Chi tiết tin tức

Cầu tre đi qua

20:08:00 - 13/09/2015
(PGNĐ) -  Cưới xong là hai vợ chồng Mỹ lên Sài Gòn lập nghiệp. Tụi trẻ là thế, sống ở quê với con mắt chỉ nhìn thấy những vườn cây, ruộng lúa, đi qua mấy chiếc cầu tre lắt lẻo là đứa nào cũng cảm thấy như lòng bất an.

 

cau tre.jpg
Ảnh minh họa

Hai vợ chồng bà Mận vốn là người dân quê chân chất, nuôi con bằng những giọt mồ hôi đổ trên đồng, trên vườn cây mùa nào trái nấy. Ông Mận vốn bản tính dung dị, buổi sáng đạp chiếc xe đạp cũ kỹ như không thể nào cũ hơn đi ra vườn. Ông yêu từng mầm xanh mới nhú cho đến khi chúng trở thành một cây cao, trĩu trái. Lạ cho cây cỏ như cũng có cái tình với người trồng, khi được yêu thì sẵn sàng cho quả ngọt. Nào là mít, sầu riêng, chôm chôm, chanh, ổi, mận…

Nhiều người kể là khi ông Mận làm đơn xin xã được khai hoang miếng đất nằm xa hút dưới chân núi ấy, ai cũng cười ông vì mảnh đất đó thuộc loại cỏ tranh cũng không mọc, nước thì trông vào những cơn mưa. Vậy mà ông cứ miệt mài hàng ngày nhặt từng viên đá, đánh đất cho tơi. Rồi ông đào một hồ nước ngay giữa vùng đất ấy, để cả 10 năm ròng gây một vườn cây. Vườn cây cứ thế mà ra trái, tạo thu nhập cho gia đình, cho hai đứa con đi học, bước ra khỏi cái làng nghèo.

Mỹ là con gái đầu, con bé ngoan hiền và thương yêu cha mẹ. Nó rời làng quê như nhón chân bước qua chiếc cầu tre, vào một nơi khác, chốn khác. Ông Mận cũng tự hào bởi Mỹ là đứa con gái đầu tiên trong cái làng nhỏ này vào Sài Gòn học. Nó cùng bạn bè thuê căn phòng nhỏ, trong một khu vực cũng toàn là sinh viên, hàng ngày đạp chiếc xe đạp len lỏi giữa những con phố rộng đến trường. Con bé học sáng dạ, ngay năm đầu tiên đã lấy được học bổng, để rồi khi lãnh tiền hồn nhiên đem về nhà: “Thôi mẹ cất đi, con không biết xài tiền”.

Nhưng đó là chuyện ngày xửa ngày xưa. Giờ thì bao nhiêu lần con bé bảo ba mẹ bán đất bán ruộng lên Sài Gòn ở với tụi con, bởi bề gì thì thằng em kế là Phụng cũng đã lập gia đình, thằng này lấy vợ xong theo vợ ra tận Hà Nội, xa tít mù mà cũng có thời gian về thăm ba mẹ. Bây giờ thì kinh tế gia đình không còn khó khăn, bà mở hẳn cái hàng tạp hóa, bán đủ thứ trên đời cho hàng xóm. Có khi đã đóng cửa vẫn có tiếng đập cửa mua vài điếu thuốc, mua xị rượu bà vẫn phải bán. Nhưng bán buôn cũng có cái vui của nó, bởi bao nhiêu cái sự đời tưởng chừng bị giấu kín trong các bức tường lại trở thành chuyện thời sự của mọi người, họ tới hàng tạp hóa của bà vừa mua hàng vừa kể chuyện, giống như nếu họ không nói được ra thì lòng họ nặng trĩu.

Con cái lập gia đình, sống quen ở phố, mùa hè thì vợ chồng nó đưa con đi du lịch, hỏi: “Ba mẹ lập facebook đi, để con bắn hình cháu cho xem”. Nó gởi về cho cái iPad, nhờ con cháu lập cho cái face để trực tiếp… truyền hình gọi là đỡ nhớ con cháu. Ngóng đợi mấy ngày Tết, nó cũng về ngày mùng ba, thuê khách sạn ở phố, lý do là mấy đứa con quen ngủ máy lạnh, nhà má không có máy lạnh… Tụi nó ghé nhà như khách đi thăm, đem quà cáp đầy nhà, cũng ở lại nấu nướng, ăn uống xong rồi lại leo lên ô-tô ra phố. Nhìn cái cầu tre, nó nói: “Để con tài trợ làm chiếc cầu xi-măng má há”. Nó nói thế chứ có thấy nó tài trợ gì đâu.

Cả năm rồi nó không về, nó bảo: “Con mua vé tàu má vào ở với con một tháng nghe má? Cái bà giúp việc xin nghỉ rồi mà con tìm chưa ra người làm”. Nó nói thế mà bà mừng, nhưng nghĩ lại thì nó kêu bà vào với nó giống như thay thế con nhỏ giúp việc đã nghỉ đó mà. Nhưng đã là mẹ, là bà thì tình yêu thương con cháu lớn lắm, người ta so sánh với biển vẫn chỉ là so sánh, còn tình yêu này là mênh mông. Đi, nhưng bà vẫn lo cho ông. Tính ông ngủ hay quên đóng cửa nhà, ăn uống thất thường… không có bà chắc ông lại thức khuya, cứ mì gói mà ăn. Ông cười: “Bà làm như tui còn con nít, đầu tui bạc trắng rồi đây nè”.

Bà lên xe lửa, loay hoay tìm chỗ. Con gái cẩn thận mua cho mẹ vé giường nằm tầng một. Chiếc nệm êm. Quanh bà là cả một gia đình đi du lịch về, cả đêm họ nói chuyện ồn ào, bà cứ loay hoay cả đêm trong cái âm thanh hỗn độn đó.

 ***

Mới có nửa tháng mà bà thấy ngày dài thăm thẳm. Sao bà lạc lõng như bà đang ở trên một vùng biển lạ, dẫu đây là nhà của con bà. Căn nhà đẹp, nằm ở một khu phố yên tĩnh, nghe nói khu phố này phải lắm tiền mới mua được. Căn nhà luôn mát lạnh bởi điều hòa mở cả ngày, bếp gas âm bên dưới sáng choang, chả bù cái bếp củi ở nhà, khói bám đen cả mấy chiếc nồi, chảo. Vào bếp, bà hý hoáy đúng chất một người nhà quê. Bà không quen với ngọn lửa gas, nhưng rồi bữa ăn cũng xong. Con gái nhăn mặt khi húp canh: “Mẹ bỏ bột ngọt nhiều quá, ăn không tốt đâu”. Thằng cháu ngoại thì dằm dằm miếng thịt: “Con không thích, con không thích…” Bà vụng về nói: “Mai mẹ sẽ nấu lại…”.

Còn biết bao nhiêu chuyện nữa, tỉ dụ như con gái dặn bà vào siêu thị mua đồ ăn, bà lại thấy cái chợ nhỏ. Bà vào đó. Trong cái ồn ào, cái chen lấn của chợ là một không gian sống, bà yêu không gian sống đó, thế là bà vào đó mà mua. Đem về, con gái trở qua trở lại cái đùi gà: ‘Mẹ mua gà này chưa có dấu kiểm dịch”. Nó ném cái đùi gà vào sọt rác không thương tiếc.

Hai đứa cháu ở nhà với bà. Lưng bà đau, nhưng để cho cháu vui, bà cúi xuống làm ngựa cho cháu. Thằng cháu hồn nhiên: “Bà già quá, bà làm ngựa chạy chậm quá”. Bà mệt, nhưng bà vẫn chìu cháu, dắt cháu đi vòng vòng công viên. Nói chung là bà trở thành osin với trăm việc vô hình. Vậy mà không hiểu tại sao bà vui đến thế.

Thằng cháu học ở trường quốc tế, cái trường toàn bàn ghế sơn màu xanh đẹp đẽ, cô giáo cũng đẹp đẽ. Cái trường có anh bảo vệ trẻ mở cửa ô-tô cho học trò, bà đưa cháu bằng ô-tô. Bà muốn đưa nó lên tận lớp, nó nói: “Thôi bà về đi, cháu không thích bà đưa lên đâu”. Lời nói của trẻ vô tình mà trái tim bà nhoi nhói. Thằng cháu đi học bơi, cái lớp bơi nằm trong khuôn viên nhà văn hóa, nó bảo: “Bà không biết bơi phải không?”. Bà trả lời bà biết bơi trên con sông từ nhỏ. Nó reo lên: “Con biết rồi, cô nói con sông nó dài lắm, nó chảy nước ra biển. Con cũng thích bơi trên sông”. Đó là bà vui.

Tối tối hai vợ chồng con gái nhờ bà giữ con cho hai đứa đi xem phim. Bà không thích xem tivi, bà chỉ muốn nằm nghe cây lá trong vườn xào xạc. Con nhỏ cháu sà vào lòng: “Bà ơi, kể chuyện con nghe”. Bà đọc, nó bỗng nhìn bà: “Sao bà ở nhà cháu lâu vậy? Sao bà không về đi”. Bà bỗng giật mình.

… Bà về nhà, bà bước chân lên cầu tre. Cái cầu tre khó đi như vậy mà sao bà bước nhanh hơn con phố Sài Gòn. Bà ngả mình trên chiếc võng, mà sợi dây cột võng đã làm mòn nhẵn cái cột, bà thấy êm ái hơn trong căn phòng đầy tiện nghi của con mình…

Khuê Việt Trường

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin