Chi tiết tin tức Bỏ đi thì dễ thôi 21:49:00 - 03/05/2020
(PGNĐ) - Từ ngày cô Tuyết nhận nhiệm vụ quản lý nhà bếp, bọn nhỏ được ăn uống ngon lành, có khi linh đình nguyên con heo quay của công ty nào đó cúng khai trương kèm theo mâm trái cây kết hình rồng phượng mà khi gỡ ra thì chất đầy một thúng những lê táo nho cam.
Mọi người đồn là cô Tuyết bỏ bùa các đại gia, bằng cớ là bọn nhỏ thường được ăn cơm với thịt heo quay và tráng miệng bằng những loại trái cây có nằm mơ cũng không dám thấy như là nho Mỹ. Cô Tuyết tỉnh bơ trả lời bùa của cô là những mẩu giấy ghi địa chỉ Trường Tình thương, đi tới đâu cô cũng để lại một mẩu.
Từ ngày cô Bích dạy nhạc, không khí luôn toát lên niềm hứng khởi. Trước đây, giờ học nhạc thì hơn nửa lớp bị tra tấn vì không phải đứa nào cũng biết hát và có khả năng nhớ những chấm đen có tên gọi sì đồ rê lá mi…
Nay thì tiết nhạc được mong đợi nhất. Không đàn được thì hát, hát du dương không được thì hát rap tức là hát như nói, bọn nhỏ khoái cái món rap này kinh khủng, tự chúng còn sáng tác thêm ca từ nữa là. Đứa nào e thẹn chưa dám hát một mình thì xin mời tam ca tứ ca và hợp ca, nghĩa là không một đứa nào cảm thấy mình dốt môn nhạc cả.
Thầy Cường dạy môn giáo dục thể chất. Thể dục giơ tay gập bụng là chuyện xưa rích rồi. Thầy cho bọn nhỏ xem clip cô gái điệu đàng đi trên đường và một tên con trai đi theo sau nham nhở trêu chọc, cô gái không thèm quay lại mà tung cú đá móc khiến tên con trai lăn quay.
Bọn nhỏ xuýt xoa trầm trồ. Và một clip khác, lần này là hai tên con trai chứ không phải một, cô gái bay lên hai chân đá hai tên văng ra hai phía. Ôi chà chà... Cả lớp rần rần chạy theo thầy Cường ra sân để luyện võ thuật. Ngày hôm qua chỉ trầy da tí xíu cũng kiện tụng chảy nước mắt đi tới phòng y tế, nay thì sưng u một cục chỉ là chuyện nhỏ thôi.
Cô Xuyến ấn tượng nhất, vì môn “Cám ơn ân nhân” do cô đảm trách liên quan tới tất cả những môn khác.
Cám ơn ân nhân là một môn không có định nghĩa chung. Tùy. Và chỉ cô Xuyến mới biết cách lôi kéo tất cả vào cuộc. Ví dụ như tuần trước, giữa đêm trực sếp điện thoại báo tin bảy giờ sáng mai một công ty tin học sẽ đến thăm trường và tặng hai mươi cái máy tính cho các em.
Vậy đó, có những cuộc thăm nom báo trước hàng tháng và cũng có những cuộc bất ngờ, như là bên tặng quá bận rộn và sực nhớ ra thì phải thực hiện ngay kẻo lại quên.
Hai mươi cái máy tính! Cô Xuyến tỉnh ngủ ngay lập tức. Món quà này xứng đáng được khui ra xài liền và hẳn là bên tặng càng thêm hài lòng khi thấy quà của mình hữu dụng ngay lập tức.
Giữa khuya, cô Xuyến lò mò đi xuống căn phòng được dùng làm nhà kho. Nghe tiếng động và thấy ánh sáng ở nơi vốn im lìm và tối om, ông bảo vệ quát: “Ai đó?”. Cô Xuyến reo lên: “May quá, nãy giờ cháu không dám đánh thức bác. Lỡ thức dậy rồi thì nhờ bác giúp cháu một tay với”.
Cô Xuyến có cách sai khiến người khác một cách rất có lý và tỉnh bơ như vậy. Hai người hì hục dọn đồ đạc trong kho tống ra sân sau. Ông bảo vệ trèo lên ghế quơ mạng nhện giăng trên cao, cô Xuyến lau chùi tường và nền nhà. Phù, đến năm giờ sáng thì nhà kho trở thành căn phòng khá sáng sủa. Giờ này thì học trò đã thức dậy và chuẩn bị tập thể dục, cô Xuyến gọi mấy đứa lớn khiêng mấy bộ bàn ghế từ phòng học qua để có chỗ mà đặt máy vi tính.
Rồi cô Xuyến gọi điện thoại cho cô Bích đi làm sớm để cấp tốc dợt lại mấy tiết mục văn nghệ chào mừng quý khách, gọi cho cô Tuyết chuẩn bị món nước uống đặc biệt hơn một chút để khách quý khi rời nơi đây sẽ nhớ mãi hương vị đặc biệt chứ với món quà hai mươi cái máy tính mà nước trà suông coi sao được.
Vừa nhìn thấy mặt thầy Cường, cô Xuyến chợt nhận ra những tiết mục văn nghệ dù đặc sắc đến mấy thì cũng không đáng trầm trồ bằng một màn võ thuật. Còn gì nữa, những đứa nhóc mà ai cũng nghĩ là thiếu thốn đáng thương sẽ biễu diễn võ thuật tràn đầy hào hứng mạnh mẽ tự tin. Chỉ trong hình dung thôi đã thấy nỗi kinh ngạc là bất ngờ thú vị đến thế nào.
Thú vị nhất là bọn nhóc. Ngày mới bắt đầu bằng hát hò và đi quyền thì còn gì bằng, nhất là sau khi đoàn khách ra về thì thế nào cũng sẽ được ăn bánh kẹo.
- Giao hết công việc cho người khác rồi vậy phần việc của cô Xuyến là gì?
Thầy Cường hỏi lại một cách cà khịa. Ý thầy rõ ràng là nếu cô Xuyến thấy môn võ mà thượng đài một cách dễ ợt vậy thì mời cô tham gia luôn vì cô rảnh quá mà.
Cô Xuyến lừ mắt định kể công mình từ lúc một giờ khuya tới giờ có ông bảo vệ làm chứng, nhưng cô sực nhớ ra thiếu sót quan trọng là tấm băng-rôn chào mừng quý khách.
Vậy là thầy Cường không có cớ cà khịa được nữa, ngược lại, thầy còn hô hào những đứa khéo tay tới phụ giúp cô Xuyến cắt giấy dán chào mừng, còn đích thân thầy thì phối hợp với cô Bích để cho ra một tiết mục múa võ. Rõ ràng là thầy Cường đang chớp lấy cơ hội để được bận rộn cùng chung với cô Bích.
Bảy giờ kém mười lăm phút, sếp chạy xe vô sân trường, hài lòng nhìn tấm băng-rôn tươi tắn “Kính chào ân nhân” giăng ngang cổng và mọi việc cần thiết đều đã chuẩn bị xong trong thời gian đáng gọi là kỷ lục. Vì vậy nên việc cô Xuyến dám tự tiện biến nhà kho thành phòng tin học mà không hỏi xin ý kiến trước cũng được bỏ qua.
Điều duy nhất đáng phàn nàn là đồ đạc từ trong kho tống ra sân sau thành một đống lổn nhổn lại là những món thu nhận từ những đợt ủng hộ trước đây mà trường chưa có việc xài tới, lỡ mà tặng quà xong quý khách làm một vòng tham quan quanh trường nhìn thấy rồi thắc mắc tại sao lãng phí thì phiền toái lắm.
- Lấy tấm bạt rộng phủ tạm lên vậy, quý khách sẽ nghĩ đây là đống củi chẳng hạn - Cô Xuyến cười hì hì - Toàn cục không được mười điểm cũng đáng chín rưỡi phải không sếp?
Sếp sợ mình cười hài lòng thì đám nhân viên được thể cho nên quát to:
- Sao không cô nào trang điểm vậy hả? Đừng có để người ta tưởng nhân viên của tôi là những kẻ xấu xí không nơi nào chịu chứa mới tìm tới đây nghe chưa.
***
Luân chuyển. Sếp cũ đi.
Sếp mới về với những quy định mới.
Con heo quay cửa hàng giày dép cúng khai trương xong đem tới cho, sếp lệnh cất tủ đá ngày mai ngày mốt khỏi tốn tiền đi chợ. Mâm trái cây gồm cam và táo và nho Mỹ cũng từ nơi cúng khai trương đem tới, sếp lệnh để dành.
Bọn nhỏ quẩn quanh cái tủ đá, nuốt nước miếng. Cô Bích bực bội vô cùng vì sự nuốt nước miếng này khiến bọn nhỏ nhìn rất thảm, phá hủy công sức cô dạy hát rap. Thầy Cường cũng chung tâm trạng vì bọn nhỏ quơ chân tay lung tung do cái cổ cứ quay về hướng nhà bếp.
Cuối tháng, cô Tuyết hỏi kế toán khoản tiền chợ nhờ tiết kiệm đó đi về đâu? Kế toán nhún vai. Ngay hôm sau, cô Tuyết nhận quyết định về tổ trồng rau.
Những đoàn từ thiện tới thăm ngoài gạo, mắm, áo quần, giày dép... thường kèm theo bánh kẹo. Trước kia bánh kẹo luôn được chia đều cho bọn nhỏ ngay sau khi đoàn khách ra về, nay thì dùng làm phần thưởng. Cuối tuần, đứa nào có điểm trên tám sẽ được thưởng.
Hiếm có đứa được điểm trên tám.
Thì thào thắc mắc những thùng bánh kẹo cất trong kho mà không có em nào nhận thưởng lần hồi đi về đâu? Tiếng “suỵt”, muốn về tổ trồng rau à?
Chứng kiến những đoàn từ thiện tới thăm trường do cô Xuyến nhiệt tình sắp xếp tổ chức cách đón tiếp, chia tay, khách vui vẻ móc danh thiếp trao cho cô Xuyến và nói: “Có chương trình nào thấy bọn tôi có thể tham gia được thì cô cứ gọi nhé”. Sếp gọi cô Xuyến vào phòng, vỗ vai thân tình:
- Cô kiếm được cũng khá phải không?
Cô Xuyến không nổi đóa lên như mọi người tưởng, nhưng nhiệt tình với công việc thì giảm dần, rồi giảm hẳn, là cô nộp đơn nghỉ việc vì cứ sau mỗi cuộc cô Xuyến gặp gỡ ân nhân là sếp than thở kẹt tiền. Sếp ký đơn của cô Xuyến cái roẹt. Đến lúc này mọi người mới nhớ đúng chức vụ của cô Xuyến là trợ lý, tên gọi “Cám ơn ân nhân” chỉ là đùa vui hoài thành quen miệng.
Lần lượt những vị trí dính dáng tới tiền bạc và quan hệ giao tiếp này kia được thay bằng người nhà của sếp. Tất cả đều đổi người, trừ hai môn nhạc và võ thuật chẳng dính gì tới tiền mà còn hao tốn công sức.
***
Cũng con heo quay cỡ đó mà ngày xưa chia đủ cho mỗi bàn một dĩa đầy, nay chỉ được dĩa lưng lưng toàn xương với mỡ.
Vào những ngày bữa ăn có thịt quay, giờ ra về, thầy Cường và cô Bích nhìn thấy ở móc xe của mình một túi thơm phức, là miếng heo quay vàng rượm nhiều nạc.
Cô Bích kêu lên “Đừng anh”, nhưng bọn nhỏ đã chạy ùa tới và reo ầm lên khiến tận khu văn phòng cũng nghe.
Thầy Cường cười cười đợi cô Bích bắt chước mình, nhưng cô Bích thở dài mím môi nhấn ga, túi thịt quay vẫn tòn teng ở móc.
Mấy ngày sau, có túi nho Mỹ treo ở móc xe, thầy Cường cũng vẫy tay gọi bọn nhỏ tới, và cô Bích thì vẫn mím môi rồ ga chạy đi.
Vài lần như vậy, sếp ký lệnh chuyển thầy Cường về tổ trồng rau. Thầy cười khẩy, sở dĩ thầy còn nấn ná là vì thương bọn nhỏ và tiếc cự ly quá gần với cô Bích.
Bây giờ thì... Hình ảnh bọn nhỏ nhìn theo xe cô Bích cứ hiện ra trước mắt, cứ như là thầy đang đứng trong đám nhóc đó mà cùng nhìn theo với nỗi thất vọng không che giấu.
Hay tin thầy Cường nộp đơn nghỉ việc, cô Bích buồn vì tiếc công mình yêu bấy lâu, tưởng người sâu sắc lắm, ngờ đâu cũng cạn cợt thôi. Trả lại để mình bị tống về tổ trồng rau thì còn ai ở lại với bọn nhỏ? Cô nhắn tin cho thầy: “Chứng tỏ mình đàng hoàng bằng cách bỏ đi thì dễ thôi, mọi người đã làm rồi đó, vậy nên quanh bọn nhỏ toàn là ma quỷ”.
***
Tôi khi đó học lớp mười một, là một trong những đứa lớn nhất Trường Tình thương. Tôi ghét cô hiệu trưởng mới và các cô thầy giáo mới, bọn tôi đứa nào cũng ghét. Mà ghét cô Bích nhất vì từng thương quý nhiều.
Tôi đầu têu mấy đứa phản ứng bằng cách cố tình hát sai và lấy cớ nhức đầu đau họng để gây lộn xộn.
- Quan trọng gì hát hò đâu cô - Tôi hỗn láo thẳng thừng - Để thời gian học môn toán môn văn.
- Nói vậy thì môn toán môn văn em có học đàng hoàng không? - Cô Bích hỏi lại.
Tôi không trả lời. Nhắc tới môn toán môn văn chỉ là để chứng minh môn nhạc là đồ bỏ đi. Tôi đã định bụng rồi, bán vé số hay bưng bê chạy bàn cũng sống được, không cần miếng cơm chực ở Trường Tình thương này.
Giờ ra chơi, cô Bích giữ lại tôi trong lớp.
- Em mà bỏ đi thì mấy đứa nhỏ sẽ bắt chước theo. Rồi tương lai ra sao? Nghe lời cô đi, ở lại trường có tệ tới mấy cũng vẫn hơn vỉa hè, lại còn được học hành. Cố gắng thêm năm nữa thi đậu đại học hay cao đẳng rồi hẵng đi.
Lời lẽ hay ho từ miệng người đạo đức giả nghe thật khó chịu, tôi gật đầu nhanh để khỏi phải nghe cô nói nữa.
Nhưng may mà tối hôm đó khi tôi ôm ba-lô quyết ra đi thì gặp thầy Cường ngay cổng.
Quý mến thầy nên tôi chịu trò chuyện và lắng nghe, rồi thầy cho tôi đọc tin nhắn cô Bích gởi.
Thầy trò cùng chảy nước mắt. Thầy nói hối hận vì đã lỡ nghỉ việc bỏ cô Bích ở lại đơn độc một mình. Tôi nói may mà gặp thầy chứ không thì tôi phụ lòng cô Bích mất rồi.
Nguyên Hương
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |