Nghi thức lễ Hằng Thuận ( tiếp theo )
16:16:00 - 17/12/2013
(PGNĐ) - Là người Phật tử, ai ai cũng mong muốn được sự chỉ giáo của chư Tôn đức Tăng Ni, và hộ niệm của mười phương chư Phật, nhất là trong dịp lễ Thành hôn. Vì đôi nam nữ Phật tử bắt đầu thành lập một gia đình mới, một cuộc sống mới với tinh thần tự lập, hướng đến hạnh phúc an lạc ổn định. Lễ Hằng thuận là dịp để tân lang và tân nương lắng nghe chư Tôn đức trân trọng truyền đạt những lời Phật dạy về đạo: làm vợ, làm chồng, làm dâu, làm rể, làm cha mẹ tương lai theo tinh thần kinh Thi Ca La Việt và các kinh dạy về đạo làm người mà Đức Phật đã dạy. Ngoài Phần Nghi thức, có thêm Phần phụ cũng rất cần để chư Tôn đức hướng dẫn cho quý Phật tử mới “ngồi sui” lần đầu còn nhiều bỡ ngỡ. Do đó, một lần nữa Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu đến chư Tôn đức Tăng Ni trụ trụ trì các tự viện và chư thiện hữu tri thức quyển Nghi thức lễ Hằng thuận này.
5. PHẦN PHỤ LỤC:
5.1. NGHI THỨC TRUYỀN TAM QUY NGŨ GIỚI
(Nếu tân lang, tân nương chưa thọ Tam quy ngũ giới, trong dịp này vị trụ trì nên bảo hai cháu phát tâm Quy y)
KHAI THỊ
Hai cháu lắng nghe:
Là người theo đạo Phật, thì cần phải quy y Tam bảo, để trở thành người Phật tử chính thức. Vì thế, hôm nay nhân dịp lễ Hằng thuận, hai cháu cần phải nhất tâm hướng về Tam bảo, để Quy y Thọ giới, đây là dịp để hai cháu xác nhận niềm tin và lời nguyện của mình đối với Đức Phật. Tuy nhiên, muốn quy y thọ giới, hai cháu cần phải sám hối cho thân khẩu ý được thanh tịnh.
Giờ đây, hai cháu hãy quỳ xuống chấp tay thành kính và nói theo thầy, để sám hối tội lỗi nghiệp chướng trong đời này cũng như nhiều kiếp về trước, hoặc cố ý gây ra hoặc vô tình phạm phải, đều cần phải sám hối cho thanh tịnh. Thầy đọc trước hai cháu lặp lại sau.
Đệ tử chúng con, chí tâm sám hối:
Từ vô thỉ tạo ra ác nghiệp,
Bởi tại vì tham độc sân si,
Gốc do thân, ngữ, ý nầy,
Con nay Sám hối bất kỳ trọng khinh.
Nam mô Cầu Sám Hối Bồ tát Ma ha tát.
(bài kệ này đọc 3 lần, mỗi lần 1 lạy) OO O
– Vừa rồi Hai cháu đã sám hối, ba nghiệp đều được thanh tịnh rồi; giờ đây mới được lãnh thọ Tam quy và Tam kiết, hai cháu hãy lắng lòng nghe kỹ, nói theo thầy để nhận lãnh.
Tân lang và Tân nương đáp:
– Mô Phật.
Chư Tăng (Ni) bảo:
– Đệ tử chúng con, xin nguyện suốt đời:
Quy y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng,
Quy y Phật là Đấng Lưỡng túc
Quy y Pháp là cách lìa dục
Quy y Tăng là bậc đáng kính
(Nói 3 lần, mỗi lần 1 xá) O
– Đệ tử chúng con suốt đời
Quy y Phật rồi, khỏi đọa địa ngục.
Quy y Pháp rồi, khỏi đọa ngạ quỷ.
Quy y Tăng rồi, khỏi đọa bàng sanh.
(Nói 3 lần, mỗi lần xá 1 xá) OO O
Hai cháu đã thọ Tam quy, Tam kiết rồi, giới thể đã tròn đủ, nên bước lên một bậc nữa là thọ Ngũ giới. Vậy trước khi thọ Ngũ giới hai cháu cần phải biết rõ Ngũ giới là gì?
– Ngũ giới là năm điều răn cấm như sau:
1 Không được giết hại chúng sanh, tức là không được tự tay giết, không được sai bảo người khác giết hoặc thấy chúng sinh bị giết mà sinh lòng hoan hỷ là phạm giới. Trường hợp Phật tử tại gia còn ăn mặn, nếu mua cá thịt làm sẵn, về nấu ăn thì không phạm giới, nhưng chỉ bảo người khác làm thịt con cá này hoặc con gà kia là phạm giới. O
2 Không được trộm cắp, tức là ruộng đất, nhà cửa, tiền bạc, của cải,v.v…thuộc quyền sở hữu của người khác, nếu người ta không cho mà mình cướp giựt, trộm cắp, hoặc cậy thế ỷ quyền mà lấy, hoặc lừa đảo tráo trở để lấy, cho đến bóc lột sức lao động của công nhân hoặc đi làm việc trễ giờ, đều thuộc về tội trộm cắp cả. O
3 Không được tà dâm, Phật dạy: Người Phật tử tại gia giữ năm giới, chỉ cấm tà dâm, tức là cấm chồng, cấm vợ lén lút tư tình, quan hệ bất chính. Nếu chưa kết hôn, phải giữ lễ nghĩa cho nghiêm, vì quan hệ tình dục trước hôn nhân cũng là tà dâm. O
4 Không được nói dối, nói dối tức là nói sai sự thật, không đúng sự thật. Nói dối có bốn hình thức:
a/ Nói không chân thật – Là nói không đúng với sự việc đã xảy ra. Ví dụ như: chuyện có nói không, chuyện không nói có; người tốt nói là xấu, người xấu nói là tốt, v.v... Nguy hiểm nhất là làm chứng gian dối, khiến người lương thiện bị hàm oan.
b/ Nói thêu dệt – Là dùng lời nói ngọt ngào hoặc cứng rắn nói thêm, nói bớt để xúi dục, thuyết phục người khác làm điều bất thiện.
c/ Nói lưỡi đôi chiều – Cũng gọi là nói “đòn xóc”nghĩa là đến người này nói chuyện xấu người kia, đến người kia nói chuyện xấu người này, gây mâu thuẫn hiểu lầm, chia rẽ giữa hai bên, khêu gợi đấu tranh lẫn nhau, làm cho tình nghĩa chia lìa.
d/ Nói lời thô ác – Là nói lời thô tục, độc ác như nguyền rủa, mắng nhiếc, nói nặng, nói nhẹ người khác. O
5 Không được uống rượu.
Vì rượu có khả năng làm người say mê, nghiện ngập nguy hiểm; uống rượu có hại cho sức khỏe, dễ nóng giận, dễ sinh bệnh tật, tai nạn nguy hiểm, gây nhiều lầm lỗi, phiền phức cho vợ con và hàng xóm.
Khi nào bệnh nặng, thầy thuốc bảo cần phải dùng thuốc rượu, thì được tạm dùng đến khi bình phục. Nhưng trước khi dùng, cần phải bạch cho chư Tăng chứng biết. Trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế chỉ có rượu là chất gây nghiện nguy hiểm, trong thời đại hiện nay, ngoài rượu còn có xì ke, ma túy, heroin, thuốc lắc, v.v… cực kỳ độc hại, nguy hiểm vô cùng. Căn cứ tinh thần giới này, người Phật tử không được sử dụng xì ke, ma túy, heroin và các loại gây nghiện độc hại khác.
Qua những lời giảng giải nêu trên, các vị đã biết rõ lợi ích của việc giữ giới, vì năm giới chính này chính là năm điều đạo đức căn bản xây dựng tư cách con người, xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội an ninh trật tự.
Phật chế ra năm giới này, để cho người tại gia thọ trì tu tập. Nếu ai giữ trọn năm giới, tức là giữ trọn nhân cách, kiếp sau được sinh vào gia đình nhân đức phú quý lễ nghĩa, khỏi đọa vào địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.
Do không có nhiều thời gian để giải thích đầy đủ về việc giữ gìn Ngũ giới và cũng chưa giảng dạy về ý nghĩa: Sám hối, Quy y Tam bảo. Vậy, sau lễ Hằng thuận này, hai cháu nên đăng ký học giáo lý, hoặc đến giảng đường nghe pháp và tự nghiên cứu tìm hiểu học hỏi thêm, để ứng dụng những lời Phật dạy vào cuộc sống, mang đến lợi ích thiết thực ngay trong cuộc đời hiện tại.
Bây giờ đây, quý thầy sẽ trao giới tướng cho hai cháu; vậy hai cháu phải chí thành lãnh thọ và giữ gìn cẩn thận chớ cho trái phạm. Hai cháu phải thành tâm chú ý lắng nghe cho kỹ mà nhận lãnh.
Sau khi quý thầy hỏi mỗi điều giới rồi, hai cháu phải thưa lớn lên: “Mô Phật, dạ giữ được”. Nếu giới nào chưa giữ được thì im lặng, tạm thời gác lại, khi đủ nhân duyên phải gìn giữ nghiêm túc.
Tân lang, Tân nương đáp:
– Mô Phật.
Giới sư nói tiếp:
– Các Phật tử hãy lắng nghe đây:
1/- Giới thứ nhất: “Không được giết hại chúng sanh”, các Phật tử có giữ được hay không?
Giới tử đáp:
– Mô Phật, dạ giữ được. O
2/- Giới thứ hai: “không được gian tham trộm cắp”, các Phật tử có giữ được hay không?
Giới tử đáp:
– Mô Phật, dạ giữ được. O
3/- Giới thứ ba: “không được tà dâm”, các Phật tử có giữ được hay không?
Giới tử đáp:
– Mô Phật, dạ giữ được. O
4/- Giới thứ tư: “không được nói dối, không nói lời thêu
dệt, không nói lưỡi đôi chiều và không nói lời thô ác”, các Phật tử có giữ được hay không?
– Mô Phật, dạ giữ được. O
5/- Giới thứ năm: “không uống rượu và các chất gây nghiện độc hại”, các Phật tử có giữ được hay không?
– Mô Phật, dạ giữ được. O
Quý Thiện nam Tín nữ! Các vị đã Quy y thọ giới rồi, kể từ hôm nay trở đi, quý vị phải tinh tấn siêng năng học hỏi giáo lý, rồi y theo đó mà tu hành. Hằng ngày, ăn uống nên kiêng: thịt trâu, thịt ngựa, thịt chó, thịt mèo v.v…Vì chúng là những gia súc thân cận có nhiều ân nghĩa với chúng ta. Đối với các động vật hoang dã được luật pháp bảo vệ, Phật tử cũng phải kiêng cữ. Ngoài ra, các vị cũng không nên dùng các loại gia vị như: hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu, vì chúng hôi nồng và kích thích lòng tham dục, sân hận. Để cho lòng từ bi tăng trưởng, quý vị nên phát nguyện ăn chay mỗi tháng ít nhất là bốn ngày, là mùng 1, 14, 15 và 30 hoặc 29 Âl, nếu tháng thiếu, nên khuyến khích cả nhà cùng ăn chay trong bốn ngày nêu trên, được như vậy rất tốt.
Trong những ngày sám hối, bố tát và các ngày lễ vía, quý vị nên về chùa lễ Phật, tụng kinh, nghe chư Tăng Ni giảng dạy. Khi đi, quý vị cần phải tắm gội sạch sẽ, ăn mặc trang nghiêm, kín đáo, màu sắc thanh nhã. Lúc vào các điện thờ thì đừng mang giày dép vì sợ mang đồ dơ bẩn vào mà có tội.
Ở nhà, quý vị nên lập một bàn thờ Phật, để chiêm ngưỡng và lạy Phật, tụng kinh, cho tăng trưởng phước lành. Về cách thờ, tụng thế nào cho đúng phép, thì quý vị nên xem trong quyển Phật học Phổ thông khóa thứ nhất hoặc thỉnh vấn chư Tăng, chư Ni.
5.2. TÁC BẠCH THỈNH TĂNG TÁC LỄ HẰNG THUẬN
(Chủ hôn hoặc ông sui Trai đọc, điển lễ đánh 3 hồi kiểng):
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch: chư Tôn Hòa thượng/Thượng tọa/Đại đức.
Đệ tử tên là ...., pháp danh ….thay mặt cho cho hai họ, họ…và họ…nay có duyên sự đầu thành đảnh lễ xin tác bạch. m(1 lạy, quỳ xuống đọc tiếp):
Nam mô A Di Đà Phật.
Kính bạch chư Tôn đức,
Hôm nay nhân ngày lành tháng tốt, được sự chấp thuận của cha mẹ và họ hàng hai bên:
- Tân lang…………pd,…..…..,….tuổi, là trưởng/thứ/quý nam của Phật tử…………………pd………………
- Tân nương…..........pd,……....,….tuổi, là trưởng/thứ/quý nữ của Phật tử……………….…..pd………………
kết duyên tơ tóc, nên nghĩa vợ chồng. Vâng lời chỉ giáo và được sự cho phép của HT (TT, ĐĐ) Bổn sư tổ chức lễ Hằng thuận.
Giờ đây, thời đã đến, duyên đã đủ, chúng con xin nhất tâm cung thỉnh chư Tôn đức đăng lâm bảo điện tác lễ Hằng thuận cho hai cháu được ân triêm công đức.
Nam mô Chứng Minh Sư Bồ tát Ma ha tát
(Chờ chư Tăng niệm Phật hứa khả xong, đọc tiếp):
Nam mô A Di Đà Phật.
Kính bạch, chư Tôn đức đã niệm Phật hứa khả rồi, chúng con thành tâm đảnh lễ cung thỉnh tam bái. (lạy 3 lạy, đứng lên).
5.3. TÁC BẠCH CÚNG DƯỜNG TRAI TĂNG
(Tân lang và Tân nương)
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch: chư Tôn Hòa thượng/Thượng tọa/Đại đức Tăng (Ni).
Đệ tử chúng con là:
- Tân lang………………..pháp danh………........., ….tuổi, là trưởng/thứ/quý nam của Phật tử………………pd…………
- Tân nương……………...pháp danh......................, ….tuổi, là trưởng/thứ/quý nữ của Phật tử………………...pd…………
nay có duyên sự đầu thành đảnh lễ xin tác bạch. (1 lạy, quỳxuống đọc tiếp):
Nam mô A Di Đà Phật.
Kính bạch chư Tôn đức,
Chúng con là hàng Phật tử tại gia, được may mắn thấm nhuần ơn Phật pháp và cảm ngộ ân giáo hóa của chư Tôn đức Tăng Ni, nên chúng con mới rõ được sự nhiệm mầu lợi ích của Ba ngôi báu, cũng như ân nghĩa sanh thành dưỡng dục bao la như trời biển của cha mẹ, khó bề đền đáp trong muôn một. Để làm tròn bổn phận “Nối dõi tông đường”, vâng lời cha mẹ đôi bên, hôm nay chúng con đã kết tóc se tơ nên duyên chồng vợ. Chúng con thành tâm phát nguyện: Trọn đời chung sống bên nhau một vợ một chồng, trọn lòng chung thủy và y theo lời Phật dạy trong Kinh Thiện Sanh làm tròn bổn phận của người Phật tử tại gia trong ngôi nhà Chánh pháp.
Chúng con xin hồi hướng phước báu này cầu nguyện Phụ mẫu tại đường phước thọ tăng long, đạo tâm tăng trưởng, vợ chồng chúng con cùng bá gia bá tánh được ấm no hạnh phúc, con thảo cháu hiền, đồng tâm hướng về Chánh pháp. Đồng thời chúng con xin nguyện cầu Cửu Huyền Thất Tổ nội ngoại gia tiên của chúng con và chúng sanh được siêu thoát u đồ, tiêu diêu Cực lạc.
Ngưỡng mong chư Tôn đức thùy từ chứng minh và hứa khả cho vợ chồng chúng con được ân triêm công đức.
Nam mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma ha tát
(chờ Quý Thầy ban đáp từ xong, đọc tiếp)
Nam mô A Di Đà Phật.
Kính bạch trên chư Tôn đức đã từ bi hứa khả rồi, lại ban cho những lời dạy bảo vô cùng quý báu về việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Vợ chồng chúng con xin nguyện y giáo phụng hành và thành tâm đảnh lễ cúng dường tam bái. (lạy 3 lạy, đứng lên, đi dâng cúng lễ vật)
5.4. KỆ DÂNG HOA QUẢ (2)
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh.
Thiện nam tín nữ chí thành,
Cầu xin Phật độ cho thành lứa đôi.
Các con dâng lẵng hoa tươi,
Trái cây thơm ngọt lòng vui dạt dào.
Hương trầm quyện tỏa bay cao,
Ngày thành hôn lễ, Phật trao lời vàng.
Đôi trẻ lạy Phật tâm an,
Nghe lời thầy dạy, Phật ban phước lành.
Nam mô Công đức lâm Bồ tát Ma ha tát (3 lần).
5.5. TIÊU CHUẨN CHỌN BẠN TRĂM NĂM
Có nhiều thanh niên nam nữ Phật tử băn khoăn nghĩ ngợi về việc chọn bạn trăm năm và nhờ tôi tư vấn. Theo tôi, các Phật tử lo lắng là chính xác, bởi cưới một cô vợ hay ưng một chàng trai làm chồng là một quyết định cực kỳ quan trọng trong đời người, nên cần phải bình tĩnh sáng suốt và thận trọng để lựa chọn, vì đây là người “bạn đời” sẽ chung sống với ta bên nhau đến suốt cuộc đời, không phải “ăn xổi ở thì”. Do đó, theo tôi việc chọn bạn trăm năm, cần phải có tiêu chuẩn tối thiểu, sau đây là 8 tiêu chuẩn cần phải có, được xem xét: từ thấp đến cao, từ thô thiển dễ nhìn dễ thấy đến tinh vi tế nhị:
1. DUNG MẠO: Tức là mặt mày vóc dáng. Đối tượng định chọn làm bạn “trăm năm” là người phải có khuôn mặt, vóc dáng tương xứng với mình. Mặt khác, dung mạo cũng phản ảnh phần nào tính tình nết na phẩm chất đạo đức của con người. Cho nên khi chọn dâu chọn rể, người xưa có tục: “Coi mắt nàng dâu, xem mặt chàng rể”. Tuy nhiên, cái đẹp cái duyên, tùy quan niệm thẩm mỹ của mỗi người, có khi đẹp với ta, nhưng xấu với người khác, chỉ cần ta cảm thấy khả ái dễ thương dễ mến, “hạp nhãn” là được.
2. TUỔI TÁC: Người Phật tử nên kết hôn trong độ tuổi từ 18 – 30, chẳng nên sớm hơn hoặc trễ hơn. Theo nghiên cứu của các nhà y học và xã hội học: Tuổi tác vợ chồng cũng không nên cách biệt quá xa, ảnh hưởng xấu đến tình cảm hạnh phúc gia đình. Nam nữ kết hôn và sinh con trong độ tuổi từ 25 – 28 là tốt nhất. Vì lúc đó con người đã trưởng thành chửng chạc, cơ thể đã hoàn thiện, sinh kế đã ổn định. Nếu kết hôn trước 18 tuổi là phạm luật Hôn nhân, nếu kết hôn tuổi muộn hoặc lớn tuổi mới sinh con, dù vợ chồng sống gương mẫu, chịu cực chịu khó, nhưng vì tuổi tác cách biệt quá lớn, không thể nắm bắt được tâm lý tình cảm của con cái, do đó việc nuôi nấng dạy dỗ con cái sẽ khó khăn và ít hiệu quả!
3. HỌC VẤN: Trình độ học vấn rất cần thiết trong nhiều lĩnh vực hoạt động, vì kiến thức chính là chìa khóa vàng mở cửa các kho tàng văn minh nhân loại, nhờ có kiến thức, chúng ta dễ sẽ thành công, dễ lập nghiệp, dễ thăng quan tiến chức, góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong sinh hoạt gia đình điều quan trọng hơn học vấn, chính là sự hiểu biết nhau, tôn trọng nhau, thông cảm với nhau và khôn khéo xử lý các tình huống khi va chạm với thực tế.
4. NGHỀ NGHIỆP: Kinh tế là huyết mạch của gia đình, muốn có cuộc sống ổn định, gia đạo bình an, nhà đất thịnh vượng, hạnh phúc lâu bền, cần phải có nghề nghiệp chân chính, nhờ đó mà sinh ra tiền của hợp pháp và hợp với đạo lý. Đồng thời phải biết cúng dường Tam bảo, phụng sự cha mẹ, giúp đỡ bà con, san sẻ người nghèo khó hoạn nạn. Được vậy chúng ta sẽ hưởng thụ được lâu dài.
5. SỨC KHỎE: Tục ngữ có câu: “Sức khỏe quý hơn vàng” thật vậy, có sức khỏe ta thấy cuộc đời đáng yêu hơn; vợ chồng hạnh phúc hơn; có sức khỏe ta có thể làm ra tiền của vàng bạc, nhà cửa ruộng vườn. Ngược lại, nếu ta đau bệnh triền miên hoặc bệnh nan y, thì tiền bạc chẳng có nghĩa lý gì? Thế nên ta phải biết giữ gìn sức khỏe, ăn ngủ chừng mực, làm việc và vui chơi vừa phải, tâm hồn lạc quan yêu đời. Do đó, khi chọn bạn trăm năm yếu tố sức khỏe và nề nếp sinh hoạt của người bạn cũng là điều rất đáng lưu ý.
6. TÍN NGƯỠNG:
a. Chúng ta là con nhà Phật, tổ tiên chúng ta từ hai ngàn năm trước đa phần cũng theo đạo Phật, chính quyền ngày nay cũng rất tôn trọng và hỗ trợ nhiều hoạt động Phật sự của đạo Phật. Đặc biệt nhất trong lịch sử nhân loại hiện đại, chỉ có ngày Đản sinh của Đức Phật là được thế giới tôn vinh ngưỡng mộ cao nhất. Ngày 15-12-1999 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã quyết định công nhận: “Đại lễ Vesak là lễ hội văn hóa và tôn giáo thế giới”. Đại lễ Vesak chính là ngày Đản sinh của Đức Phật; Đại lễ Vesak có nghĩa Đại lễ Tam hợp tức là cuộc lễ đánh dấu ba sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật là: Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn. Chúng ta, may mắn được theo đạo Phật là niềm vinh dự, niềm tự hào của chúng ta, dòng họ ta và dân tộc ta. Thế nên, người bạn đời của chúng ta phải là người theo đạo Phật. Những đứa con đứa cháu tương lai của chúng ta, cũng phải là những người Phật tử thuần thành chân chính. Phát tâm hộ trì Tam bảo
b. Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo đa tín ngưỡng, trong quan hệ xã hội mọi người vẫn thường tiếp xúc gặp gỡ nhau, từ đó dẫn đến nhân duyên lứa đôi khác tín ngưỡng. Trong trường hợp này, người Phật tử có bổn phận khuyến hóa bạn mình hướng về Tam bảo hoặc chọn giải pháp “Đạo ai nấy giữ”. Không được “cải đạo”. Nhưng qua thế hệ sau, người Phật tử có trách nhiệm hướng dẫn con cái của mình trở về với Tam bảo, tức là trở nguồn cội tâm linh của tổ tiên ông bà, bởi tổ tiên chúng ta xưa kia đều theo đạo Phật. Đạo Phật là đạo của dân tộc, luôn đồng hành cùng dân tộc và đã hiện diện trên đất nước này hơn hai ngàn năm lịch sử. Thế nên, mọi người cùng có trách nhiệm bảo tồn và phát huy Phật pháp.
7. TÍNH TÌNH: Người có tính tình ôn hòa nhã nhặn, ăn nói khôn khéo lịch sự sẽ dễ thu phục nhân tâm, dễ thành công trong giao tiếp, và công danh sự nghiệp. Trong hôn nhân đây là yếu tố rất quan trọng: “Ý hợp tâm đầu”, hai người “hạp nhau” nhờ đó mà tình chồng nghĩa vợ gắn bó keo sơn, yêu quý nhau nhiều hơn, cuộc sống có ý nghĩa và hạnh phúc hơn. Ngược lại, nếu tính tình không hòa hợp, sẽ sinh ra cãi vã, hờn giận, trách móc, có thể dẫn đến ly tán.
8. ĐẠO ĐỨC: đạo lý và đức hạnh, tức là những khuôn phép lề lối chuẩn mực ở đời do thánh hiền chỉ dạy, để mọi người noi theo. Theo nhân thừa Phật giáo, làm người Phật tử phải có lòng hiếu kính cha mẹ và giữ gìn năm giới. Năm giới này chính là năm điều đạo đức căn bản để hoàn thiện tư cách của một con người. Năm giới gồm có các điều như sau:
- Giới thứ nhất: Không được sát sinh.
- Giới thứ nhì: Không được trộm cắp.
- Giới thứ ba: Không được tà dâm.
- Giới thứ tư: Không được nói dối.
- Giới thứ năm: Không được uống rượu và không sử dụng các chất gây nghiện khác. (Xin mời quý vị tham khảo phần Nghi thức truyền Tam quy ngũ giới phía sau có giảng giải).
Nếu người nào vi phạm một trong năm giới nêu trên, đến mức phải ra cơ quan chính quyền xử phạt thì ta nên lánh xa họ, chớ có thân cận với họ, chớ có kết bạn trăm năm với họ, vì hạnh phúc gia đình tương lai sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Trong kinh Pháp cú, Đức Phật có dạy:
Chớ thân với bạn ác,
Chớ thân với tiểu nhân,
Hãy thân người bạn lành,
Hãy thân người quân tử (Pháp cú 78).
Tóm lại, hôn nhân là việc hệ trọng trong đời người không thể “Yêu cuồng sống vội”, dễ dàng “Thề non hẹn biển” với người mà mình chưa biết gì về cha mẹ, nhà cửa và nhân thân. Cần xin ý kiến nhận xét dạy bảo của cha mẹ và các bậc trưởng thượng. Trong 8 tiêu chuẩn nêu trên, đạo đức, tính tình và tín ngưỡng là những điều kiện then chốt. Riêng với nữ giới, còn phải đặc biệt lưu ý: không được dễ dãi trong quan hệ nam nữ. Nếu chưa thành hôn, tuyệt đối không trao thân gởi phận và phải thường tự dặn lấy mình:
Đêm khuya, gác bóng buồng the,
Ngọc vàng mình hãy nâng niu lấy mình.(Truyện Kiều)
Ngược lại, hậu quả sẽ khôn lường mà nữ giới bao giờ cũng chịu lắm thiệt thòi. Hãy cẩn thận!
5.6. HÔN LỄ NGÀY XƯA
Theo Văn Công Thọ Mai gia lễ, ngày xưa đàng Trai và đàng Gái muốn tiến đến hôn nhân, phải cử hành sáu lễ. Sách xưa có câu: “Lục lễ bất bị, trinh nữ bất xuất”. (Sáu lễ không đủ, trinh nữ không ra). Vậy sáu lễ ấy là những lễ gì?
Sáu lễ gồm những lễ nghi sau đây:
1. Lễ nạp thái: sau khi nghị hôn, nhà Trai mang sang nhà Gái một cặp “nhạn” hoặc cặp “ngỗng” để tỏ ý đã kén chọn ở nơi ấy. Vì nhạn và ngỗng là những loại vật có lòng chung thủy tuyệt đối.
2. Lễ vấn danh: là lễ do nhà Trai nhờ người làm mai mang trầu cau, hoa quả, bánh trà đến cúng Tổ tiên nhà Gái, hỏi họ tên, giờ ngày tháng năm sinh của cô gái và hỏi xem nhà Gái đã hứa hôn cô ấy với ai chưa. Đàng Gái có trách nhiệm ghi rõ các yêu cầu đó và trao cho người mai mối.
3. Lễ nạp cát: lễ báo tin lành cho nhà gái biết rằng đã chọn được quẻ tốt; tuổi, cung, mạng hai cháu hạp nhau, cưới nhau tốt. Nếu có gì xung khắc thì tìm cách hóa giải.
4. Lễ Nạp tệ: cũng gọi là Nạp trưng, là lễ nạp đồ sính lễ, gồm nữ trang, tiền bạc, hàng vải, v.v… cho nhà Gái làm bằng chứng cho sự hứa hôn chắc chắn.
5. Lễ Thỉnh kỳ: là lễ xin định ngày giờ tốt và các chi tiết làm lễ Thân nghinh.
6. Lễ Thân nghinh: tức lễ rước dâu hay lễ cưới, chính bản thân chú rể phải đến nhà đàng Gái để xin rước dâu. Đúng ngày giờ đã định, họ nhà Trai mang lễ đến để rước dâu về. Sau khi rước dâu về nhà, hai hoặc bốn ngày sau chú rể phải đưa vợ về làm lễ Phản bái, lễ này gồm có các tiết mục: dâng hương cúng bái Tổ tiên, vấn an sức khỏe cha mẹ vợ, dở mâm trầu cau của nhà Trai đưa sang hôm làm lễ cưới. Sau khi dở mâm trầu thì chính cô dâu đi biếu trầu cau cho bà con cô bác bên nàng và tỏ lời cảm ơn những người đã có công giúp đỡ trong những ngày nàng Vu quy xuất giá. Đây cũng là dịp chàng rể cùng vợ đi thăm và làm quen với bà con bên vợ.
5.7. HÔN LỄ NGÀY NAY:
Ngày nay, sáu lễ tuy không còn được áp dụng đầy đủ trong việc gả cưới, nhưng thông qua các cuộc gặp gỡ tiếp xúc liên lạc của cha mẹ đôi bên và đôi bạn trẻ, nó hàm chứa ý nghĩa của ba cuộc lễ: Nạp thái, Vấn danh và Nạp cát. Bây giờ, thông thường chỉ còn 2 lễ, là lễ Hỏi và lễ Cưới. Lễ Hỏi thì bao gồm lễ Nạp tệ và lễ Thỉnh kỳ. Lễ Cưới tức là lễ Thân nghinh hay cũng gọi là lễ: Nghinh hôn, Rước dâu,....
Để buổi lễ Hỏi và lễ Cưới được diễn ra trang nghiêm trọng thể, phù hợp với truyền thống dân tộc và xã hội hiện đại, xin mời quý vị tham khảo hai chương trình sau đây, rồi tùy hoàn cảnh thực tế mà gia giảm.
5.8. CHƯƠNG TRÌNH LỄ HỎI
Lưu ý chung về chương trình lễ Hỏi và lễ Cưới tại tư gia:
a. Đàng Trai, đàng Gái, mỗi bên cử một vị Chủ hôn. Chủ hôn có thể là ông sui Trai, ông sui Gái, hoặc là ông mai, bà mai, hoặc là người trưởng thượng trong họ hoặc trong làng. Vị này phải là người có uy tín, đạo đức tốt, đủ vợ đủ chồng, ăn nói vui vẻ khôn khéo lịch sự. Vị này còn có trách nhiệm phải bàn bạc với cha mẹ cô dâu chú rể về chi tiết cuộc lễ, chuẩn bị lời lẽ để mọi người phát biểu cho suôn sẻ.
b. Hành lễ ở họ nhà nào thì họ đó chủ trì buổi lễ. Khi ngồi, khi đứng thì chủ nhà bên trái, khách bên phải - từ trong nhìn ra. Khi đến chùa thì đàng Trai bên Trái, đàng Gái bên phải – Nam tả nữ hữu - từ ngoài đi vào.
c. Khi đến chùa làm lễ Hằng thuận hoặc khi đi chào bà con, chú rể bên trái, cô dâu bên phải – theo nguyên tắc : nam tả nữ hữu.
d. Lễ phẩm gồm: trầu cau, bông trái, 2 đôi đèn cầy, bánh trà, tiền bạc, nữ trang... Các lễ vật này đặt vào trong các mâm quả phủ khăn đỏ. Mỗi cái đều phải đủ đôi đủ cặp. Nhà đàng Gái phải nhớ lại quả cho đàng Trai, mỗi thứ tối thiểu là một cặp. Theo tinh thần giới luật nhà Phật, chúng tôi sẽ không đề cập đến rượu, mà thay vào đó là trà – Nước trà cúng Tổ tiên và đãi khách cần nóng và ngon miệng.
e. Tùy theo tập tục mỗi nơi, có cách lễ bái khác nhau, nhưng để tiện lợi cho người cao niên cũng như cô dâu chú rể khi lễ bái, chúng ta nên quỳ lạy.
f. Đàng Trai, khi đến nhà đàng Gái để làm lễ Hỏi, lễ Cưới trước phải thắp hương khấn Tổ tiên, kiểm tra và giao các mâm quả cho các phụ lễ. Riêng nữ trang, khi đến nhà đàng Gái mới để vào quả và phải có mặt ở nhà đàng Gái trước 1, 2 giờ đồng hồ trước khi chính thức cử hành lễ Hỏi hoặc lễ Rước dâu.
g. Về trang phục: Trong ngày vui của hai họ, cô dâu chú rể là hai nhân vật chính, cho nên cần có nhiều bộ trang phục phù hợp với lễ nghi và không gian của từng nơi. Ví dụ khi lễ Tổ tiên và lễ Hằng thuận, cô dâu chú rể nên mặc quốc phục tức là áo dài khăn đóng, nó có ý nghĩa vừa tôn vinh những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, vừa tiện lợi khi lễ bái. Khi đến nhà hàng chiêu đãi khách mời có thể mặc âu phục.
1. NHÀ TRAI ĐẾN NHÀ ĐÀNG GÁI.
(Khi đàng Trai đến cổng nhà đàng Gái, cử 02 người đại diện: Chủ hôn và 01 thanh niên bưng khay lễ vào rót “trà” ngỏ lời xin phép đàng Gái vào nhà để làm lễ Hỏi, đàng Gái nhận lời mời vào và ra cửa đón, phái đoàn nhà Trai trao các mâm quả lễ đàng Gái đón nhận, bưng vào đặt mâm quả lên bàn bày trước bàn thờ Tổ tiên).
2. PHÁI ĐOÀN VÀO NHÀ ĐÀNG GÁI.
Đại diện đàng Gái giới thiệu bên nhà Gái, đại diện đàng Trai giới thiệu bên nhà Trai. Đàng Gái phát biểu chào mừng, Đàng trai trình các mâm quả lễ Hỏi. Sau đó, hai họ dùng trà và thăm hỏi thân mật với nhau.
3. SỬA SOẠN NHANG ĐÈN, chờ đến giờ tốt tiến hành lễ Hỏi trước bàn Tổ tiên.
4. LỄ CÚNG ĐẤT ĐAI.
(Cúng Đất đai do ông sui Gái khấn với nội dung như sau):
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (xá 1 xá).
Kính thưa CHƯ VỊ THIỆN THẦN NGŨ PHƯƠNG NGŨ THỔ, CÁC VỊ CHỦ ĐẤT TỪ TRƯỚC ĐẾN NAY.
Hôm nay là ngày …., tháng …., năm…., con tên họ là ……,….tuổi, hiện ở nhà số…….cùng toàn thể gia quyến, thành tâm sắm sửa hương đăng hoa quả, làm lễ Hỏi:
- Hôn phu là trưởng/thứ/quý nam…….pháp danh….,…tuổi
- Hôn thê là trưởng/thứ/quýnữ………..pháp danh …,…tuổi
Nguyện cầu chư vị thiện thần linh thiêng chứng giám và gia hộ hai cháu: nên duyên chồng vợ, loan phụng hòa minh, sắt cầm hảo hợp, hạnh phúc miên trường, kiết tường như ý.
Nam mô A Di Đà Phật (xá 3 xá).
5. LỄ GIA TIÊN.
Người Chủ hôn đàng Gái:
Kính thưa quý cụ ông, quý cụ bà, cô bác, anh chị bà con hai họ,
Kính thưa quý quan khách và cô bác, anh chị hiện diện
Hôn nhân là việc thiêng liêng cao cả, do nhân duyên phước báu nhiều đời, sự độ hộ của Tổ tiên ông bà và sự chấp thuận của cha mẹ đôi bên mà hai cháu nên duyên chồng vợ.
Giờ đây, trong không khí trang nghiêm thành kính, chúng ta cùng đôi trẻ nhất tâm hướng lên ơn trên để tỏ lòng thành kính và hiếu thảo. Chủ hôn cầm 3 cây nhang lớn khấn:
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Hôm nay là ngày … tháng…. năm…., nhằm ngày…tháng...năm…, chúng con thành tâm sắm sửa hương đăng hoa quả thiết lễ Đính hôn cho hai cháu:
- Hôn phu…………pháp danh ……….,…tuổi, là trưởng/thứ/quí nam của ông ………….. và bà … tại tư gia số: ………………(địa chỉ đầy đủ)
- Hôn thê ………… pháp danh ………,…tuổi, là trưởng/thứ/quí nữ của ông …………..và bà …….tại tư gia số: ………………(địa chỉ đầy đủ)
Kính cẩn nguyện cầu Hoàng Thiên Hậu Thổ, chư vị Hỷ Thần và Cửu Huyền Thất Tổ linh thiêng chứng giám, từ bi gia hộ đôi trẻ: mạnh khỏe an vui, trên thuận dưới hòa, phát tài phát lộc, hạnh phúc miên trường, kiết tường như ý.
Chúng con tin rằng giờ đây Hoàng thiên Hậu thổ và Cửu Huyền Thất Tổ đang hoan hỷ chứng kiến lễ Đính hôn của hai cháu. Chúng con nguyện xin ơn trên hộ trì cho cuộc sống mới của hai cháu, dẫn dắt hai cháu trên các nẻo đường đời.
Chúng con thành tâm kính bái.
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ tát, Ma ha tát
(Đọc 3 lần, xá 3 xá. Phụ lễ tiếp nhang cắm vào giữa lư hương ngay ngắn, mọi người đồng xá 1 xá, quỳ lạy 4 lạy).
5.9. CHƯƠNG TRÌNH LỄ CƯỚI
1. NHÀ TRAI ĐẾN NHÀ ĐÀNG GÁI.
(Khi đàng Trai đến cổng nhà đàng Gái, cử 02 người đại diện: Chủ hôn và 01 thanh niên bưng khay lễ vào rót “trà” ngỏ lời xin phép đàng Gái vào nhà để làm lễ Rước dâu, đàng Gái nhận lờimời vào và ra cửa đón, phái đoàn, nhà Trai trao các mâm quả lễđàng Gái đón nhận, bưng vào đặt mâm quả lên bàn bày trước bàn thờ Tổ tiên)
2. Sau khi sắp đặt các mâm quả, hai họ cùng tiến về bàn thờ, họ đàng Gái là chủ thì đứng bên trái từ trong nhìn ra, họ đàng Trai là khách thì đứng bên phải từ trong nhìn ra.
3. Đại diện đàng Gái giới thiệu bên nhà Gái, đại diện đàng Trai giới thiệu bên nhà Trai và trình bày lễ phẩm rước dâu. Đại diện đàng Gái phát biểu chào mừng, chấp nhận lễ phẩm rước dâu. Sau đó hai họ trở về bàn dùng trà và thăm hỏi thân mật với nhau.
4. HAI NGƯỜI PHỤ LỄ sửa soạn nhang đèn, chờ đến giờ tốt cúng Đất đai và tiến hành lễ cúng Tổ tiên để xin rước dâu.
5. CÚNG ĐẤT ĐAI do ông sui Gái khấn với nội dung như sau:
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (xá 1 xá).
Kính thưa CHƯ VỊ THIỆN THẦN NGŨ PHƯƠNG NGŨ THỔ, CÁC VỊ CHỦ ĐẤT TỪ TRƯỚC ĐẾN NAY.
Hôm nay là ngày…., tháng …., năm…., con tên họ là……, ... tuổi, hiện ở nhà số ……. cùng toàn thể gia quyến, thành tâm sắm sửa hương đăng hoa quả, làm lễ Vu quy/Tân hôn:
- Tân lang là trưởng/thứ/quý nam ……pháp danh.…...,…tuổi.
- Tân nương là trưởng/thứ/quý nữ……pháp danh……,…tuổi.
Nguyện cầu chư vị thiện thần linh thiêng chứng giám và gia hộ hai cháu: nên duyên chồng vợ, loan phụng hòa minh, sắt cầm hảo hợp, hạnh phúc miên trường, kiết tường như ý…. (có khấn thêm tùy sở cầu sở nguyện)
Nam mô A Di Đà Phật (xá 3 xá).
6. Đại diện đàng Trai ngỏ lời xin làm lễ Tổ tiên để rước dâu. Đại diện đàng Gái nhận lời. Hai họ cùng tiến về bàn thờ phân ngôi chủ khách đứng qua hai bên.
7. TRÌNH DIỆN CÔ DÂU (Hai họ tề tựu trước bàn thờ Tổ tiên, mẹđưa cô dâu ra trình diện hai họ).
· Dâu rể đứng đối diện, chấp tay cúi đầu chào nhau.
· Chú rể tặng hoa cho cô dâu.
· Cô dâu chú rể cúi đầu chào nhau và xá chào hai họ.
8. LỄ GIA TIÊN.
Chủ hôn nhà Gái tuyên bố:
Trước bàn thờ, dâu rể làm lễ Vu quy/Tân hôn (1)
Trong gia đình, thân thích hân hoan chúc tụng.
- Kính thưa quý cụ ông, quý cụ bà, cô bác, anh chị bà con hai họ.
- Kính thưa quý quan khách, quý cô bác, anh chị hiện diện.
Hôn nhân là việc thiêng liêng cao cả, do nhân duyên phước báu nhiều đời, sự độ hộ của Tổ tiên ông bà và sự chấp thuận của cha mẹ mà hai cháu nên duyên chồng vợ.
Giờ đây, trong không khí trang nghiêm thành kính, chúng ta cùng đôi trẻ nhất tâm hướng lên ơn trên để tỏ lòng thành kính, hiếu thuận của chúng ta. (Chủ hôn cầm đôi đèn long phụng quay ra sân kính cẩn xá Trời đất 3 xá, quay vô bàn thờ Tổ tiên xướng):
Đèn long phụng vừa thắp
Soi sáng khắp mười phương
Lòng chúng con cũng thế
Dâng cúng cõi tam thiên.
(xá 3 xá, hai người phụ lễ tiếp đôi đèn cắm lên hai chưn đèn, chủ hôn và mọi người đồng xá 1 xá, quỳ lạy 4 lạy, kế đến Chủ hôn đàng Gái cầm 3 cây nhang khấn lớn):
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Hôm nay là ngày…tháng….năm…, nhằm ngày…tháng năm…,(nên nói ngày âm trước, ngày dương sau)
Chúng con thành tâm sắm sửa hương đăng hoa quả bánh trà thiết lễ Vu quy/Tân hôn cho: (2)
- Tân nương……pháp danh……,…tuổi là trưởng/thứ/quí nữ của ông…………và bà …. ...tại tư gia số:………….
(địa chỉ đầy đủ).
Kết duyên cùng với:
- Tân lang……pháp danh…….,…tuổi, là trưởng/thứ/quí nam của ông …..và bà …. …tại tư gia số:…………….
(địa chỉ đầy đủ).
Kính cẩn nguyện cầu Hoàng Thiên Hậu Thổ, chư vị Hỷ Thần và Cửu Huyền Thất Tổ linh thiêng chứng giám, từ bi gia hộ đôi trẻ: mạnh khỏe an vui, trên thuận dưới hòa, phát tài phát lộc, hạnh phúc miên trường, kiết tường như ý.
(1) Tại nhà đàng Gái gọi là Vu quy, khi về nhà đàng Trai thì gọi là Tân hôn.
(2) Khi về nhà đàng Trai thì đọc tên Tân lang trước, Tân nương sau.
Chúng con tin rằng giờ đây Hoàng thiên Hậu thổ và Cửu huyền thất tổ đang hoan hỷ chứng kiến lễ Thành hôn của hai cháu. Chúng con nguyện xin ơn trên hộ trì cho cuộc sống mới của hai cháu, dẫn dắt hai cháu trên các nẻo đường đời.
Chúng con thành tâm kính bái (xá 3 xá, phụ lễ tiếp nhang cắm vào giữa lư hương ngay ngắn, mọi người đồng xá 1 xá, quỳ lạy 4lạy).
9. TRAO NỮ TRANG, Mẹ chồng đeo các món nữ trang cho cô dâu, riêng nhẫn cưới thì đem vào chùa để chư Tăng chú nguyện, để chú rể và cô dâu đeo nhẫn cưới cho nhau trong lễ Hằng thuận. Bà con họ hàng của cô dâu trao quà lưu niệm, tặng phong bì hoặc tặng nữ trang (nên ghi rõ vai vế, tên họ người tặng kèm theo lời chúc mừng) cho cô dâu.
10. NGHI LỄ GIAO ƯỚC HAI HỌ:
a. Chủ hôn đàng Gái/Trai trân trọng tuyên bố: Giờ đây hai họ, họ (Lý) và họ (Trần) ... đã trở thành họ hàng, thân tộc với nhau qua cuộc hôn nhân của cháu.... và cháu… Xin kính mời hai họ cùng uống chung trà giao ước (* Theo tục lệ dân gian thì dùng rượu giao ước, người thọ Phật giới nên dùng trà thay rượu thì hợp đạo lý hơn).
b. Và cũng từ giờ phút này, cháu... và cháu… đã chính thức trở thành vợ chồng trước mặt gia tộc hai bên và được chính quyền địa phương công nhận, đây là niềm vinh dự lớn của hai họ. Xin chúc hai cháu:
Trăm năm nghĩa thắm tình nồng,
Tròn duyên tròn nợ một lòng sắt son.
Xin mời hai cháu cùng uống chung trà giao ước.
11. Tân lang và Tân nương cùng hái 4 trái cau, 4 lá trầu đặt vào dĩa dâng lên bàn thờ Tổ tiên, xá 3 xá và quỳ lạy 4 lạy (Khi lạy, hai cháu dùng tay trái đỡ khăn đóng trên đầu, khi hái trầu cau phải kín đáo, không được dở hẳn khăn phủ mâm trầu cau). Và hướng vào nhau lạy 1 lạy “phu thê giao bái”. Đây cái lễ tương kính, vợ chồng cùng tôn trọng quý kính nhau, có lẽ đây là cái lạy đầu tiên cũng là cái lạy cuối cùng, vì chỉ có một lần “giao bái” mà thôi? Tập tục này nên giữ, không nên bỏ.
12. Cô dâu và chú rể bưng trà mời: ông bà cha mẹ cô bác dùng trà và lạy tạ ơn mỗi người hai lạy hoặc mỗi bên hai lạy. Đây là lễ nghi cần có, không nên bỏ qua. Trong dịp này, những lời khuyên răn dặn dò của cha mẹ hết sức quan trọng. Do đó, các bậc làm cha mẹ nên chuẩn bị lời lẽ đạo lý để dạy bảo con gái và con rể của mình, cũng như con trai và con dâu của mình.
* Lưu ý: Khi rước dâu về nhà đàng Trai thì không cần chọn giờ.Tiến hành các lễ theo mục: 5, 8, 9, 10. Riêng mục 9 thì mẹ chồng không phải đeo thêm nữ trang cho con dâu, nhưng bà con đàng Trai thì nên trao quà lưu niệm, tặng phong bì hoặc tặng nữ trang(nên ghi rõ vai vế tên họ người tặng kèm theo lời chúc mừng)cho cô dâu chú rể, càng nhiều càng tốt.
Sau lễ Thành hôn của đôi trẻ, đàng Trai nên công khai tài chính, lập danh sách khách đã tặng quà và trao lại hết cho cô dâu chú rể để làm kỷ niệm, sử dụng và xã giao trả lễ sau này. Nhà đàng Trai đã cưới dâu cho con của mình thì không nên tính chuyện “thu hồi vốn” mới là cao thượng.
5.10. LỜI KHAI MẠC TIỆC CƯỚI
(Chủ hôn hoặc ông sui Trai)
- Kính thưa quý cụ ông, quý cụ bà, cô bác, anh chị bà con hai họ.
- Kính thưa quý quan khách, quý cô bác, anh chị hiện diện.
Tôi tên là .......pháp danh ......xin có đôi lời cùng quý vị.
Kính thưa quý liệt vị.
Hôm nay là ngày ... tháng ... năm ......., nhằm ngày ... tháng ... âm lịch là ngày lành tháng tốt, được cha mẹ đôi bên tác hợp lương duyên cho:
- Tân lang là trưởng/thứ/quí nam……của ông bà………
sánh duyên cầm sắt với:
- Tân nương là trưởng/thứ/quí nữ.…..của ông bà………
Trước hết, tôi xin thay lời hai họ, gởi đến quý quan khách, quý cô bác anh chị và bạn bè xa gần lời chào mừng trân trọng nhất(chờ vỗ tay xong, nói tiếp).
Kính thưa quý liệt vị.
Thể theo truyền thống của dân tộc, từ xưa đến nay, trai lớn lên phải cưới vợ, gái lớn lên phải lấy chồng, để xây dựng gia đình hạnh phúc an vui, nối dõi nối dòng để đời đời được hưng thịnh, làm rạng rỡ tông môn của hai nhà. Bởi thế cho nên sau một thời gian tìm hiểu của đôi trẻ, gia đình hai bên nhận thấy hai con của chúng tôi có lòng yêu thương chân thành tha thiết, ý hợp tâm đầu, có thể chung sống với nhau đến ngày răng long tóc bạc. Vì vậy, chúng tôi quyết định làm lễ Thành hôn, để hai con chính thức nên vợ thành chồng.
Hôm nay, hai họ chúng tôi rất vui mừng được đón tiếp quý quan khách và thân bằng quyến thuộc xa gần nhín chút thì giờ quý báu dời gót đến đây để chúc mừng cho hai con của chúng tôi. Chúng tôi rất hãnh diện và xúc động trước sự quan tâm, sự hiện diện quý báu của quý vị.
Trân trọng chào mừng và kính chúc quý vị được dồi dào sức khỏe, công ăn việc làm luôn được thành tựu viên mãn. Chúc quý vị có được bữa tiệc thân mật, vui vẻ. Đồng thời xin gởi đến hai cháu lời chúc mừng:
Trọn duyên nợ trăm năm hảo hiệp,
Vẹn thủy chung hạnh phúc trọn đời.
Trên tinh thần ý nghĩa đó, chúng tôi xin tuyến bố khai mạc (chờ vỗ tay xong, nói tiếp):
- Xin kính mời quý vị cùng nâng ly chúc mừng niềm vui chung của chúng ta.
5.11. LỜI CẢM TẠ
(Chủ hôn hoặc ông sui Gái)
- Kính thưa quý cụ ông, quý cụ bà, cô bác, anh chị bà con hai họ.
- Kính thưa quý quan khách, quý cô bác, anh chị hiện diện.
Chiều nay quả thật là một ngày vui, một ngày đáng ghi nhớ trong hai gia đình của chúng tôi, khi chúng tôi được hân hạnh đón tiếp quý vị quan khách, quý cô bác anh chị và các bạn chẳng quản tuổi già sức yếu, công việc bận rộn, đường sá xa xôi, đáp lời thỉnh mời của chúng tôi quang lâm tham dự bữa tiệc thân mật, đánh dấu ngày Thành hôn của hai con của chúng tôi là:
- Tân lang……………pháp danh, ………,…tuổi,
- Tân nương………... pháp danh, ……….,…tuổi.
Hai gia đình chúng tôi hết sức cảm kích, xin chân thành tri ân sự hiện diện quý báu của quý vị.
Trong buổi lễ Thành hôn và trong buổi tiệc thân mật chiều nay, chúng tôi đã cố gắng hết sức, nhưng không sao tránh khỏi những điều sơ suất ngoài ý muốn, chúng tôi mong quý vị niệm tình hoan hỷ bỏ qua, xin kính chúc quý vị sức khỏe dồi dào, gia đình tràn đầy hạnh phúc.
5.12. Mẫy giấy CHỌN NGÀY HÔN LỄ
5.13 Mẫu THIỆP THỈNH
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
THIỀN VIỆN QUẢNG ĐỨC
294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa Q.3, TPHCM
Mẫu |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Tp.Hồ Chí Minh, ngày ...tháng ...năm 2008
|
THIỆP THỈNH
Kính gởi: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ..
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch: Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni
Nhân dịp lễ Hằng thuận của hai Phật tử :
-
-
Thay mặt Bổn tự và gia quyến, chúng tôi thành tâm cung thỉnh chư Tôn đức từ bi chấn tích quang lâm: Thiền viện Quảng Đức vào lúc..... giờ.... ngày....tháng ....Mậu tý (nhằm chủ nhựt, ..-...-...2008), để chứng minh và tác lễ Hằng thuận
Kính mong chư Tôn đức từ bi hứa khả để hai Phật tử và hai họ được ân triêm công đức.
Nam mô Công Đức Lâm Bồ tát Ma ha tát.
Thay mặt Bổn tự và gia quyến,
TRỤ TRÌ
Hòa thượng THÍCH HIỂN PHÁP
|
|
5.14. Mẫu Giấy chứng nhận LỄ HẰNG THUẬN
GIẤY CHỨNG NHẬN
LỄ HẰNG THUẬN
Thiền viện Quảng Đức chứng nhận Phật tử:
Tân lang:.................. , pháp danh:..................... , ...... tuổi,
Tân nương:............... , pháp danh:..................... ,....... tuổi.
Địa chỉ:...............................................................................
Đã làm lễ Hằng thuận – phát nguyện một vợ một chồng, trọn lòng chung thủy, giữ gìn Năm giới, làm người Phật tử chân chính, để cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc an vui.
Nay Bổn tự cấp giấy này để hai Phật tử kỷ niệm và tùy nghi sử dụng.
LƯƠNG PHU
(Ký và ghi rõ họ tên)
Số: . . . .GCN/TVQĐ |
HIỀN THÊ
(Ký và ghi rõ họ tên)
|
TM. THIỀN VIỆN QUẢNG ĐỨC
TRỤ TRÌ
(Ký tên, đóng dấu)
Hòa thượng THÍCH HIỂN PHÁP
|
6. TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. HT. Thích Thiện Hòa - Nghi thức Lễ Thành hôn, nhà in Sen Vàng Sài Gòn 1971.
2. HT. Thích Thiện Hòa - Giới Đàn tăng, nxb TPHCM 1999.
3. HT. Thích Minh Châu - Kinh Lời vàng (Dhammapada), nhà in Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn, PL 2513 (1969).
4. HT. Thích Nhất Hạnh - Nghi thức tụng niệm, nxb Lá Bối, 1994.
5. Tỳ kheo Thích Chơn Không - Kinh Tam bảo Thông dụng (dịch nghĩa), nxb Tôn Giáo, 2005.
6. Tỳ kheo Thích Chơn Không - Nghi thức tụng Mông sơn Thí thực, nxb Tổng Hợp TPHCM 2007.
7. Tỳ kheo Thích Chơn Không - Nghi thức tụng kinh Phước đức, nxb Tổng Hợp TPHCM 2007.
8. GS. Dương Quảng Hàm - Văn học Việt Nam, nxb Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn 1961.
9. Toan Ánh - Nếp cũ Tín ngưỡng Việt Nam, nhà in Kim Lai Ấn Quán, Sài Gòn 1967.
10.Viết An - Phong tục Cổ truyền Việt Nam và các nước, nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội 2003.
11.Tôn Thất Bình - Đời sống trong Cung đình triều Nguyễn, nxb Thuận Hóa, 1996.
12.Mã Giang Lân - Tục ngữ Ca dao Việt Nam, nxb Giáo dục, 1993.
13.Lê Đức Lợi - Đối liễn (Hán, Nôm), nxb Thuận Hóa, 2005.
14.Website: vi.wikipedia.org/wiki/Lễ_cưới_người_Việt
15.Website: giacngo.online
16.Website: phattuvietnam.net
17.Website: daophatngaynay.com
18.Website: chuahoangphap.com.vn
7. PHƯƠNG DANH PHẬT TỬ PHÁT TÂM ẤN TỐNG NGHI THỨC LỄ HẰNG THUẬN:
TT. THÍCH CHƠN KHÔNG, MINH HUỆ, DIỆU LIÊN, DIỆU LỘC Hồ Ngọc Mai, VÂN NGỌC, DIỆU HẢI Q8, HUỆ HÀ Bình Tân, Âu Kiến Hà, Nguyễn Đức Tiến, DIỆU ÁI, Đặng Xuân Khu, Đặng Nguyễn Phi Long, Diệu Thắng, Nguyễn Hữu Thành, Nguyễn Hữu Thanh Bình, Nguyễn Hữu Tuấn Nam, PHƯỚC LỢI Nguyễn Mạnh Dũng, HUỆ BỔN, HUỆ LOAN, HUỆ TÚ, PHƯỚC LỢI Doãn Hồng Thắng, HUỆ DƯỠNG, Nguyễn Thị Thúy Lan, CHÂU ĐỨC CHÁNH, Như Châu Ngọc Bích, Như Hoàng Tuấn Huy, Như Trúc Ngọc Mai, AN HỒNG, CHÁNH LẠC, CHIẾU CẦU, CHIẾU ĐẠO, CHƠN HUYỀN ĐÀM, CHÚC NGHIÊM, DIỆU BẢO, DIỆU CHƠN, DIỆU ĐỘ, DIỆU HÀ F15 Q10, DIỆU HẠNH Q3, DIỆU HẢO, DIỆU HẬU, DIỆU HOẰNG, DIỆU HUYỀN, DIỆU HƯỞNG, TỬ BỬU, DIỆU LIÊN 6, DIỆU LINH, DIỆU NGUYÊN, DIỆU NHÀN Q8, DIỆU NHỰT, DIỆU QUẾ, DIỆU TÂM 6, DIỆU TÂM F1, DIỆU THIỆN, DIỆU THỌ F3 Q10, DIỆU THỌ Thụy Sĩ, DIỆU THOẠI, DIỆU TÍN F6, DIỆU VIÊN, ĐỒNG PHƯỚC, HOA MINH, HUỆ BẠCH, HUỆ BẢO, HUỆ CÁC, HUỆ CHÚC, HUỆ CHÂU, HUỆ DUYÊN, HUỆ ĐỨC, HUỆ GIẢI, HUỆ HÀ F6, HUỆ HỒNG F13, HUỆ KIM, Vương Bình, HUỆ LẠC, HUỆ NỮ Ngọc Nữ, HUỆ SƠN, HUỆ TÁNH F6, HUỆ TÂM F2, HUỆ TẤN F5, HUỆ TIẾN F5, HUỆ TỪ, HUỆ THỜI, HUYỀN AN, HUỲNH NGUYỆT HƯƠNG, KHÁNH MỸ, MÃ HÙNG, MÃN HIỀN PHÚ, MỸ MINH, NGÔ NGỌC YẾN, NGUYÊN SẮC, NGUYỄN THỊ HUỆ, (thầy) PHÁP MINH , PHƯỚC DŨNG, PHƯỚC KỲ, PHƯỚC LỘC Thuận Phát, PHƯỚC QUANG, PHƯỚC TÀI, QUÁCH NAM, TẮC LAN, TÂM ANH, TÂM HOA, TÂM TRI Ngọc Yến, TỊNH BÁCH, TỊNH CHI, TỊNH HẢI F5, TỊNH HÒA, TỊNH KIỀU, TỊNH MÃN, TỊNH NHÀN Q8, TỊNH NHẪN, TỊNH QUÝ, TỊNH SƯƠNG, TỊNH TUYẾT, TỊNH TỪ, TỊNH THIỆN, THANH CHIỂU, THANH HẬU Thanh Danh, THỊ NHO, THIỆN THÀNH, GIÁC QUANG, TRẦN THỊ HOÀNG OANH, HUỆ LINH Diệp Cẩm Linh, HUỆ CẨM Diệp Tiên Cẩm, DIỆU HƯƠNG Huỳnh Thị Hoa.
Nhất tâm cầu nguyện quý Phật tử và bửu quyến: phước huệ song tu, thân tâm an lạc, vạn sự kiết tường, tùy tâm mãn nguyện. Cửu huyền thất tổ, nội ngoại hai bên, siêu thăng Tịnh Độ. Pháp giới chúng sanh, đồng thành Phật đạo.
|
- Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
Thiền học Luy Lâu không còn, và nên không còn được hiểu là khởi nguyên của Thiền học Việt Nam, mà là suối nguồn của Thiền học Việt Nam. Có lẽ Phật giáo Việt Nam cần trở về cội nguồn của Luy Lâu và Yên Tử để tìm thấy mình và bắt gặp lại niềm tin và tự hào lịch sử trước khi có thể mở ra hướng phát triển cho hiện tại.
- Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
"Nói đến cuộc sống là vô biên không thể kể xiết nào là vui buồn, khổ đau, hạnh phúc, mệt nhọc, sung sướng… nhưng điều tất yếu là ta phải biết nhận diện nó, để rồi chuyển hoá nó thì tự nhiên cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, thong dong hơn, đừng nói gì đến “Mỗi lần nêu ra một lần mới”. Ví như ban nãy tôi đang đứng giữa trời đất đưa tay chỉ bầy chim én bay lượn trên cao, tay vừa đưa lên thì chúng đã bay xa. Cho nên mỗi chúng ta đừng vội vàng đi tìm cầu mà hãy trân quý cuộc sống trong hiện tại cho thật thi vị nhiệm mầu". (Trích Tâm quán tình người, Thích Pháp Bảo)
- Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
Trong các loài hoa báo xuân thì mai là người gõ cửa, khi chỉ mới vào độ đầu tháng Mười một âm lịch đã thấy lác đác những nụ mầm bật lên, e ấp trong gió đông còn đang xám xịt giữa cô liêu rét buốt, ẩm ướt mưa phùn. Nhưng, phải đợi đến tận những ngày cuối tháng Chạp, mai mới ủ đủ nhựa cho một đợt mãn khai đón Tết đến, xuân về.
- Đôi dòng xúc cảm
Từng lời, từng câu, từng chữ trong bài: Đôi dòng xúc cảm của tác giả Minh Hà đều chất chứa biết bao tình cảm thiêng liêng của người viết. Nó dường như mang nặng trong lòng của những người con Phật về bốn ân to lớn trong đời sống của mình, đó là ân Quốc gia, xã hội; ân Sư trưởng; ân phụ mẫu và ân vạn loại chúng sinh. Từ đây, tác giả đã bước chân vào con đường đạo, từ bỏ mọi danh lợi thế gian, sống một đời sống phạm hạnh, tri túc thường lạc, với mong muốn giản dị là đem lại sự an vui và hạnh phúc mọi người.
- 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
- Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
Có một ngôi chùa, nhân vì thờ một xâu chuỗi Phật Tổ từng đeo mà nổi tiếng.
- Em nên đi tu hay lấy chồng?
Dù em là ai đi chăng nữa, nhưng trong em luôn có tâm thiện, sống có đạo đức thì đó chính là mình có hiếu với bố mẹ rồi. Nói chung, việc báo hiếu nó biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau em ạ. Chứ không phải đi tu là bất hiếu, và lập gia đình là có hiếu đâu em nhé.
- Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
Trong diễn văn của Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết tại buổi khai mạc Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình Hà Nội, sáng ngày 14.5.2008 đã khẳng định:
- Bình an giữa cuộc đời
Bình yên không có nghĩa là đi đến một nơi không có tiếng ồn, không có khó khăn, không cực nhọc. Bình yên là giữa một không gian yên ả, thanh bình, chỉ có tiếng chuông chùa buông trong thinh không làm tâm ta tĩnh lặng, dễ chịu. Bình yên là khi ta biết tìm về với Phật, tìm về nương náu dưới ngôi Tam Bảo để tu thân hành thiện, để cho cuộc đời mình sống có ý nghĩa hơn.
- Ăn và Đạo Pháp
Ăn cũng là một giải pháp của tiến hoá trong mục đích duy trì sự tuôn chảy của dòng sông sự sống vô hình, bằng cách các sinh vật phải chiếm đoạt sinh-khối của nhau để duy trì cuộc sống. Hiện tượng này tạo thành khái niệm sinh học về "chuỗi thức ăn" hoặc "tháp thức ăn" trong sinh quyển . Ăn là hiện tượng tự nhiên như nó là, ăn là một điều-kiện-tính của tồn sinh và ăn đã điều-kiện-hoá sự tồn sinh của mọi cá thể, mọi loài sinh vật.
|