Chi tiết tin tức Tình thương là bất diệt 21:07:00 - 18/08/2018
(PGNĐ) - Đã có không biết bao nhiêu bài viết về Bồ-tát Thích Quảng Đức và sự kiện vị pháp thiêu thân của ngài năm 1963. Bài viết nào về ngài cũng hay, điều đó cho thấy cuộc đời ngài là nguồn cảm hứng vô tận cho bao thế hệ, không chỉ Phật giáo mà cả những thành phần xã hội khác. Riêng tôi, sự kiện tự thiêu của ngài cũng như trái tim ngài để lại mang một ý nghĩa sâu sắc, đó là tình thương không bao giờ bị tiêu diệt.
Trong lịch sử Phật giáo, sự kiện một số hành giả sau khi viên tịch để lại xá-lợi hay những dấu hiệu đặc biệt luôn mang một ý nghĩa hay thông điệp cụ thể nào đó cho thời nhân hay cho hậu thế. Người đầu tiên chính là Đức Phật. Xá-lợi của Ngài đã được dựng tháp để tôn thờ, kính lễ, và qua đó gieo duyên lành với Tam bảo cũng như thu hoạch được phước báo tốt đẹp. Ngày nay, cũng chính nhờ xá-lợi của Đức Phật còn lưu lại mà các nhà khảo cổ tái phát hiện Phật giáo với những di chỉ đã bị chôn vùi ngàn năm qua, mới tin rằng Đức Phật là nhân vật lịch sử. Các vị Tổ sư, Thánh tăng lưu lại nhục thân để cho đời thấy hiệu quả của việc tu hành. Ngài Cưu-ma-la-thập (Kumarajiva, [344-413]) sau khi thiêu xong cái lưỡi vẫn còn tươi nhuận, xác chứng của lời nguyện của ngài về các kinh do ngài dịch là chính xác, phù hợp với ý Phật, nhằm tạo niềm tin cho những ai muốn nương vào kinh điển tu tập. Trong bối cảnh miền Nam (những năm 1963), vì nhiều lý do, Chính quyền Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp Phật giáo, một tôn giáo yêu chuộng hòa bình và tôn trọng chân lý. Trước tình trạng đó, những người con Phật buộc phải đứng lên phản kháng để sinh tồn và như là một cách để chống lại cái ác, bảo vệ cái thiện. Và sự tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức là đỉnh cao của sự phản kháng đó. Điều đáng nói ở đây là ngọn lửa đã đốt hết thân xác ngài thành tro bụi nhưng không thể đốt cháy trái tim ngài. Trái tim ấy vẫn còn nguyên vẹn, hơn nữa nó trở thành rắn chắc đến nỗi dù đưa vào lò thiêu với nhiệt độ cao cũng không tiêu hủy được. Sự kiện phi thường này đã nói lên điều gì? Như ta biết, nói đến chiến tranh là nói đến bạo lực, hận thù. Ngọn lửa chiến tranh là lửa của căm hờn và hủy diệt. Và ngọn lửa đó cũng đã đốt cháy thân thể của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Nhưng mầu nhiệm thay, sự hừng hực của ngọn lửa tưởng chừng như có thể đốt cháy tất cả sơn hà đại địa ấy lại không thể đốt cháy một trái tim bé nhỏ. Vì sao vậy? Vì đó là trái tim của từ bi, của yêu thương! Nó là nước cam lồ từ trong tịnh bình của Bồ-tát Quán Thế Âm, và cũng chỉ có thứ nước đó mới dập tắt được lửa tam muội của Hồng Hài Nhi. Sự kiện tự thiêu và trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức là một tuyên ngôn bằng hình ảnh mà Đức Phật đã tuyên bố hơn hai ngàn năm trước: Hận thù diệt hận thù/ Đời này không thể có/ Từ bi diệt hận thù/ Là định luật ngàn thu (Kinh Pháp cú). Hiện tượng Trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức không bị cháy theo thân xác chắc chắn không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên hay hy hữu, mà khẳng định ngài nếu không phải là Bồ-tát tái lai thì cũng là một người đã tu hành đắc đạo. Chúng ta là những kẻ thường tình nên nghĩ ai cũng như mình, không tin có Bồ-tát trong xã hội này. Cho nên ngoài thông điệp “Tình thương không thể bị tiêu diệt”, hiện tượng Bồ-tát Thích Quảng Đức còn cho ta niềm tin thật sự có những cảnh giới của các vị Bồ-tát. Và những Phật tử Việt chúng ta có quyền tự hào về một vị Bồ-tát người Việt Nam. Và nên chăng, Phật giáo Việt Nam cần thêm danh hiệu Bồ-tát Thích Quảng Đức vào thời khóa tụng niệm hàng ngày, bên cạnh các vị Bồ-tát khác?
Thích Trung Hữu
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |