Chi tiết tin tức Hội thảo về văn học Phật giáo Việt Nam 2000 năm 15:06:00 - 12/01/2024
(PGNĐ) - Sáng 12-1, tại thiền viện Vạn Hạnh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), Viện Nghiên cứu Phật học VN phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức khai mạc Hội thảo “Văn học Phật giáo Việt Nam 2000 năm: Vấn đề tư liệu, danh mục tác phẩm, phiên dịch và nghiên cứu".
Khai mạc Hội thảo “Văn học Phật giáo Việt Nam 2000 năm: Vấn đề tư liệu, danh mục tác phẩm, phiên dịch và nghiên cứu" do Viện Nghiên cứu Phật học VN phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM tổ chức - Ảnh: Bảo Toàn Hiện diện tham dự và chỉ đạo hội thảo có Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN; Hòa thượng Thích Tâm Đức, Phó Viện trưởng Thường trực Viện Nghiên cứu Phật học VN; Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng, Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu Phật học VN, Trưởng ban Tổ chức; chư tôn đức Ủy viên Thường trực, Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN; lãnh đạo các Phân viện, các Trung tâm trực thuộc Viện Nghiên cứu Phật học VN; chư Tăng Ni các nơi tham dự.
Bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; PGS.TS.Lê Quang Trường, Trưởng khoa Văn học - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM; lãnh đạo các đơn vị đồng tổ chức và hơn 300 đại biểu là học giả các giới, các nhân sĩ trí thức và những người yêu mến ngành Văn học đồng tham dự. Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Giác Toàn cho biết, sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn, những lời vàng của Ngài được kết tập trong Tam tạng Thánh điển với 12 thể tài, được truyền tụng, ghi nhớ bằng phương pháp khẩu truyền. Cuối thế kỷ thứ I đầu thế kỷ thứ II Tây lịch, Thánh điển của Đức Phật được ghi lại bằng ngôn ngữ Pāli ở Tích Lan, bằng Sanskrit và Prakrit ở Ấn Độ. Dòng văn học Phật giáo có mặt từ đây. Trải qua hơn 20 thế kỷ, văn học Phật giáo luôn giữ vai trò quan trọng trong nền văn học thế giới và góp phần đáng kể vào kho tàng văn hóa nhân loại.
“Tại đất nước Việt Nam, Phật giáo đã hiện diện và gắn bó với dân tộc 2000 năm qua. Các bậc Tổ sư, Thiền sư và các học giả Phật tử đã không ngừng đóng góp trí tuệ cho nền văn học Việt Nam - nguồn kinh thư vô giá, hàm chứa thông điệp từ bi, trí tuệ, nhân bản, vô ngã, vị tha và mang đậm tính nghệ thuật trong sáng, chân mỹ, làm cho đời sống tinh thần người Việt văn minh, ý nghĩa”, Hòa thượng Thích Giác Toàn nhấn mạnh. Hòa thượng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN cũng điểm qua những công trình và các tác phẩm trước tác, phiên dịch, biên dịch và biên soạn của các bậc danh Tăng, chư tôn thiền đức và các cư sĩ trí thức Phật giáo Việt Nam..., là những đóng góp quan trọng cho kho tàng văn hóa dân tộc thông qua các tác phẩm văn học Phật giáo; nhiều trung tâm phiên dịch ra đời như: Huệ Nghiêm, Hải Đức, Nghiên cứu Phật học VN… có tính kế thừa trong dòng chảy lịch sử, làm gạch nối cho sự phát triển nền văn học Phật giáo trong tương lai.
Phát biểu chỉ đạo, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh đến 4 chủ đề cần phải làm sáng tỏ trong hội thảo lần này: Tầm quan trọng của văn học Phật giáo Việt Nam; Những thành tựu và hạn chế trong việc nghiên cứu văn học Phật giáo Việt Nam; Những nhiệm vụ nghiên cứu trọng tâm trong thời gian tới; Nghiên cứu bản dịch các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam sang các ngôn ngữ khác. Theo Trưởng lão Hòa thượng: “Những giá trị và đóng góp của văn học Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục được kế thừa và phát huy, góp phần đưa Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển bền vững, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của xã hội hiện đại”.
PGS.TS.Lê Quang Trường thay mặt lãnh đạo đơn vị đồng tổ chức cho biết: “Việt Nam thuộc khu vực Đông Nam Á, nhưng lại nằm giữa bán đảo Trung - Ấn, nơi tồn tại hai nền văn hóa, văn minh vĩ đại thời cổ trung đại là Ấn Độ và Trung Hoa. Vì thế, trong quá trình giao lưu văn hóa, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ nền văn hóa tư tưởng Ấn Độ và Trung Hoa trong một sự kết hợp tiếp biến từ thụ động đến chủ động". Ông Trường cũng đề xuất cần đẩy mạnh nghiên cứu, biên soạn các công trình mang tính tổng thể, hệ thống hóa văn học Phật giáo Việt Nam theo từng giai đoạn lịch sử. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc sưu tầm, tổng hợp, phân loại, lưu trữ, giới thiệu các tư liệu, tài liệu về văn học Phật giáo Việt Nam. Tăng cường khuyến khích nghiên cứu các đề tài văn học Phật giáo ở bậc đại học cho đến sau đại học. Đẩy mạnh tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu văn học Phật giáo Việt Nam, so sánh với văn học Phật giáo các nước trong khu vực để thấy được những nét đặc thù riêng của văn học Phật giáo Việt Nam.
Thay mặt lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, bà Trần Thị Minh Nga phát biểu chúc mừng hội thảo và bày tỏ sự tin tưởng, với sự nỗ lực của Viện Nghiên cứu Phật học VN và các cơ quan, tổ chức, cá nhân, văn học Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển nền văn học Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phiên khai mạc còn được lắng nghe phát biểu của GS.Lê Mạnh Thát, Thượng tọa Thích Phước Đạt và Thượng tọa Thích Hạnh Tuệ và đề dẫn của Thượng tọa Thích Nhật Từ.
Hội thảo lần này có 4 phiên thảo luận chuyên đề riêng, chia theo nhóm chủ đề gồm: Văn học Phật giáo Việt Nam: Vấn đề văn bản và thư tịch; Văn học Phật giáo và loại hình tác giả Thiền sư; Văn học Phật giáo và loại hình tác giả nhà Nho; Văn học Phật giáo trong mạch nguồn văn hóa dân tộc và khu vực. Hội thảo nhận được 129 bài tham luận xoay quanh 4 chủ đề trên; có 40 bài được lựa chọn trình bày tại 4 phiên thảo luận. Hội thảo sẽ có phiên bế mạc vào lúc 16 giờ cùng ngày.
Quảng Hậu - Ảnh: Bảo Toàn
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |