Chi tiết tin tức

Thơ thiền Hàn San nhìn từ phía Thiền học Đại Việt

12:02:00 - 22/04/2015
(PGNĐ) -  Ẩn sĩ thi tăng Hàn San sống vào thời Trinh Quán (627 – 644). Thời Đường, ông là hiện tượng thi ca đặc biệt ở hai điểm: sống đạm bạc khác thường đến nỗi đời cho là điên khùng; thơ đề trên vách đá, gốc cây, lều cỏ trong rừng sâu. Theo thi học Thiền tông, riêng điểm thứ hai đã cho thấy Hàn San thể nhập ngôn hành sự sống thơ toàn triệt.
 
nguyet san.jpg

1. Thiền vốn chủ trương bất lập văn tự. Do vậy, vô tự thiền nương theo ngôn ngữ biểu tượng mà ngộ nhập cảnh giới thiền (niêm hoa vi tiếu). Khi Lục Tổ Huệ Năng và Thần Tú làm thi kệ trình tâm ấn với Ngũ tổ Hoằng Nhẫn mới mở đầu truyền thống hữu tự thiền; nhà thiền sáng tác thơ để tu tập như hân thưởng cảnh giới thi ca. Từ đó thiền xem làm thơ và ngộ thơ là đồng đương diễn nhịp sống sinh linh; cùng vạn hữu sáng tạo nên văn bản hiện thực đời sống. Bởi lẽ mọi biểu hiện của thế giới hiện tượng là phát ngôn giao cảm của đại trí tuệ tự nhiên. Thiền giả cảm tri, thấy biết mình đồng liên diễn, hoạt hóa một thực tại nhất thiết pháp không. Đó chính là liễu đạo qua thể nhập ngôn hành sự sống. Bởi thế, Hàn San Tử vô ngại viết Quần nữ hý tịch dương:

群女戲夕陽,

風來滿路香。

綴裙金蛺蝶,

插髻玉鴛鴦。

角婢紅羅縝,

閹奴紫錦裳。

為觀失道者,

鬢白心惶惶。

Quần nữ hý tịch dương,

Phong lai mãn lộ hương.

Chuế quần kim hiệp điệp,

Tráp kế ngọc uyên ương.

Giác tỳ hồng la chẩn,

Yểm nô tử cẩm thường.

Vi quan thất đạo giả,

Mấn bạch tâm hoàng hoàng.

(Các cô đùa trong nắng,

Hương thơm tỏa ngập đường.

Áo vàng thêu bướm lượn,

Trâm kết ngọc uyên ương.

Nữ tỳ khoe lộng lẫy,

Áo gấm dáng đường đường.

Có người toan bỏ đạo,

Đầu bạc tim bất thường).

Tạm dịch theo Vũ Thế Ngọc

Bài thơ ghi lại khoảnh khắc đẹp sáng trong của đời thường chợt gặp. Vị thiền bố đạo tâm (an bày nhịp sống) quá rõ. Đề, kết có nhân (người đùa vui) duyên (có người dừng ngắm) mà tiệt không có chủ khách, chỉ có tinh thần hiện thực hồn nhiên sáng trong (hương thơm hòa tiếng cười đùa). “Quần nữ - nhiều gái” nên chẳng rõ một ai, song tâm hồn thì ngộ ra. Thực, luận: hình danh, sắc tướng có đủ mà vẫn như không, do chỉ có một hiện thực nhất như: một mảng màu sắc lung linh, thực ảo; bướm thêu lượn, ngọc nhòa chói nắng, chủ tớ vẻ ngoài không khác. Hàn San chẳng viết lách gì; toàn bộ thực tại đương diễn nhịp sống thơ đấy thôi.

Trong thơ, Hàn đôi lúc nhắc đến vợ con, thói thường thiên hạ, người đẹp… nên có ý kiến cho ông dường như chưa triệt ngộ bởi còn “động lòng”. Thơ ông có nhiều bài đan xen khuynh hướng thẩm mỹ Nho - Đạo.

2. Nhà Thiền khi đã ngộ đạo là đạt pháp thân tịch diệt, sắc thân tồn (Tuệ Trung). Do vậy, không tình cảm cá nhân nào của con người mà họ không có. Chúng là biểu hiện sắc thân của Phật tính trong con người hành giả. Có điều, thái độ của nhà thiền đối với tình cảm sắc dục là: “Người biết và điều được biết, người thấy và cái được thấy, gặp gỡ trong hành động vượt quá sự phân biệt” [3, 531]. Nói rộng ra là mọi bộc lộ tình cảm, hành vi sống đời thường đều có ý nghĩa hoạt nghiệp thuần nhất (như nó vốn là vậy).

Về mặt thẩm mỹ, thơ Hàn San nhất quán nguyên tắc thẩm mỹ bố đạo tâm; điều tiết, dung quán trường thẩm mỹ Nho - Đạo. Thơ ông an ủi bạn hàn sĩ “nhàn cư hảo tác thi - sống nhàn thích làm thơ” đừng bực bội bởi “Đề an hồ bỉnh thượng; Khất cẩu dã bất thực - Thơ có đề trên bánh; Chó đói cũng chẳng xực” (Thặng đặng chư bần sĩ). Với thi học sĩ chuộng nhãn tự giai cú, ông cười bảo Như manh tẩu vịnh nhật – như kẻ mù vịnh trời (Hữu cá Vương tú tài). Đàm Lão - Trang, Hàn đồng ý Giữa ngàn mây sông nước; có một người nhàn sĩ; song ông cũng nói rõ Vui thú chẳng cậy ai (Thiên vân vạn thủy gian) là do “Vô hữu nhất pháp thường hiện tồn - hữu vô một pháp thường ngày hiện” (Ngã gia tại Hàn San). Và, trên hết nhà thơ khùng có thái độ xác quyết: “Tự cổ chư triết nhân… Khởi miễn sinh tử luân - Tự cổ các triết nhân… Chẳng ai thoát luân hồi” (Tự cổ chư triết nhân).

Nho - Đạo - Thích đều có nói đến nhàn. Thiền học quan niệm nhàn là hoan hỷ sống hết mình, hành nghiệp hết sức (thuần nhất). Khác với nhàn tình an bần vui đạo; nhàn thân tự nhiên như nhiên. Trước sau, Hàn San tự nhận như Lâm Tế nói “vô vị chân nhân - con người chân thật không vị trí nào cả”. Và, nó đúng với thơ thể nhập người tự do vô thượng của ông.

3. Ở ta, thời Lý- Trần chủ trương dùng thiền học điều tiết thi học Tam giáo. Đặc biệt chú trọng khía cạnh thể nhập ngôn hành của hữu tự thiền. Thời Lý, Trí Thiền cho rằng “ghi nhớ đinh ninh - quyền quyền nhất cú” là vì “văn thuyết vô ngôn ý doãn tòng - nghe lời huyền diệu, thành tín theo”. Bởi thế sang Trần, Thái Tông phê phán thi họa Vương Duy lãng đắc danh (niêm tụng kệ). Tuệ Trung cho “bể học quay cuồng” là vấn nạn. Phật hoàng đặc biệt nhấn mạnh tham ngộ thơ thiền chẳng qua là hữu cú - vô cú cốt sao mỗi lần nêu lên một lần mới…

Trực tiếp liên hệ với Hàn Tử, Chân Không thời Lý, giải diệu đạo qua thơ kết hợp thi tứ Giả Đảo và Hàn San: “kiếp hỏa đỗng nhiên hào mạt tận; thanh sơn y cựu bạch vân phi - Lửa bùng thiêu đến mảy tơ, ngàn xanh mây trắng bây giờ còn bay” (Đáp đệ tử diệu đạo chi vấn). Huyền Quang (1251 - 1334) viết “Nhân sự đề Cứu Lan tự”:

徳 薄  常  慙  繼  祖 燈   

空 教 寒 拾 起 冤 橧     

爭 如 逐 伴 歸 山 去     

疊 嶂 重 山 萬 萬 層 

Đức bạc thường tàm kế tổ đăng,

Không giao Hàn - Thập khởi oan tăng.

Tranh như trục bạn quy sơn khứ,

Điệp chướng trùng san vạn vạn tằng.

Tạm dịch:

Đức bạc tài hèn kế tổ đăng

Khiến cho Hàn - Thập nổi hờn căm.

Chi bằng theo bạn vào trong núi,

Nhập bóng sơn lâm vạn vạn tầng.

Bài thơ cho thấy, Huyền Quang tự phản tỉnh về quan niệm nhàn trước “bể học quay cuồng” là có cơ sở. Cũng như Hàn San, về thơ thiền, Lý Đạo Tái nói Xuân vô chủ tích thi vô liệu là có ý phá chấp thi đạo cách luật và cho thơ thiền phải thể nhập nhịp sống bách tính sinh linh.

Thiền học Đại Việt và phái Yên Tử nhận chân được tư tưởng thiền phóng khoáng, phổ cập và đồng nhịp sống tự nhiên của Hàn San. Thời Lý - Trần, người ta dựng tượng đúc chuông, khắc văn bia ở tự viện nhằm tượng giáo quần sinh; hướng trăm họ thể nhập hòa đồng sự sống tương tự Hàn San viết thơ lên đá núi, cỏ cây mà tịnh hành không lời cùng vạn hữu. Có thể thấy thái độ đánh giá cao của Huyền Quang đối với quan niệm thể nhập ngôn hành của Hàn San, qua bài thơ trên.

Thơ thiền Hàn San không câu nệ hình thức học thuật, quy phạm từ chương và kể cả điển nhã Phật học. Ông đã từng phát biểu: “Học nhiều hiểu biết rộng; chân tính mình lại mờ; một niệm hiểu tự tâm; Phật trí liền sống động” (Thế hữu đa sự nhân). Điều mà Trần Cảnh khẳng định thở nhẹ một hơi hiểu hết kinh (Niêm tụng kệ). Về ngôn ngữ và thi luật, Hàn San phát triển khung luật điệp từ đôi đầu câu toàn bài theo “kệ tối hậu” của Lục tổ Huệ Năng (bài yểu yểu Hàn San đạo) và cải biên thành điệp từ đôi cuối câu toàn bài (Độc tọa thường lãng đãng). Thơ Hàn tử đạt đến mức tùy tâm phóng ngữ; song vì sao Hàn lại phải “chơi chữ” như thế?

Theo chúng tôi, ông dùng điệp từ đồng tả con đường Hàn San và lúc thiền định khai phóng tâm linh, để minh định ý nghĩa Đạo lý đương nhiên lộ cộng hành. Vì nó đưa đến phá chấp dư ba âm thanh và hình tượng. Chỗ vướng mắc lớn nhất của thi học Thiền tông Trung Hoa, bởi đặc điểm ngôn ngữ tượng hình, biểu ý. So sánh với hiện tượng dùng điệp từ đôi phổ biến trong thơ thiền Lý - Trần, bước đầu ta nhận thấy Hàn San vẫn chưa thoát ra khỏi thủ pháp dùng điệp từ của Đường thi (tượng thanh, chỉ không - thời gian). Thơ thiền Lý Trần ghép - láy đa dạng trong trường từ vựng ngữ nghĩa và từ loại. Giới học sĩ - thi tăng Đại Việt sớm phát hiện sáng tạo độc đáo của Hàn San; song họ phát huy diệu dụng theo lối rẽ khác, xuất phát từ một quan niệm rộng rãi về thơ bởi giao thoa với thi học cổ điển Ấn.

Thời Lý, Chân Không vận dụng thi tứ của Giả Đảo cũng là một trường hợp đặc biệt. Giả vốn là thi tăng, làm thơ khổ luyện chữ nghĩa. Kết hợp thi tứ Giả - Hàn, Chân Không mở đường “dẫn Nho nhập Thích - dẫn thiền nhập thi” bởi nhà trường Nho giáo và chế độ thi cử đã thành nếp. Thi học Tam giáo thời Lý ngày càng thiên cực quy phạm cung đình, đưa đến nguy cơ phá vỡ đạo học truyền thống của dân ta (dùng tư tưởng nhân văn Phật giáo điều tiết Nho - Đạo).

Như vậy, thời đại Lý - Trần rất có ý thức hoàn thiện hệ thống thi học Thiền tông Đại Việt. Nguyên nhân sâu xa là để khắc phục nạn khuếch tán văn hóa. Sau ngàn năm Bắc thuộc, dân tộc ta đã quên mất đi chữ viết buổi đầu mở nước. Quan niệm “bất lập văn tự” và thể nhập ngôn hành sự sống của thiền học đã đáp ứng trúng nhu cầu của nhà nước Đại Việt. Bắt đầu xây dựng đất nước tự chủ văn hóa, không khỏi lúng túng trong việc vay mượn chữ Hán và hoàn thiện hệ thống chữ Nôm. Nó lý giải vì sao 136 năm sau khi nước ta độc lập (939) nhà nước phong kiến Việt Nam mới mở khoa thi đầu tiên (1075). Thời gian đó, giới trí thức Nho học nước ta chủ yếu lớn lên từ nhà trường Phật học.

4. Tiếp biến thiền học và thi học Thiền tông Trung Hoa, thời Lý - Trần xem trọng vấn đề thể nhập ngôn hành. Học sĩ – thi tăng, thiền phái Thảo Đường và Trúc Lâm đều không quá nhấn mạnh vấn đề kiến giải Phật tính, lý luận công án và khán thoại thiền. Thi tăng học sĩ Đường Tống có nhiều người làm thơ tham thiền ngộ đạo, nối pháp các tông phái nổi tiếng; song thi học thiền Đại Việt chỉ lưu tâm Vương Duy, Giả Đảo, Thập Đắc, đặc biệt là Hàn San. Bởi lẽ qua thơ Hàn, Thiền học Đại Việt thấy được tinh túy thiên kinh vạn quyển của ông. Chư thiền giả Lý - Trần tích cực tổng kết thể nghiệm của Hàn San và phát triển thiền lý theo hướng thể nhập ngôn hành sự sống.

Điều mà sinh thời Hàn San chưa kịp tổng kết thành tựu tu tập của bản thân; chỉ kịp phát biểu các ý cốt lõi về sáng tác và tiếp nhận thơ thiền. Đọc thơ, Hàn cho là phải “Thơ ta người muốn đọc/ Quy y theo tự tính/ Thành Phật hôm nay đắc” (Phàm độc ngã thi giả). Làm thơ, Hàn xác định: Ngâm chơi khúc ca này, trong ca thiền chẳng có (Cao cao phong đỉnh thượng).

Nhận định về Hoàng Lão: Hoàng Lão đọc huyên thiên/ Đường đến đã mau quên (Dục đắc an thân xứ). Về Nho: Trẻ trung lại đẹp trai; Kinh sử đều xem qua/ Mùa đông lạnh thiếu áo; Đích thị sách lừa ta (Ung khách mỹ thiếu niên). Tư tưởng thơ của Hàn dùng thiền học điều tiết thi học Tam giáo đã rõ, thái độ ở ẩn dứt khoát của Hàn cũng không phải là lánh đời thoát tục; qua thơ, nhiều lần ông nhận chân bộ mặt xã hội sắc sảo. Ấy là thái độ trần tình hạnh nghiệp thuần nhất của thiền gia.

Tóm lại, chính thiền học Đại Việt phát hiện ra hiện tượng thiền và thi ca thiền độc đáo của Hàn San. Sinh thời, ở đất nước ông thơ Hàn San không được đánh giá cao, địa vị Tăng nhân của ông không được coi trọng. Toàn Đường thi không chép thơ ông, mãi sau 1757 giới học sĩ mới bổ sung vào. Các sách Truyền đăngCao tăng truyện có chép nhiều dã sử của ông nhằm ghi nhận trường hợp ngộ đạo đặc biệt. Mặt xác lập địa vị pháp thống trong thiền sử ít nhiều còn bỏ ngỏ.

Qua trường hợp Hàn San ta thấy Lý - Trần chuyển hóa thiền và thi học thiền Trung Quốc theo quy luật: Đơn giản hóa lý giải tính không chỗ xả bỏ duyên nghiệp; cụ thể hóa tu tập bằng thể nhập ngôn hành sự sống và phổ cập hành dụng trong đời sống thường nhật. Nắm chắc tư tưởng phổ biến; phát huy sở dụng độc đặc của người, để thể nghiệm trên nền tảng văn hóa tâm linh dân tộc, sáng tạo hệ thống riêng.

Võ Phước Lộc
(Mỹ Tho, 27-7-2014)

_______________________

Tài liệu tham khảo

1- Phảng phất tứ thơ của Giả Đảo trong Tầm ẩn giả bất ngộ và Hàn San trong Thời nhân tầm vân lộ.

2- Vũ Thế Ngọc (dịch và giới thiệu), Thế giới thi ca thiền Hàn Sơn, NXB.Văn Nghệ, TP.Hồ Chí Minh 2007.

3- [3, 531]: Heinrich Zimmer, Triết học Ấn Độ một cách tiếp cận mới, tr.531, NXB.Văn Hóa Thông Tin 2006.

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin