Chi tiết tin tức Có ai gõ cửa 17:11:00 - 22/10/2017
(PGNĐ) - Một sáng đẹp trời bỗng có chuyện động trời. Chị mở cửa nhà và thấy ở thềm hiên chồng đang nằm sõng soài bất động. Phản ứng đầu tiên chị kêu cứu bà con xóm làng. Cho đến khi người ta khẳng định chắc chắn trăm phần trăm chồng chị đã lạnh đơ thì chị mới tỉnh táo ra được đôi chút. Phải tỉnh táo thì đúng hơn vì mấy chục cặp mắt săm soi nhìn chị. Phải tỉnh táo để trả lời mấy câu hỏi nửa tò mò nửa nghi ngờ.
- Đêm qua anh đi đâu chị biết không? - Anh về lúc nào chị biết không? Câu đầu tiên chị biết, anh đi nhậu, chắc chắn. Người ta tin, vì lúc này mùi rượu vẫn còn nơi thi thể. Câu thứ hai chị không biết, đêm qua chị thức đến gần sáng nhưng không hề nghe tiếng gõ cửa. Yên tâm anh nhậu say ở lại đâu đó nên chị thiếp ngủ luôn. Câu trả lời này không ai xác minh được giúp chị. Chị không nghe gõ cửa, hay chị nghe mà làm lơ để chồng ngủ luôn ngoài hiên cho bõ ghét. Mà dù người ta có tin lời chị đi nữa, thì kể ra chị cũng vô tâm. Chồng đi nhậu khuya không thấy về thì phải đi tìm chớ. Hoặc chí ít sợ ngủ quên cũng mở cái cửa ra để chờ sẵn chồng về. Tội nghiệp! Người chết bao giờ cũng được những lời thương hại. Ai nhắm mắt rồi cũng thành tốt cả. Người sống thì luôn bị gán những lỗi lầm. Đời là dây oan. Người ta đâu có sống chung với anh để biết một tay guitar chơi trong ban nhạc thường về nhà muộn trong men say. Cái ban nhạc bình dân tầm tầm cỡ vùng quê khá đắt sô nhưng không mấy đắt tiền. Dân nghệ sĩ mà, có chơi là vui rồi, có cống hiến cho bà con là ngon rồi. Nhiều khi đánh xong một đêm nhạc chỉ lấy về nắm xôi với khúc chả heo, tới sáng hôm sau chị mở đùm lá xôi đã khô cứng và khúc chả bị mèo moi ruột đêm qua. Nhưng chị không đòi hỏi gì ở anh. Miễn anh vui là được. Mình chị bán buôn đủ nuôi ba người. Sự cam chịu lâu dần thành một thứ cảm giác dễ chịu, coi như trách nhiệm gia đình chị lo hết. Từ chuyện chạy chợ đến việc chăm sóc con. Chuyện bữa cơm hàng ngày cho đến việc cúng giỗ quanh năm, đi tiệc tùng đó đây. Thế nên anh mất đi chị không đến nỗi khốn đốn chật vật. Thậm chí chị còn rảnh ra được cái khúc buổi tối khỏi phải ngồi trông chồng. Khỏi phải chờ nghe tiếng gõ cửa giữa đêm khuya. Nhưng như thế không có nghĩa là ngủ ngon, sau đám tang chị mất ngủ dài dài. Giá như cái đêm định mệnh đó chị đừng ngủ thiếp đi, có khi cứu được chồng cũng nên. Hoặc, giá như lúc phát hiện, chị gắng hết sức kéo cái xác anh vào trong nhà, đặt lên giường ngay ngắn. Người ta sẽ dễ chấp thuận cái chết đó tự nhiên hơn, ít ra là không gán cho chị cái tội vô tâm. Chỉ tiếc chị không đủ mưu mô như đời bày vẽ. Và chị cũng không có cách nào chứng minh được rằng đêm đó không nghe tiếng gõ cửa. Đêm đó ngoài chị, trong nhà chỉ còn đứa con gái năm tuổi ngủ êm ru. Đứa con gái tất nhiên không giúp chị minh oan được điều gì. Ký ức về cha của đứa con gái được gầy lại bằng những lời kể của bà con xóm làng. Tới khi nó nhận thức được, thì những tưởng tượng về cha cũng không có gì tốt đẹp ngoài chuyện đó là một người đàn ông bỏ bê trách nhiệm gia đình, thường nhậu say và đi về rất khuya. Nhưng người như thế cũng đâu quá tội lỗi tới mức đáng bị để quên ngoài hiên nhà cho đến chết, phải không mẹ? Đứa gái con chị thỉnh thoảng nhìn mẹ rất lâu bằng ánh mắt nghi ngờ. Có phải mẹ vô tình giết cha? Đứa con không tin lời mẹ kể mà tin nhiều hơn vào những lời đồn đoán của bà con xóm làng. Đứa gái càng không tin lời mẹ vì nó nhận thấy mẹ rất ít khi kể về cha. Thứ ký ức mà đứa con đáng lẽ phải được mẹ thêu tạc thật đẹp về một người cha đáng yêu. Và đứa gái tin mẹ nó không dành nhiều tình cảm cho cha. Đứa gái thường đi chơi đêm với đám bạn la cà đua xe lạng lách. Chị không dám can ngăn nửa lời vì sợ chỉ một chút tổn thương, nó sẽ bỏ luôn chị mà đi. Chị nuôi con gái như giữ một cái bình pha lê quý đặt trên bục cao, mong manh, rung rinh. Từ khi con gái sa đà theo đám bạn, chị không còn khóa cửa ban đêm, chỉ khép hờ. Vậy nên đứa gái không thèm gõ cửa mỗi lần về đến nhà, nó chỉ giật nắm tay là hai cánh cửa đã bung ra. Chỉ đến lúc đó chị mới thở phào và yên tâm ngủ. Có lần con gái hỏi sao mẹ ngủ không khóa cửa. Chị bảo nhà có gì đâu đáng giá mà phải khóa, hơn nữa, để thế lúc nào con về thì khỏi gõ cửa. Đứa con không chịu, bảo như thế là mẹ không muốn chờ con, mẹ để mặc con ưa về lúc nào thì về. Mẹ bỏ mặc con như đã từng bỏ mặc cha. Câu nói của đứa gái khiến chị chạnh lòng, nhưng lại mỉm cười ngay. Chí ít con gái còn cần sự quan tâm của mẹ. Tất nhiên đêm sau chị khóa cửa nằm đợi con. Tiếng gõ cửa như một tín hiệu ấm áp. Nhưng chỉ được ba đêm. Đêm thứ tư chị không chờ nổi con gái về nên ngủ thiếp. Đêm đó đứa gái không ngủ ở nhà, không ngủ ở hiên. Sáng hôm sau chị bàng hoàng suy xét xem đêm qua có nghe tiếng gõ cửa nào không. Đáp lại thấp thỏm lo lắng của mẹ, đứa gái về nhà nói nhẹ bâng rằng tối qua con ngủ ở nhà nghỉ. * Mười tám tuổi, đứa gái được tòa mời ra làm đại diện duy nhất của người bị hại. Đứa gái ngơ ngác dự phiên tòa và không đòi hỏi đền bù. Vì nó đã tìm được câu trả lời giúp mẹ, hay là giúp nó nhẹ nhàng hơn. Vụ án mười ba năm trước giờ khởi tố vì nhóm thủ phạm ra đầu thú. Cái đêm đó nhóm thủ phạm đã lỡ tay đánh chết một người say rồi đưa về đặt ở hiên nhà. Đêm cha nó chết, chính xác không hề có tiếng gõ cửa nào. Yên tâm. Hoàng Công Danh
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |