Chi tiết tin tức

Tứ Diệu Đế, bài học đầu tiên (P.3)

21:55:00 - 18/07/2014
(PGNĐ) -  Đức Phật đã nói rõ nguyện nhân gây ra đau khổ cho con người là do vô minh, vì không nhận thức được quy luật khách quan của thế giới tự nhiên cũng như thế giới nhân sinh là vô thường, khổ, không, vô ngã và mọi sự việc trên đời đều phát triển theo lý thuyết duyên sinh hay duyên khởi. 
Chương  thứ Ba
TẬP ĐẾ
(CHÂN LÝ VỀ NGUỒN GỐC ĐAU KHỔ)
 
I. Mở đầu:
 
Khi nói về giáo lý Tứ Diệu Đế, điều đầu tiên đức Phật nói về Khổ đế để cho mọi chúng sinh thấy rõ những nỗi khổ trên trần thế. Trong phần này Đức Phật phân tích rất kỹ và đầy đủ về những nỗi khổ mà không phải mọi người đều nhìn thấy hết được. Vậy vì sao đức Phật lại có những nỗi khổ trước, bởi vì con người bình thường không thể thấy và biết được hết những nguyên nhân nào đã đưa người ta đến các nỗi khổ. Có thể một người nào đó khi chịu những nổi khổ trong gia đình thì đổ tại vợ hay chồng hoặc do con cái gây nên. Khi chịu những đau khổ do người ngoài hoặc do xã hội hay thiên nhiên đem lại thì cũng đổ tại người khác hoặc đổ tại xã hôi hoặc trời đất gây ra. Họ không biết đâu rằng, cái mà họ đổ tại gia đình, vợ, chồng, con cái, xã hội, thiên tai đem lại không phải là cái nguyên nhân cơ bản, đó chỉ là những biểu hiện bên ngoài, trước mắt mà không phải là cái nguồn gốc sâu xa gây ra đau khổ cho họ.

Do con người không biết được vạn vật hữu hình hay vô hình chỉ là giả tạm, luôn biến đổi; không biết những ý nghĩ, lời nói và hành động của mình sẽ gây ra nghiệp nên cứ làm theo mãi, nên suy nghĩ và hành động xấu ngày càng diễn ra, bị xô đẩy trôi lăn mãi trong vòng sinh tử luân hồi nên càng gây ra đau khổ. 
 
Những nguyên nhân gây ra đau khổ của chúng  sinh, của con người trên trần thế, đức Phật nói rõ trong phần thứ hai của Tứ Diệu Đế, đó là Tập đế.
 
II. Định nghĩa về Tập đế
 
Tập đế, tiếng Phạn gọi là Samuda Dukkha Satyã. Samuda là tập hợp, là nhóm gộp lại, Dukkha nghĩa là sự chịu đựng những đau khổ như ốm đau, đói khát, buồn bực, sợ hãi, lo lắng…Còn Satyã nghĩa là sự chân thực không hư vọng, là sự thật, là chân lý, ta dịch nghĩa là đế. Vì vậy Tập đế (Samuda Dukkha-Satya) nghĩa là sự thật hay là chân lý về những nguyên nhân gây ra nỗi khổ.
 
III. Nội dung của Tập đế:
 
1. Vô minh là nguồn gốc gây ra đau khổ:
 
Đức Phật đã dạy rằng vì vô minh che lấp, nên con người không nhận ra thực tướng của vạn vật. Vì vậy người ta cứ chạy theo cái hư ảo, cái không vĩnh viễn đó mà tạo ra nghiệp. Vô minh là sự mê mờ, thiếu sáng suốt, là những nhận thức sai lạc về thế giới, kể cả thế giới nhân sinh cũng như thế giới tự nhiên. Thế  giới này phát triển theo quy luật vô thường và lý thuyết duyên sinh hay duyên khởi. Nếu thấu triệt được lý thuyết duyên khởi và lẽ vô thường, ta có thể phá bỏ được vô minh.  Đó là vấn đề then chốt của phương pháp Phật học.
 
Con người còn khổ vì còn chấp vào cái thân ta là có thật, thân này là của ta. Chính vì sự mê lầm đó mà con người phải chịu cái khổ lớn nhất là phải quay cuồng trong vòng sinh tử luân hồi. Chính vì vô minh là  cội nguồn dẫn dắt con người tạo ra nghiệp và vì vậy mà phải tái sinh để chịu quả khổ do nghiệp của họ sinh ra. Chính vô minh là nguyên nhân gây ra nỗi khổ của con người.

Trong đó Đức Phật thường nói về tam độc (ba thứ độc chính) đó là Tham (lòng tham muốn), Sân (tức giận, nóng nảy) và Si (ngu muội, mê mờ). Mọi việc làm hàng ngày của con người dù thiện hay ác cũng đều tạo ra nghiệp (nghiệp thiện hoặc nghiệp ác) và chúng gắn liền với sinh tử mà con người không ai tránh được.
 
2. Phương pháp tu hành để phá bỏ vô minh:
 
Và vì phật tử muốn tránh sự đau khổ, cần phải thấm nhuần giáo lý Tứ Diệu Đế, thực hiện các phương pháp tu hành để phá bỏ cái vô minh của mình và kiến tạo trí tuệ nhằm diệt trừ nghiệp ác, tạo nghiệp lành thì sẽ không còn thấy khổ, sẽ có cuộc sống yên vui ngay trong cuộc đời trên trần thế này:
 
a. Cần thấy rõ nguyên nhân gây ra đau khổ. Một khi đã thấy rõ thì không ngần ngại, không sợ hãi, không hoảng hốt, không tuyệt vọng, không đau sót khi nỗi khổ đến với mình. Khi đã thấu rõ nguyên nhân gây ra đau khổ tất yếu phải có trong cõi Ta Bà này, ta lại càng phải điềm tĩnh, nhẫn nại và can đảm để  tìm phương pháp giải thoát. 
 
* Cần thực hiện những điều Phật dạy “thiểu dục, tri túc” (ít muốn, biết đủ). Khi nắm được điều đó, chúng ta sẽ biết tiết chế các dục vọng ở đời. Không tham lam ngũ dục lục trần. Do vậy, ta không bị hoàn cảnh chi phối, không bị thói đời tệ bạc lôi kéo và vùi dập chúng ta xuống vực thẳm mênh mông đen tối làm cho đau khổ. 
 
* Cần nỗ lực tu hành, làm việc thiện, tạo nghiệp lành. Bởi có như thế, ta mới có thể tránh khỏi cảnh giới đen tối, diệt được nhiều nỗi khổ ngay đời này và cho các đời sau theo luật nhân quả chi phối và sống ở trong một cảnh giới tốt đẹp và an lạc ngay trong cuộc sống trên trần thế này.
 
Nói chung, phương pháp diệt khổ trong đạo Phật có rất nhiều, nhưng tựu trung gồm ba điểm chính sau:
 
* Để không cho những điều bất thiện phát sinh, con người ta phải trì giới, phải thực hành một cách nghiêm mật các điều răn giới.
     * Để diệt trừ mọi phiền não tồn tại trong tâm thì con người ta phải dùng Định, thực hành để cho tâm an định.
 
* Để diệt trừ vô minh, nguồn gốc của mọi đau khổ, con người ta phải phát sinh Trí tuệ, phải tu tập trì giới, thiền định mới đạt đến trí tuệ giác ngộ.
 
3. Nội dung các nguyên nhân gây ra đau khổ:
 
Đức Phật đã nói rõ nguyện nhân gây ra đau khổ cho con người là do vô minh, vì không nhận thức được quy luật khách quan của thế giới tự nhiên cũng như thế giới nhân sinh là vô thường, khổ, không, vô ngã và mọi sự việc trên đời đều phát triển theo lý thuyết duyên sinh hay duyên khởi. Nếu ai đã được biết đến bản kinh “Khởi thế nhân bản”, một bản kinh được đức Phật nói rõ nguồn gốc của vũ trụ và nhân sinh, thì sẽ thấy rằng ngay từ khi có xuất hiện loài người dưới hình thức thấp thì con người ta đã có lòng tham xuất hiện. Lòng tham ấy cứ phát triển theo sự tiến hóa của nhân loại và ngày càng phát triển cao hơn.

Chính vì con người không biết được vạn vật hữu hình hay vô hình đều chỉ là giả tạm, luôn biến đổi theo quy luật “thành, trụ, hoại, không”; không biết những ý nghĩ, lời nói và hành động của mình sẽ gây ra nghiệp báo, do họ luôn bám víu vào “cái Ta”, “cái của Ta”, nên cứ lần hồi suy nghĩ và làm theo mãi, những hành động xấu, tạo nên nghiệp xấu nên bị xô đẩy trôi lăn mãi trong vòng sinh tử luân hồi theo luật nhân quả.
 
Vì vô minh nên mọi nguyên nhân gây ra nỗi khổ của con người trên trần thế đều do vô minh mà ra. Những nguyên nhân ấy được đức Phật tập hợp lại và nói trong phần Tập đế. Đó là ba độc “tham, sân, si”. Nhưng nói một cách tổng quát và đầy đủ thì không chỉ có ba độc “tham, sân, si”, mà vì do phiền não có nhiều, có đến tám mươi tư ngàn (84.000) loại. Nhưng trong phạm vi hẹp, đức Phật đã chỉ ra có mười phiền não gốc, gọi là những phiền não căn bản. Những phiền não ấy là mười nguyên nhân gây ra đau khổ được chia thành hai loại. Loại thứ nhất là Tư hoặc  gồm năm thứ là: tham, sân, si, mạn, nghi. Loại thứ hai là Kiến hoặc  gồm năm loại là: thân kiến, biện kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà kiến . Hai thứ này khác nhau ở chỗ mạnh yếu khác nhau. Tư hoặc gồm những phiền não do tự tâm con người nên có sức ảnh hưởng sâu và mạnh, còn Kiến hoặc gồm những phiền não do từ bên ngoài gây nên, do đó ảnh hưởng yếu hơn.
 
Sau đây, ta điểm từng nguyên nhân trong mười nguyên nhân gây ra đau khổ nói trong Tập đế:
 
a. Tư hoặc: Gồm tham, sân, si, mạn, nghi:
 
1. Lòng tham:
 
Lòng tham còn gọi là ái dục, bao gồm những hình thức và những khía cạnh như tham muốn, thèm khát, khát vọng, ước mong, dục vọng, ham muốn, bám níu, luyến ái. Trong bộ kinh Trường A-Hàm (Digha Nikàya) có đoạn: "Ái dục bắt nguồn từ đâu, và phát sinh ở đâu? Nơi nào có thỏa thích và dục lạc, nơi đó có ái dục bắt nguồn và phát sinh. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, có thỏa thích và dục lạc. Vậy ái dục bắt nguồn từ đó, và phát sanh ở đó."
 
Có sáu loại dục lạc, bắt nguồn từ lục trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, liên quan đến lục căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Mắt muốn thấy hình sắc đẹp đẽ. Tai muốn nghe âm thanh êm dịu. Mũi muốn ngửi mùi thơm. Lưỡi muốn nếm món ngon vật lạ. Thân muốn cảm xúc thỏa thích về nhục dục. Tâm muốn có những cảm nghĩ dễ chịu, những tư tưởng làm thỏa mãn giác quan.
 
Điều đó chứng tỏ rằng lòng tham (ái dục) đều do từ Ngũ uẩn với lục căn, lục trần, tức là từ con người mà ra cả.
 
Lòng tham là điều tai hại nhất đối với con người. Do lòng tham mà con người ta không từ một điều gì để đạt được. Một đặc điểm của lòng tham là “không đáy”, nghĩa là người có lòng tham không bao giờ thỏa mãn cái tham mình đã đạt được. Họ có một, muốn mười, có mười muốn trăm, họ tham vô cùng tận. Họ tham cho bản thân chưa đủ lại còn tham cho bà con thân thích, quyến thuộc và địa phương hay xứ sở của mình. Cũng vì lòng tham mà trong gia đình, cha mẹ, vợ con mâu thuẫn, cũng vì lòng tham mà anh em đánh nhau, kiện tụng và giết hại xâu xé lẫn nhau và cũng vì lòng tham mà bạn bè chia lìa, cũng vì lòng tham mà từng dân tộc hay địa phương xung đột. Cũng chính vì lòng tham mà nước này thôn tính nước nọ, vì vậy mà chiến tranh trên thế giới luôn luôn diễn ra dẫn đến giết hại biết bao con người và sinh linh vô tội. Tóm lại cũng vì lòng tham mà nhân loại, loài người chịu không biết bao nhiêu đau khổ. Đức Phật còn dạy rằng đặc tính của tham ái là đánh lừa ngưởi tham ái và bám chặt lấy họ, lôi kéo họ càng đi sâu hơn nữa.
 
Lòng tham nói chung có năm loại mà nhà Phật thường hay gọi là ngũ dục, nó bao gồm tham tài,danh, sắc, thực, thùy.
 
* Tham tài: Đó là lòng tham tiền tài, vật chất, gia sản, nhà cửa, ruộng vườn, vàng bạc, châu báu. Trong thế giới hiện nay, bất cứ ở nước nào, việc tham tiền tài thường dẫn đến nạn tham nhũng, dẫn đến việc hãm hại người khác, dẫn đến việc chém giết lẫn nhau, gây ra nhiều tệ nạn trong xã hội, rồi cuối cùng sa vào vòng lao lý, tù tội. Tất cả những điều đó đều đưa con người ta đến đau khổ. Đó là một trong những nguyên nhân gây ra đau khổ cho con người. 
 
* Tham danh: Đó là lòng tham của những người ham danh vọng, chức tước, quyền lực. Họ cho rằng phải có những cái đó thì mọi người mới nể phục, thiên hạ mới kính trọng họ và họ có uy quyền để tạo những mưu đồ thực hiện những tội ác để phục vụ cho lòng tham vô tận. Điều đó cũng là nguyên nhân gây ra đau khổ trong đời. 
 
* Tham sắc: Đó là lòng tham của những kẻ thích ưa nhan sắc và thỏa mãn dục vọng thể xác của người khác giới với mình. Để thực hiện cho được lòng tham sắc, thỏa mãn những dục vọng đê hèn, những kẻ đó cũng không từ mọi thủ đoạn để chiếm đoạt được đối tượng mà mình ham muốn, có khi dẫn đến tội ác. Lòng tham sắc dẫn đến nhiều tai hại. Lịch sử nhân loại đã từng chứng tỏ rằng bao nhiêu cơ đồ đã sụp đổ, đất nước điêu tàn và bị nô lệ chỉ vì sắc đẹp mỹ miều của người phụ nữ.  
 
* Tham thực: Con người ta ai cũng phải ăn để sống, để có sức mà làm việc. Tham thực là do dục vọng của vị căn ham ưa với trần cảnh là vị trần, tức là mùi vị của thức ăn. Tham thực ở đây biểu thị lòng tham ăn của ngon vật là, cao lương, mỹ vị. Chính vì lòng tham ấy mà con ngưởi cũng phải tìm cách để thỏa mãn dục vọng ấy mà có khi gây ra những tội ác trên đời.    * Tham thùy: Tham thùy là tham ngủ nghỉ, nhưng nghĩa rộng của tham thùy là tham tận hưởng những nhu cầu của sự nghỉ ngơi và giải trí quá đáng, dẫn đến sự chơi bời vô độ mà tự gây cho mình những nỗi khổ trong cuộc sống 
 
2. Lòng sân hận: 
 
Lòng sân hận tức là sự giận dữ thể hiện bằng nhiều hình thái khác nhau. Con người ta trong cuộc sống không ai không có một lần sân hận hay giận dữ với một người khác, hay với một điều gì đó. Sự giận dữ thể hiện bằng sự bực dọc, bằng hành động hoặc qua lời nói khó nghe hay thô ác. 
 
Bằng lời nói họ có thể  nói với những lời quát tháo, nguyền rủa tục tĩu, hăm dọa. Biểu hiện không thiện cảm về giọng nói làm cho mối quan hệ xã hội bị tổn thương. Sự ứng xử trong khi sân hận sẽ tạo những khoảng cách xa vời thiêu đốt mối quan hệ tình người!
 
Bằng hành động, người sân hận thường có cử chỉ không bình thường,  mặt tái mét, mắt đỏ ngầu, đập bàn ghế, hoặc đá các vật dụng lung tung cùng nhiều hành vi thô bạo như chỉ muốn đánh người khác.
 
Trong kinh Hoa Nghiêm có ghi: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”, nghĩa là một niệm sân hận nổi lên, thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra. Sách Phật còn chép: “Nhất tinh chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn”, nghĩa là một đóm lửa giận, có thể đốt hết muôn mẫu rừng công đức. 
 
Người có lòng sân hận, không biết kìm hãm mà cứ nuôi dưỡng sự giận dữ trong lòng thì chính họ tự nguyện đem ngọn lửa giận dữ ấy thiêu đốt cái tâm của họ thành tro bụi. Điều đó chỉ dẫn đến những hành động mang tính tàn phá, hủy diệt, làm cho mối quan hệ giữa họ với người khác kể cả người thân trở nên tồi tệ, dẫn đến khổ đau.

Trong mọi trường hợp, dù vô tình hay hữu ý, sự sân hận có khả năng nhanh chóng đưa đến sự xa rời niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống giữa người với người.

Vì vậy người phật tử cần tu tập, kiềm chế lòng sân hận, chuyển hóa nội tâm để chiến thắng nó và để đem lại hạnh phúc lâu dài trong hành động, trong lời nói trong quan hệ xã hội 
 
3. Sự si mê: 
 
Si mê là không sáng suốt, không minh mẫn, thiếu hiểu biết hay nói khác đi là không có trí tuệ. Người si mê thường không hiểu được quy luật vô thường, vô ngã. Trong ba cái độc tham, sân, si thì si là nguồn gốc sinh ra hai thứ kia, vì thông thường do si mê, ngu muội nên mới có lòng tham, mới có sự nóng giận. Các vị tổ sư đã dạy: “Bất úy tham sân khởi, duy khủng tự giác trì” nghĩa là không sợ tham và sân nổi lên, mà chỉ sợ mình giác ngộ chậm. Nói một cách dễ hiểu hơn: Không sợ tham và sân, mà chỉ sợ si mê.
 
Sự si mê là do con người thường chấp vào cái thân ngũ uẩn là có thật, họ bám vào chấp ngã, coi trọng cái “ta”, “cái của ta”. Chính vì thấy cái thân này là có thật nên luôn luôn tìm cách để thỏa mãn sự mong cầu của thân mình, nhưng sự mong cầu của thân thể thì không có giới hạn nên sự thỏa mãn ấy cũng không có điểm dừng lại. Do đó nó dễ lôi cuốn con người vào vòng xoáy của nó, làm cho tâm trí con người càng thêm mờ mịt, mê lầm.
 
Người có lòng si mê thường coi sự vật là thường hằng và bất biến, họ mê chấp vào tâm lý, ý thức, tư tưởng, coi những cái đó là không thay đổi, cho nên họ nghĩ gì, suy tư điều gì cũng đều cho là đúng, là hay, là hợp lý, rồi bảo vệ ý kiến, quan điểm của mình, phản bác ý kiến, quan điểm của người khác. Do đó si mê là  một trong những nguyên nhân làm phát sinh mâu thuẫn gây ra sự đấu tranh và chống đối lẫn nhau.
 
4. Lòng kiêu mạn:
 
Người có lòng kiêu mạn thường hay coi thường người khác, hạ thấp người khác, không tôn trọng người và thường coi người khác không tài giỏi bằng mình. Có khi ỷ vào tiền của, tài trí, quyền thế mà dương dương tự đắc, khinh người già cả, hỗn láo với người đức hạnh, chà đạp người dưới, lấn lướt người trên.
 
Nói một cách chính xác, kiêu và mạn ý nghĩa hơi khác nhau. Kiêu là biểu thị tính chất khinh thường người khác vì tự hào rằng mình có những cái hơn người, nhưng những cái mình có đó chỉ là đang có tạm thời. Còn mạn có tính chất liên hệ đến những gì mình không có mà cứ tưởng rằng mình có.
 
Cả hai thái độ (kiêu và mạn) gọi chung là kiêu mạn đều do từ cái vọng tưởng, chấp ngã, cho rằng “cái ta” và “cái của ta” là tồn tại và hơn tất cả mọi thứ. Lòng tự phụ đó dẫn đến những sai lầm trong hành xử không đúng với mọi người xung quanh, cuối cùng sẽ dẫn đến đau khổ.
 
Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm (quyển 9) có liệt kê ra “thất mạn” (tức bảy loại mạn khác nhau). Đó là: 1. Mạn tức hơn ít mà tưởng hơn nhiều. 2. Ngã mạn tức là tưởng mình tài giỏi, khinh thường kẻ khác. 3. Tà mạn là kiêu ngạo vì chấp trước tà kiến. 4. Quá mạn là bằng mà tự cho là hơn người, hay kém mà tự cho là bằng người. 5. Mạn quá mạn là kém nhiều mà tự cho là hơn. 6. Tăng thượng mạn là chưa chứng đạo mà tự cho chứng đạo. 7. Ty liệt mạn là mình thua người nhiều mà nói rằng thua ít.
 
Do tính kiêu căng, khinh mạn, tự phụ, tự cao, tự đại, người ta tự làm mình trở nên thấp kém, không thể phát triển trí óc. Người Phật tử mà kiêu mạn thì dễ đi đến chỗ phá hoại Phật pháp, coi thường và không tôn trọng Phật pháp, không tôn kính pháp sư và những bạn đồng tu. Cũng vì lòng ngã mạn cho mình là hơn hết, nên không chịu nghe lẽ phải, chẳng chịu học hỏi thêm. Do đó, làm nhiều điều lầm lẫn sai trái, dễ gây ra nhiều tội lỗi, dễ tạo nghiệp xấu, nên phải chịu cảnh sinh tử luân hồi.  
 
5. Lòng nghi hoặc:
 
Lòng nghi hoặc nảy sinh do không tin vào một ai hoặc một điều nào đó, mà chỉ tin vào chính mình. Người có lòng nghi hoặc tự mình làm ảnh hưởng nặng nề cho sự tiến bộ của bản thân mình vì họ nghi ngờ mọi khả năng, ngay cả khả năng của chính bản thân mình. Đức Phật đã ví lòng nghi hoặc như một mặt hồ phủ đầy cỏ cây, làm sao có thể nhìn thấy đáy nước được. Lòng nghi hoặc thường xuất hiện ở những người có lòng tự tin quá đáng ở mình, hoặc có tính kiêu mạn dẫn đến nghi ngờ kẻ khác.

Có lòng tự tin là một điều tốt vì nếu có tin thì mới quyết tâm thực hiện những việc ta làm. Nhưng do quá tự tin ở mình hoặc điều tin không có cơ sở mà nảy ra kiêu mạn và sinh ra nghi hoặc thì lại là một điều nên tránh.

Phật tử nếu có lòng nghi hoặc thường biểu thị ở khả năng nghi ngờ về cuộc đời là vô thường, khổ, vô ngã, nghi ngờ về sự giác ngộ của Phật pháp, về sự diễn giải giáo lý của các vị thày hay các vị pháp sư và dễ đi đến sự thoái lui trong quyết tâm tu đạo.

Tóm lại, lòng nghi ngờ làm cản trở sự tiến triển của mình, ngăn trở mọi công tác hữu ích, làm cho cuộc sống không vượt ra khỏi cảnh tối tăm khổ sở.  
 
Trên đây, đã trình bày năm trong mười nguyên nhân gây ra đau khổ do vô minh gồm : tham, sân, si, mạn, nghi mà nhà Phật thường  gọi là Tư hoặc. Trong đó ba độc: tham, sân, si là cốt lõi. Dưới đây là năm điều Kiến hoặc còn lại, nhưng tác động yếu hơn Tư hoặc:
 
b. Kiến hoặc: Gồm thân kiến, biện kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà kiến. 

 

6. Thân kiến:
Do không hiểu quy luật vô thường, khổ, vô ngã, người có Thân kiến thường do “chấp ngã”, chấp vào “cái Ta”, và cũng  vì do nhìn nhận cái thân tứ đại là trường tồn bất biến, nên thường tìm cách thỏa mãn bất cứ điều gì mà “cái Ta” thích. Vì thế họ đã tạo ra nhiều tội lỗi, thậm chí chà đạp lên những người khác làm cho họ đau khổ.
 
7. Biện kiến:
 
Người có biện kiến thường cho rằng những ý nghĩ của họ, những lý luận của họ là đúng nhất, bất kể cái lý luận ấy của họ có đúng hay không. Những người đó thường có những ý nghĩ độc đoán, có lý luận độc đoán. Họ cho rằng khi chết rồi, cái Ta vẫn còn tồn tại, người chết sẽ lại thành người, súc vật lại trở thành súc vật. Vì tin tưởng như vậy, họ không sợ tội ác, cũng chẳng cần làm việc thiện. Mặt khác, có một loại nghĩ rằng sau khi chết là hết, không còn gì tồn tại nữa kể cả việc làm thiện cũng như làm ác. Do vậy họ không tin ở luật nhân quả luân hồi, nên tạo ra nhiều tội lỗi.
 
8. Kiến thủ:
 
Kiến thủ  nghĩa là cố chấp, luôn luôn giữ một cách bảo thủ những ý kiến sai lầm của mình. Vì cố chấp, họ không sử dụng trí tuệ để xem xét một cách chân thực và sáng suốt những ý kiến của mình mà cứ bảo thủ, tự cho mình là hay, là giỏi, do vậy họ thường bị đụng chạm tự ái và cũng chính vỉ thế mà họ đã gây ra nhiều đau khổ.
 
9. Giới cấm thủ:
 
Giới cấm thủ có nghĩa là làm theo lởi răn cấm của những tà giáo. Do mê muội, không đủ trí tuệ nên làm theo một số giáo điều phi lý của tà giáo mà cứ tưởng rằng những điều đó là con đường giải thoát giác ngộ. Chính vì vậy họ không phân biệt được chính và tà để đi theo chánh đạo của Đức Phật.
 
10. Tà kiến:
 
Tà kiến là nghe và làm theo những ý kiến sai lầm của tà đạo trái với quy luật vô thường, vô ngã và luật nhân quả của đạo Phật. Do vậy, những người có tà kiến thường hay tin vào mê tín dị đoan như xem bói, bói quẻ, cúng sao, giải hạn, đốt tiền vàng. Giáo lý đạo Phật không tin vào mê tín dị đoan vì cuộc đời của chúng sinh luôn luôn gắn liền với nghiệp căn và nghiệp quả. Mê tín, dị đoan, tà kiến không thể nào thay đổi được nghiệp quả của chúng sinh.

Còn nữa...
Phạm Đình Nhân
Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin