Chi tiết tin tức Bản sắc hóa và quốc tế hóa vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam 15:03:00 - 26/02/2023
(PGNĐ) - Nhằm đề cao tính bản sắc của Phật giáo Việt Nam và nâng cao vị thế của GHPGVN trên phạm vi toàn cầu, trong bài này, người viết nhận diện các nguyên nhân tụt giảm dân số Phật giáo tại Việt Nam nhằm khắc phục tình trạng này, đồng thời, đề cao vai trò tâm linh của Tăng Ni, tính bản sắc của Phật giáo Việt Nam trong nghi thức tụng niệm và pháp phục, lễ phục của Tăng Ni, sáp nhập các ban chuyên môn để GHPGVN hoạt động hiệu quả hơn.
BẢN SẮC HÓA VÀ QUỐC TẾ HÓA VỊ THẾ CỦA GHPGVN Thích Nhật Từ[1]
Nhằm đề cao tính bản sắc của Phật giáo Việt Nam và nâng cao vị thế của GHPGVN trên phạm vi toàn cầu, trong bài này, người viết nhận diện các nguyên nhân tụt giảm dân số Phật giáo tại Việt Nam nhằm khắc phục tình trạng này, đồng thời, đề cao vai trò tâm linh của Tăng Ni, tính bản sắc của Phật giáo Việt Nam trong nghi thức tụng niệm và pháp phục, lễ phục của Tăng Ni, sáp nhập các ban chuyên môn để GHPGVN hoạt động hiệu quả hơn.
I. NHẬN DIỆN NGUYÊN NHÂN TỤT GIẢM DÂN SỐ PHẬT GIÁO TẠI VIỆT NAM Theo Tổng điều tra dân số tôn giáo năm 2019[2] của Chính phủ Việt Nam thì Việt Nam hiện có 16 tôn giáo[3] được phép hoạt động tại 63 tỉnh thành Việt Nam. Trong 98 triệu dân thì hiện có 13,2 triệu người có tôn giáo, chỉ chiếm khoảng 13,7% tổng dân số cả nước. Kết quả thống kê này là một cú sốc cực nặng đối với lãnh đạo Phật giáo các cấp, vốn thường tin rằng Việt Nam có khoảng 75% dân số theo đạo Phật và thậm chí xem đạo Phật gần như quốc đạo của Việt Nam. Sốc hơn là Tổng điều tra tôn giáo năm 2019 này còn cho biết Phật giáo chỉ có 4,6 triệu người, chiếm 35% tổng số người theo tôn giáo và chiếm 4,8% dân số cả nước. Đang khi Công giáo có 5,9 triệu chiếm 44,6% tổng số người theo tôn giáo, chiếm 6,1% tổng dân số cả nước. Nghĩa là theo Tổng điều tra tôn giáo năm 2019, Phật giáo tụt vị trí, trở thành tôn giáo có dân số Phật tử đứng thứ hai sau Công giáo. Việc tụt giảm dân số Phật giáo tại Việt Nam nói chung, tại các nước Phật giáo Đại thừa gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Bắc Triều Tiên do các nguyên nhân sau đây: 1) Còn quá nhiều Tăng, Ni Việt Nam chỉ có trình độ lớp 12 và trung cấp Phật học nên phần lớn Tăng, Ni chưa đủ kiến thức phương pháp và kiến thức kỹ năng trong việc hướng dẫn Phật tử tu học một cách bài bản và hiệu quả, trong bối cảnh Việt Nam đang hiện đại hóa, toàn cầu hóa và hội nhập, theo đó, trình độ dân trí Việt Nam ngày càng được nâng cao. 2) Phần lớn Tăng, Ni Việt Nam không được đào tạo kiến thức và kỹ năng quản trị tự viện, tổ chức tu học, lễ hội và các sự kiện để giới thiệu và lồng ghép Phật pháp nhằm giúp cộng đồng Việt Nam từ cảm tình đối với đạo Phật trở thành Phật tử. 3) Trong tổng số 18,491 ngôi chùa[4] hợp pháp tại Việt Nam, chưa có được 500 ngôi chùa có các vị Trụ trì thường xuyên tổ chức thuyết giảng Phật pháp, tổ chúc tu học cho cộng đồng Phật tử trong ngày chủ nhật, không có mấy Chùa ấn tống nghi thức tụng niệm, kinh sách căn bản cho Phật tử tại gia. Điều này dẫn đến hệ quả phần lớn Phật tử chỉ tiếp cận đạo Phật tín ngưỡng, không có hiểu biết căn bản về cuộc đời đức Phật, triết lý Phật dạy nên chưa đi sâu vào học Phật và tu Phật để giải phóng khổ đau, trải nghiệm hạnh phúc, xây dựng Cực Lạc tại trần thế. 4) Các Nghi thức tụng niệm tại Việt Nam phần lớn là nghi thức phiên âm Hán Việt, vốn rất xa lạ với cộng đồng Việt Nam hiện đại, khi mà từ thời Pháp thuộc tại Việt Nam, chữ Hán không còn là quốc ngữ Việt Nam. Các nghi thức đọc tụng Hán Việt làm cho cộng đồng Phật tử không hiểu được lời Phật dạy, từ đó, dẫn đến mê tín, dị đoan, xem Phật như Thượng đế hay thần linh. Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác, dẫn đến sự tụt giảm dân số Phật giáo tại Việt Nam. Để khắc phục tình trạng yếu kém này, tôi kiến nghị hai nhóm giải pháp. Nhóm thứ nhất, đề cao vai trò đạo sư của Tăng Ni trong giảng kinh, thuyết pháp, tổ chức khóa tu, tư vấn tâm lý, tổ chức các hoạt động an sinh xã hội và đặc biệt là Việt hóa nghi thức tụng niệm, bổ sung những bài kinh phù hợp với các thành phần xã hội. Nhóm thứ hai, về phương diện quản trị hành chính Giáo hội, cần đề cao mô hình bản sắc Việt Nam về pháp phục, lễ phục Tăng Ni, xây dựng phong cách mỹ thuật tượng Phật, Bồ-tát, A-la-hán mang bản sắc Việt Nam; dựng thờ tượng đài và tổ chức tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông, thánh Trần Hưng Đạo và Bồ-tát Thích Quảng Đức, đề cao tinh thần và vai trò của Phật giáo Việt Nam đồng hành với dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài hơn 2.000 năm lịch sử tại Việt Nam.
II. VAI TRÒ ĐẠO SƯ CỦA TĂNG NI Để đảm bảo các hoạt động Phật sự của Tăng, Ni vừa đa dạng, phong phú và vừa hiệu quả, GHPGVN nên nhấn mạnh việc đào tạo Tăng Ni có lý tưởng “phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo; sáng soi Phật pháp, hộ quốc, an dân.” Thể hiện trách nhiệm và tâm cam kết, quý Tăng, Ni, đặc biệt là các vị vị Trụ trì, Viện chủ cần có trách nhiệm phát huy vai trò “đạo sư”, làm thầy tinh thần của Phật tử tại gia qua các hoạt động chính yếu: 1. Tổ chức các khóa tu học định kỳ vào ngày chủ nhật Bên cạnh các ngày sóc vọng tức rằm và mùng một hằng tháng, các vị Trụ trì nên chủ động tổ chức các khóa tu học thường xuyên vào các ngày cuối tuần hoặc thứ bảy hoặc chủ nhật. Phần lớn các ngày sóc vọng rơi vào ngày làm việc, do đó, việc tổ chức sinh hoạt tu học vào hai ngày này chỉ thu hút những người đã về hưu; còn giới trẻ và những người đang làm việc không thể đến chùa được. Điều quan trọng hơn là các vị Trụ trì nên tổ chức các khóa tu học phù hợp với các nhóm lứa tuổi nhằm nâng cao hiệu quả hoằng pháp cho mọi thành phần xã hội. Từ năm 2014, Chùa Giác Ngộ thường xuyên tổ chức nhiều khóa tu khác nhau. Các khóa tu theo nhóm lứa tuổi bao gồm: (i) Khóa tu Ngày an lạc[5]cho người lớn tuổi (trung niên và lão niên) vào sáng chủ nhật, (ii) Khóa tu Tuổi trẻ hướng Phật[6] dành cho học sinh và sinh viên (thanh thiếu niên) vào chiều chủ nhật, (iii) Khóa tu Búp sen từ bi[7] dành cho các cháu 3-13 tuổi (mầm non và thiếu nhi). Các khóa tu theo chủ đề bao gồm: (i) Khóa tu Thiền Vipassana,[8] (ii) Khóa xuất gia gieo duyên[9] dành cho mọi lứa tuổi và Khóa xuất gia báo hiếu[10]dành cho thanh thiếu niên. Để thuận lợi cho việc tổ chức các khóa tu này, các vị Trụ trì nên tổ chức 1 tháng 1 lần; sau 6 tháng đến 1 năm nên tổ chức nửa tháng 1 lần. Từ năm thứ hai trở đi, các vị Trụ trì nên quyết tâm tổ chức hằng tuần nhằm giúp cộng đồng Phật tử thấm nhuần Phật pháp theo công thức “mưa dầm thấm đất”, theo đó, ứng dụng trong cuộc sống, khép lại khổ đau, mở ra an vui, hạnh phúc. 2. Tổ chức thuyết pháp vào ngày chủ nhật Vai trò chính yếu của các bác sĩ là nghiên cứu y khoa, khám bệnh, chẩn đoán bệnh, cho toa thuốc, giúp bệnh nhân được thuyên giảm bệnh, bình phục và sống thọ. Tương tự, vai trò quan trọng nhất của người xuất gia là thuyết pháp, giảng kinh, viết sách, dịch thuật, tổ chức khóa tu, tư vấn tâm lý, hướng dẫn Phật tử tại gia tu học nhằm xóa bỏ mù chữ Phật pháp, xóa tan mê tín, dị đoan, mở mắt trí tuệ và tỉnh thức cho cộng đồng Phật tử thấy rõ giá trị trị liệu của đạo Phật. Tính đến năm 2022, tại TP.HCM, nơi có khoảng 1.600 ngôi chùa, chỉ có khoảng 150 ngôi chùa có thuyết pháp và chưa có đến 20 ngôi chùa tổ chức tu học định kỳ cho Phật tử tại gia. Ở 62 tỉnh thành còn lại trên toàn quốc, phần lớn các chùa không tổ chức thuyết pháp giảng kinh nhằm khai tâm mở trí cho người tại gia. Tôi cho rằng đây là một trong các nguyên nhân làm tụt giảm dân số Phật tử và tệ hại hơn làm cho cộng đồng Phật tử chỉ dừng lại ở sinh hoạt tín ngưỡng, chưa đi sâu vào thực tập Phật pháp để giải quyết các vấn nạn nhân sinh, góp phần xây dựng hạnh phúc cho đất nước và con người Việt Nam đúng nghĩa. 3. Tổ chức các hoạt động an sinh xã hội Mặc dù trong 12 ban ngành của GHPGVN cấp tỉnh thành có Ban Từ thiện xã hội nhưng vẫn còn quá nhiều các ngôi chùa chưa tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội như một nhịp cầu giúp cho những người yêu quý mến đạo Phật có cơ hội trở thành Phật tử. Cần lưu ý rằng hoạt động an sinh xã hội là phần nhập thế quan trọng của Phật giáo về phương diện từ bi, góp phần giải quyết các vấn nạn nghèo khổ của đồng bào. Do đó, các Tăng, Ni làm Trụ trì nên năng động nhập thế thông qua các hoạt động “bố thí ba-la-mật” nhằm có cơ hội lồng ghép Phật pháp vào các hoạt động từ thiện do chùa mình tổ chức, qua đó, giúp cư dân Việt Nam có cơ hội tiếp nhận Phật giáo và thực tập Phật pháp.
III. BẢN SẮC VIỆT NAM VỀ NGHI THỨC TỤNG NIỆM Hiện nay, tại Việt Nam có một số nghi thức tụng niệm thuần Việt được xuất bản, nổi trội nhất trong số đó gồm có (theo trình tự năm xuất bản): (i) Nghi thức tụng niệm hàng ngày[11] của HT. Thích Thiện Thanh, xuất bản lần đầu tại Hoa Kỳ vào năm 1988, được tái bản tại Việt Nam. (ii) Nghi thức tụng niệm đại toàn[12] do Hội đồng Giáo thọ Đạo tràng Mai thôn biên soạn, xuất bản lần đầu tại Pháp vào năm 1994 và tái bản hoàn chỉnh tại Việt Nam vào năm 2010, gồm 21 nghi thức thông dụng, 20 bài kinh căn bản, một số bài sám nguyện mới (iii) Kinh tụng hằng ngày[13] do Thích Nhật Từ biên tập, gồm 1000 trang, xuất bản lần đầu tại Việt Nam vào năm 1994, tái bản tại Ấn Độ vào năm 2000 và tái bản nhiều lần tại Việt Nam gồm 49 bài kinh, trong đó có 35 bài kinh thuộc Phật giáo Nguyên thủy và 14 bài kinh là các phẩm kinh của Phật giáo Đại thừa. (iv) Nghi thức tụng niệm (Kinh tụng niệm của Phật giáo Khất sĩ)[14] phổ biến online vào năm 2011, do NXB. Tôn giáo ấn hành năm 2013, giới thiệu 6 nghi thức và các kinh tụng căn bản. (v) Nghi thức tụng niệm[15] do Thích Nhật Từ soạn dịch gồm 383 trang, do NXB. Phương Đông ấn hành lần đầu vào năm 2011, giới thiệu 13 nghi thức căn bản trong đạo Phật. (vi) Kinh Phật cho người tại gia[16] do Thích Nhật Từ soạn dịch gồm 1000 trang, do NXB. Hồng Đức ấn hành lần đầu vào năm 2013, giới thiệu 63 bài kinh, phân chia thành các nhóm chủ đề: (a) Các kinh về đạo đức, (b) Các kinh về gia đình, xã hội, (c) Các kinh về triết học, (d) Các kinh về thiền và pháp tu, (e) Các kinh về tịnh độ. (vii) Nghi lễ và bách sự nhật dụng[17] của HT. Thích Hoàn Quan (hiệu là Thích Hoàn Thông), biên soạn và phổ biến nội bộ năm 1973, xuất bản chính thức vào năm 2013 gồm khoảng 10 nghi thức cầu an, cầu siêu và cúng sao. (viii) Kinh nhật tụng[18] do Thích Huyền Châu biên dịch vào năm 2014 gồm có 4 kinh và 4 nghi thức. (ix) Kinh nhật tụng sơ thời[19] do Nguyên Giác dịch và chú giải, NXB. Ananda Viet Foundation ấn hành tại Hoa Kỳ năm 2018 giới thiệu 32 bài kinh ngắn trong Kinh tập thuộc Kinh tạng Pali. (x) Khóa tụng hằng ngày[20] của Ban Văn hóa trung ương GHPGVN, do NXB. Tôn giáo ấn hành lần đầu năm 2020, giới thiệu 3 bài kinh và 2 nghi thức. (xi) Kinh nhật tụng (Pali-Việt) của Pa-Auk Thiền lâm Viện[21] do Tỳ-kheo Giác Nguyên dịch và xuất bản năm 2020, giới thiệu 11 bài kinh dịch từ Pali. (xii) Kinh nhật tụng[22] của Chùa Hoằng Pháp do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành, không rõ năm xuất bản, gồm có 3 kinh và 2 nghi thức. Mặc dù đã có những nỗ lực tích cực trong việc Việt hóa các nghi thức tụng niệm tại Việt Nam trong mấy thập niên qua, về ngôn ngữ, các nghi thức đọc tụng được sử dụng tại các chùa Việt Nam vẫn là bản đọc âm Hán Việt (mà trên thực tế là do phiên âm theo Nghi thức tụng niệm của Trung Quốc). Về nội dung, các nghi thức tụng niệm tại Việt Nam phần lớn chỉ chú trọng đến các đối tượng: i) Dành cho người già, người bệnh, người hấp hối qua Nghi thức cầu an Kinh Phổ môn và Kinh Dược sư, ii) Dành cho người chết trong thời gian tang lễ, các tuần thất và lễ giỗ hằng năm qua Kinh A-di-đà, Kinh Vu-lan-bồn và Kinh Báo trọng ân của cha mẹ, iii) Dành cho người có tội về luật pháp và người có lỗi về dân sự qua Nghi thức sám hối hồng danh (mở rộng thêm gồm các sám pháp khác như Kinh ngũ bách danh, Kinh tam thiên Phật, Kinh Vạn Phật, Từ bi thủy sám, Lương hoàng sám, Pháp hoa sám pháp, Mục-liên sám pháp v.v…). Về Việt hóa nghi thức, đối với dân tộc Kinh thì Hội đồng Trị sự GHPGVN cần chỉ đạo và Ban Văn hóa GHPGVN có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn, giám sát, giúp các tự viện của GHPGVN đọc tụng các nghi thức bằng tiếng Việt, giúp cộng đồng Việt Nam thuận lợi trong việc tiếp cận, thực tập lời Phật dạy bằng ngôn ngữ Việt Nam. Bên cạnh việc Việt hóa nghi thức tụng niệm, Ban Nghi lễ nên mạnh dạn bổ sung vào các nghi thức tụng niệm các bài kinh có nhiều nội dung phong phú, đáp ứng cho nhiều thành phần xã hội khác nhau: - Đối với giới chính trị cần bổ sung các kinh về đạo đức, gia đình, quản trị quốc gia, công bằng, bình đẳng, hòa bình thế giới. - Đối với giới giới kinh doanh gồm các kinh về nghề nghiệp chân chính, các nghề không được làm, bố thí, cúng dường. - Đối với giới trí thức và giới trẻ cần có các bài kinh về thế giới quan, nhân sinh quan, về thiền và phương pháp chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau. Đối với các dân tộc thiểu số thì Ban Nghi lễ GHPGVN có trách nhiệm tổ chức phiên dịch các nghi thức tụng niệm sang ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số, nhằm giúp các cộng động dân tộc thiểu số có thể tiếp cận và thực hành lời Phật dạy bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.
IV. BẢN SẮC VIỆT NAM VỀ PHÁP PHỤC, TƯỢNG ĐÀI Về việc bản sắc Việt Nam về tượng đài Phật giáo Việt Nam, tôi kiến nghị Hội đồng Trị sự GHPGVN nên khuyến khích trụ trì các tự viện thể hiện tính bản sắc Việt Nam về việc xây dựng tượng Phật, Bồ-tát, A-la-hán theo phong cách mỹ thuật Việt Nam, thay vì hiện nay là theo phong cách tượng Trung Quốc. Hội đồng Trị sự GHPGVN nên chỉ định GHPGVN TP. Hà Nội và GHPGVN TP.HCM đi đầu toàn quốc về mô hình bắt buộc Trụ trì tổ chức lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông, thánh Trần Hưng Đạo và Bồ-tát Thích Quảng Đức trong tự viện của mình nhằm tiến đến việc quốc gia hóa và quốc tế hóa tín ngưỡng về Phật hoàng Trần Nhân Tông, thánh Trần Hưng Đạo và Bồ-tát Thích Quảng Đức. GHPGVN tại các tỉnh thành lớn gồm Hà Nội, TP.HCM, BRVT, Đồng Nai nên đi đầu về việc Tăng, Ni thể hiện tính bản sắc Việt Nam trong việc sử dụng pháp phục, lễ phục, tông màu của pháp phục, nón mão, giầy để nhận diện, bên cạnh việc tôn trọng tính biệt truyền trong từng truyền thống Phật giáo, hệ phái Phật giáo. Về tông màu, các hệ phái Phật giáo Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ nên thống nhất sử dụng tông màu vàng nghệ như Ban Văn hóa trung ương đang thực hiện. Về Phật giáo Bắc tông, nên đề cao vai trò của áo nhật bình, thay thế cho áo tràng, áo hậu vốn ảnh hưởng từ chiếc áo hải thanh của Trung Quốc. Về Phật giáo Nam tông và Khất sĩ, bên cạnh việc giữ gìn tam y theo phong cách truyền thống thì tông màu thống nhất sẽ giúp cộng đồng Phật giáo quốc tế dễ dàng nhận dạng Tăng, Ni Việt Nam vốn khác với Tăng, Ni Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Bắc Triều Tiên.
V. BẢN SẮC VIỆT NAM VỀ KIẾN TRÚC, MỸ THUẬT Để hình ảnh Phật giáo Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và trở thành mô hình tham khảo, học hỏi và đặc biệt là để du khách quốc tế đến tham quan các chùa Việt Nam không có cảm giác đang du lịch các chùa Trung Quốc tại Việt Nam thì các chùa Việt Nam phải thể hiện bản sắc Việt Nam. Đối với các tự viện thuộc di tích lịch sử - văn hóa thì trụ trì, viện chủ hay ban quản trị các tự viện Phật giáo phải tuân thủ theo Luật di sản văn hóa, bảo quản tốt các dic tích lịch sử - văn hóa, danh lanh tháng cảnh, di vật cổ vật, bảo vật quốc gia trực thuộc tự viện Phật giáo. Khi bảo quản, tu sửa, tu bổ, gia cố, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa bị hư hoại, hủy hoại thì Trụ trì, Ban quản trị các tự viện phải tôn trọng tính bản gốc, tính nguyên dạng của di tích; tránh làm sai lệch, làm mai một, làm thất truyền cá di sản văn hóa. Đối với các tự viện không thuộc di tích lịch sử - văn hóa thì Hội đồng Trị sự GHPGVN và Ban Văn hóa trung ương GHPGVN có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn, giám sát, giúp các cơ sở tự viện của GHPGVN thể hiện tính bản sắc Việt Nam (hoặc miền Bắc, miền Trung, miền Nam) về kiến trúc, mỹ thuật Việt Nam gồm mái đao, hoa văn, họa tiết, bảng hiệu chùa bằng tiếng Việt, câu đối, hoành phi bằng tiếng Việt nhằm phát huy giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của người Việt.
VI. SÁP NHẬP 12 BAN THÀNH 7 BAN CHUYÊN MÔN Suốt 4 thập niên hình thành và phát triển (1981-2022), ở cấp trung ương, GHPGVN hiện có 12 ban ngành và Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, đang khi, ở cấp tỉnh thành, GHPGVN hiện có 12 ban ngành. Về nội hàm và bản chất, một số ban trùng lắp nhau về nội dung và trên thực tế vốn có quan hệ trực thuộc nhau. Để tránh tình trạng trùng lắp, dẫm đạp chức năng và đặc biệt là để chuyên môn hóa tạo nên thành quả Phật sự và phụng sự, kính kiến nghị Hội đồng Trị sự GHPGVN thảo luận và tu chỉnh Hiến chương, theo đó, nên mạnh dạn sáp nhập các ban ngành có phạm vi và nội dung trực thuộc hoặc liên hệ nhau trở thành một ban, theo đề xuất sau đây: 1. Ban Tăng sự nên bao gồm Ban Pháp chế và Ban Kiểm soát. Về bản chất, Ban Kiểm soát có chức năng kiểm soát hội nghị và đại hội của Giáo hội các cấp, mỗi nhiệm kỳ 5 năm chỉ làm một vài lần. Hội nghị và đại hội phần lớn là các hoạt động và biểu quyết của Tăng đoàn, do đó, không cần có thực thể độc lập, nên sáp nhập vào Ban Tăng sự. Tương tự, Ban Pháp chế có chức năng giải quyết các vấn đề tranh chấp, kiện tụng liên hệ đến Tăng đoàn, tự việc, hoạt động Phật sự của Tăng, Ni nên trong bản chất là hoạt động cần đến Yết-ma của Tăng đoàn, do đó, nên được sáp nhập vào Ban Tăng sự. Theo mô hình sáp nhập này thì Ban Tăng sự có 3 chức năng chính: (i) Phân ban Tăng sự do do một vị Phó Thường trực Ban Tăng sự đặc trách về Tăng sự, (ii) Phân ban Pháp chế do một vị Phó Thường trực Ban Tăng sự đặc trách về Pháp chế, (iii) Phân ban Kiểm soát do một vị Phó Thường trực Ban Tăng sự đặc trách về Kiểm soát. 2. Ban Giáo dục Phật giáo nên bao gồm Ban Hoằng pháp và Ban Hướng dẫn Phật tử. Về bản chất, Ban Giáo dục Phật giáo bao gồm nội dung của Ban Hoằng pháp và Ban hướng dẫn Phật tử. Ban Hướng dẫn Phật tử có chức năng tổ chức các sinh hoạt tu học và các sự kiện cho các cộng đồng Phật tử gồm Phật tử trung niên, lão niên và thanh thiếu niên. Ban giáo dục Phật giáo nhấn mạnh về việc đào tạo Phật học gồm các cấp học (trung cấp, cao đẳng, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) tại 35 trường Trung cấp Phật học, 8 trường Cao đẳng Phật học và 4 Học viện Phật giáo Việt Nam, mà đối tượng chính yếu là Tăng, Ni sinh. Ban Hoằng pháp có đối tượng được đào tạo không chính quy và không thường xuyên là cộng đồng Phật tử tại gia, nghe giảng pháp tại các giảng đường của các tự viện, mà nội dung chính yếu là Phật học ứng dụng. Theo mô hình sáp nhập thì Ban Giáo dục Phật giáo có 4 nhóm đối tượng và chức năng chính: (i) Phân ban Giáo dục Phật học do một vị Phó Thường trực Ban Giáo dục Phật giáo đặc trách giáo dục Tăng Ni, (ii) Phân ban Hoằng pháp cho người tại gia do một vị Phó Thường trực Ban Giáo dục Phật giáo đặc trách Hoằng pháp, (iii) Phân ban Hướng dẫn Phật tử trung niên và lão niên do một vị Phó Thường trực Ban Giáo dục Phật giáo đặc trách Phật tử lớn tuổi, (iv) Phân ban Hướng dẫn Phật tử thanh thiếu niên do một vị Phó Thường trực Ban Giáo dục Phật giáo đặc trách thanh thiếu Phật tử. 3. Ban Văn hóa nên bao gồm Ban Nghi lễ, vì nghi lễ là một phần quan trọng của văn hóa. Sau khi sáp nhập, Ban Văn hóa có các phân ban và chức năng chính: i) Phân ban Di sản Phật giáo do một vị Phó Thường trực Ban Văn hóa đặc trách Di sản Phật giáo. ii) Phân ban Sự kiện Văn hóa do một vị Phó Thường trực Ban Văn hóa đặc trách Sự kiện Văn hóa phụ trách. iii) Phân ban Kiến trúc mỹ thuật, pháp phục do một vị Phó Thường trực Ban Văn hóa đặc trách kiến trúc, pháp phục phụ trách. iv) Phân ban Nghi lễ Phật giáo do một vị Phó Thường trực Ban Văn hóa đặc trách Nghi lễ phụ trách. 4. Ban An sinh xã hội là danh xưng mới, thay thế cho Ban từ thiện xã hội, nên phân thành các phân ban với các chức năng chính sau đây: i) Cứu trợ các nạn nhân thiên tai, bão lũ, các thành phần cơ nhỡ trong xã hội. ii) Các hoạt động xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nhà tình thương, hộ chính sách, hướng nghiệp. iii) Các hoạt động chăm sóc sức khỏe, bệnh viện, Tuệ Tĩnh đường. iv) Các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. v) Các hoạt động hỗ trợ người già, người tàn tật và cô nhi. 5. Ban Tài chính và Kiến thiết là danh xưng mới, thay thế cho Ban Kinh tế tài chính, vì trên thực tế, Ban này không làm kinh doanh và không chuyên về kinh tế và quan trọng hơn, vận động tài chính trong Phật giáo là để hỗ trợ cho các hoạt động quản trị giáo hội và kiến thiết tự viện để phát triển Phật giáo. Do vậy, Ban Tài chính và Kiến thiết nên có hai phân ban và các chức năng chính: i) Phân ban Tài chính do một vị Phó Ban thường trực Ban Tài chính và Kiến thiết đặc trách về vận động tài chánh. ii) Phân ban Kiến thiết do một vị Phó Ban thường trực Ban Tài chính và Kiến thiết đặc trách về kiến thiết tự viện mới và trùng tu tự viện nhằm phát triển các cơ sở vật chất của GHPGVN, phục vụ cho việc hành đạo và dấn thân của GHPGVN. 6. Ban Phật giáo quốc tế có các chức năng chính: (i) Mở rộng quan hệ Phật giáo với các tổ chức Phật giáo trên thế giới, (ii) Tham gia thành lập và điều hành các tổ chức Phật giáo trên thế giới, (iii) Xây dựng hình ảnh GHPGVN, đất nước và con người Việt Nam trên toàn cầu, (iv) Hợp tác song phương các hoạt động ngoại giao, giáo dục, văn hóa, từ thiện và các hoạt động khác giữa GHPGVN với các tổ chức Phật giáo trên thế giới. 7. Ban Thông tin và Truyền thông có các chức năng chính bao gồm quản lý Giáo hội về báo chí, truyền thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tấn, thông tin đối ngoại và thông tin quản lý Giáo hội đối với các hoạt động Phật sự.
VII. NÂNG CAO VỊ THẾ CỦA GHPGVN TRÊN TOÀN CẦU Trong mấy thập niên qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (viết tắt là GHPGVN) là thành viên sáng lập rất năng động và tích cực trong một số Tổ chức Phật giáo lớn trên thế giới bao gồm: (i) Hội Liên hữu Phật giáo thế giới (World Fellowship of Buddhists, viết tắt WFB), (ii) Hội nghị Phật giáo châu Á vì hòa bình (Asian Buddhist Conference for Peace, viết tắt ABCP), (iii) Ủy ban Tổ chức quốc tế đại lễ Vesak Liên hợp quốc (International Council for Day of Vesak, viết tắt ICDV), (iv) Liên minh Phật giáo thế giới (International Buddhist Confederation, viết tắt IBC), (v) Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới (World Buddhist Summit Conference), (vi) Hiệp hội phụ nữ Phật giáo thế giới (Sakyadhita International Association of Buddhist Women, viết gọn là Sakyadhita). Ngoài ra, còn có Hội đồng Tăng đoàn Phật giáo thế giới (World Buddhist Sangha Council, viết tắt WBSC) tại Đài Loan mà GHPGVN chưa là thành viên và Diễn đàn Phật giáo thế giới (世界佛教論壇, World Buddhist Forum, viết tắt WBF) tại Trung Quốc mà GHPGVN tham gia đóng góp chất xám từ lần thứ 1 đến lần thứ 6. Trên tinh thần của những gì GHPGVN đã đóng góp và nâng cao vai trò của mình trong các tổ chức Phật giáo thế giới, tôi đề xuất một số khuyến nghị sau đây để vị thế của GHPGVN ngày càng được đánh giá cao, đóng góp nhiều hơn nữa cho việc phát triển Phật giáo và phụng sự nhân sinh. 1. Giữ gìn và vun đắp mối quan hệ hữu nghị đa phương và tốt đẹp giữa GHPGVN với các tổ chức Hiệp hội Phật giáo lớn trên thế giới; tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp thông qua việc chủ động đăng cai, tổ chức các sự kiện Phật giáo quốc tế tại Việt Nam và tại các quốc gia khác như GHPGVN đã làm rất thành công trong 4 thập niên qua. 2. Ký kết các thỏa thuận song phương: Thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao và tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác song phương giữa GHPGVN với các Hiệp hội Phật giáo quan trọng trên thế giới gồm Liên đoàn Phật giáo quốc tế (International Buddhist Confederation, IBC) ở Ấn Độ, Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới (World Buddhist Summit Conference, WBSC) ở Nhật Bản, Hội Liên hữu Phật giáo thế giới (World Fellowship of Buddhists, WFB) ở Thái Lan, Diễn đàn Phật giáo thế giới (International Buddhist Forum, IBF) ở Trung Quốc. Đối với các nước Phật giáo Nam truyền gồm Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, Ban Phật giáo quốc tế trung ương tiếp tục đưa các hợp tác của GHPGVN với Giáo hội Phật giáo tại Thái Lan, Lào, Campuchia đi vào chiều sâu, mang lại những hiệu quả thực chất. GHPGVN nên giới thiệu, cử các đoàn đại diện tăng cường ngoại giao, ký kết các thỏa thuận hợp tác về giáo dục, hoằng pháp, văn hóa, an sinh xã hội và tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn Phật giáo quốc tế và khu vực, nhằm giữ vững tính đoàn kết, đồng thời củng cố vai trò của GHPGVN, giai đoạn 2023-2027. 3. Thành lập các Hội Phật giáo Việt Nam và chùa tại Đông Âu: Nên tăng cường đối ngoại với Đại sứ quán Việt Nam và các hiệp hội người Việt tại các nước Đông Âu (Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, Slovakia, Slovenia, Ukraina), Đông Đức và Liên bang Nga để tiến hành theo ba bước: (i) Bước một, cử các đoàn hoằng pháp hải ngoại đến các quốc gia này hành đạo, giảng pháp vào các dịp tết, Phật đản, Vu-lan, rằm tháng 10, (ii) Vận động thành lập các Ban điều hành Hội Phật giáo Việt Nam, (iii) Tiến hành thành lập các chùa Việt Nam nhằm duy trì bản sắc sinh hoạt tu học của cộng đồng Việt Nam ở các quốc gia trước đây có nguồn xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, đời sống tinh thần của cộng đồng người Việt tại đây cần được Tăng Ni Phật giáo trong nước chăm sóc, vì phần lớn các Tăng, Ni ở Bắc Âu và Tây Âu thường gắn liền với ý thức hệ Tư bản chủ nghĩa nên không gắn kết, không làm đạo cho cộng đồng Việt Nam ở Đông Âu. 4. Hoằng pháp tại các nước thuộc khối Bắc Âu, khối Tây Âu, Mỹ, Canada và châu Úc: Vì đây là các nước thuộc khối tư bản, mà phần lớn cộng đồng người Việt tại đây đi vượt biên nên không thích Chính phủ Việt Nam và thường bị truyền thông nhồi sọ rằng Tăng Ni sau năm 1975 ở trong nước là các nhà sư quốc doanh, cánh tay nối dài của Cộng sản nên việc đi thuyết pháp là chính. Do đó, khi hành đạo và giảng pháp ở các nước này, Tăng Ni không sử dụng chức danh, vai trò trong GHPGVN và khéo léo tránh dùng các từ ngữ sau năm 1975 để không bị tẩy chay, biểu tình chống đối. Bằng cách chuyên tâm vào việc giảng pháp, các Tăng Ni sẽ mang lại thiện cảm đối với cộng đồng người Việt khó tính này đối với GHPGVN nói chung và tăng ni trong nước nói riêng. Bắc Âu gồm 8/9 nước như Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Iceland, Litva, Latvia, Estonia). Tây Âu chủ yếu là 10/20 nước có người Việt sinh sống như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Áo, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ý, Phần Lan. 5. Thúc đẩy hành hương tại các nước Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á: GHPGVN nên thúc đẩy, tổ chức các Tour hành hương Phật tích và danh lam, thắng cảnh quan trọng của Phật giáo đối với các nước: (i) Nam Á (cụ thể 6/ 8 nước quan trọng gồm Ấn Độ, Sri Lanka, Nepal, Bhutan, Pakistan, Bangladesh), (ii) Đông Nam Á (gồm Thái Lan, Lào, Campuchia, Miến Điện, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines) và (iii) Đông Á (Trung Quốc, Đài Loan, Hongkong, Macao, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Mông Cổ), đồng thời, kêu gọi các tổ chức Phật giáo ở các nước này tham quan du lịch tâm linh tại Việt Nam, thông qua đó, tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa GHPGVN với các tổ chức Phật giáo tại các quốc gia này. 6. Dạy tiếng Việt, tăng cường sinh hoạt văn hóa nhằm duy trì bản sắc Việt Nam tại hải ngoại: Các cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại đang bị đồng hóa hoàn toàn theo văn hóa ở quốc gia mà họ đang sinh sống. Thế hệ lão niên thì không biết ngôn ngữ bản địa. Thế hệ một rưởi và thế hệ thứ hai không giỏi tiếng Việt, thậm chí không biết tiếng Việt. Đây là thách thức lớn đối với việc giữ gìn bản sắc Việt Nam. Do đó, khi hành đạo ở nước ngoài, các Tăng Ni nên tổ chức các lớp học tiếng Việt tại Chùa và các sinh hoạt văn hóa Việt Nam để thế hệ trẻ không mất gốc ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. 7. Thành lập Hội Phật giáo Việt Nam tại Lào, Campuchia, Đài Loan, Singapore: Sau thành công trong việc thành lập Ban điều phối Phật giáo Việt Nam tại Lào cũng như Hội Phật tử tại Hàn Quốc và Nhật Bản, Hội đồng Trị sự GHPGVN nên xem xét và tiến hành thành lập Hội Phật giáo Việt Nam tại Lào, Campuchia, Đài Loan và Singapore nhằm tạo nên một tổ chức thống nhất của cộng đồng người Việt đang sinh sống tại đây. Việc này sẽ thúc đẩy cộng đồng người Việt tạo nên khối đoàn kết. Không chỉ cử các phái đoàn hoằng pháp thường xuyên sang thuyết giảng tại các nước này, mà còn làm công tác an sinh xã hội tại Lào và đặc biệt là Campuchia, nơi có khoảng 180-200 ngàn người Việt mà 2/3 trong số đó là những người không được thừa nhận quyền công dân của nước sở tại và Việt Nam. Hội đồng Trị sự GHPGVN nên làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và Campuchia cũng như một số nước khác để nhờ Đại sứ quán Việt Nam làm việc song phương với chính quyền Lào và Campuchia hỗ trợ về xin cư trú dài hạn cho Tăng Ni Việt Nam đang hành đạo tại các nước này. 8. Đăng ký làm nước đăng cai các hội nghị Phật giáo quốc tế: Như cách Việt Nam trở thành nước đăng cai 3 lần Vesak LHQ 2008, 2014, 2019 tại Việt Nam và Hội nghị quốc tế của Hiệp hội phụ nữ Phật giáo quốc tế năm 2010, Hội đồng Trị sự GHPGVN nên chủ động xin phép chính phủ Việt Nam và các tổ chức Phật giáo thế giới để trở thành tổ chức đăng cai, cứ trung bình 2 năm cho một sự kiện quốc tế, nhằm thúc đẩy sự thay đổi xã hội tại Việt Nam, góp phần làm tăng dân số Phật giáo trong nước, khẳng định vai trò và vị trí của GHPGVN trên toàn cầu. Các sự kiện quốc tế nên đăng cai gồm: (i) Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần 8 (2013) hoặc lần 9 (2024), (ii) Đại lễ Vesak LHQ 2025 tại TP. Hồ Chí Minh, (iii) Hội nghị Phật tử châu Á vì hòa bình lần 12 (năm 2023), (iv) Hội nghị của Hội Liên hữu Phật giáo thế giới lần 30 (năm 2023), (v) Hội nghị Liên minh Phật giáo quốc tế năm 2024 v.v… Nếu năm 2023 chúng ta đăng ký thành công làm nước đăng cai cho một sự kiện quốc tế nào đó thì các sự kiện quốc tế khác sẽ lùi lại theo thời gian và kế hoạch để đủ sức vận động cho nguồn kinh phí tổ chức. *** Kính chúc Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc, nhiệm kỳ 2022-2027 thành công mỹ mãn với những cải cách thiết thực, mang lại tính hiệu quả trong việc phụng sự đất nước và con người Việt Nam.
TP.HCM, ngày 10/11/2022 Thích Nhật Từ
[1] Thích Nhật Từ hiện là Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó Ban Phật giáo quốc tế trung ương, Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Phó Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, trụ trì Chùa Giác Ngộ. [2] Xem chi tiết tại https://baochinhphu.vn/cong-bo-ket-qua-chinh-thuc-va-tong-ket-tong-dieu-tra-dan-so-nha-o-nam-2019-102265875.htm [3] Theo Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam, Việt Nam hiện có 16 tôn giáo được chính quyền Việt Nam cho phép hoạt động hợp pháp tại Việt Nam gồm Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, đạo Bahai’i, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, Đạo Tứ ân Hiếu nghĩa, Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Giáo hội Phật đường Nam tông Minh Sư đạo, Hội thánh Minh lý đọa – Tam Tông miếu, Chăm Bà la môn, Giáo hội các thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Ky Tô (Mormo), Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn, Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm Việt Nam. [4] Theo thống kê của Hội nghị Ban Thường trực HĐTS GHPGVN vào ngày 10/7/2020 thì 18,491 ngôi chùa hợp pháp tại Việt Nam gồm 12.912 chùa Bắc tông, 1.332 chùa Nam tông và Nam tông Khmer, 1.534 Tịnh xá hệ phái Khất sĩ, 287 Tịnh thất, 1.390 niệm Phật đường và 1.036 đạo tràng (điểm tập trung sinh hoạt tôn giáo).
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |