Chi tiết tin tức

Sách khảo cứu diện mạo 100 ngôi đình Việt Nam tái bản lần ba

09:39:00 - 20/08/2014
(PGNĐ) -  Cuốn “Đình Việt Nam” của GS Hà Văn Tấn và nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Kự giới thiệu 100 ngôi đình thuộc 58 trên 63 tỉnh, thành trong cả nước, qua đó tái hiện một phần lịch sử – văn hóa của người Việt.

Giáo sư khảo cổ học Hà Văn Tấn và nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Kự đã có nhiều năm song hành khảo cứu về văn hóa đình, chùa ở Việt Nam. Họ là đồng tác giả cuốn “Chùa Việt Nam”, đã tái bản tới lần thứ năm, và mới đây là cuốn sách về đình được in lại lần ba.

dinh-Viet-Nam-12-9147-1408350527

Bìa cuốn sách “Đình Việt Nam” vừa tái bản

Sách gồm ba phần. Phần một là tổng luận về đình Việt Nam của giáo sư Hà Văn Tấn. Tác giả đi sâu phân tích về nguồn gốc, kiến trúc “ngôi nhà cộng đồng của lãng xã Việt” qua không gian – thời gian, điêu khắc đình làng, thần và tín ngưỡng ở đình, những lễ hội ở đình…

Phần hai lần lượt giới thiệu 100 ngôi đình từ Bắc vào Nam, từ những ngôi đình xưa nhất thuộc thời Mạc (thế kỷ XVI) đến những ngôi đình mới xây dựng. Độc giả quan tâm sẽ được biết đến những ngôi đình cổ như đình Thụy Phiêu (huyện Ba Vì, Hà Nội) có từ năm 1531, đình Lỗ Hạnh (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) được xây dựng vào niên hiệu Sùng Khang (1566 – 1577), đình Tây Đằng (huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) thuộc thế kỷ thứ XVI…

Những ngôi đình gắn liền với làng xã Việt, vì thế khi người Việt di dân đến những vùng đất mới phía Nam, những ngôi đình cũng mọc lên theo. Sách của hai tác giả Hà Văn Tấn và Nguyễn Văn Kự cho thấy, các ngôi đình miền Trung phần lớn được xây dựng vào thời các chúa Nguyễn hay vua Nguyễn. Hay những ngôi đình ở miền Nam bắt đầu được dựng lên vào khoảng thế kỷ XVII, khi người Việt đến khai hoang lập ấp ở đồng bằng Nam Bộ.

Bên cạnh việc chỉ ra lịch sử hình thành các ngôi đình, cuốn sách cũng cho thấy đặc điểm khác nhau về kiến trúc, lễ hội trong các ngôi đình ở mỗi vùng miền, do phong tục, tập quán sống quy định. Sách kết hợp phần thông tin khảo cứu của giáo sư Hà Văn Tấn và phần hình ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Kự, mang đến cho độc giả những hình dung rõ nét.

“Đình Việt Nam” bản in song ngữ Việt – Anh (Nhà xuất bản TP HCM) ra mắt lần đầu tiên năm 1999. Năm 2001, sách in lần thứ hai bằng tiếng Pháp với tên Le Đình, Maison Comminale du Vietnam (Nhà xuất bản Thế Giới – Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO) ấn hành). Trong hai lần xuất bản này, sách đã giới thiệu 62 ngôi đình của 35 trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Lần in thứ ba có sự bổ sung lớn trong phần ba, với 100 ngôi đình của 58 tỉnh, thành được giới thiệu, và cả danh sách 1.070 ngôi đình được Nhà nước quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt và Di tích Quốc gia (tính đến ngày 31/12/2013).

Nhà sử học Lê Văn Lan – người tham gia biên tập và viết lời giới thiệu “Đình Việt Nam” – đánh giá, với cuốn sách này, hai tác giả Hà Văn Tấn và Nguyễn Văn Kự đã “cống hiến lớn lao vào sự nghiệp nghiên cứu và phổ cập khoa học về những phương diện giá trị quan trọng nhất của nền văn hóa cổ truyền Việt Nam”.

Sách dày 416 trang, với 820 ảnh mầu, ảnh đen trắng và bản vẽ, do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành.

Theo VnExpress

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin