Chi tiết tin tức

Lý giải phong tục 'vay trả' Đền Bà Chúa Kho để làm giàu dịp đầu xuân

09:46:00 - 05/03/2015
(PGNĐ) -  Có thể nói, trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt hiếm có ngôi đền nhỏ nào lại thu hút được nhiều khách thập phương, đặc biệt là giới kinh doanh, buôn bán như đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh). Để có cái nhìn chính xác hơn, cũng như giúp mọi người có được tâm lý, sự chuẩn bị chu đáo nhất trong việc sắm lễ cũng như cầu khấn tại đền, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Ban quản lý tại ngôi đền “linh thiêng” này.  

“Vay trả” khi đi đền bà chúa kho

Cả tháng Giêng, cụ thể là từ sau khi kim đồng hồ chuyển qua thời khắc giao thừa giữa năm cũ và năm mới, người dân ở khắp mọi nơi trong cả nước đã kéo đến đền Bà Chúa Kho nườm nượp. Trong không khí tưng bừng ấy, có người đến để cầu tài, cầu lộc, cầu bình an. Nhưng đa phần mọi người đến để “vay vốn” Bà Chúa Kho bằng niềm tin, để có một năm vốn liếng dồi dào, niềm tin mạnh mẽ. Với mong muốn duy nhất đó chính là có được vốn làm ăn dồi dào, may mắn…Tuy nhiên, không phải du khách, giới kinh doanh, buôn bán nào khi đến đây cũng có thể “vay” được vốn, và cũng không phải ai cũng biết cách cúng khấn, cũng như sắp lễ lạt để cầu Bà Chúa Kho rủ lòng thương "cho vay".
 


Đền bà chúa kho là nơi được cho là rất linh thiêng


Trao đổi với người viết, ông Phạm Hồng Thi - phó Ban quản lý đền Bà Chúa Kho, một người con sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Cổ Mễ, xã Vũ Ninh, T.P Bắc Ninh cho hay: “Thường trong tâm lý của người Việt cứ mỗi độ tết về, hay các dịp lễ lạt mọi người thường tìm đến những địa điểm tâm linh như chùa chiền, đình, miếu để tụ hội. Họ đến đa phần là để cầu sức khỏe và bình an cho những người thân trong gia đình. Tuy nhiên, ở ngôi đền Bà Chúa Kho này, bắt nguồn từ xa xưa người dân đổ về đây còn mang thêm một suy nghĩ đó là để “vay vốn” làm ăn. Tất nhiên về tâm linh và tín ngưỡng của mọi người chúng ta không thể cấm đoán được, thế nhưng, không phải bất kỳ ai khi đến với đền Bà Chúa Kho cũng có thể “vay” được vốn, cũng thuận lợi trong làm ăn, kinh doanh…quan trọng nhất người dân tìm đến đây để họ có được niềm tin, có được sự thanh thản, bình an”.

Cũng theo lời ông Thi, ngay từ thời Pháp thuộc, nhiều thương nhân ở Hà Nội, Hải Phòng và các vùng lân cận đã tìm về quả núi này để khấn lễ và chiêm bái. Ngôi đền ngày đó còn rất nhỏ. Đầu thế kỷ 20, người Pháp đã cho xây dựng tại núi Kho nhà máy giấy Đông Dương. Đây là nhà máy rất lớn, bao trùm gần như toàn bộ quả núi. Khi ấy, người Pháp đã có ý định phá bỏ ngôi đền, thế nhưng họ gặp phải sự phản đối quyết liệt của người dân địa phương.

Vào năm 1967, khi giặc Mỹ điên cuồng bắn phá miền Bắc. TP. Bắc Ninh cũng là một trong những trọng điểm bị địch dội bom tàn phá. Bộ đội ta đã đặt pháo 57 ly trên núi Kho, ngay sau đền để bảo vệ cầu Đáp Cầu. Điều kỳ lạ nhất với người Cổ Mễ, là mặc dù máy bay địch dội bom san phẳng cả làng Cổ Mễ, san bằng nhiều điểm ở TP. Bắc Ninh, cày xới tan nát núi Kho, nhưng lạ thay, không có quả bom nào rơi vào ngôi đền. Cầu Đáp Cầu và Cầu Phao chỉ cách ngôi đền mấy trăm mét, và ngày đêm bị dội bom, nhưng tuyệt nhiên không có quả bom nào lạc vào ngôi đền này.
 


Sơ đồ hướng dẫn hành lễ khi đi đền Bà Chúa Kho​


“Tâm lý vay tiền của người dân cũng bắt nguồn từ trong những câu chuyện xa xưa, cùng với đó là sự linh thiêng và kì diệu mà đền Bà Chúa Kho đã trải qua trong bao cuộc kháng chiến ác liệt vẫn vững vàng. Bởi thế, sau khi thống nhất đất nước, những thương nhân và người dân khắp mọi miền với tâm lý tìm về với Bà Chúa Kho để “vay” ít lộc để làm ăn. Việc vay lễ diễn ra vào đầu năm và lễ tạ diễn ra vào cuối năm.

Thế nhưng, thời điểm cuối năm, tức thời điểm làm lễ tạ, lượng khách về đền không bằng 1/10 thời điểm đầu năm. Điều đó, cũng có thể nhận thấy rằng, không có nhiều người vay vốn của Bà Chúa Kho mà thành công trong việc kinh doanh. Những người cuối năm về lễ tạ một là giữ lời hứa, hai là họ thành công trong làm ăn một cách may mắn và hoàn toàn là do năng lực của họ. Con người có nghị lực, lại đến vận thì ắt làm ăn được. Nếu chỉ cầu xin mà giàu, thì cả nước đã đổ về ngôi đền để cầu rồi”, ông Thi cho hay.

Tâm thành là điều quan trọng nhất

Trong tâm thức của người dân, đền Bà Chúa Kho rất linh thiêng, nên người dân đến đền cũng phải với tinh thần xả tâm. Việc cúng bái để vay vốn chỉ là nghi thức tâm linh, chứ không thể là việc có thật. Mọi người đến đền không cứ phải sắm thật nhiều lễ, hay cứ mâm cao, cỗ đầy, thậm chí “thuê” của người khấn hộ để vay tiền của Bà và có thể thuận lợi làm ăn. Mà lễ lạt chủ yếu vẫn là thành tâm cúng bái. Còn việc nghi thức cúng lễ hay “vay vốn” trong tâm lý người dân rất rõ ràng, họ vay bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, nếu làm ăn thuận lợi thì có thể trả lãi bằng 10, bằng 100…nhưng tiền vay lễ được tính đổi sang tiền vàng mã.
 


Ông Phạm Hồng Thi chia sẻ về cách lễ lạc tại Đền Bà Chú Kho


“Nhiều người đến vay còn ghi rõ ràng trong sớ là vay bao nhiêu, làm gì, và ghi rõ vay một năm, hai năm, hay 5 năm sau sẽ trả, tức là tạ lễ. Thậm chí có người còn phải hứa là vay một trả 3, thậm chí vay một trả 10. Đã vay thì phải trả, kể cả chuyện vay thật hay vay niềm tin, do đó, dù có làm ăn được hay không, thì đã hứa với Bà Chúa Kho, thì phải giữ đúng lời hứa”, ông Thi cho biết.

Ông Thi cũng chia sẻ thêm, việc sắm lễ theo phong tục cổ truyền của người dân khi đến Đình, Đền, Miếu, Phủ…lễ vật mang đến có thể to, nhỏ, nhiều, ít, sang, mọn tuỳ tâm. Mặc dù ở những nơi này thờ Thánh, Thần, Mẫu nhưng người ta vẫn có thể sắm các lễ chay như hương hoa quả, oản,… để dâng cũng được.

Theo Tạp chí Ngày nay

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin