Chi tiết tin tức Mùa Vu lan hiếu thuận 10:03:00 - 29/08/2015
(PGNĐ) - Lễ Vu lan được tổ chức vào rằm tháng 7 hàng năm với ý nghĩa giáo dục tấm lòng hiếu nghĩa của con cái với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đồng thời, đây là dịp để những người con tìm về với nguồn cội, về với giá trị chân - thiện - mỹ và về với đạo của người làm con.
Hướng vọng Vu lan - Ảnh: Đinh Tuấn Nhiều người đi chùa cầu an, làm việc thiện Dù khá bận rộn với sạp vải ở chợ An Đông (quận 5, TP.HCM) nhưng chị Trần Ngọc Quế vẫn thường tranh thủ thời gian đi chùa vào các dịp rằm. Riêng vào mùa Báo ân, chị cho biết: “Vu lan là dịp để tưởng nhớ công ơn cha mẹ, tri ân tổ tiên, nguồn cội nên chị thường đi chùa, cầu nguyện và chuẩn bị đồ cúng dường (dầu ăn, củ quả) nhiều hơn. Mình đi chùa còn để cầu siêu cho người đã khuất và cầu an cho những người thân còn sống”. Cạnh đó, cô Lữ Minh Đan xởi lởi: “Ngày thường thì cứ cách 5-10 bữa, tui hay soạn đồ la-ghim (rau củ quả) gửi đến một vài chùa chiền trong thành phố. Còn dịp rằm, đặc biệt là rằm lớn như mùa Vu lan như thế này thì gửi nhiều hơn, lựa đồ ngon hơn. Ngoài ra, rằm năm nay, tui đang dự kiến sắp xếp công việc nghỉ sớm để đi xem thả đèn, cầu bình an ở trên chùa Bà Thủ Dầu Một (Bình Dương) cũng là quê mẹ của tui…”. Tương tự như vậy, mặc dù nhà có tiệm bán kính mắt nhưng anh Nguyễn Hoàng Vân, pháp danh Thanh Phát (ngụ quận Thủ Đức) vẫn dành khá nhiều thời gian để đi chùa. Anh nói: “Theo lời các sư thầy, cứ đến mùa Vu lan, theo truyền thống Phật giáo, chúng ta thường làm lễ cúng dường, cầu siêu cho người thân. Lễ cúng dường Vu lan báo hiếu nhằm mục đích nhờ tha lực của chư Phật, Bồ-tát, Thánh Tăng, các bậc chân tu, đức hạnh. Trong mùa An cư kiết hạ, chư Tăng nỗ lực phát huy giới, định, tuệ, tâm thanh tịnh, trí huệ sáng suốt, tạo thành sức mạnh có khả năng thúc đẩy hương linh đi đến thế giới tốt đẹp hơn, tức chuyển được nghiệp thức. Cũng trong mùa Vu lan, cúng dường, cầu nguyện cho người thân tái sanh vào cảnh giới an lành, tốt đẹp, cũng có nghĩa là chuẩn bị con đường trở về cõi vĩnh hằng của chính mình. Thiết nghĩ, không gì khác hơn là Tăng Ni, Phật tử nỗ lực tu hành, dứt trừ các nghiệp ác, tu tạo cội đức, việc thiện chưa làm, tinh tấn làm, công đức đã tạo, phát triển hơn nữa…”. Không chỉ là cầu nguyện cho riêng mình, nhiều người còn hướng tới cộng đồng với những hoạt động đầy tình nhân ái. Vào mùa Vu lan này, chị Ngọc Mai cùng nhóm từ thiện “Vườn Nhân ái” của mình đã đi đến nhiều nơi để vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn. Chị Ngọc Mai nói: “Những phần quà tuy không đáng giá bao nhiêu nhưng giúp động viên tinh thần, cổ vũ họ vươn lên trong cuộc sống”. Dành trọn tấm lòng cho cha mẹ Như đã nói, dù khởi nguồn là ngày lễ của các Phật tử, song lễ Vu lan giờ đây đã trở thành lễ báo hiếu của đông đảo người Việt Nam. Tinh thần mùa Vu lan cũng được mở rộng ra không chỉ giáo dục lòng hiếu thảo mà còn giáo dục tình yêu thương đất nước, tinh thần tôn sư trọng đạo, yêu thương mọi người. Nó còn là dịp để mỗi chúng ta tự nhắc nhở mình: “Ai còn cha xin đừng làm cha khổ, hãy nhớ câu đạo hiếu làm đầu. Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng làm buồn đôi mắt mẹ nghe không”. Để rồi từ đó tự nhủ lòng phải sống sao cho xứng đáng với công ơn dưỡng dục của bậc sinh thành. Vì vậy, những ai còn cha mẹ, hãy hiếu thảo hơn với các đấng sinh thành, bởi trong cõi đời hữu hạn này, tình yêu của mẹ cha với con cái là vô hạn. Đừng đợi đến khi cha mẹ mất đi mới báo hiếu, khi đó có khi đã quá muộn. Vốn là một người chẳng may mất cả cha lẫn mẹ, chị Lê Thị Hoàng Quyên (quận 2, TP.HCM) thấu hiếu hơn ai hết giá trị hạnh phúc gia đình còn cha và mẹ. Chị Quyên tâm sự: “Khi cha mẹ còn sống, cha mẹ lo mình đầy đủ. Đến khi cha mẹ mất đi, tôi mới hiểu được giá trị của những ngày tháng hạnh phúc ấy. Vì vậy, những ai còn cha còn mẹ hãy biết quý khi cha mẹ còn sống, đừng để đấng sinh thành phải buồn lòng”. Trong khi ấy, chị Ngô Thị Linh Phương (quận 2, TP.HCM), chia sẻ: “Lễ Vu lan là dịp để tôi tự nhìn lại những việc mình đã làm, hoặc chưa làm được, từ đó có cách điều chỉnh về thái độ cư xử và sống với mẹ, cha mình ngày một tốt hơn”. Vu lan chính là một dịp để bày tỏ lòng yêu kính, tri ân với ông bà, cha mẹ nên nhiều bạn trẻ còn tự tay làm quà tặng. Vào mùa Báo ân năm nay, xem ra tranh thêu chữ thập là một trong những mặt hàng được nhiều người ưu tiên lựa chọn. Chẳng hạn, suốt gần hai tháng qua, chị Nguyễn Thanh Tâm - nhân viên siêu thị Coop-mart ở Thủ Đức lại tranh thủ thời gian sau giờ làm việc là thêu tranh chữ thập dành tặng cho người thân.
Vừa chăm chú thêu, chị Tâm vừa vui vẻ: “Thấy lễ Vu lan nhiều người thêu tranh chữ thập, mình cũng nảy sinh ý định thêu tranh này tặng ba mẹ chồng để tỏ lòng kính yêu, quý trọng. Đây là món quà đầu tiên mình tự tay làm. Hy vọng ba mẹ sẽ vui và thích nó”. Đưa chúng tôi xem bức tranh thêu chữ “cha mẹ” đặt trang trọng, chị Bùi Thị Hương (Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: “Gần tháng nay, em tranh thủ thêu tranh này để kịp tặng ba mẹ dịp Vu lan này, với ước muốn ba mẹ luôn bình an, vui vẻ. Em thực sự thấy rất vui khi tự tay thêu tranh này”. Chị Hồng, chủ tiệm tranh thêu chữ thập ở chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “Mùa Vu lan có nhiều người mua tranh thêu chữ thập hoặc tranh thư pháp có hình Đức Phật hay các chữ “cha”, “mẹ”, “hiếu”, “đức”, “tâm”, “nhẫn”... Người thì mua treo trong nhà cầu bình an, may mắn, người thêu tặng ông bà, cha mẹ để thể hiện lòng biết ơn. Tùy kích cỡ, màu sắc mà mỗi bức tranh có giá cả khác nhau nhưng nhìn chung nó chứa đựng cả tấm lòng nên đối với mọi người có lẽ đó là món quà vô cùng ý nghĩa!” Nguyễn Sinh
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |