Chi tiết tin tức

Thơ ca Vũ Hoàng Chương về Bồ tát Thích Quảng Đức

15:09:00 - 01/06/2023
(PGNĐ) -  Vũ Hoàng Chương vốn là một thi sĩ tiền chiến, nổi danh với “say và mộng”. Thế nhưng, cảm hứng nghệ thuật nổi bật trong thi ca của ông giai đoạn 1954-1975 lại là Phật giáo. Với các thi tập: Lửa từ bi (1963), Ánh trăng đạo lý (1966), Bút nở hoa đàm (1967),… Vũ Hoàng Chương là một trong những nhà thơ thể hiện sâu sắc và tha thiết tấm lòng sùng kính, tán dương Phật pháp; điển hình với biểu tượng Bồ tát Thích Quảng Đức trong phong trào Phật giáo dân tộc năm 1963. Thơ ca Vũ Hoàng Chương ít nhiều đã góp thêm vào ngọn lửa từ bi Bồ tát Thích Quảng Đức để khêu sáng lòng yêu nước Việt và chiếu rọi tâm hồn con người khắp nơi trên thế giới.

Thi phẩm Vũ Hoàng Chương về Bồ tát Quảng Đức cũng như nhiều thi sĩ khác, tựu trung với cảm hứng ngợi ca, cảm phục và thương tiếc, cùng góp sức khêu sáng ánh đạo vàng khắp châu thân ngài Quảng Đức. (Ảnh: redsvn.net)

LỬA TỪ BI GÓP THÊM ÁNH ĐẠO VÀNG

Thi phẩm Vũ Hoàng Chương về Bồ tát Quảng Đức cũng như nhiều thi sĩ khác, tựu trung với cảm hứng ngợi ca, cảm phục và thương tiếc, cùng góp sức khêu sáng ánh đạo vàng khắp châu thân ngài Quảng Đức. Vì sao có ngọn lửa Quảng Đức? Đó là ngọn lửa đáp lời kêu gọi trong tâm thư Thượng tọa Thích Tâm Châu ngày 9/5/1963 gửi cho quý Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni cùng toàn thể Phật tử Việt Nam sau sự kiện chính quyền Sài Gòn đàn áp Phật tử tại Đài Phát thanh Huế. Không chỉ chấn động đời sống nhân sinh, lời kêu gọi và ngọn lửa ấy còn in dấu trong thi ca. Nhiều thi phẩm Vũ Hoàng Chương khắc họa trực tiếp ngọn lửa ngài Quảng Đức: Lửa từ bi, Hoa nào ấm mộng, Điệp khúc, Núi kia sông nọ chùa này, Tháp đoàn viên, Nối lửa từ bi, Bia hùng lực,… Nhìn chung, trang thơ ông về Bồ tát Quảng Đức nêu cao tinh thần Phật đạo lớn lao, tinh thần xả thân vì đạo pháp. 

Vũ Hoàng Chương vốn là một thi sĩ tiền chiến, nổi danh với “say và mộng”. Thế nhưng, cảm hứng nghệ thuật nổi bật trong thi ca của ông giai đoạn 1954-1975 lại là Phật giáo. (Ảnh: sưu tầm)

“Nhắn ra muôn dặm về muôn thuở

Vì cái Tâm nên lụy cái Hình”.

(Dư ba)

Nghĩa hy sinh này như xả thân của chân lý trước bạo lực chứ không phải lấy bạo lực để đối đầu một bạo lực khác. Như Thượng tọa Thích Trí Quang đã nói: “Chúng tôi nguyện đem xương máu của mình trang trải cho Phật pháp và nếu chết là chết như cái chết của chân lý trước bạo lực, chứ không phải bạo lực này chết vì kém bạo lực khác” [1]. Khắc họa Hùng Lực Phật pháp của Hỏa Đức, Vũ Hoàng Chương sử dụng liên hoàn điệp từ điệp ngữ với tốc độ thơ gấp gáp, nhịp thơ gãy gọn, giọng điệu quyết liệt (rất khác với phong cách nghệ thuật của ông thời tiền chiến) để xây dựng tượng đài ngọn lửa ngài Quảng Đức dâng lên tầng tầng lớp lớp, cháy ngút tới chín tầng.

“Tháp, Tháp Lửa chín tầng xây

giữa muôn trùng sắt máu vô tâm

hiện tình thương vào gạch ngói.

từng viên gạch chưa quên

đã nung lò Hoả Đức,

mạch đất tổ bỗng chứa chan Hùng lực

theo lời kinh nghẹn lệ đang trào ra, tung ra…”.

(Tháp đoàn viên)

Nhưng Hùng Lực Phật pháp không phải bạo lực. Khắc họa ngài Quảng Đức, Vũ Hoàng Chương nêu cao tinh thần đấu tranh bất bạo động. 

“Bàn tay Nguyện-Vọng

Chặt đi còn nguyên

Chẳng Bạo mà Động

Một ngăn mười truyền”. 

(Gãy một cành mai)

Chính vậy, trang thơ về Bồ tát Quảng Đức như góp thêm lửa từ bi vào ánh đạo vàng rực rỡ. Cảm hứng thán phục ngợi ca hòa với chất giọng thống thiết càng khẳng định Phật pháp trường tồn. Biểu tượng ngài Quảng Đức hợp nhất cùng tinh thần Phật pháp nhiệm mầu. “Thi bá” Vũ Hoàng Chương không tạo ra biểu tượng ngài Quảng Đức mà sử dụng thi ca để hiệp tôn biểu tượng ấy bằng nghệ thuật ngôn từ “bút nở hoa đàm”!

“ý Người đã Kim Cương bừng nở;

tàn nhục thân Đạo pháp không lìa.

vẫn Kim Cương Bảo Tọa chỗ ngồi kia” 

(Tháp đoàn viên)

Có thể thấy, Vũ Hoàng Chương thường sử dụng các hình ảnh thuộc trường liên tưởng Phật giáo. Trường liên tưởng xoay quanh hình tượng bồ tát Quảng Đức tạo thành hệ thống hình ảnh: kim cương bừng nở, kim cương bảo tọa, lửa tòa sen, hai vầng sáng, mặt trời mới mọc, ánh đạo vàng, sáu ngã luân hồi, bánh xe quay, người siêu thăng, bóng cây bồ đề, trái tim bồ tát, lửa huyền vi, tháp chín tầng, … Tất cả bộc lộ niềm thán phục, ngợi ca hạnh nguyện Bồ tát Quảng Đức. 

“Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc!

Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi!

Chỗ Người ngồi: một thiên thu tuyệt tác

Trong vô-hình sáng chói nét Từ-Bi” 

(Lửa từ bi)

Trường liên tưởng xoay quanh biểu tượng ngài Quảng Đức còn truyền dẫn đến ý nghĩa sức mạnh (không phải bạo lực) và ý nghĩa hủy diệt (đặc biệt yếu tố lửa). Lửa từ bi thể hiện sức mạnh thanh tẩy, thiêu đốt “tâm ma” tính người, soi sáng vô minh hồn người, đẩy lùi bóng tối tham đắm mê muội. Như lời ngài Quảng Đức dặn dò đệ tử (Thích Thông Bửu) trước khi xả thân cho Phật pháp. “Con! Đừng khóc nữa hãy cười lên, cười lên để cho dân tộc khỏi bị làm nô lệ, khóc làm chi, mà đạo pháp phải vị suy vi, cười đi con và hãy đem nụ cười ấy mà hiến dâng cho kẻ khác vì họ đang thiếu, nhất là những kẻ đang thiếu tình thương” [2].

“Thương chúng sinh trầm luân bể khổ,

Người rẽ phăng đêm tối đất dày

Bước ra, ngồi nhập định, hướng về Tây

Gọi hết Lửa vào xương da bỏ ngỏ

[…]

Người siêu thăng…

giông bão lắng từ đây.

Bóng Người vượt chín tầng mây

Nhân gian mát rợi bóng cây bồ-đề”. 

(Lửa từ bi)

LỬA TỪ BI SOI CHIẾU VẬN MỆNH DÂN TỘC

Tái hiện biểu tượng Bồ tát Quảng Đức trong thi ca, Vũ Hoàng Chương còn cho thấy tinh thần phong trào Phật giáo 1963 đồng hành vận mệnh dân tộc. Phật giáo không tách rời cấu trúc văn hóa truyền thống người Việt và nước Việt. Phong trào Phật giáo 1963 nói chung, hành động xả thân của Bồ tát Quảng Đức nói riêng không nhằm gây bất ổn xã hội. Như lời Bồ tát Quảng Đức nhắn gửi: “Trước khi tôi nhắm mắt về cảnh Phật tôi trân trọng gởi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng Bác ái, Từ bi mà đối xử với quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở”[3]. Khắc họa hình tượng ngài Quảng Đức, thơ ca Vũ Hoàng Chương góp phần thức tỉnh dân Việt nhận ra tính chất độc tài của chính quyền họ Ngô; không chỉ soi chiếu đạo pháp mà còn soi chiếu vận mệnh dân tộc. 

“đất Phật trời thơ, một phen bĩ cực.

xót đạo thương đời, lòng đau rưng rức.

bồ tát thiêu thân, đêm tan đáy vực.

thế giới nghiêng mình, Việt Nam bừng thức”. 

(Bia hùng lực)

Nhờ đuốc lửa Quảng Đức, dân Việt nhìn lại lịch sử tranh đấu ngàn năm. Để thấy rằng: “Đạo Phật ta vẫn đời đời xán lạn! / dân Việt ta vẫn không thể nào thua!” (Nối lửa từ bi). Và còn thấy: Phật giáo vốn song hành góp sức cho tộc Việt dựng xây, giữ gìn nền độc lập tự chủ (từ Ngô-Đinh-Tiền Lê tới Lý-Trần và gần đây với cuộc chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX). Ở “Tháp đoàn viên” của Vũ Hoàng Chương, độc giả nhìn thấy Phật giáo hài hòa tiến trình và cấu trúc văn hóa-lịch sử dân tộc ngàn năm.

“Người khiến giác quan năm cửa

dẫn vào Tim sức Lửa

tự Hồng Bàng qua Đinh, Lý, Trần, Lê,

đã gắn chặt lòng dân, sử ngàn trang rực rỡ;

Người ra đi trường cửu với sơn khê.

lửa Dân tộc, gốc bồ đề,

trái tim này: một phương quê nhiệm mầu”.

 

Từ đó, người đọc còn nhận ra mối quan hệ sâu sắc lâu bền giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc. Đây là nền tảng vững chãi cho sự trường tồn của đạo pháp. Và khi ngoại bang đàn áp, khủng bố nhằm thủ tiêu Đạo Phật [4] thì coi như họ đã quay đầu trở thành kẻ thù của văn hóa truyền thống dân tộc.

“lẽ thường: ngôi Chúa ngôi Vua

dựng trên súng phải tiêu vong dưới đạn

chỉ còn lại tinh thần Nhân bản

vằng vặc núi sông chót vót ngôi chùa”.

(Nối lửa từ bi)

Đồng hành cùng vận mệnh dân tộc, hình tượng Bồ tát Quảng Đức được thi sĩ họ Vũ đặt trong mối tương liên lịch sử qua các thời đại khác nhau. Đây cũng là sự tiếp nối mạch ngầm tồn tại của hồn dân tộc cùng với tinh thần Đạo Phật (mà sự phấn phát của Đạo Phật thời hiện đại nên nhìn lại từ cuộc vận động chấn hưng đầu thế kỷ XX). 

“Trang sử Việt

cũng là trang sử Phật

Trải bao độ hưng suy

dẫu nguy mà chẳng mất

Lại giờ đây sáng ngời uy danh”. 

(Bánh xe diệu pháp)

Trong biểu tượng lửa từ bi Quảng Đức, thi nhân còn giúp cho độc giả nhận ra một dáng hình Việt Nam, cùng với bước thăng trầm lịch sử của dân tộc Việt. Bước đường cam go của lịch sử dân tộc đương hồi quốc biến và cuộc pháp nạn của Đạo Phật cùng quy tụ nơi biểu tượng thi ca Thích Quảng Đức. Vũ Hoàng Chương dựng tượng thi ca Quảng Đức tại ngã tư lịch sử như dấu mốc, như điểm cố định chói lọi trên dòng lịch sử. 

“Hãy đặt gối xuống Ngã Tư lịch sử,

Một địa điểm chói loà vinh dự

Trên bản đồ thế giới từ nay;

Việt Nam đâu?

Nước có Ngã tư này!

Ngã tư này! Ngã tư này!

Lửa dâng lòng nước, hương bay về nguồn…”. 

(Điệp khúc)

Thậm chí, Vũ Hoàng Chương còn đặt hình tượng bồ tát trong chiều kích lớn hơn. Lửa xả thân ngài Quảng Đức lồng vào bóng dáng Việt dựng thành “hương quốc”; để nơi đâu cũng là “Hương Sơn miền Bắc”, “Hương Giang thần kinh” và “Việt Nam quốc tự Sài thành”. Thi sĩ nương theo “nghĩa hy sinh” cho Phật pháp nối liền non sông một dải. Nước Việt với mái chùa không hai mà một. Anh linh người nghĩa nhập vào hồn non nước. “Thì nước Việt đã là Hương quốc, / Núi sông nào chẳng ngát anh linh!” (Núi kia sông nọ chùa này). Khẳng định sự bất diệt của quê hương Việt Nam! Gặp gỡ ý thơ Vũ Hoàng Chương, Trụ Vũ cũng có bài thơ tán dương hạnh nguyện Bồ tát Quảng Đức:  

“tim Quảng Đức kết bằng hoa giác ngộ

tượng kim cương hồn đạo pháp thiêng liêng

dù chúng nung ngàn ngọn lửa, con tim

vẫn không cháy dù diệt chùa Xá Lợi

tim bất diệt vẫn không hề diệt nổi

và lửa thiêng dân tộc vẫn tràn dâng

và bừng lên trong từng cánh hoa xuân” [5].

(Lửa thiêng ngày 20 tháng 8, Trụ Vũ)

 

“lẽ thường: ngôi Chúa ngôi Vua

dựng trên súng phải tiêu vong dưới đạn

chỉ còn lại tinh thần Nhân Bản

vằng vặc núi sông chót vót ngôi chùa.

nên dầu bị qua phân ly tán,

bị áp bức, phao vu, bội phản

Đạo Phật ta vẫn đời đời xán lạn!

dân Việt ta vẫn không thể nào thua!”.

(Nối lửa từ bi, Vũ Hoàng Chương) 

 

Thơ ca Vũ Hoàng Chương quả thực đã nối thêm vào ngọn lửa từ bi. Như chính ước nguyện của thi nhân, chỉ mong thơ là rơm rác, nguyện nhóm thêm lửa nghĩa hy sinh; để tinh thần xả thân cho Phật pháp của Bồ tát Thích Quảng Đức sống mãi. “Thi bá” của ông đã khắc tạc niềm tin tưởng trường tồn Đạo Phật trên quê hương Việt Nam.

LỬA TỪ BI SOI CHIẾU TÂM HỒN NHÂN LOẠI

Với Vũ Hoàng Chương, từ pháp nạn ở miền Nam Việt Nam, lửa truyền tinh anh khắp sáu ngả. Lửa từ bi Quảng Đức truyền tin toàn nhân loại, lay động không chỉ cộng đồng Phật giáo mà còn quảng đại loài người nói chung.

“Khắc bằng lửa vào lòng đây lòng đấy

Nơi trái tim Bồ Tát truyền sang tinh anh…

Cỏ cây nhập hội

Chim cá đồng thanh

Vần thơ sóng nổi

Dư âm nhiệt thành

Rằng: Xe Diệu Pháp ba ngàn cõi

Một cõi này thơm vết đấu tranh”.

(Bánh xe Diệu Pháp, Saigon 11/1963)

Hương thơm đạo pháp được cất trữ ướp vào trong thi ca. Và thơ ca chỉ nguyện làm rơm rác, cháy lên nối lửa từ bi, thổi bùng mong ước của ngài Quảng Đức cầu nhân loại hòa bình. Thơ ca chuyên chở tấm lòng từ bi và tình thương to lớn của Đạo Phật dành cho nhân loại.

“Thơ cháy lên theo với lời Kinh;

Tụng cho nhân loại hoà bình

Trước sau bền vững tình huynh-đệ này”. 

(Lửa từ bi)

Qua thi ca, thi sĩ họ Vũ chuyển tải tấm lòng ngài Quảng Đức khi nghe thấy “tiếng lòng trái đất” hụp lặn khổ đau. Đó là tiếng lòng kiếp người đau khổ rên xiết thảm thiết giữa cõi hoàn vũ bị vô minh dìm ngập trong bạo lực, xung đột, giết chóc. Và thơ ca Vũ Hoàng Chương cũng đã minh chứng sức soi chiếu của Phật pháp vào chúng sinh. Lửa từ bi phát tỏa ánh sáng tuệ giác vào lương tri nhân loại. Thế nên, biểu tượng ngài Quảng Đức không chỉ phản ánh vấn đề dân tộc Việt Nam trong chính trường Nam Việt Nam mà còn là vấn đề nhân bản rộng lớn. Ánh phản chiếu qua thi ca Vũ Hoàng Chương phần nào làm sáng tỏ giá trị nhân bản cao thượng này!

“Ôi, con đường tiến tới Lửa Từ Bi!

Nơi hào quang sáng rực;

Nơi trước đây vị thần tăng Quảng Đức

Tự đốt mình lên, tự huỷ mình đi

Cho cõi nhân sinh mát bóng Phật kỳ!”. 

(Điệp khúc)

 

VÀI LỜI KẾT

Với cảm hứng Phật giáo, hồn thơ Vũ Hoàng Chương như được chuyển hóa trong sinh mệnh mới. Đạo Phật cơ hồ tiếp thêm nguồn sinh lực thuần khiết cho hồn thơ của ông vượt qua ảo mộng say sưa đến với ánh đạo vàng phơi phới rực rỡ hào quang. Những thi tập (như Lửa từ bi, Ánh trăng đạo lý, Bút nở hoa đàm) biểu lộ hình tượng trí thức dấn thân với tấm lòng nhiệt thành dành cho dân tộc, đất nước và đạo pháp. Nhờ đó, độc giả có thể thấy nhiều cách tân độc đáo trên phương diện thể loại, thi pháp, thi liệu, tứ thơ, cảm hứng,… Thơ ca Việt Nam hiện đại đã có một Vũ Hoàng Chương ủ mộng say thơ giữa khung trời tiền chiến, thì cũng hẳn có một “thi bá” nương bóng Phật kỳ.

Trong sự nghiệp thi ca của ông, những thi phẩm viết về Bồ tát Quảng Đức ít nhiều góp phần tạo dựng nên biểu tượng phong trào Phật giáo 1963 và “bia hùng lực” đáng nể của Phật giáo Việt Nam hiện đại, như Hòa thượng Thích Thiện Hoa từng nói: “Cuộc tranh đấu anh dũng của Phật giáo vừa qua, không những làm cho thế giới kính nể Phật giáo Việt Nam, mà còn làm cho thế giới kính nể dân tộc Việt Nam”[6]. Qua thơ ca, Vũ Hoàng Chương càng khêu sáng biểu tượng Bồ tát Quảng Đức như ‘tấm bia hùng lực” kết tinh kim cương từ trí tuệ Phật Đà, tinh thần dân tộc và tình nhân loại rộng lớn.

 

Võ Quốc Việt/TCVHPG409

 

Chú thích

[1] Nam Thanh (1964), Cuộc tranh đấu lịch sử của Phật giáo Việt Nam, Saigon, Linh Sơn Nghiên cứu Phật học Hội xuất bản, tr.5.

[2] Thích Thông Bửu (1967), Diễn văn Kỷ niệm Đệ ngũ chu niên ngày cố Hòa Thượng Quảng Đức tự thiêu, Tạp chí An Lạc số 13 (30/5/1967), tr.11.

[3] Nam Thanh (1964), Sđd, tr.18.

[4] Trương Thiện (1967), Nói dối, Tạp chí An Lạc số 12 (15/5/1967), tr.1.

[5] Trụ Vũ (1966), Lửa thiêng ngày 20 tháng 8, Tạp chí An Lạc số 2, tr.50-51.

[6] [3] Nam Thanh (1964), Sđd, tr.4.

 

Tài liệu tham khảo

1. Thích Thông Bửu (1967), Diễn văn Kỷ niệm Đệ ngũ chu niên ngày cố Hòa Thượng Quảng Đức tự thiêu, Tạp chí An Lạc số 13 (30/5/1967), tr.8-14.

2. Vũ Hoàng Chương (1963), Lửa từ bi (thơ), Saigon, Đoàn thanh niên Tăng Ni xuất bản.

3. Vũ Hoàng Chương (1966), Ánh trăng đạo lý (thơ), Saigon, Nha Tuyên uý Phật giáo ấn hành.

4. Vũ Hoàng Chương (1967), Bút nở hoa đàm (thơ), Saigon, Vạn Hạnh xuất bản.

5. Nam Thanh (1964), Cuộc tranh đấu lịch sử của Phật giáo Việt Nam, Saigon, Linh Sơn Nghiên cứu Phật học Hội xuất bản.

6. Trương Thiện (1967), Nói dối, Tạp chí An Lạc số 12 (15/5/1967), tr.20-26.

7. Trụ Vũ (1966), Lửa thiêng ngày 20 tháng 8, Tạp chí An Lạc số 2, tr.50-51.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin