Chi tiết tin tức Hướng phát triển giáo dục Phật giáo Việt Nam thời kỳ đất nước hội nhập và phát triển 14:42:00 - 05/12/2022
(PGNĐ) - Bài viết Hướng phát triển giáo dục Phật giáo Việt Nam thời kỳ đất nước hội nhập và phát triển của Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là bài tham luận trình bày tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội) từ ngày 27-29/11/2022.
DẪN NHẬP Ban Giáo dục Phật giáo là một trong sáu ban được thành lập ngay từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thành lập vào năm 1981. Chứng tỏ chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội bấy giờ đã xác lập vai trò và vị trí của Ban Giáo dục Phật giáo là rất quan trọng trong hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ban Giáo dục Phật giáo có chức năng đào tạo nguồn nhân lực cho Giáo hội, duy trì mạng mạch Phật giáo phát triển vững bền. Bài tham luận này chỉ tập trung bàn về “Hướng phát triển Giáo dục Phật giáo Việt Nam thời Đất nước hội nhập và phát triển” của kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 như là quy luật vận động tất yếu của lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam. Khái quát về thành tựu Giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay. Ban Giáo dục Phật giáo được sự quan tâm hướng dẫn giúp đỡ tận tình của Đảng và Nhà nước, Ban Tôn giáo Chính phủ và chính quyền các cấp; sự quan tâm và chỉ đạo sâu sắc của chư Tôn đức lãnh đạo GHPGVN, Ban Giáo dục Phật giáo đã thực thi chủ trương đào tạo nhân tài, cung cấp nguồn nhân lực cho Giáo hội và quản lý đào tạo giáo dục Phật giáo mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam giao phó. Về mặt tổ chức Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương là cơ quan quản lý hành chính cao nhất đối với các tổ chức giáo dục Phật giáo trong cả nước, hoạt động giáo dục đào tạo của các trường Phật học trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là ban có tính chất chuyên môn và mang tính đặc thù, vì vậy, nguồn nhân sự của ban cũng cần có chuyên môn hóa. Đến nay, điểm nổi bật nhất của ban là kiện toàn không chỉ khung nhân sự điều hành tổ chức mà còn thiết lập các Hội đồng chuyên môn, Hội đồng Khoa học của Ban để định hướng chương trình hoạt động giáo dục và thẩm định Giáo dục Phật giáo Việt Nam, đồng thời các phân ban chuyên môn, và cả Hội đồng biên soạn sách giáo khoa và Hội đồng Thẩm định sách giáo khoa các cấp. Về hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam Hệ thống giáo dục Phật giáo bao gồm 4 Học viện Phật giáo Việt Nam (HVPGVN): Học viện PGVN tại Hà Nội, Học viện PGVN tại Huế, Học viện PGVN tại TP. Hồ Chí Minh, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ, có chức năng đào tạo chương trình Đại học Phật giáo (Cử nhân, Cao đẳng Phật học), và sau Đại học (Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học). Cao đẳng Phật học có 9 lớp có chức năng đào tạo chương trình cao đẳng chuyên khoa và cao đẳng liên thông). Trung cấp Phật học gồm có 35 trường Trung cấp Phật học trong cả nước và trường Trung cấp Pali Nam bộ có chức năng đào tạo Trung cấp Phật học và 50 lớp Sơ cấp Phật học. Công tác đào tạo – cung cấp nguồn nhân lực cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Đến nay, giáo dục Phật giáo đã hoàn thiện hệ thống có chiều sâu, mang tính phát triển, hòa nhập vào hệ thống quy chuẩn của nền giáo dục quốc dân đi từ nền tảng đến phát triển thượng tầng. Đây là kết quả đúc kết từ buổi đầu ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến nay. Về đào tạo sau Đại học, các Học viện đã đào tạo 101 Thạc sĩ tốt nghiệp, đang học Thạc sĩ 337 học viên, chương trình Tiến sĩ có 50 nghiên cứu sinh. Bốn học viện Phật giáo Việt Nam đã đào tạo 12.230 Tăng Ni sinh tốt nghiệp hệ cử nhân Phật học (chính quy và từ xa), đang đào tạo 2.863 hệ Cử nhân và Từ xa. Hệ Cao đẳng Phật học cả nước, đến nay, đã đào tạo gần 6.000 Tăng Ni sinh tốt nghiệp. Các lớp Cao đẳng Phật học tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo với 3.600 Tăng Ni sinh theo học. Các lớp cao đẳng liên thông đang đào tạo tại Học viện PGVN Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang khoảng 1.050 Tăng Ni sinh. Hệ Trung cấp Phật học cả nước đã đào tạo 9.315 Tăng Ni sinh tốt nghiệp. Các trường đang triển khai chương trình đào tạo Trung cấp Phật học cải cách 3 năm do Ban Giáo dục Phật giáo chủ trương. Nội dung giảng dạy theo bộ sách giáo khoa do ban biên soạn, có sự kết hợp hài hoà giữa nội điển và ngoại điển, đang đào tạo 3.711 Tăng Ni sinh. Các lớp đào tạo chương trình Phật học Nam tông Khmer, do tính đặc thù của hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trường Trung cấp Pali Nam bộ tỉnh Sóc Trăng mở các lớp Vini, Pali Trung cấp, Sơ cấp, Khmer ngữ và bổ túc văn hóa cấp 1, 2, 3; lớp dạy Anh văn, tin học cho chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer. Hiện đã đào tạo khoảng 2.700 Tăng sinh tốt nghiệp và đang đào tạo 2.195 Tăng sinh theo học. Hệ Sơ cấp Phật học cả nước đã đào tạo 5.500 Tăng Ni sinh tốt nghiệp, đang đào tạo 3.500 Tăng Ni sinh. Ban Chủ nhiệm các lớp Sơ cấp Phật học thực hiện việc giảng dạy theo chương trình do Ban Giáo dục Phật giáo ấn định. Về công tác đào tạo Tăng Ni sinh du học nước ngoài, ban và các học viện đã giới thiệu hơn gần 550 Tăng Ni sinh du học chương trình Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ Phật học tại các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar, Sri-Lanka, Thái Lan, Pháp, Nhật, Mỹ, Úc và Đài Loan,… Hiện có trên 300 Tăng Ni tốt nghiệp Tiến sĩ và Thạc sĩ chuyên ngành Phật học đã trở về nước tham gia giảng dạy tại các học viện và các trường Phật học hoặc tham gia công tác Phật sự cho các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ký hợp tác đào tạo với các trường đại học Phật giáo trên thế giới Trong xu hướng hội nhập và phát triển của đất nước, dưới sự chỉ đạo của Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, các Học viện Phật giáo Việt Nam đã chính thức liên kết đào tạo với một số Đại học danh tiếng ở nước ngoài như: Đại học Nalanda và Trung tâm Phật học K.J. Somaiya (Ấn Độ), Đại học Mahachulalongkorn (Thái Lan), Đại học Sư phạm Phúc Kiến, Đại học Sư phạm Hoa Trung và Đại học Liên Hợp Bắc Kinh (Trung Quốc), Đại học Phật Quang Sơn (Đài Loan)… góp phần nâng cao uy tín cho giáo dục Phật giáo Việt Nam, đồng thời mở rộng mối quan hệ với các nước trên thế giới. Hỗ trợ công tác đối ngoại cho Giáo hội về chuyên môn và học thuật Dưới sự chỉ đạo của Trung ương GHPGVN và sự lãnh đạo của Hoà thượng Trưởng ban Thích Thanh Quyết, Ban Giáo dục Trung ương đã tham gia hỗ trợ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức thành công sự kiện lớn quốc tế như: Đại lễ Phật Đản Vesak Liên Hợp Quốc và Hội nghị Nữ giới Phật giáo Quốc tế Sakyadhita. Hoà thượng Trưởng ban và các thành viên đã tham gia viết bài tham luận và dự hội thảo tại các nước Phật giáo thân hữu, các trường Đại học Phật giáo như: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia, Lào… để trao đổi học thuật. Bên cạnh đó, ban còn tổ chức các hội thảo chuyên đề về giáo dục Phật giáo và giáo dục Phật giáo Việt Nam tại 4 học viện như: Hội thảo Khoa học Giáo dục Phật giáo Việt Nam: Truyền thống và hiện đại tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Hội thảo Giáo dục Trung cấp Phật học: Hiện trạng và giải pháp; tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ngắn hạn tại Học viện TP. Hồ Chí Minh, hội thảo về tư tưởng văn hóa Trần Nhân Tông, hội thảo Ni giới Việt Nam. Biên soạn và ấn hành bộ sách ciáo khoa Trung cấp Phật học Đây là bộ sách giáo khoa Phật học được Ban Giáo dục Phật giáo chủ trương biên soạn mang tính khoa học có hệ thống dành cho Trung cấp Phật học, làm nền tảng cho Cao đẳng, Cử nhân Phật học. Hiện nay đã ấn hành rộng rãi cho Tăng Ni sinh 19 đầu sách với số lượng 250.000 cuốn, phân phối cho 35 trường Trung cấp cả nước, trên tổng số 32 đầu sách đang nghiệm thu. Ban cũng đã lên kế hoạch thực hiện sách giảng dạy cho Cao đẳng, Cử nhân Phật học. Công tác an sinh xã hội Ban Giáo dục chú trọng công tác xã hội, từ thiện an sinh xã hội. Các Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội và Học viện Nam tông Khmer đã cứu trợ gần 8,5 tỷ đồng trong các đợt thiên tai lũ lụt vừa qua. Đồng thời, các cơ sở giáo dục Phật giáo đã tổ chức hiến máu nhân đạo tại các học viện, ủng hộ quỹ vaccine, tham gia tình nguyện chống dịch COVID-19. Công tác cứu trợ cũng được ban quan tâm, thể hiện tinh thần từ bi và hiện thực hóa giáo lý nhà Phật. Lãnh đạo Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương do HT. Trưởng ban, TT. Thích Phước Đạt, Thích Nguyên Thành và các thành viên đã đến thăm các cơ sở giáo dục – đào tạo tại miền Trung, chỉ đạo công tác giáo dục, hỷ cúng tịnh tài khắc phục bão lụt với tổng chi phí 2 tỷ đồng. Xây dựng mới các cơ sở giáo dục đào tạo Hiện 4 Học viện Phật giáo Việt Nam đều hoàn tất xây dựng giai đoạn 1 đầy đủ quy mô xứng đáng là những đại học Phật giáo tiêu biểu trong khu vực, diện tích mỗi học viện trên 20 hecta, đáp ứng nhu cầu tu học nội trú 100%, các tòa nhà học đường với trang thiết bị học đường hiện đại, chánh điện, khu cư xá rộng rãi, tòa nhà thư viện lớn, khu thể thao, khu vườn sinh thái, nhà ăn… Hệ thống 35 trường Trung cấp và Cao đẳng của cả nước rất nhều cơ sở được xây dựng mới và có cơ sở độc lập, không như trước đây trường Trung cấp Phật học hầu như mượn cơ sở của chùa. Hình thành hệ thống thư viện Phật học Các cơ sở giáo dục đào tạo của Phật giáo đều chủ trương xây dựng hệ thống thư viện để cung cấp nguồn tri thức cho sinh viên như là vị thầy hướng dẫn thứ hai của công tác học đạo. Các học viện đều có thư viện trưởng, đầu tư ngân sách xây dựng tòa thư viện và sách nghiên cứu chuyên môn hàng chục tỷ đồng. Hiện nay, thư viện của mỗi học viện đã có 30.000 quyển sách, 15.000 tựa sách. Ngoài ra còn có hệ thống sách đọc điện tử Phật học. Các trường Trung cấp cũng xây dựng phòng đọc sách cho Tăng Ni sinh với hàng nghìn đầu sách. Tổ chức nội trú cho Tăng Ni sinh tu học tại các cơ sở đào tạo Để nâng cao chất lượng đào tạo kiến thức Phật học và đạo hạnh cho các Tăng Ni sinh trong việc tu học, các cơ sở giáo dục đào tạo Phật giáo đã tổ chức lối sống tu học nội trú khép kín cho các Tăng Ni sinh trong thời gian học tập, được miễn phí 100% cho tất cả Tăng Ni sinh nội trú. Phát huy giá trị Giáo dục Phật giáo truyền thống và hướng đến xây dựng nền giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện đại phù hợp xu hướng hội nhập Mục đích và lý tưởng giáo dục Phật giáo của Đức Phật và đạo Phật là giúp con người tự cảm nhận được những thực tế khách quan, tự chấm dứt mọi khổ đau cho chính mình trong cuộc sống. Muốn thành tựu mục đích và lý tưởng của giáo dục Phật giáo, người con Phật phải biết vận dụng tính khế lý, khế cơ phù hợp mọi thời gian, không gian. Tách rời thực tế khách quan của cuộc sống (xã hội) thì nhất định chúng ta khó có thể thành công. Trong ý niệm đó, thiết nghĩ nền giáo dục Phật giáo Việt Nam cần phát huy các nguyên lý giáo dục Phật giáo như đặc trưng của nền giáo dục Phật giáo Việt Nam, để định hướng phát triển phù hợp với xu hướng hội nhập, trên nền tảng giáo dục Phật giáo truyền thống kết hợp giáo dục học đường hiện đại như sau: Xây dựng chiến lược con người Hội nhập và phát triển là quy luật tất yếu của lịch sử mà bất cứ tổ chức nào cũng phải vận hành. Cơ sở lý luận và thực tiễn để phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam xứng tầm với vị trí và vai trò của nó trong lòng dân tộc, vươn tầm với thế giới là tập trung đào tạo nguồn nhân lực Tăng Ni, Phật tử tài đức để phụng sự cho Giáo hội và dân tộc qua hệ thống giáo dục – đào tạo Phật giáo. Trên nền tảng thành tựu giáo dục Phật giáo nói trên, Ban Giáo dục Phật giáo cần xây dựng chiến lược con người như là bệ phóng quyết định thành công vừa mang tính thừa kế, vừa bảo đảm phát triển tương lai mang tính vững bền của kỷ nguyên thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp giáo dục vẫn là con người. Nói cách khác, chất lượng của việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhân tài ở các cơ sở đào tạo phụ thuộc vào cả ba yếu tố cốt lõi: Người học (sinh viên), người dạy (giảng viên), người quản trị học đường. Về người học (sinh viên) Trong hệ thống giáo dục Phật giáo hiện nay, bao gồm giới đệ tử xuất gia và giới đệ tử tại gia có nhu cầu học tập, nghiên cứu, thực hành giáo lý Phật giáo. Mục đích tối hậu của giáo dục Phật giáo là nhằm giáo dục cho người ta tự biết mình và cuộc đời để tiến đến mục đích giải thoát Niết bàn ngay giữa cuộc đời này. Vì thế, mục tiêu giáo dục Phật giáo không chứa đựng một nội dung bao quát như giáo dục nói chung mà mục tiêu cụ thể, trước mắt đối với người học là khai mở trí tuệ (duy tuệ thị nghiệp). Mặt khác, mục tiêu phải được hiểu là những điểm cuối của cả quá trình mà các đối tượng của giáo dục (người học) phải đến trên một lộ trình dài có nhiều chặng phải vượt qua để đạt được lý tưởng tối hậu, vì vậy giáo dục Phật giáo tùy hoàn cảnh, tùy trình độ từng cá nhân mà có những mục tiêu trước mắt khác nhau. Trong tinh thần đó, giáo dục Phật giáo cần đào tạo ra mẫu người tự hoàn thiện bản thân và có ý thức đóng góp cho đạo Phật, cho dân tộc với ý nguyện tự nghiên cúu, tự tu tập theo giáo lý nhà Phật, đồng thời biết thích nghi với xã hội, với những kiến thức kỹ năng sống hiện đại, được xem một trong những đặc trưng nổi bật của giáo dục Phật giáo. Nói khác đi, người học không chỉ được xem là đối tượng giáo dục mà còn được nhìn nhận là chủ thể giáo dục trong một môi trường giáo dục học đường Phật giáo thời hiện đại. Do đó, Ban Giáo dục Phật giáo cần có định hướng về nội dung, phương pháp đào tạo có khả năng tối ưu có thể, để phát huy tính tự chủ trong nghiên cứu học tập, đồng thời phát huy mọi khả năng sáng tạo tiềm ẩn sẵn có trong mỗi cá thể giáo dục để nâng cao hiệu quả học tập và nghiên cứu của người học. Thực hiện tốt điều này, ngành giáo dục Phật giáo sẽ từng bước nâng cao chất lượng đào tạo. Bằng chứng là các học viện đã thay đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ, hay học phần, sinh viên có điều kiện tự chủ đăng ký ngành học, môn học, khung giờ học, giảng viên đứng lớp, tự học, tự thảo luận và tự tích luỹ kiến thức. Vai trò người thầy chỉ được xem là người hướng dẫn, là người khai tâm mở trí đối với người học. Về người dạy (giảng viên) Mỗi khi sinh viên được xem là nhân tố quyết định của việc nâng cao chất lượng giáo dục cùng với sinh viên, thì vấn đề chất lượng đào tạo liên quan đến số lượng và chất lượng giảng viên. Số lượng giảng viên chuyên môn hoá ngành đào tạo phải đáp ứng số lượng sinh viên theo học. Ở một số môn học, nghe Giáo sư giỏi giảng trong một hội trường lớn sẽ thu hoạch nhiều hơn là với một giảng viên không có kinh nghiệm trong một phòng học nhỏ. Chúng ta cần có nhiều giảng viên để giảng bài và hướng dẫn thực tập cho sinh viên, nhưng chúng ta cũng cần tập cho sinh viên thói quen tự học, nhất là trong điều kiện chúng ta từng bước áp dụng công nghệ kỹ thuật số trong giảng dạy. Trong xu hướng phát triển, việc xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu có chuyên môn cao là điều tất yếu mang tính chuyên nghiệp của nền giáo dục hiện đại. Thế nên, đối với chương trình đào tạo đại học và sau đại học, Hội đồng điều hành các học viện cần xây dựng đội ngũ nhà giáo có chuyên môn cao, có uy tín và kinh nghiệm, nhiệt huyết để truyền đạt kỹ năng và kiến thức cho sinh viên và học viên, nghiên cứu sinh. Đối hệ Cao đẳng, Trung cấp Phật học, thực tế có nhiều trường thiếu giảng viên chuyên môn, chính vì vậy Ban Giám hiệu các trường cũng cần chủ động mời các nhà giáo có năng lực chuyên môn và uy tín để đảm trách đúng với từng môn học mà Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương đã biên soạn bộ sách giáo khoa Trung cấp Phật học. Từ những yêu cầu lý luận và thực tiễn nói trên, Ban Giáo dục Phật giáo cần định hướng công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo vừa đáp ứng nhu cầu cần và đủ hiện nay, vừa đảm bảo tính kế thừa và lâu dài nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục trong xu hướng hội nhập toàn cầu. Các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, các khoá tu nghiệp ngắn hạn, dài hạn dành cho giảng viên cần được mở nhiều hơn để nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm truyền đạt cho người học từ giáo án, giáo trình sách vở truyền thống và cả giáo án, giáo trình điện tử. Nhìn chung, việc chuẩn hoá đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục đào tạo Phật giáo hiện nay. Về người quản trị Có thể nói khâu quản trị học đường của hệ thống giáo dục Phật giáo là chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn hiện nay. Vai trò người quản trị học đường là vô cùng quan trọng trong một tổ chức hệ thống giáo dục Phật giáo phát triển về số lượng và chất lượng đối với người học. Chính người quản trị là người kết nối mọi thành phần trong tổ chức cơ sở đào tạo từ Hội đồng Điều hành, Ban Giám hiệu, các Hội đồng Khoa học, Ban Giảng huấn, Văn phòng, sinh viên và cả nhân viên phục vụ. Tùy theo chức năng nhiệm vụ mà thực thi góp phần cho bộ máy giáo dục tại các cơ sở đào tạo vận hành đồng bộ. Trong thời đại kỹ thuật số, nhìn rộng ra, thì việc quản trị đã được số hoá dữ liệu thông tin toàn bộ các thành phần trong cơ sở đào tạo từ sinh viên, giảng viên và nhân viên…ở các trường đại học uy tín trong nước, cũng như ở nước ngoài. Các phần mềm quản trị càng ngày càng được phát huy hữu dụng giúp cho việc quản trị sinh viên trở nên hữu dụng và tiện ích, giúp tiết kiệm thời gian, nhưng cũng thể hiện độ tin cậy xác thực. Về phần này, trong thời gian tới ban sẽ định hướng và xây dựng trên nền tảng khởi đầu từ các học viện Phật giáo đang tiến hành, sau đó sẽ tiếp tục cho các cơ sở đào tạo Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp Phật học. Và như vậy, ban cũng sẽ tổ chức những khóa đào tạo chuyên môn về quản trị học đường trong nhiệm kỳ IX. Mặt khác, công tác kiểm định chất lượng đào tạo cho đến nay vẫn chưa quan tâm nhiều, dẫn đến chưa đánh giá hết về thành quả đào tạo. Do đó, công tác xây hệ thống quản trị học đường chặt chẽ để nâng cao hiệu năng quản lý và đào tạo con người là nhu cầu cấp thiết. Về vấn đề này, ở các trường Trung cấp Phật học hiện nay cần nhanh chóng đào tạo người quản trị học đường có kiến thức và khả năng quản trị văn phòng, quản trị con người đào tạo để đáp ứng nhu cầu thực tiễn đang xảy ra. Nội dung giáo dục và phương pháp giảng dạy Khi mục tiêu giáo dục đã được đề ra như thế nào, thì nội dung giáo dục phải có chất liệu như thế đó để có thể đáp ứng và đạt hiệu quả. Kế thừa truyền thống giáo dục Phật giáo từ thời Đức Phật, toàn bộ nội dung giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay cũng không ngoài con đường thực thi Giới – Định – Tuệ đã được giải trình qua Tam tạng Thánh điển. Phật giáo xem toàn bộ kinh điển Phật giáo như là tài liệu giáo khoa để người học Phật tu tập. Tại đây, chúng ta sẽ thấy thế giới hình thành do nhân duyên, vô ngã vô thường. Về nhân sinh, cuộc đời bản chất là khổ. Con người hình thành do năm uẩn, và bị chi phối bởi khổ đau, và chính họ có thể diệt khổ qua việc tu hành và thăng chứng tâm linh đi đến giải thoát. Về xã hội, mọi người đều là con Phật, mọi người đều khổ và vượt thoát khổ nên cần phải yêu thương nhau, có mối liên hệ đời này, đời khác. Về đạo đức, con người chịu nhận kết quả cuả nghiệp tạo ra, vì vậy, người học Phật tin tưởng tuyệt đối thuyết nhân quả, nghiệp báo luân hồi. Đó là toàn bộ nội dung mà Phật giáo hướng đến việc giáo dục con người. Một trong những yêu cầu của giáo dục là tạo cho con người học sự thích nghi, sự tự phát triển. Giáo dục Phật giáo không nhằm nhồi nhét kiến thức, kỹ năng của con người trong thời đại mới mà nhằm giúp mọi người thích nghi với thời đại mới mỗi khi phải chung đụng với đời. Do đó, giáo dục Phật giáo chú trọng thực thi con đường Giới – Định – Tuệ, lấy sự phát triển tâm linh, đạo đức, thiền định làm mục tiêu cho mọi sinh hoạt. Do đó, các trường Phật học ngày nay cần có sự kết hợp giữa giáo dục Phật giáo truyền thống và giáo dục Phật giáo hiện đại trong bối cảnh cải cách giáo dục Việt Nam bao gồm cải cách chương trình, cải cách phương pháp giảng dạy… để thực thi sự nghiệp giáo dục Phật giáo Việt Nam trong thời đại hiện nay. Việc đổi mới về phương pháp giảng dạy trên cơ sở phát huy truyền thống giáo dục Tự viện kết hợp phương pháp giáo dục hiện đại của hệ thống học đường là quy trình tất yếu, trong đó người học là chủ thể cuả giáo dục, là nhân vật trung tâm, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học theo xu hướng hiện đại. Chúng ta có thể tìm thấy tất cả các phương pháp sư phạm hiện đại tiềm năng trong kinh điển Phật giáo. Trong các thời thuyết giảng, Đức Phật rất linh động trong phương pháp. Có khi tự Đức Phật nêu vấn đề và triển khai chi tiết (diễn giảng), có khi do được hỏi, hay do Ngài gợi ý bằng câu hỏi (vấn đáp). Đức Phật thường dùng các phương pháp thí dụ, ẩn dụ, so sánh, đối chiếu, quy nạp, tổng hợp, diễn dịch, loại suy. Đây là những phương pháp mà về sau này, các ngành khoa học đều thường sử dụng. Trong thiền học, chúng ta có thể tìm thấy những phương pháp đặc biệt của giáo dục Phật giáo qua kỹ thuật thiền định, sự tập trung quán tưởng, sự thâm nhập đề tài bằng tất cả tâm thức. Điều cần lưu ý khi mọi phương pháp giáo dục tùy thuộc vào nội dung giáo dục và do đó tùy thuộc vào mục tiêu, đối tượng, biện pháp và cách tổ chức giáo dục. Phương pháp giáo dục còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, môi trường và thiết bị giáo dục. Phương pháp thì bao gồm lãnh vực dạy (thầy) và học (trò) với mục đích đạt hiệu năng qua 5 phương pháp: 1. Kích thích học sinh học tập. 2. Trình bày thông tin. 3. Rèn luyện kỹ năng. 4. Cũng cố hệ thống hóa tri thức. 5. Kiểm tra đánh giá kiến thức kỹ năng. Năm phương pháp này có thể được thực hiện ngang qua hai biện pháp: là biện pháp diễn dịch (trình bày chủ đề rồi giảng giải, chứng minh) và biện pháp qui nạp (phân tích chủ đề rồi rút ra kết luận). Thực tế, mọi phương pháp giáo dục đều có sự tham gia của thầy và trò, trong đó trò là chủ động (tránh việc giảng dạy theo một chiều). Do đó, giáo dục cần chú trọng đến việc tạo điều kiện cho người học tự khai mở, tự trau dồi và chủ động trong việc suy tư, tìm kiếm, thâu nạp kiến thức và rèn luyện kỹ năng mà giáo dục Phật giáo mong chờ. Ngày nay, có nhiều phương pháp giáo dục hiện đại nhưng không có phương pháp nào là ưu việt, chúng phải bổ túc cho nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố giáo dục. Theo thiển ý của chúng tôi nếu được vận dụng linh hoạt sẽ nâng cao chất lượng giảng dạy tại các cơ sở đào tạo Phật học. Cập nhật hoá và bổ sung nâng cấp chương trình học theo hướng phát triển Để hội nhập và phát triển thì không ngừng cập nhật chương trình học các cấp để theo kịp xu hướng phát triển của Giáo dục hiện đại bằng cho người học các kiến thức mới và các khám phá mới trong ngành Phật học trên thế giới, các môn học và nội dung môn học trong các trường Phật học cần được cập nhật, chỉnh lý, bổ sung, theo hướng hiện đại, toàn diện và có hệ thống. Bởi lẽ, theo nguyên lý giáo dục Phật giáo là tiến trình vận động không ngừng, nhằm chuyển hóa nội tâm để thích ứng sự thật khách quan biến đổi từ bên ngoài. Khi xã hội thường xuyên chuyển biến thì nội dung giáo dục cũng cần thay đổi, cần tiếp nhận và chuyển hóa đáp ứng ứng yêu cầu thực tiễn, hướng đến giá trị hạnh phúc nhất mà con người cần hướng đến. Trên cơ sở thống nhất chương trình đào tạo các cấp mà Ban Giáo dục Trung ương xây dựng, việc thường xuyên cập nhật dữ liệu khoa học, thảo luận, cập nhập và biên soạn bổ sung chương trình đào tạo là công tác mà ban nỗ lực quan tâm chỉ đạo và thực hiện, đap ứng nhu cầu hội nhập và phát triển của đất nước, của Giáo hội trong thời đại công nghệ 4.0. Thế giới hôm nay là thế giới mà không còn ngăn cách địa lý, địa cầu như thu hẹp lại, vì thế trong thế giới phẳng, tài nguyên về trí tuệ trên không gian là bất tận. Tam tạng kinh điển của Phật giáo là tài nguyên trí tuệ của nhân loại. Việc Ban Giáo dục Phật giáo chủ trương chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo dục Phật giáo trong cả nước phát huy thực hiện chương trình giảng dạy sâu về cổ ngữ như: Tiếng Phạn, Pali, Tây Tạng và sinh ngữ như: Tiếng Anh, Pháp, Trung… như là phương thức tiếp cận tri thức và có khả năng sử dụng và phân tích văn bản, cổ ngữ đã quy định trong chương trình giáo dục Phật học, bao gồm: Pali, Sanskrit, Tạng ngữ và Hán ngữ. Ngoài ra, trong chương trình Trung cấp Phật học, Anh văn Phật pháp, Trung văn Phật pháp nên được đào tạo sâu nhằm giúp Tăng Ni có thể sử dụng ngôn ngữ thông dụng này tiếp cận các nguồn tài liệu mới được khám phá và công bố trên thế giới dưới hình thức sách thư viện và online. Một kỹ năng nữa dành cho sinh viên là cần được trang bị kiến thức và kỹ năng ứng dụng thành tựu công nghệ kỹ thuật số để ứng dụng trong nghiên cứu và học tập. Có như vậy, chất lượng đào tạo sẽ nâng cao và hiệu quả tốt. Kiến tạo không gian học thuật xứng tầm, môi trường giáo dục lý tưởng Đặc trưng của nền giáo dục Phật giáo là pháp học đi đôi với pháp hành, do đó việc xây dựng môi trường giáo dục Phật giáo lý tưởng là điều tiên quyết đối với các cơ sở đào tạo từ học viện cho đến các trường cao đẳng, trung cấp Phật học. Bốn học viện hiện nay đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở mới với diện tích trên 20 hecta, điều quan trọng là đã hoàn thành và đáp ứng của một đại học xứng tầm quốc gia, có vị trí trong khu vực với các nước Phật gió thân hữu xung quanh ta. Một môi trường học tập, nghiên cứu và tu học nội trú 100% cho sinh viên sẽ tạo ra không gian học thuật hữu hiệu không chỉ cho sinh viên Tăng Ni sinh mà cả giảng viên, bao gồm các nhà nghiên cứu nữa. Trong một không gian học thuật như thế sinh viên có thể nối kết với nhau để tự học, để thảo luận trao đổi học thuật với giảng viên. Chúng ta cũng rất mừng các học viện đang đầu tư xây dựng hệ thống thư viện lớn, tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đã dành quỹ đất gần 5000m2 kiến trúc theo quy chuẩn thư viện quốc tế, Học viện Phật giáo tại Hà Nội, Huế cũng đang triển khai… Tất cả sẽ tạo nên một không gian học thuật lớn trong tương lai, có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, Phật học ra đời trong sự giao lưu với Phật giáo các nước bạn. Các cơ sở Cao đẳng và Trung cấp Phật học cũng bước đầu xây dựng cơ sở mới cho Tăng Ni sinh nội trú 100% và cũng hướng đến việc xây dựng không gian học thuật khi mà sinh viên được nhìn nhận là chủ thể giáo dục. Bước đầu xây dựng các thư viện quy mô vừa tầm đáp ứng cho việc trao đổi, tự học, tự phát triển kiến thức qua sách vở, qua sự thảo luận học nhóm và nối kết các giáo thọ trong việc tích lũy kiến thức. Khi không gian học thuật được vận hành sẽ tạo nguồn cảm hứng lớn đối với người học, trên hết đây là biện pháp thúc đẩy hiệu năng giáo dục và đào tạo trong môi trường giáo dục lý tưởng. Suy cho cùng, nội dung của giáo dục Phật giáo thường được gọi là Tam học hay Tam vô lậu học. Đó là Giới – Định – Tuệ. Trong nghĩa thông thường, Giới được xem là đạo đức, là sự giữ mình, sự tiết độ. Định là sự vững vàng, sự thực hành, là sức vươn lên. Tuệ là sự nhận thức, kiến thức đúng đắn, sự nhìn thấy, thể nhập chân lý. Toàn bộ giáo lý của Đức Phật và những lời giảng dạy của chư Tổ đều có thể phân thành Giới – Định – Tuệ , để học để hành trì đưa đến giải thoát. Có thể xem đây là điều kiện tất yếu nhằm nâng cao phẩm chất đạo hạnh của Tăng Ni sống theo quy cũ thiền môn. Ban Quản chúng này chịu trách nhiệm quản lý về sự tu học, Ban Giám thị chịu trách nhiệm quản lý Tăng Ni sinh theo đúng nội quy của trường, lớp trong việc học tập và thi cử. Hay nói khác đây là mô hình giáo dục học đường Phật giáo kết hợp giáo dục tự viện trong môi trường tu học nội trú lý tưởng sẽ góp phần nâng cao phẩm hạnh Tăng Ni sinh, là cơ sở phát triển nâng cao chất lượng đào tạo. Thay cho lời kết Trên đây là những ý niệm xây dựng và phát triển nền giáo dục Phật giáo Việt Nam trong bối cảnh đất nước ta hội nhập và phát triển toàn cầu. Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức bao giờ cũng đồng hành cùng dân tộc và đặt sự tồn vong và phát triển của mình trong sự tồn vong và phát triển của đất nước. Do đó, giáo dục Phật giáo luôn cùng đất nước hội nhập và phát triển dựa trên bản chất và giá trị của một nền giáo dục Phật giáo đã vận hành từ xưa cho đến nay. Chừng nào con người còn khát vọng về giải thoát khổ đau, chừng đó con người còn khát vọng về hạnh phúc. Hạnh phúc được xây dựng trên nền tảng con người được giáo dục, giáo hóa, nhất là giáo dục Phật giáo. Đặc trưng của nền giáo dục Phật giáo là dựa trên nền tảng giáo dục Duyên khởi. Chính vì vậy, khi xã hội con người càng phát triển bao nhiêu thì nguyên lý giáo dục của Phật giáo cũng tùy duyên vận hành để đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội. Mục đích cuối cùng là xây dựng và hướng con người đi đến giải thóat khổ đau và xã hội an lạc.
Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt NamTài liệu tham khảo: 1. Thích Phước Đạt (2010), Giáo trình Giáo dục Phật giáo Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam, Lưu hành nội bộ. 2. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích nữ Thanh Quế (2021), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội. 3. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích nữ Thanh Quế (2021), Đại cương Thiền học Việt Nam, Nxb. Phụ nữ. 4. Nguyễn Thánh Bình (Chủ biên, 2005), Lý luận giáo dục học Việt Nam, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội. 5. Bern Merier, Nguyễn văn Cường (2017), Lý luận dạy và học hiện đại, Nxb. Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. 6. Thích Minh Châu (2005), Đức Phật nhà giáo dục vĩ đại, Nxb. Tôn giáo. 7. Trần Thị Thu Hương (Chủ biên), Nguyễn Đức Danh, Hồ Văn Liên, Ngô Đình Qua (2017), Giáo dục học đại cương, Nxb. Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. 8. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, Hà Nội. 9. Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |