Chi tiết tin tức Tứ Diệu Đế, bài học đầu tiên (P.4) 21:57:00 - 18/07/2014
(PGNĐ) - Tự tính thanh tịnh Niết bàn là một thứ Niết bàn tự tính thường vẳng lặng mà thường sáng suốt vượt ra ngoài tâm lượng hẹp của phàm phu và của hàng Nhị thừa. Nó thường bộc lộ sáng suốt ở chư Phật mà cũng vẫn thường sẵn có ở mọi chúng sinh.
Chương thứ Tư
DIỆT ĐẾ
(CHÂN LÝ VỀ SỰ DIỆT KHỔ)
I. Mở đầu: Toàn bộ hai phần đầu của Tứ Diệu Đế, Đức Phật đã nói trước về nỗi khổ của chúng sinh (Khổ đế), rồi sau mới nói đến nguồn gốc hay nguyên nhân gây ra những nỗi khổ ấy (Tập đế). Sau khi đã nhận diện các nguyên nhân, nguồn gốc của chứng bệnh khổ đau trầm kha của chúng sinh trên đời là do vô minh, do ba độc tham, sân, si, do bám vào ngũ dục, lục trần thì vấn đề đặt ra là căn bệnh trầm kha ấy, những nỗi đau khổ ấy của chúng sinh có thể chữa trị được không? Và khi đã chữa dứt được bệnh rồi thì cuộc sống của họ sẽ ra sao? Câu trả lời nằm trong phần thứ ba của Tứ Diệu Đế, đó là phần Diệt đế. Trong kinh Chuyển pháp luân, Đức Phật đã từng dạy: “Bây giờ, này các tỳ kheo, đây là chân lý thâm diệu về sự diệt khổ. Đó là sự xa lìa trọn vẹn, tận diệt tham dục, là sự dứt bỏ, khước từ, thoát ly và tách rời khỏi tâm ái dục”.
Do đó Diệt đế là chân lý của sự diệt tận, diệt tận những khổ đau của chúng sinh trên đời.
II. Định nghĩa Diệt đế: Diệt đế chữ Phạn gọi là Nirodha Dukkha Satyã. Nirodha là sự tiêu diệt, Dukkha nghĩa là sự chịu đựng những đau khổ như ốm đau, đói khát, buồn bực, sợ hãi, lo lắng…Còn Satyã nghĩa là sự chân thực không hư vọng, là sự thật, là chân lý, ta dịch nghĩa là đế. Vì vậy, Diệt đế là sự thật đúng đắn về hoàn cảnh tốt đẹp mà con người có thể đạt được khi đã diệt hết mọi vô minh, phiền não gây ra đau khổ của con người. Diệt đế mang ý nghĩa là sự chấm dứt khổ đau, đó là Niết bàn, là cực lạc hay giải thoát, là giác ngộ, là bất sinh, không còn luân hồi sinh tử. Muốn đạt được cái đó, chúng sinh phải loại trừ mọi phiền não, vọng tưởng để đi đến an trú tâm bất sinh. Đức Phật đã nói: “Kẻ nào còn vướng mắc vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức[1] thì kẻ đó được gọi là chúng sinh”. Hầu hết các kinh điển Phật giáo, kể cả Nam tông và Bắc tông, Tiểu thừa hay Đại thừa đều dịch cụm từ Diệt đế là Niết bàn. Mà muốn đạt đến Niết bàn thì ta phải diệt cho bằng được “cái Tôi”, “cái của Tôi” và “cái tự ngã của tôi”, phải diệt cho được cái tham, cái sân, cái si và biết bao cái phiền não, chấp trước, mà phải diệt trừ cho được toàn bộ những cái đó mới gọi là Niết bàn. Cảnh giới Niết bàn thật vắng lặng, tĩnh tịch và an lạc, đoạn diệt hết thảy hoặc nghiệp luân hồi nên gọi là Diệt đế. III. Các bước hành trì để đạt đến Niết Bàn: Ta đã biết, muốn tận diệt hết các nỗi khổ trên đời để đạt đến cảnh giới Niết bàn, thì ta phải diệt hết các nguyên nhân sinh ra đau khổ. Những nguyên nhân ấy nằm ngay bên trong con người chúng ta chứ không phải do bên ngoài gây nên. Đó là do ta còn vô minh, không thấu hiểu quy luật vô thường của tạo hóa, không hiểu biết đến vô ngã, luật nhân quả, mà mắc phải những phiền não, ái dục, tham, sân, si và các nghiệp chướng khác gây nên. Những cái đó nằm trong tâm ý chúng ta, tạo nên nghiệp lực truyền từ kiếp này sang kiếp khác.
Muốn tận diệt hết những nguồn gốc đau khổ đó, chỉ có tự mình phải giải quyết lấy, chứ không thể nhờ ai khác, không có ai ngoài ta có thể làm chuyện ấy cho ta, kể cả đức Phật và các Bồ tát, các vị Thánh cũng không trực tiếp làm thay cho ta được. Muốn vậy, chính con người chúng ta phải biết tận lực gia trì công lực từng giờ, từng phút, từng giây, từng khoảnh khắc để dần dần tháo gỡ, thoát dần ra khỏi sức ràng buộc dẻo dai của nó, tìm cách xa lìa và tách rời khỏi nó.
Con đường đưa ta đến diệt tận đau khổ, đạt đến Niết Bàn được Đức Phật nói trong phần Đạo đế (sẽ trình bày trong Chương thứ Năm), mà chủ yếu là thực hiện được những lời dạy bảo của Đức Phật về 37 phẩm trợ đạo, trong đó Bát Chính đạo là con đường chính.
1. Đối với hàng phật tử tại gia: Đạt đến Niết bàn thật là khó với đa số các phật tử tại gia. Điều đó là một thực tế, bởi vì trong hàng phật tử tại gia, thường còn bị nhiều ràng buộc với cuộc sống hàng ngày, nên không có điều kiện để hành trì miên mật để tận diệt mọi phiền não, mọi nguồn gốc gây ra đau khổ trên đời. Việc hành trì để thoát khỏi những ái dục, những tham, sân, si, cũng không phải là có đủ điều kiện và tâm huyết để thực hành hàng ngày. Tuy vậy, đối với hàng phật tử tại gia, vẫn có những vị tinh tấn tu hành với sự hướng dẫn của các vị thầy tâm huyết, các vị ấy cũng thực hiện được việc đoạn diệt mọi phiền não, vọng tưởng để tâm an định, thanh tịnh, đạt đến cảnh giới Niết bàn sau khi đã diệt tận mọi đau khổ. Việc hành trì của các Phật tử tại gia để có cuộc sống an lạc, giải thoát, đạt đến Niết bàn bao gồm: a. Khi đã biết rõ nguồn gốc của khổ đau, cần kiên cố tu hành, và quyết tâm thực hiện những điều Phật dạy “thiểu dục, tri túc”, kiềm chế mọi dục vọng, triệt phá mọi tham, sân, si và những ô nhiễm khác để thân tâm được thanh tịnh. b. Thực hành mười điều lành, tránh mọi nghiệp ác để không bị luật nhân quả gây ra đau khổ trong đời này và những đời sau. Tiến tới một cuộc sống an lạc, dứt khỏi mọi ràng buộc, làm ô nhiễm thân tâm. c. Thực hiện việc trì giới nghiêm ngặt, đi đến an định và trí tuệ. Đối với những phật tử tại gia tu theo Thiền tông, cần thực hành thiền định để rũ sạch mọi ô nhiễm. Đối với những người tu theo Tịnh độ, phải đạt đến niệm Phật “nhất tâm bất loạn”. Nhưng, điều căn bản để đi đến giải thoát, giác ngộ, Niết bàn, phật tử tại gia cần thấu hiểu và thực hành phần Đạo đế trong Tứ Diệu Đế (sẽ nói ở chương sau). Đó là phương pháp hữu hiệu nhất để diệt trừ đau khổ, đạt đến an vui tự tại, có thể đưa người ta đến cảnh giới Niết bàn ngay trong cuộc sống nơi trần thế. Vì thế nhà Phật thường nói: “Quê hương của Niết bàn là nơi trần thế”. 2. Đối với các bậc tu hành xuất gia: Việc tu hành đối với các bậc xuất gia là liên tục, thường ngày. Mà các nguyên nhân phiền não rất phức tạp, nên muốn đoạn trừ nó cũng phải theo tuần tự, thứ lớp. Trong “Tám quyển sách quý” của Hòa thượng Thích Thiện Hoa, quyển thứ tư nói về Tứ Diệu Đế, Hòa thượng có nêu lên hai lớp đoạn hoặc, tức là hai giai đoạn đoạn diệt những sai lầm, mê muội, đó là “Kiến đạo sở đoạn hoặc” và “Tu đạo sở đoạn hoặc” để nói lên các cấp bậc của công phu tu hành để đoạn trừ mọi phiền não phải có hai giai đoạn khác nhau. Đó là nói một cách tổng quát về hai giai đoạn diệt trừ phiền não. Để có một ý niệm rõ ràng về các tầng bậc tu chứng mà một hành giả cần phải trải qua, các bậc tu hành muốn đoạn trừ tư hoặc và kiến hoặc, trước hết phải tập trung tâm ý, tư tưởng vào những quy luật như vô thường, vô ngã, bất tịnh, tính không v.v.. Có như thế thì mọi sai lầm điên đảo sẽ không còn nữa. Tuy nhiên, không phải trong một thời gian ngắn mà có thể đoạn diệt được hết, trái lại cần có nhiều thời gian và công phu tu tập thì mới từ bỏ những tư tưởng, thành kiến mê lầm của một kẻ phàm phu mà đạt đến trí tuệ bậc thánh để dự vào vòng Thánh quả. Vì vậy, xin giới thiệu các quả vị đạt được trong tu hành của các hành giả từ thấp đến cao trong quả thánh Thanh Văn, mà giáo lý Tứ Diệu Đế là giáo lý cơ bản của hàng Thanh Văn thừa: a. Quả vị Tu Đà Hoàn: Quả vị Tu Đà Hoàn còn được gọi là quả vị Dự lưu với ý nghĩa là được dự vào dòng Thánh. Ở quả vị Tu Đà Hoàn, tuy ý thức đã sáng tỏ, không bị mê lầm, nhưng vẫn còn chấp ngã, vì mới đoạn trừ được kiến hoặc, nên còn phải trở lại cõi Dục giới[2] nhiều nhất là bảy lần sinh tử nữa mới diệt sạch mọi phiền não còn sót lại, vì chưa dứt được tư hoặc.
b. Quả vị Tư Đà Hàm : Quả vị Tư Đà Hàm còn được gọi là quả vị Nhất lai với ý nghĩa là còn phải một lần sinh lại cõi Dục để tu hành tiếp và để đoạn diệt hết sạch mọi mê lầm trong cõi Dục. Ở quả vị này chủ yếu là đoạn trừ tư hoặc[3] nhưng chưa hết vì mới đoạn diệt được sáu phẩm trong tổng số chín phẩm của tư hoặc, nên còn phải một lần sinh tử nữa, mới tiến lên quả vị bậc trên tức là quả vị A Na Hàm.
c. Quả vị A Na Hàm : Quả vị A Na Hàm còn gọi là quả vị Bất lai với ý nghĩa là không còn phải trở lại cõi Dục nữa. Ở quả vị A Na Hàm, mọi mê lầm đã diệt hết, nên không còn bị tái sinh nữa, trừ trường hợp phát nguyện được trở lại cõi Dục để độ cho chúng sinh. Quả vị A Na Hàm đã thoát khỏi cõi Dục và thuộc vào cõi Sắc giới.
Tuy nhiên, ở quả vị A Na Hàm vẫn còn bị những mê lầm vi tế của hai cõi Sắc và Vô sắc, nên vẫn phải tu hành tiếp để đoạn diệt nốt ba phẩm tư hoặc còn lại, mới bước lên quả vị thánh A La Hán.
d. Quả vị A La Hán:
A La Hán là quả vị cao nhất trong Thanh Văn thừa. Quả vị này không còn bị luân hồi sinh tử nữa vì đã phá trừ hết mọi phiền não, không còn bị chúng quấy phá, và ở quả vị này có trí tuệ cao và có nhiều phúc đức. Ở quả vị A La Hán, do cố công bền chí, đã diệt được lòng chấp ngã, nên không bị sống chết khổ đau, lo buồn sợ hãi chi phối. Song quả vị A La Hán cũng chia làm hai bực, tùy theo căn cơ nhanh hay chậm của các vị ấy. Bốn quả thánh của Thanh văn trên đây, đều là những kết quả giải thoát do các công phu tu tập. Tùy theo sự diệt trừ phiền não mạnh hay yếu, sâu hay cạn các quả vị trong hàng thánh Thanh Văn đều đạt được Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông và Thần túc thông. Đó là năm trong sáu thần thông (lục thần thông).
Song, năm phép thần thông này chưa phải là điều quan trọng đối với bậc tu hành. Điểm quan trọng nhất của nhà tu hành cầu giải thoát là đạt được Lậu tận thông, khi đó trí tuệ thông suốt cả ba đời, không còn bị các phiền não hữu lậu ngăn trở, khi đó là giải thoát sinh tử luân hồi. Phép Lậu tận thông này chỉ có những vị A La Hán mới đạt được.
Sở dĩ ở trên chỉ nói đến quả vị Thanh Văn vì hàng Thanh Văn thừa lấy Tứ Diệu Đế là pháp tu chính của mình.
IV. Các loại Niết bàn: 1. Định nghĩa Niết bàn: Niết bàn, tiếng Bắc Phạn (sanskrit) là nirvãna, tiếng Nam Phạn (Pali) là nibbãna đều có nghĩa là “thổi tắt” hay “dập tắt”. Qua đó, thuật ngữ nirvãna cũng được dịch là Diệt, Diệt tận, Diệt độ, Tịch diệt, Bất sinh, Viên tịch. Sự tịch diệt được hiểu là mục đích tối cao trong đạo Phật, nên nirvãna cũng được dịch ý là Giải thoát, Vô vi, An lạc. Niết bàn là mục đích tu hành cứu cánh của mọi trường phái Phật giáo. Trong đạo Phật nguyên thủy, Niết bàn được xem là đoạn triệt luân hồi. Đó là sự tận diệt gốc rễ của ba nghiệp bất thiện là tham, sân, si.
Đồng thời Niết bàn có nghĩa là không còn chịu sự tác động của nghiệp lực, không còn chịu quy luật duyên sinh hay duyên khởi, vô vi, đặc tính của nó là không còn sinh, thành, hoại, diệt. Niết bàn là một trạng thái tâm thanh tịnh vô nhiễm. Một khi đã tận diệt mọi ô nhiễm, đạt đến tâm thanh tịnh, tâm trong sạch thì kiến lập được Niết bàn ngay trên cõi trần thế này. Vì vậy, người ta còn nói rằng quê hương của Niết bàn là trần thế.
Nói một cách khác Diệt đế tức là Niết Bàn, bởi vì chứng được Niết bàn chỉ khi nào diệt tận mọi nguyên nhân gây ra khổ đau, diệt được mọi Tư hoặc và Kiến hoặc. Do đó có thể nói Niết bàn là Chân lý của sự diệt tận. Đó là sự phải diệt tận cho bằng được “cái Tôi”, “cái của Tôi”, “cái tự ngã của Tôi”.
Do Niết Bàn có nhiều nghĩa như trên đã nói, nên trong các kinh điển thường để nguyên từ Niết bàn mà không dịch nghĩa.
2. Các loại Niết bàn:
Theo định nghĩa của Niết bàn kể trên, thì bốn quả vị Thanh văn nói ở trên đều đạt Niết bản cả. Song đã đạt đến Niết bàn hoàn toàn hay chưa mà người ta còn chia Niết bàn ra nhiều loại:
a. Hữu dư Niết bàn:
Hữu dư Niết bàn mang ý nghĩa là Niết bàn chưa hoàn toàn. Ta thấy trong hàng Thanh Văn, từ quả vị Tu Đà Hoàn đến A Na Hàm, tuy đã diệt trừ các phiền não nhưng chưa hết, tuy đã vắng lặng an vui nhưng chưa viên mãn, vì phiền não và báo thân phiền não còn sót lại nên gọi là Hữu dư Niết bàn. Hữu dư Niết bàn là cái Niết bàn trong đó cái cảm thọ về khổ, về lạc vẫn còn cảm nhận được qua thân năm uẩn
b. Vô dư Niết bàn: Vô dư Niết bàn là Niết bàn đã đạt hoàn toàn. Như trong hàng Thanh Văn, đến quả vị A La Hán do đã đoạn diệt hết phiền não, diệt hết ngã chấp nên hoàn toàn giải thoát, không còn sinh tử luân hồi, nên quả vị đó đã đạt Vô dư Niết bàn. Đến đây mọi dục vọng đã hoàn toàn diệt trừ, và trí vô ngại hiện ra một cách đầy đủ, không còn trở lại khởi tâm chấp ngã nữa, và được tự tại giải thoát ngoài vòng ba cõi Dục, Sắc và Vô sắc giới. Tóm lại Vô dư Niết bàn là cái Niết bàn mà cái cảm thọ đều được lắng dịu. Ở trên đã nói đến các Niết bàn nói chung, nhưng mới chỉ đề cập đến Niết bàn của Tiểu thừa, của các hàng thánh Thanh Văn. Dưới đây sẽ mở rộng phạm vi nghĩa rộng, nói về Niết bàn của Đại thừa. 3. Niết bàn của Đại thừa: Niết bàn của Tiểu thừa và Đại thừa chỉ khác nhau về phạm vi rộng hẹp. Niết bàn của Đại thừa rộng hơn và có thể bao gồm cả Niết bàn của Tiểu thừa. Sở dĩ thế, vì các hàng thánh của Tiểu thừa tuy đã diệt trừ hết phiền não, nhưng công đức trí tuệ chưa viên mãn, mới chỉ phá được cái chấp vô ngã ở thân năm uẩn, tức nhân vô ngã mà chưa phá được pháp vô ngã của vạn pháp, mới chỉ đạt được giải thoát sinh tử nhưng chưa đạt được quả vị giác ngộ Bồ đề. Vì thế nên Niết bàn của các quả vị Tiểu thừa chỉ là Hữu dư Niết bàn. Chỉ có Niết bàn của chư Phật mới được gọi là Vô dư Niết bàn.
Ngoài cái ý nghĩa rộng hẹp nêu trên, Niết bàn của Đại thừa có thể chia ra hai loại:
a. Vô trụ xứ Niết bàn:
Theo định nghĩa Niết bàn ở trên thì Niết bàn là một trạng thái tâm thanh tịnh vô nhiễm. Do ở trên trần thế này, mọi đau khổ đều do tâm ta tạo ra, một khi đã diệt hết mọi phiền não nhiễm ô, đạt đến tâm thanh tịnh, tâm trong sạch và an lạc, không vướng mắc vào một cái gì hết, thì lập tức ta đã đạt được Niết bàn ngay trên mặt đất này, cái đó gọi là Vô trụ xứ Niết bàn. Nói một cách chính xác, Vô trụ xứ Niết bàn là Niết bàn của các vị Bồ Tát Đại thừa. Các vị này đã thâm sâu hơn hàng Thanh Văn vì đã phá được cái chấp vô ngã không những ở nhân vô ngã mà phá được cả pháp vô ngã, đạt được quả vị giác ngộ Bồ đề. Ở quả vị Bồ đề, các vị dùng trí tuệ Bát nhã quán chiếu thực tướng của các pháp, thấy rằng tất cả vạn vật, thế giới và con người đều là giả hữu, đều vô ngã, đều không có tự thể và đều chịu sự chi phối của luật biến đổi tức vô thường. Ở quả vị này, các vị dùng các pháp huyễn hóa, không có thật sinh tử, không có thật Niết Bàn, không bao giờ trụ trước (vô trụ). Do đó, Bồ Tát thường ra vào sinh tử, dùng pháp lục độ để độ chúng sinh, mà vẫn ở trong Niết Bàn tự tại. b. Tự tính thanh tịnh Niết bàn: Gọi là Tự tính thanh tịnh Niết bàn thực ra chính là cái Phật tính hay là cái Tâm của mỗi con người. Đức Phật đã từng dạy: “Tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật. Trên lộ trình giác ngộ, các con phải tự thắp đuốc lên mà đi. Trong đại dương luân hồi, các con là hải đảo của chính mình, Đức Như Lai chỉ là bậc đạo sư trên nguyên tắc thôi”. Đức Phật luôn luôn chỉ là người thầy dẫn đường, còn để đạt đến Niết bàn là chuyện của chúng sinh. Tự tính thanh tịnh Niết bàn là một thứ Niết bàn tự tính thường vẳng lặng mà thường sáng suốt vượt ra ngoài tâm lượng hẹp của phàm phu và của hàng Nhị thừa. Nó thường bộc lộ sáng suốt ở chư Phật mà cũng vẫn thường sẵn có ở mọi chúng sinh. Vì vậy trong kinh điển có khi gọi là Phật tính, là chân tâm, là Như lai tạng v.v…Do vậy, nếu chúng sinh tự tin rằng mình có tính Niết bàn thanh tịnh (tức là có Tự tính thanh tịnh Niết bàn) và khởi tâm tu hành miên mật theo tự tính ấy thì có thể thành Phật. Tự tính thanh tịnh Niết bàn là suối nguồn hạnh phúc, là loại Niết bàn cao quý nhất của đạo Phật và người Phật tử Ðại Thừa trong khi tu hành, đều phát nguyện rộng lớn quyết tâm để chứng được thứ Niết Bàn ấy.
Còn nữa...
Phạm Đình Nhân
[1] Xem Ngũ Uẩn, bài học về diệt khổ. Phạm Đình Nhân. MXB Hồng Đức 2013.
[2] Dục giới: Một trong ba cõi. Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Dục giới là nơi ở của những loài hữu tình mạnh về dục vọng, gồm có Địa ngục, Ngạ quỷ, súc sinh, a tu la, loài người và 6 cõi thiên. Sắc giới là cõi của thế giới không còn dục vọng, thế giới của các thiên nhân trong cõi thiền, gồm có 4 cõi sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Vô sắc giới là cõi được tạo dựng thuần túy bằng tâm thức và gồm 4 xứ là không vô biên xư, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ.
[3] Về Tư hoặc thì cõi Dục giới có bốn: tham, sân, si mạn. Cõi sắc giới và vô sắc, mỗi cõi có ba (vì không còn sân). Cộng chung lại là mười món Tư hoặc ở cả ba cõi . Vì chúng có cấp độ vi tế và sâu sắc khác nhau nên phân ra 3 phẩm: thượng, trung, hạ phẩm. Mỗi phẩm lại phân ra ba phẩm nữa là:Thượng, trung, hạ, tổng cộng thành chín phẩm. Tư hoặc gồm có chín phẩm. Quả vị Tư đà hàm mới đoạn diệt trừ được sáu hoặc, quả vị A na hàm đoạn diệt thêm ba hoặc; đến A La Hán quả là đoạn hết).
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |