Chi tiết tin tức

Trên đất nước Indonesia

22:03:00 - 22/07/2015
(PGNĐ) -  3 giờ sáng (giờ địa phương), tôi bị đánh thức bởi giọng kinh cầu của các tín đồ Hồi giáo, tiếng kinh nghe rất lạ và trầm buồn càng lúc càng gần rồi tan vào đêm.
Trong một sát-na, tôi không còn để ý đến âm thanh ấy nữa mà cảm xúc chợt bay đến đậu trên từng phím đàn, trên từng nụ cười, mấy khóm hoa, rồi chạm đến những bài pháp, từng con đường, từng bước chân quen, chưa quen mà chiều hôm trước chúng tôi đã gởi gắm cho nhau bằng lòng tin từ những người con gái của Đức Phật.

Chúng tôi đến từ nhiều quốc gia khác nhau, ngôn ngữ và mọi thứ  cũng không giống nhau, nhưng lại chung hạnh nguyện, mục đích đi tìm nhịp thở, đi tìm ngôn ngữ hòa hợp, thân thiện và yêu thương…

 
indonesia.jpg
Hội nghị Sakyadhita 2015 khai mạc tại Indonesia

Rồi có những buổi chiều như thế, chiều lộng gió bên ngọn đồi nâu. Sau những bài tham luận căng thẳng, những thảo luận nhóm sôi nổi, khi nắng đã ngả màu, chỉ còn vương lại vài sợi vàng vọt trên đọt cây, không gian mát dịu, thanh bình ngập tràn và khoác lên vai chúng tôi. Cảnh vật nơi đây rất giống ở Việt Nam, có cây cau cây dừa, có hoa phong lan, hoa thạch thảo, có cỏ màng chầu, cỏ lông heo, có cây cầu khỉ bắc qua con suối nhỏ, có lối đi và nhiều ngôi nhà… Đây là khu nghỉ dưỡng không hiện đại lắm nhưng rất xinh đẹp và thơ mộng thuộc vùng ngoại ô Yogyakarta-Indonesia nơi Ban Tổ chức chọn thuê để diễn ra Hội nghị Sakyadhita.

Kề bên khu nghỉ dưỡng này cũng có ruộng lúa và mấy người nông phu. Khi trời thay sắc, họ cùng nhau ra đốt đồng, mùa này lúa đã gặt xong, nhìn từng cụm khói bay lên từ mặt đất tựa như khói bếp của những căn nhà nhỏ, tôi thấy nhớ quê hương vô cùng. Việc rảnh, chúng tôi tìm đến những bãi đất trống, ngồi bên nhau chia sẻ Phật pháp, hát cho nhau nghe, dạy nhau nói ngôn ngữ đất nước mình, cùng cười bằng nụ cười giòn, trong veo, vô sự và thanh tân.

Trước khi đặt chân đến đây, tôi có tìm hiểu qua thông tin, rằng vùng đất ấy nóng khô và nghèo, tiện nghi chừng mực, phương tiện giao tiếp hữu hạn. Nói thật, những điều đó không làm tôi lo lắng nhưng điều tôi ái ngại nhất là phải làm việc, tiếp xúc với những con người trên một đất nước chỉ có 2% Phật giáo mà có đến hơn 85% theo đạo Hồi (theo cuộc điều tra và thống kê dân số vào năm 2000). Và quả thật, khi đến đây, đâu đâu cũng thấy các bạn Hồi giáo, vì rất dễ nhận ra, họ ăn mặc đơn giản, cả đàn ông hay phụ nữ đều mặc váy, phụ nữ thì có trùm khăn trên đầu, đàn ông có đội cái mũ nhỏ xíu không vành, già trẻ đều như vậy. Chỉ có các vị chức sắc mặc quần tây, áo sơ-mi có in hình hoa văn, nam giới không thấy diện vest như nhiều vị lãnh đạo các nước khác.

Tại Hội nghị, các bạn tình nguyện viên mặc đồng phục do Ban Tổ chức quy định và cũng đội khăn lên đầu. Họ làm việc nhiệt tình, vui vẻ nhưng không chuyên môn, ít kinh nghiệm nên đôi lúc công việc chưa suôn sẻ. Tuy nhiên, đa phần các bạn ít dùng ngôn ngữ bản địa mà giao tiếp thành thạo tiếng Anh. Ở đây họ biết nấu ăn chay, món ăn mang phong cách vừa Trung vừa Ấn, vị rất cay, ngọt, nhiều dầu và món nào cũng sền sệt khó nuốt. Nhưng điều làm cho mọi người thấy ấm lòng là cách họ phục vụ tận tình và chu đáo.

indonesia 2.jpg
Các tình nguyện viên dễ thương của nước Indonesia

Được Ban Tổ chức sắp xếp và một bạn tình nguyện viên hỗ trợ nên đoàn cũng có dịp tham quan vài nơi. Có nhiều điều làm cho tôi thật sự ngạc nhiên đó là một đất nước mà tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới nhưng nhà nước lại không công nhận tôn giáo này là quốc giáo. Nơi đây nhiều ngôi biệt thự, trường học, tòa nhà lớn hay những thành cầu đều gắn hình búp sen lên cổng, lên tường rào.

Đi ngang một ngôi làng cách vị trí núi lửa thường xảy ra chừng vài mươi cây số, ở đấy họ dùng khối nham thạch để làm vật liệu xây dựng, làm tượng Chúa, tượng thánh, đồ gia dụng và đặc biệt là họ đúc rất nhiều tượng Phật lớn rồi trưng bày đầy các cửa hiệu và cả trong sân bay quốc tế. Chính phủ Indonesia cũng chủ trương tự do và tôn trọng tôn giáo, mỗi tôn giáo đều có thể dễ dàng tổ chức các lễ hội theo tín ngưỡng của mình mà không gặp khó khăn hay vấn đề gì.

Phố phường ở Indonesia cũng chật chội, nhiều khói bụi vì lắm xe gắn máy như ở Việt Nam. Phật tử bản địa không có sự phân biệt về mặt xã hội, ngôn ngữ và chính trị, nhưng trong ý thức họ có sự phân biệt về di sản Phật giáo truyền thống. Họ đặc biệt có đạo tâm dù nghèo, đa số Phật tử sống gần trung tâm Phật giáo cổ Borobudur. Ngoài việc mưu sinh thì hàng ngày họ đi gom nửa lon gạo/mỗi hộ gia đình, số gạo này họ dành dụm để giúp các nơi nghèo hơn trên đất nước. Đó là việc làm từ thiện của họ.

indonesia 3.jpg
Phái đoàn VN tại thánh tích Borobudur

Những ngày lưu trú ngắn ngủi nơi đây - một quốc gia khá nghèo và chẳng hiện đại dù xứ sở ấy có nguồn tài nguyên thiên nhiên phóng khoáng. Những gì tôi chứng kiến và nghe kể cũng như tìm hiểu thật ra không có gì đặc biệt đọng lại trong lòng. Một đất nước với 237.424.363 dân số mà chỉ có 4 vị tu sĩ Phật giáo (toàn Ni cô, không có Tăng). Với tôi, một người con Phật, hay bất cứ vị Phật tử nào, chắc chắn khi đặt chân đến đây đều không khỏi chạnh lòng. Vì nơi này Phật giáo từng một thời phát triển vào các thế kỷ xưa, nay chỉ còn cất giấu trong từng trang sử.

Một trung tâm Phật giáo đồ sộ như thánh tích Borobudur, đánh dấu thời vàng son nay cũng lặng lẽ đón đưa du khách ngày ngày thưa thớt đến đây lễ bái và cầu nguyện. Nhưng, tôi muốn chia sẻ đến các bạn của tôi, rằng Indonesia là như thế, dù bóng dáng tu sĩ rất ít, chùa chiền hiếm hoi, nhưng có nhiều tượng Phật lớn được đặt trang trọng trong các cửa hiệu, trung tâm.

Những hình ảnh mang dáng dấp văn hóa của Phật giáo như hình búp sen được người ta trang trí phổ biến. Mọi người gặp gỡ đều chắp tay chào nhau... Điều đó giúp tôi đủ tin rằng: Phật giáo sẽ không bao giờ biến mất trên xứ “Nam Dương” này.

Như Tâm

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin