, đặc biệt công tác tôn giáo tín ngưỡng để phục vụ lễ hội, du xuân của bà con du khách và Phật tử về với chùa Hương khá chu đáo.
Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức kiêm trưởng ban tổ chức lễ hội du lịch chùa Hương năm 2016 cho hay, năm nay đơn vị đã huy động hơn 4.000 xuồng đò, cũng như huy động lực lượng nhân công lái đò để phục vụ bà con về tham gia trẩy hội, trên cơ sở tuân thủ các quy định về an toàn giao thông đường thủy.
Ngoài ra còn có 17 tổ tuần tra đảm bảo an ninh trật tự với sự hỗ trợ của Công an TP.Hà Nội để xử lý những vụ việc mất an ninh trật tự có thể xảy ra; tổ chức tập huấn cho bà con tham gia lái đò theo yêu cầu, hiểu biết, chấp hành tốt Luật Giao thông đường thủy, lắp đặt, trang bị đầy đủ các phao cứu sinh, phao hiệu.
Ban Tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết sẽ xử lý nghiêm các trường hợp cố tình ép giá, ép đòi tiền bồi dưỡng của khách; tiếp tục cấm quảng cáo và tổ chức các dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội.
Các quầy hàng chế biến thực phẩm phải có tủ bảo quản thực phẩm, không treo móc thịt các loại trong tủ và ngoài cửa hàng gây phản cảm, mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Bắt đầu từ ngày 15-12 âm lịch sẽ có khu bán hàng, quán riêng tại lễ hội.
Phóng viên báo đài ghi nhận thông tin buổi họp báo
Ông Nguyễn Văn Hoạt, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, lễ hội chùa Hương 2016 có một vài điểm mới so với các mùa lễ hội trước. Theo ông, Ban Tổ chức đã đề xuất với UBND huyện Mỹ Đức, với UBND TP.Hà Nội, lần đầu tiên sẽ có tuyến xe buýt chất lượng cao được trợ giá. Đặc biệt toàn bộ khu vực chùa Hương từ bến xe, suối Yến đến động Hương Tích sẽ được phủ sóng wifi miễn phí. Dự án này đã được UBND TP.Hà Nội duyệt và giao bộ phận có liên quan lắp đặt.
Ngoài ra, Ban Tổ chức lễ hội năm nay cũng cố gắng đảm bảo lễ hội được diễn ra văn minh, lịch sự, an toàn cho du khách về trẩy hội chùa Hương.
Tại lễ hội chùa Hương sẽ có 318 gian hàng được dựng để phục vụ ăn uống, đồng thời sẽ có 8.800 người chèo đò và 11 ca nô được hoạt động trên suối Yến để phục vụ du khách.
Cẩm Vân