Chi tiết tin tức

Vài nét về tư tưởng Phật giáo trong thơ Vương Duy

15:34:00 - 07/02/2023
(PGNĐ) -  Vương Duy được mệnh danh là “Thi Phật” với nhiều tác phẩm có nội dung gắn bó với tư tưởng nhà Phật, mang đậm triết lý thiền. 
Không biết chùa Hương Tích ở đâu? Đi mấy dặm lên đến chỗ núi mây cao ngất. Cây cổ thụ mọc um tùm không có vết đường tắt người qua lại. Núi sâu, có tiếng chuông ở đâu ngân lên? Tiếng nước suối đập vào gành đá nghe như bị nghẹn lại. Sắc mặt trời có vẻ lạnh lẽo luồn qua lùm thông xanh. Chiều hôm vắng vẻ trên khu đầm nước. Muốn chế ngự con rồng độc ác thì phải quy y nơi cửa thiền.

Vương Duy là một trong những nhà thơ nổi tiếng thời thịnh Đường, Trung Quốc. Trong lịch sử thi ca Trung Quốc, trong khi Lý Bạch được gọi là “Thi Tiên” vì những bài thơ của ông mang đậm chất lãng mạn, mang lại cảm xúc bay bổng, phóng khoáng, Đỗ Phủ được gọi là “Thi Thánh” với những vần thơ trầm mặc, đậm chất hiện thực ưu thời mẫn thế, thì Vương Duy được mệnh danh là “Thi Phật” với nhiều tác phẩm có nội dung gắn bó với tư tưởng nhà Phật, mang đậm triết lý thiền. 

ĐÔI NÉT VỀ TIỂU SỬ

Vương Duy (王维), sinh năm 701, mất năm 761, tên chữ là Ma Cật, hiệu là Ma Cật cư sĩ, người tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ông xuất thân trong gia tộc họ Vương có tiếng ở thời nhà Đường. Năm Khai Nguyên thứ 9 (721), đời Đường Huyền Tông, ông đỗ tiến sĩ, sau đó đã trải qua nhiều chức quan khác nhau, có lúc làm đến chức Thượng thư hữu thừa, cho nên hay được gọi là Vương hữu thừa. 

Vương Duy nổi tiếng không chỉ thi ca mà còn về hội họa. Tác gia nổi tiếng đời Tống là Tô Đông Pha đã có nhận xét về thi họa của Vương Duy là “thi trung hữu họa, họa trung hữu thi”, trong thơ có họa, trong họa có thơ. Sáng tác của Vương Duy lúc trẻ tập trung vào chủ đề “biên tái”, phản ánh hiện thực về những vùng đất ở nơi biên cương khó khăn, hiểm trở. Về lúc tuổi đã vãn niên, thơ ông tập trung vào chủ đề phong cảnh sông núi, nước non, cảnh đẹp bình dị nơi quê mùa, đặc biệt là cảnh nơi thâm sơn cùng cốc. Vào những năm cuối đời, ông chuyên tâm nghiên cứu Phật giáo, thi ca phản ánh tính Phật, vì vậy người đời mới gọi ông là Thi Phật.

NHỮNG VẦN THƠ MANG TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO 

Trước hết, khi cảm thụ vẻ đẹp thiên nhiên, sáng tác của Vương Duy thường xen lẫn triết lý thiền, phảng phất những cảnh vật thanh tịnh, trầm lắng, mang đậm không khí thiền môn. Trong bài “Điểu minh giản”, nhà thơ viết: 

鳥鳴澗  

人閒桂花落,

夜靜春山空。

月出驚山鳥,

時鳴春澗中。

 

Nhân nhàn quế hoa lạc,

Dạ tĩnh xuân sơn không.

Nguyệt xuất kinh sơn điểu,

Thời minh xuân giản trung.

 

Dịch nghĩa

Người nhàn nhã, hoa quế rụng

Đêm thanh tĩnh, ngọn núi mùa xuân yên lặng

Trăng nhô lên làm kinh động loài chim núi

Ở trong khe núi xuân, hót vang lên.

Trong bài thơ này, ta bắt gặp hình ảnh đêm thanh tĩnh ở một nơi thâm sơn cùng cốc, thanh tĩnh đến mức chỉ một sự thay đổi khi ánh trăng xuất hiện cũng khiến cho chim chóc trong núi giật mình. Ở câu cuối, ta thấy hương vị của mùa xuân, với tiếng chim hót trong khe núi vang lừng, biểu tượng cho sự sống, cho sự sinh sôi nảy nở. Qua những câu thơ của Vương Duy, ta có thể hình dung, tưởng tượng ra bức tranh về chốn thiền môn ở một nơi khe núi vào một đêm xuân thanh tĩnh, vắng bóng bụi trần.  

Còn trong bài “Lộc trại”, nhà thơ viết: 

鹿 柴  

空山不見人,

但聞人語響。

返景入深林,

復照青苔上。

 

Không sơn bất kiến nhân,

Ðãn văn nhân ngữ hưởng.

Phản cảnh nhập thâm lâm,

Phục chiếu thanh đài thượng.

 

Dịch nghĩa

Trong núi vắng, không thấy người,

Chỉ nghe thấy tiếng người nói vang lại.

Ánh sáng phản chiếu rọi vào trong rừng sâu,

Rồi lại soi lên trên đám lá rêu xanh.

Ta bắt gặp lại hình ảnh nơi thâm sơn vắng vẻ, chỉ nghe thấy tiếng mà không có bóng người qua lại. Không thấy bóng người mà chỉ nghe thấy tiếng, khiến ta hình dung nơi đó phải là một nơi thật thanh tĩnh, yên lặng, mới có thể nghe thấy tiếng người từ khoảng cách rất xa. Ở đó, cảnh vật được nhà thơ quan sát và miêu tả khiến ta hình dung ra những bức tranh phong cảnh mà ta vẫn thấy nhiều ở thời nay, đó là cảnh ánh nắng xuyên qua tán lá trong những cánh rừng, rồi soi chiếu lên trên những tảng đá rêu xanh. Hình ảnh rêu phong cũng gợi lên sự cổ kính, tĩnh lặng của những ngôi chùa khuất trong rừng sâu. Chỉ với bốn câu thơ thể ngũ ngôn, nhà thơ Vương Duy đã vẽ ra một bức họa thật đẹp, cho ta một cảm giác thanh bình, tĩnh lặng. 

Trong bài “Tân di ổ”, tác giả viết: 

辛夷塢  

木末芙蓉花,

山中發紅萼。

澗戶寂無人,

紛紛開且落。

Mộc mạt phù dung hoa,

Sơn trung phát hồng ngạc.

Giản hộ tịch vô nhân,

Phân phân khai thả lạc.

 

Dịch nghĩa

Như những đoá sen ra ở đầu cành,

Ở trong núi nở ra những đài hồng.

Nhà trong khe suối lặng lẽ không người tới,

Cứ một mình tự nở rồi lại rụng.

Phù dung là tên gọi khác của hoa sen, là tượng trưng cho nhà Phật. Ở đây ta lại bắt gặp cảnh vắng vẻ, tĩnh lặng của khung cảnh quanh nơi tác giả ẩn cư. Tác giả quan sát và nhận thấy những đóa sen nở rồi lại rụng, cứ một mình như vậy, cũng như con người, ở nơi khe suối lặng lẽ không người lui tới, cứ sống cuộc sống thanh tịnh, làm bạn với thiên nhiên. Hình ảnh hoa nở rồi tàn lặp đi lặp lại, cho thấy cái vô thường của vạn vật, không vật nào thoát ra ngoài quy luật đó. Không chỉ có cảnh vật, khi miêu tả con người trong khung cảnh thiên nhiên, con người trong thơ của ông cũng chứa đựng triết lý thiền, thường tìm chốn tĩnh lặng, ở trong chốn thinh không, cảm nhận sự vô hạn của không gian, thời gian và sự vô thường của vạn vật. 

Bài “Chung Nam biệt nghiệp”, ông viết: 

終南別業  

中歲頗好道,

晚家南山陲。

興來每獨往,

勝事空自知。

行到水窮處,

坐看雲起時。

偶然值林叟,

談笑無還期。

 

Chung Nam biệt nghiệp

Trung tuế phả hiếu đạo,

Vãn gia Nam sơn thuỳ.

Hứng lai mỗi độc vãng,

Thắng sự không tự tri.

Hành đáo thuỷ cùng xứ,

Toạ khan vân khởi thì.

Ngẫu nhiên trị lâm tẩu,

Đàm tiếu vô hoàn kỳ.

 

Dịch nghĩa

Lúc còn trung niên đã rất tìm hiểu về đạo,

Đến lúc về già ở mé núi Chung Nam.

Có hứng thì đi dạo một mình,

Có chuyện thích ý một mình mình biết.

Đi đến tận cùng chỗ nguồn nước,

Ngồi nhìn lúc mây bắt đầu hiện ra.

Ngẫu nhiên bỗng gặp có cụ lão trong rừng,

Nói nói cười cười không để ý chừng nào về nhà.

Nhân vật trong bài thơ này được miêu tả là ngay từ thời còn trung niên đã tìm hiểu về đạo, và hiểu theo nghĩa ở đây đạo là đạo Phật, vì Vương Duy cũng chịu ảnh hưởng từ mẹ ông là một người theo đạo Phật. Đến lúc về già thì tìm về một nơi góc núi để ẩn cư. Lúc vui thì một mình đi dạo trong núi, gặp chuyện thích ý một mình mình biết. Thường tìm về đến đầu nguồn nước, ngồi trên những phiến đá ngắm nước chảy, mây bay. Những câu thơ đã phác họa một vị tu sĩ ẩn cư thường tìm đến chỗ tĩnh lặng, thinh không, hòa mình vào thiên nhiên, làm bạn với thiên nhiên cây cỏ. Tuy nhiên, con người ấy không tách rời hẳn cuộc sống, xa lánh cuộc sống, mà thuận theo tự nhiên, khi ngẫu nhiên gặp những bậc trưởng lão trong nơi rừng sâu vắng vẻ, thì như gặp được tri kỷ, nói nói cười cười quên cả không gian, thời gian xung quanh. 

Ý nghĩa của chữ “không” trong Phật giáo vô cùng sâu xa, “sắc tức thị không, không tức thị sắc”, để cảm ngộ được không phải dễ dàng. Nhưng ở đây, nhà thơ Vương Duy đã cảm ngộ và vận dụng được chữ “không” của nhà Phật trong các tác phẩm của mình.

Còn trong bài thơ “Mạnh Thành ao”, ông viết: 

孟城坳  

新家孟城口,

古木餘衰柳。

來者復為誰,

空悲昔人有。

 

Tân gia Mạnh Thành khẩu,

Cổ mộc dư suy liễu.

Lai giả phục vi thuỳ,

Không bi tích nhân hữu.

 

Dịch nghĩa

Mới dọn về nhà mới ở cửa thung lũng Mạnh Thành,

Cây cối chủ trước trồng, chỉ còn lại vài gốc liễu cỗi mà thôi.

Sau ta, ai sẽ là người đến ở nơi đây?

Ắt hẳn xót xa khi thấy những gì người trước để lại.

Tác giả kể về sự việc dọn về nơi ở mới, thấy cây cối của chủ trước trồng chỉ còn lại vài gốc liễu. Cảm thương cho sự biến đổi của thời gian, sự vô thường của vạn vật, tác giả cũng dự cảm về cảm xúc của người sau nữa đối với mình. Nếu xét theo chiều thời gian, có thể thấy tác giả đứng từ hiện tại để nhìn về quá khứ, rồi lại đứng từ tương lai để nhìn về hiện tại. Sự biến đổi của thời gian theo ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai theo tư tưởng Phật giáo đã được tác giả cảm ngộ và diễn tả, qua đó cho thấy sự nhỏ bé của con người trước thời gian và không gian. 

Trong bài “Trúc lý quán”, ông viết: 

竹裏館  

獨坐幽篁裏,

彈琴復長嘯。

深林人不知,

明月來相照。

 

Độc toạ u hoàng lý,

Đàn cầm phục trường tiêu.

Thâm lâm nhân bất tri,

Minh nguyệt lai tương chiếu.

 

Dịch nghĩa

Ngồi lặng lẽ một mình trong bụi trúc,

Gảy đàn rồi lại hát.

Rừng sâu nên người không biết đến,

Chỉ có trăng sáng tới soi vào.

Ta gặp lại hình ảnh người cư sĩ lặng lẽ ngồi bên khóm trúc, cũng là một biểu tượng của người quân tử, của nhà Phật. Người cư sĩ ngồi gảy đàn rồi hát, nhưng ở trong rừng sâu không người qua lại, nào ai biết tới. Chỉ có thiên nhiên, ở đây là ánh trăng hiền dịu, tới soi chiếu vào. Những câu thơ gợi lên bức tranh về một người ẩn cư ngồi bên khóm trúc gảy đàn dưới ánh trăng, trong một không gian yên lặng, tĩnh mịch, xa lánh sự đời, chỉ một mình với thiên nhiên, cây cỏ. 

Tư tưởng Phật giáo thể hiện rõ trong bài thơ “Quá Hương Tích tự” của ông: 

過香積寺  

不知香積寺,

數里入雲峰。

古木無人徑,

深山何處鐘。

泉聲咽危石,

日色冷青松。

薄暮空潭曲,

安禪制毒龍。

 

Quá Hương Tích tự

Bất tri Hương Tích tự,

Sổ lý nhập vân phong.

Cổ mộc vô nhân kính,

Thâm sơn hà xứ chung.

Tuyền thanh yết nguy thạch,

Nhật sắc lãnh thanh tùng.

Bạc mộ không đàm khúc,

An thiền chế độc long.

 

Dịch nghĩa

Không biết chùa Hương Tích ở đâu?

Đi mấy dặm lên đến chỗ núi mây cao ngất.

Cây cổ thụ mọc um tùm không có vết đường tắt người qua lại.

Núi sâu, có tiếng chuông ở đâu ngân lên?

Tiếng nước suối đập vào gành đá nghe như bị nghẹn lại.

Sắc mặt trời có vẻ lạnh lẽo luồn qua lùm thông xanh.

Chiều hôm vắng vẻ trên khu đầm nước.

Muốn chế ngự con rồng độc ác thì phải quy y nơi cửa thiền.

Vương Duy nổi tiếng không chỉ thi ca mà còn về hội họa. Tác gia nổi tiếng đời Tống là Tô Đông Pha đã có nhận xét về thi họa của Vương Duy là “thi trung hữu họa, họa trung hữu thi”, trong thơ có họa, trong họa có thơ.

Đọc bài thơ, ta thấy những chi tiết, hình ảnh rõ ràng hơn về đạo Phật, như địa danh chùa Hương Tích, tiếng chuông chùa ngân vang, rừng tùng, cửa thiền. Tác giả trên đường đến chùa Hương Tích, đi đến chỗ núi mây cao ngất, cây cối um tùm, không bóng người qua. Bỗng ở đâu tiếng chuông chùa ngân vang, cùng với tiếng nước suối đập vào những phiến đá, những tia nắng mặt trời xuyên qua những cây tùng…Vẫn là hình ảnh thanh bình, vắng vẻ, yên tĩnh không chút bụi trần, nhất là vào một chiều hôm trên hồ nơi thâm sơn cùng cốc. Có thể hiểu ý thơ rằng, trong chỗ vắng vẻ ấy, điều ác vẫn có thể tồn tại, trong hồ nước trong vắt đó, vẫn có thể có những con rồng độc ác. Vì thế, tác giả đã đưa ra điều cảm nhận, cũng như là một đúc kết của tác giả ở câu cuối: muốn chế ngự những điều ác, thì hãy quy y cửa thiền. 

Trong thơ của Vương Duy, một trong những chữ được ông dùng nhiều là chữ “không” (空), mang hàm nghĩa sâu sắc của tư tưởng nhà Phật. 

Dạ tĩnh xuân sơn không (Điểu minh giản)

Không sơn bất kiến nhân (Lộc trại)

Thắng sự không tự tri (Chung Nam biệt nghiệp)

Không bi tích hữu nhân (Mạnh Thành ao)

Bạc mộ không đàm khúc (Quá Hương Tích tự).

Có thể nói, ý nghĩa của chữ “không” trong Phật giáo vô cùng sâu xa, “sắc tức thị không, không tức thị sắc”, để cảm ngộ được không phải dễ dàng. Nhưng ở đây, nhà thơ Vương Duy đã cảm ngộ và vận dụng được chữ “không” của nhà Phật trong các tác phẩm của mình. Qua nghiên cứu một số tác phẩm của ông, có thể thấy tư tưởng Phật giáo, triết lý thiền luôn hiện hữu trong những sáng tác một cách khéo léo, hòa quyện vào cảnh vật, con người được nhà thơ cảm nhận và miêu tả bằng bút pháp của mình. Đọc các tác phẩm của nhà thơ Vương Duy, chúng ta thêm lĩnh hội được tư tưởng Phật giáo, cảm nhận và yêu quý cảnh đẹp của thiên nhiên cũng như con người thanh tĩnh, đậm triết lý thiền trong mỗi tác phẩm của ông. 

 

Nguyễn Ngọc Hùng/TCVHPG405

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin