Chi tiết tin tức

HĐTS hướng dẫn tổ chức An cư kiết hạ năm 2018

09:04:00 - 24/03/2018
(PGNĐ) -  Thông bạch số 086/TB.HĐTS gồm 5 mục lớn, hướng dẫn chi tiết công tác tổ chức, thủ tục hành chánh, nội dung sinh hoạt, thời gian An cư cùng thời gian gửi báo cáo kết quả tổ chức An cư kiết hạ về Văn phòng TƯGH đã được HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng ban Tăng sự T.Ư ký gửi đến Ban Thường trực HĐTS, BTS Phật giáo các tỉnh, thành và ban ngành liên quan trong hôm nay, 23-3.

 

Kiet gioi an cu - HVPG_Le Minh Xuan (10).JPG
Nghi thức bạch pháp An cư tại Trường hạ Học viện PGVN tại TP.HCM mùa ACKH 2017 - Ảnh: Bảo Toàn

Theo đó, việc tổ chức An cư kiết hạ (ACKH) do Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh chịu trách nhiệm đăng ký với cơ quan nhà nước cùng cấp và ấn định địa điểm An cư. Mỗi đơn vị GHPGVN tỉnh, thành phố có thể tổ chức từ hai điểm ACKH tập trung trở lên; Tăng, Ni an cư riêng biệt. 

Nếu Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh ủy nhiệm cho Ban Trị sự GHPGVN cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh tổ chức, đều phải thực hiện theo các quy định đã nêu. 

Đối với những đơn vị GHPGVN cấp tỉnh không đủ điều kiện tổ chức ACKH tập trung, có thể tổ chức liên tỉnh, thành phố. Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh nơi tổ chức ACKH liên tỉnh, thành phố tiến hành thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước cùng cấp.

Thông bạch khuyến khích Tăng Ni an cư tại các Trường hạ tập trung (nội thiền) thực tập thuyết giảng, làm báo tường để đánh giá thành quả tu học của hành giả an cư. 

Riêng với những cơ sở là chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường (gọi chung là tự viện) có đông Tăng Ni tu học, muốn tổ chức An cư tại chỗ thì phải đăng ký với Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện, cấp tỉnh và được Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh chấp thuận bằng văn bản. 

Ngoài ra, tùy theo điều kiện và khả năng của địa phương, Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh có thể lồng ghép việc tổ chức khóa bồi dưỡng trụ trì hoặc một số công tác chuyên môn khác nhân mùa ACKH. 

Qua đó, yêu cầu điểm ACKH tập trung do Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện tổ chức, Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện chịu trách nhiệm đăng ký với Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh; còn điểm ACKH do Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh tổ chức, Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh chịu trách nhiệm đăng ký với Trung ương Giáo hội. Các thủ tục hành chính trong quy định về lập pháp, thì những điểm ACKH tập trung cấp nào sẽ đăng ký với UBND cùng cấp và những Tăng Ni khác địa phương tới một điểm ACKH đều phải được BTS chấp thuận, đăng ký tạm trú tạm vắng với chính quyền.

Trường hợp ACKH tại chỗ trú xứ có từ 20 vị Tỳ-kheo thường trú trở lên phải đăng ký với Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện và cấp tỉnh. Hồ sơ gồm danh sách hành giả An cư theo mẫu lý lịch trích ngang: Họ tên, pháp danh, ngày và nơi sanh, năm thọ giới; Ban Chức sự, chương trình tu học. Khi được sự chấp thuận của Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện và Ban Trị sự cấp tỉnh, thành mới được phép tổ chức. 

Đối với những điểm ACKH tập trung do Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh và cấp huyện tổ chức, hồ sơ đăng ký với chính quyền gồm có: Đơn đăng ký, danh sách Ban chức sự, danh sách Ban Giảng huấn, chương trình tu học, danh sách hành giả ACKH theo mẫu lý lịch trích ngang (Họ tên, pháp danh, ngày và nơi sanh, giới phẩm, giáo phẩm, địa chỉ thường trú).

Sau khi được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước, Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện, cấp tỉnh lập thủ tục đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương nơi có trường Hạ.

Nội dung sinh hoạt trong 3 tháng ACKH, chú trọng thực hiện đầy đủ các thời khóa tụng niệm, tọa Thiền, niệm Phật, kinh hành... giữ gìn oai nghi tế hạnh trong tu tập, sinh hoạt hàng ngày; tùy theo trình độ của Tăng Ni an cư từng địa phương, Ban Giảng huấn có thể trích giảng một số vấn đề trong Kinh, Luật hoặc giảng chuyên đề.

Đối với những Trường hạ có nhiều vị trụ trì và đông Tăng Ni an cư, có thể kết hợp chương trình bồi dưỡng trụ trì và công tác hành chánh Giáo hội… Đối với những Trường hạ có nhiều Tăng Ni trẻ an cư, nên chú trọng đến việc phát hiện những nhân tố mới trong Phật giáo, thông qua phần thực tập diễn giảng và làm báo tường. Trung ương Giáo hội ủy nhiệm cho Ban Trị sự, Ban Giảng huấn các Trường hạ tổ chức và hướng dẫn. Nếu có yêu cầu Trung ương Giáo hội hỗ trợ, Ban Trị sự có công văn gửi về Văn phòng 1, Văn phòng 2 TƯGH trước ngày khai Hạ một tháng để được sắp xếp. 

Ngoài ra, cần mời đại diện Ban Tuyên giáo, Ban Tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố đến trình bày một số vấn đề liên quan đến tôn giáo và giới thiệu nội dung các bộ Luật đã được nhà nước ban hành, nhất là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng như báo cáo tình hình thời sự trong và ngoài nước.

Về thời gian ACKH, Phật giáo Bắc tông và Hệ Khất sĩ bắt đầu vào ngày 16-4 âm lịch, kết thúc vào ngày 16-7 âm lịch (đối với một số BTS các tỉnh phía Bắc có truyền thống kết tập Hậu An cư sẽ bắt đầu vào ngày 16-5 âm lịch, kết thúc vào ngày 16-8 âm lịch); còn Phật giáo Nam tông bắt đầu vào ngày 15-6 âm lịch, 15-9 âm lịch kết thúc.

Sau khi công tác tổ chức ACKH đã ổn định, Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh tiến hành lập danh sách Tăng Ni an cư tập trung và Tăng Ni an cư tại chỗ gửi về Văn phòng Trung ương Giáo hội, phân làm hai loại: 1. Danh sách Tăng Ni đã được TƯGH cấp chứng điệp ACKH; 2. Danh sách Tăng Ni ACKH lần đầu để Trung ương Giáo hội xét duyệt cấp chứng điệp An cư (lập theo mẫu lý lịch trích ngang: Họ tên, pháp danh, ngày và nơi sinh, năm thọ giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, địa chỉ thường trú, địa chỉ ACKH).

Cụ thể, hồ sơ xin cấp Chứng điệp An cư kiết hạ gồm Đơn xin An cư kiết hạ, bản sao Giấy chứng điệp Thọ giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni do TƯGH cấp, 2 ảnh màu 2x3.

Đối với những hành giả an cư giới phẩm Sa-di, Sa-di-ni, Thức-xoa do Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận An cư. 

Thông bạch đề nghị, thời gian gửi báo cáo kết quả công tác tổ chức An cư về Văn phòng Trung ương Giáo hội, chậm nhất là ngày 16-6 âm lịch. Trong đó, các tỉnh, thành phía Bắc gởi về Văn phòng 1 - chùa Quán Sứ (số 73 Phố Quán Sứ, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội); các tỉnh, thành phía Nam gởi về Văn phòng 2 - thiền viện Quảng Đức (số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM). 

An Lạc

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin