Chi tiết tin tức

Giữ hồn Thangka - Bảo tồn nghệ thuật thiêng liêng giữa thời hiện đại

14:58:00 - 25/07/2025
(PGNĐ) -  Thangka không chỉ là nghệ thuật thị giác, mà là pháp khí của sự hành trì. Mỗi nét vẽ đều được thực hiện bằng chánh niệm, như một hình thức thiền định sống động. Giữa thời hiện đại nhiều biến động, những người nghệ sĩ ở Nepal vẫn âm thầm gìn giữ ngọn lửa của truyền thống này.

Dưới đây là những ghi chép về nghệ thuật vẽ tranh Thangka trong một lần đến thăm Nepal của Mariana Restrepo.

Trong chuyến hành hương đến Kathmandu, ở Nepal, tôi đã dành nhiều thời gian tại Boudhanath – nơi nổi tiếng với Bảo tháp Boudhanath và là trung tâm nghệ thuật Phật giáo, đặc biệt là hội họa Thangka có nguồn gốc từ Tây Tạng. Tôi đã gặp gỡ và có cuộc trò chuyện sâu sắc với Raju Yonjon từ Enlightenment Thangka, người đã cùng đội ngũ của mình hơn 20 năm qua nỗ lực bảo tồn và truyền bá loại hình nghệ thuật thiêng liêng này. Qua chuyến thăm xưởng và phòng trưng bày của họ, tôi có dịp tìm hiểu sâu hơn về sự tinh tế của tranh Thangka và vai trò của nó trong sự thực hành Phật giáo hiện đại.

* Bạn có thể cho chúng tôi biết về nguồn gốc của bức tranh Thangka không? Nó bắt đầu ở đâu và khi nào? 

- Tranh Thangka được cho là có nguồn gốc từ Tây Tạng vào khoảng thế kỷ thứ VII dưới triều đại của vua Songtsen Gampo, người có vai trò quan trọng đối với trong việc giới thiệu Phật giáo đến Tây Tạng. Qua nhiều thế kỷ, các phong cách khác nhau mang đậm tính khu vực đã xuất hiện, chẳng hạn như Karma Gadri, Menri, New Menri, Tsangri và Mendri. Truyền thống Karma Gadri được biết đến với bối cảnh phong cảnh và bố cục rộng rãi, trong khi Menri và New Menri chi tiết và đối xứng hơn. Ở Nepal, truyền thống này đã thực sự hồi sinh khi các vị Lạt-ma và các nghệ sĩ Tây Tạng mang chuyên môn của họ đến vùng đất này. Các nghệ sĩ Nepal, vốn có tay nghề thành thạo, đã tiếp nhận, điều chỉnh và kết hợp những giáo lý này để tạo ra sự phong phú cho truyền thống vẽ tranh Thangka ở vùng Himalaya.

Các loại màu vẽ từ thiên nhiên
Các loại màu vẽ từ thiên nhiên

* Mục đích tâm linh hoặc tôn giáo chính của Thangka trong thực hành Phật giáo là gì? 

- Thangka thường được đặt trên bàn thờ và được dùng làm điểm tập trung cho việc cúng dường, lễ lạy và tụng niệm. Đối với người tu theo Kim cương thừa, Thangka còn là công cụ hỗ trợ thiền định và quán tưởng. Thangka đóng vai trò như những “kinh sách bằng hình ảnh”, truyền tải nhiều tầng ý nghĩa về triết lý, đạo đức và vũ trụ quan Phật giáo. 

* Những vật liệu điển hình được sử dụng trong bức tranh Thangka là gì? 

- Tranh Thangka truyền thống được tạo ra bằng nhiều vật liệu tự nhiên. Vải vẽ thường là loại cotton mịn hoặc lụa và được căng chặt trên khung gỗ. Bề mặt vải sau đó được phủ một lớp hỗn hợp keo động vật và đất sét trắng để tạo nên nền mịn và thấm hút tốt. Màu vẽ được làm từ các khoáng chất tự nhiên như đá lapis lazuli (xanh đậm), malachite (xanh lá), cinnabar (đỏ) và orpiment (vàng). Những loại đá này được lấy từ Tây Tạng, nghiền thành bột mịn rồi trộn với nước và keo để tạo thành màu vẽ rực rỡ. Lá vàng 24 karat cũng được sử dụng hàng ngày để làm nổi bật các chi tiết thiêng liêng như vương miện, trang sức và hào quang. Ngày nay, việc sử dụng màu acrylic trong tranh Thangka đã trở nên phổ biến hơn.

* Bạn có thể hướng dẫn chúng tôi qua quy trình từng bước để tạo ra một Thangka truyền thống không? 

- Quá trình tạo ra một bức tranh Thangka truyền thống gồm nhiều bước công phu. Trước tiên, tấm vải được căng chặt lên khung gỗ để làm nền. Bề mặt vải sau đó được phủ hỗn hợp keo động vật và đất sét trắng, rồi đánh bóng cho thật nhẵn. Tiếp đến, nghệ nhân sẽ phác thảo bố cục bằng bút chì, dựa trên hình lưới phản ánh tỷ lệ của vị thần trong tranh. Nhân vật trung tâm được vẽ đầu tiên, sau đó mới đến các yếu tố xung quanh như các vị hộ pháp, đồ cúng dường, tòa ngồi, phong cảnh và hào quang.

Việc tô màu bắt đầu từ các mảng nền, sau đó là các lớp màu phẳng và lớp đổ bóng. Những chi tiết như nét mặt, trang sức và y phục được tô rất tỉ mỉ bằng cọ mảnh. Đặc biệt, đôi mắt của vị thánh được vẽ sau cùng trong một nghi lễ trang trọng gọi là “khai quang điểm nhãn”. Sau khi tô các màu chính, các đường viền được kẻ lại bằng tông màu sẫm hơn để làm nổi bật hình ảnh.

Trong quá trình vẽ Thangka truyền thống, thường có một nhóm nghệ nhân cùng hợp tác thực hiện. Thông thường, hai đến ba người cùng làm một bức tranh, dù một nghệ nhân bậc thầy vẫn có thể tự mình hoàn thiện toàn bộ các giai đoạn. Tuy nhiên, điều này không khả thi về mặt kinh tế do chi phí cao, nên thường có sự tham gia của học trò và trợ lý ở nhiều công đoạn khác nhau. Nghệ nhân chính chịu trách nhiệm về phần thiết kế, bố cục, tỷ lệ thân thể và lưới hình học; học trò sẽ vẽ nền, phong cảnh và các chi tiết phụ; cuối cùng, nghệ nhân chính sẽ hoàn thiện tranh bằng cách vẽ khuôn mặt các vị thần. Cách làm việc nhóm này phản ánh đúng truyền thống Tây Tạng xưa, đặc biệt rất quan trọng trong những dự án lớn như tranh tường tại các tu viện cổ kính.

Các phòng vẽ Thangka

Các phòng vẽ Thangka

* Cần phải được đào tạo gì để trở thành một họa sĩ Thangka? 

- Việc trở thành một họa sĩ Thangka đòi hỏi nhiều năm khổ luyện, thường là dưới sự chỉ dẫn sát sao của một vị thầy tâm linh. Đây không chỉ là quá trình rèn luyện kỹ năng hội họa, mà còn là hành trình trau dồi kiến thức tâm linh. Người học trò cần nắm vững biểu tượng học và tỷ lệ hình thể, hiểu rõ hình học thiêng liêng của các vị thần, học cách pha trộn và sử dụng các màu sắc tự nhiên cũng như vàng lá, đồng thời thấu hiểu ý nghĩa biểu tượng ẩn sau từng chi tiết trong bức tranh.

Chúng tôi may mắn được học dưới sự hướng dẫn của Thượng tọa Jamyang Phuntsok, một chuyên gia thuộc truyền thống vẽ Thangka Karma Gadri của Tây Tạng. Dòng truyền thừa của thầy bắt nguồn từ danh họa Thanglha Tsewang của tu viện Palpung tại vùng Kham, miền Đông Tây Tạng. Truyền thống này nổi bật với phong cách riêng biệt, kết hợp tỷ lệ hình thể theo Ấn Độ, kỹ thuật phối màu của Trung Hoa, và bố cục đặc trưng Tây Tạng, được gọi là “phong cách trại” (camp style) hay Karma Gadri.

Thầy của chúng tôi từng sống tại Boudhanath trong 15 năm để đào tạo các họa sĩ Thangka trước khi trở về Lhasa. Chúng tôi vẫn thường xuyên thỉnh ý thầy; gần đây thầy đã trở lại để xem xét và chỉnh sửa tác phẩm của chúng tôi, đồng thời nhắc nhở rằng đây là Pháp sự (dharma work), không đơn thuần là để mưu sinh.

Theo lời dạy của thầy, họa sư chính của chúng tôi hiện đang hướng dẫn các học trò. Họ bắt đầu từ công việc học phối màu, tạo độ chuyển sắc, tô nền và đánh bóng. Sau đó, họ tập vẽ các chi tiết trang trí cho hình tượng, như cánh sen, hoa văn trên y phục của chư Phật. Cuối cùng, họ học cách vẽ hình tượng chính, tập trung vào biểu tượng học và hình học thiêng liêng.

* Biểu tượng đóng vai trò gì trong hội họa Thangka? 

- Biểu tượng đóng vai trò rất quan trọng. Chúng truyền tải những chân lý về vô thường, tánh Không, nghiệp và giải thoát thông qua các chi tiết. Mỗi yếu tố của một bức tranh Thangka rất đa dạng về tính biểu tượng, và mỗi biểu tượng đều có ý nghĩa, hỗ trợ hành giả trong việc tu tập.

Thangka thường được đặt trên bàn thờ và được dùng làm điểm tập trung cho việc cúng dường, lễ lạy và tụng niệm. Đối với người tu theo Kim cương thừa, Thangka còn là công cụ hỗ trợ thiền định và quán tưởng

* Ngày nay, truyền thống vẽ Thangka được bảo tồn như thế nào? Việc duy trì các kỹ thuật truyền thống có gặp phải thách thức nào trong thế giới hiện đại hay không? 

- Tranh Thangka in bằng máy và các sản phẩm làm sẵn giá rẻ đang tràn ngập thị trường, thường chỉ có giá bằng một phần nhỏ so với những bức Thangka vẽ tay truyền thống. Hơn thế nữa, ngày càng có ít người trẻ sẵn sàng dành nhiều năm rèn luyện để trở thành họa sĩ Thangka thực thụ. Không nhiều bạn trẻ quan tâm đến truyền thống này; họ muốn tìm việc khác, theo đuổi ngành thời trang, hoặc di cư ra nước ngoài, đặc biệt là thanh niên Nepal. Chúng tôi đang nỗ lực đào tạo và truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ, chỉ ra cho họ thấy rằng con đường này cũng có thể là một sự nghiệp ý nghĩa và bền vững.

Chúng tôi cũng cố gắng thúc đẩy việc công nhận các nghệ sĩ Thangka cá nhân. Chúng tôi muốn ghi nhận công lao của người nghệ sĩ khi họ hoàn thành một bức Thangka – điều mà truyền thống xưa nay hiếm khi làm. Tranh Thangka thường không ghi tên tác giả, và người vẽ ít khi được biết đến. Nhưng đây là một hình thức nghệ thuật quý giá, và chúng tôi mong muốn bảo tồn truyền thống này một cách trang nghiêm.

Chúng tôi cũng muốn tôn vinh người nghệ nhân, chính họ đã sử dụng những vật liệu tốt nhất để cho ra đời những tác phẩm Thangka tinh xảo nhất. Các chất liệu truyền thống ngày càng đắt đỏ và khó kiếm, trong khi các chất liệu tổng hợp hiện đại tuy rẻ hơn nhưng lại làm giảm đi tính tâm linh và chất lượng thẩm mỹ của tác phẩm.

Chúng tôi là những người hành trì Phật pháp. Chúng tôi trân trọng nghệ thuật này và cả truyền thống phía sau nó. Những hình ảnh này là hình tượng thiêng liêng. Từ góc nhìn tâm linh, chúng tôi dấn thân vào việc bảo tồn nghệ thuật này, khuyến khích sự hành trì, và luôn tham khảo ý kiến các vị Khenpo và Lạt-ma để bảo đảm tranh có biểu tượng và chi tiết chính xác. Chúng tôi mong muốn những hình ảnh mà mình tạo ra là công cụ hỗ trợ hành trì chân chính, chứ không chỉ đơn thuần là đồ trang trí. Với lòng trân quý sâu sắc dành cho nghệ thuật Thangka, chúng tôi mong muốn thể hiện và gìn giữ nó theo cách trang trọng nhất có thể. 

 

Phổ Tịnh lược dịch, theo Lionsroar

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin