Chi tiết tin tức

Nói dối

20:52:00 - 07/02/2020
(PGNĐ) -  Ba tôi hiền lành chăm chỉ làm ăn, thương vợ thương con, chỉ mỗi tội có tính chi li quá. Má kể hồi chị em tôi còn nhỏ, cái tính chi li này thường ngày không sao, vì má cũng là người biết tiết kiệm.

 

 

Nhưng mỗi mùa Tết đến là má điên đầu vì phải mua sắm bao nhiêu thứ mà món nào ba cũng hỏi giá tiền bao nhiêu rồi lắc đầu tắc lưỡi. Cái lắc đầu tắc lưỡi khiến má buồn lắm, khác nào bị chê đàn bà gì mà hoang phí.

 

Mùa cuối năm, không khí trong nhà đầy mâu thuẫn vì chị em tôi hớn hở đợi má đi chợ về để được thử đồ mới, để rồi tới khi xúng xính săm soi trước gương thì đụng phải đôi mắt của ba nhìn tới với câu hỏi “Đôi giày đó bao nhiêu vậy?” và khi má trả lời xong thì mọi hớn hở xôn xao lặng xuống vì ba lại lắc đầu tắc lưỡi cứ như chị em tôi xí xọn quá và má nuông chìu con quá. Rồi thì má cũng tìm ra cách để giữ cho cả nhà được vui vẻ bằng cách nói dối. Ba hỏi món nào má cũng nói giá phân nửa thôi. Kể cả áo quần mới của ba má cũng nói giá phân nửa thì ba mới chịu mặc!

 

Nhưng má lấy gì bù đắp lại cho sự báo giá rẻ đó? Tôi hỏi. Má cười, sống với nhau mấy mặt con, biết tính nết quá rồi cho nên má phải tính trước cả năm. Buôn bán lặt vặt có đồng ra đồng vô, má giấu mỗi ngày một ít, và thường ngày đi chợ bỏ hũ một vài đồng, dồn lại cả năm cũng được một món để thêm vô mua sắm Tết. Tôi cay mắt hình dung người phụ nữ của gia đình là má vì tìm mọi cách xoay xở sao cho ông chồng chi li thái quá được hài lòng và các con mình được ăn ngon mặc đẹp.

 

*
Chị em tôi lớn lên, đi làm, tự mua sắm đầy đủ cho mình và cho cả ba má. Tưởng là má không cần bận tâm tính toán tiền bạc và phải giấu giếm ba nữa, nhưng không ngờ gần ngày đám cưới tôi, má thì thầm: “Có năm chỉ vàng cho con nè. Cất riêng để dành phòng khi nghe con”. Đã biết yêu và biết chấp nhận điểm yếu của người mình yêu mà tôi không cầm được nước mắt khi cầm mấy chỉ vàng chắt chiu gom góp của má. Thấy thương má kinh khủng và oán trách ba làm ra tiền để làm gì mà vợ phải khổ sở chắt bóp dành dụm lén lút kiểu này.

 

*
Làm vợ và làm mẹ, tôi trưởng thành hơn để thương má nhiều hơn và biết thông cảm cho tính cách của ba. Nhân vô thập toàn. Ai trên đời này cũng có điểm yếu và điểm yếu của ba tôi là vậy. Rồi thì tôi cũng giống má, để món quà Tết được trao nhận trong không khí tươi mát vui vẻ cho cả đôi bên, tôi bắt chước má nói dối về giá cả. Hộp trà sen giá bốn trăm tôi nói hai trăm. Bộ ấm trà một triệu, ba hỏi bao nhiêu tôi nói năm trăm. Ba gật gù khen, ờ, đàn bà đi chợ mua đồ biết trả giá biết chọn hàng quán bán đúng giá là giỏi, hôm qua ăn tất niên nhà hàng xóm cũng có bộ ấm trà giống như vầy mà nghe nói cả triệu bạc, phí tiền. Ba nhấm nháp khen trà sen pha trong bộ ấm mới này ngọt hơn thơm hơn còn má con tôi nhìn nhau sau vai ba mà mỉm cười. Ngay lúc đó, bỗng tôi thấy thương ba kinh khủng. Ba chi li không phải chỉ cho bản thân mình mà còn là tiếc tiền giùm con cái.

 

Chuyện đáng kể ra đây là năm ngoái vợ chồng em trai tôi giận nhau, căng thẳng quá nên quên này quên kia và quên luôn mẩu giấy ghi giá tiền vẫn còn trong hộp đựng giày. Em dâu nói với ba là giá tám trăm ngàn trong khi mẩu giấy ghi số hai triệu.

 

Sự việc vỡ lỡ, thôi thì trên đà biện hộ cho em dâu nên tôi cũng khai thật luôn là chính tôi đây cũng đồng lòng “lừa dối” cho ba vui. Tôi phân bua đó là lời nói dối vô hại. Ba giận đến nỗi không mặc cái áo sơ mi tôi tặng và không thèm nhìn mặt vợ chồng tôi luôn, hai đứa con nhỏ của tôi cũng bị vạ lây, mếu máo kể tụi con khoanh tay chào mà ông ngoại không khen cháu của ông ngoan quá như vẫn thường. Tết năm ngoái tôi tới nhà rón rén chúc Tết má dưới bếp, còn ba thì ngoảnh đi nơi khác mỗi khi tôi tới gần.

 

Nay, gió mùa cuối năm lại thổi về. Tôi hỏi má làm sao để ba hết giận đây? Má cười, mới tháng trước vẫn còn giận ghê lắm, dằn đi dằn lại đâu phải một đứa mà là cả con cái dâu rể cùng lừa dối thì tức chết đi được, nhưng hôm đầu tháng Chạp đi chùa nghe giảng kinh phước đức, thầy nói nhiều người được phước mà không biết hưởng nên thành ra vô phước. Nghe mà tự nhiên giật mình, như có ai gõ chuông vô đầu cho tỉnh ra, đúng là đó chứ còn ai nữa. Nghĩ đi nghĩ lại, vợ con dâu rể đồng lòng làm cho mình vui mà sao mình lại không vui? Mà cái vụ nói dối này suy cho cùng là tại mình chứ nào phải tại ai.

 

Giọng má tươi tắn qua điện thoại, năm nay mấy đứa con tặng quà không phải nói dối nữa đâu, nhưng đừng nghe nói vậy mà mua sắm hoang phí nghe chưa. Tôi đáp lời, tụi con là con của ba mà, không giống lông cũng giống cánh! Má và tôi cùng cười vang. Tặng quà khó nhất là sợ mình chọn trúng món mà người nhận không thích cũng không cần, tụi con là người nhà nên không khách sáo làm chi, hãy cho con biết Tết này ba má thích gì nè?
Thích gì hả? Ờ, mấy đứa tặng ba má bình bông thật đẹp để lên chùa cảm ơn Phật có bài kinh phước đức hay quá chừng.

 

Nguyên Hương

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin